Bồi thẩm đoàn (Juror 8) là bộ phim thuộc thể loại pháp lý được dựa trên phiên tòa nhân dân đầu tiên diễn ra vào năm 2008 tại quận Deagu, Hàn Quốc. Phim phát sóng vào năm 2019 và nhận về cho mình nhiều giải thưởng lớn cũng như đạt số điểm cao trên IMDB.
Bồi thẩm đoàn và một kịch bản phim đầy hấp dẫn
Phim mở đầu bằng sự xuất hiện của vị nữ thẩm phán trưởng Kim Joon Gyeom (Moon So-ri thủ vai) đang tiến vào trung tâm tòa án quận Seoul, nơi có rất đông phóng viên đợi phỏng vấn. Tuy nhiên, trang phục cô mặc khá giản dị nên phần nhiều đã không nhận ra.
Chi tiết này đã cho khán giả thấy được sự chuyên nghiệp và tác phong làm việc của Kim, thông qua đó họ cũng hiểu rằng đây là một vị thẩm phán khéo léo và công minh. Cô không muốn để lộ thân phận để tránh những rắc rối không đáng có khi phiên tòa còn chưa bắt đầu.
Sở dĩ vụ án lần này thu hút dư luận bởi vì đây là sự kiện đầu tiên mà người dân được tham gia vào quá trình xử án với vai trò là bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử. Hình thức này khi vừa mới được công bố đã dậy lên sự tò mò, phấn khích cũng như tiêu tốn nhiều bút mực của báo chí.
Khi vào trong khu vực làm việc, cô được đồng nghiệp dẫn đến chào hỏi vị Chánh án lớn tuổi. Ông ấy nói rằng việc để người dân tham gia vào phiên tòa đúng là trở ngại lớn cho các nhà tư pháp và tỏ ra không tin tưởng về khả năng của cô khi điều hành phiên tòa lần này.
Đứng trước sự nghi ngờ, thẩm phán Kim tuy im lặng nhưng lại được người bạn bên cạnh hết lòng nói giúp và khen ngợi tài năng của cô trước mặt Chánh án nhằm thuyết phục ông. Hình ảnh này đã cho người xem thấy được sự tử tế rất ấm áp giữa người với người mà không hề có sự ganh đua nào.
Sau màn chào hỏi với cấp trên, thẩm phán Kim đã lập tức vào việc và tiến hành điều phối các bộ phận liên quan. Công việc đầu tiên là lựa chọn bồi thẩm đoàn đã gặp trở ngại nên khi người của tòa án liên hệ được với ứng cử viên số tám, cô đã trực tiếp phỏng vấn để chọn lựa.
Tuy vậy, màn phỏng vấn ứng cử viên Kwon Nam-woo (Park Hyung-sik thủ vai) lại diễn ra không tốt như mong đợi, anh ta được các thẩm phán trưởng và trợ lý đặt một số câu hỏi cho vị trí bồi thẩm viên nhưng đã lúng túng và trả lời sai ngay từ câu trả lời đầu tiên.
Tưởng rằng anh ta sẽ lấy lại được bình tĩnh nhưng không, câu hỏi thứ hai Nam-woo lại tiếp tục phân vân và không biết cách trả lời. Đến lúc này thì thẩm phán Kim đành phải tự mình đặt câu hỏi thứ ba cho anh chàng, đơn giản rằng tại sao chúng ta lại cần đến pháp luật.
Đáng tiếc, anh chàng chỉ trả lời một cách máy móc rằng chúng ta cần để trừng phạt tội phạm. Đối diện với câu nói có nhiều phần sai sót của Nam-woo, thẩm phán Kim đã chỉ dẫn rất rõ ràng và để lại một bài học mà về sau đã trở thành chỉ dẫn cho cả hai.
Trong bài học đó, thẩm phán Kim đã nói rất rõ rằng luật pháp tồn tại không phải để trừng phạt con người và một người ở trước bục khai báo, có thể chính họ đang gặp oan khuất mà không thể biện minh.
“Luật pháp tồn tại không phải để trừng phạt con người. Có thể trừng phạt con người mà không cần chuẩn mực nào không? Họ có thể bị kết tội oan. Vì thế để tránh kết tội oan và thiết lập được chuẩn mực, chúng ta mới cần đến pháp luật.” – Kim Joon Gyeom
Dù Nam-woo không trả lời tốt ở ba câu hỏi nhưng anh đã được chọn và bắt đầu trải nghiệm đáng nhớ khi trở thành bồi thẩm viên cùng với bảy người khác. Trước khi vụ án diễn ra, họ là tám công dân bình thường với xuất thân khác nhau nhưng giờ lại nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Cùng với trách nhiệm và nỗ lực, họ tiến vào hành trình tìm ra sự thật bằng những cách thức riêng của mình. Bắt đầu từ đây, vô số những tình tiết hấp dẫn xen lẫn hài hước lần lượt được mở ra trong Bồi thẩm đoàn.
Phiên tòa đầu tiên tại Hàn Quốc có sự tham gia xét xử của người dân
Một ngày cuối tháng Chín năm 2008, tám thành viên bồi thẩm đoàn được chụp một bức ảnh lưu lại sự kiện đáng nhớ này. Khi phiên tòa chuẩn bị diễn ra cũng là lúc họ được phổ biến đầy đủ về cách thức tham dự lẫn hướng dẫn về việc đưa ra mức án phù hợp cho phạm nhân.
Mở đầu phiên tòa, thẩm phán trưởng Kim giới thiệu về lần đầu tiên người dân Hàn Quốc tham gia phiên tòa với tư cách bồi thẩm đoàn. Đồng thời, cô cũng cam kết không làm mất đi tính chuyên nghiệp cũng như đảm bảo đánh giá dựa trên sự thật, bằng chứng và pháp luật.
Khi phần tuyên bố kết thúc thì cánh cửa tòa án cũng chính thức mở ra, đưa tám bồi thẩm viên vào vị trí mà cả họ lẫn người dân Hàn Quốc đã chờ đợi từ lâu. Mười một giờ tám phút sáng đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong nền tư pháp Hàn Quốc khi phiên tòa này chính thức diễn ra.
Nhân vật ở phía đối diện bồi thẩm đoàn chính là bị cáo Kang Doo Sik, một người bị cáo buộc tội giết người và được công tố viên trình bày cụ thể. Đứng trước một tình huống nghiêm trọng như vậy, không chỉ các bồi thẩm viên lần đầu tham dự xét xử mà người tham dự cũng chú ý lắng nghe.
Theo đó, hồ sơ viết rằng bị cáo Kang được cho là đã giết mẹ ruột của mình vì tranh cãi về vấn đề tiền bạc. Sau khi gây ra tội ác, hắn ta ngụy tạo thành một vụ tai nạn và giả vờ cầu cứu cảnh sát rồi chạy trốn, may mắn là hắn đã té đến bất tỉnh và âm mưu này cũng không thành.
Tỉnh dậy sau ba ngày phẫu thuật xuất huyết não, Kang Doo Sik không hề nhớ bất cứ điều gì và luật sư bào chữa cũng cho rằng đây thật sự là một vụ tai nạn. Ông ta còn đưa ra một đoạn băng trong đó ghi lại việc bị cáo Kang không hề nhớ bất cứ điều gì liên quan đến vụ án trước đó.
Sau phần trình bày của luật sư, vị công tố viên đã tiến hành yêu cầu bồi thẩm viên Nam-woo đọc bức thư tự thú của bị cáo trước tòa. Tuy bất ngờ nhưng anh vẫn chậm rãi đọc, nội dung ghi rõ việc Doo Sik muốn cắt đứt quan hệ với mẹ mình vì cho rằng bà đã hủy hoại cuộc đời của hắn ta.
Khi Nam-woo còn chưa đọc hết thì bị cáo bỗng trở nên kích động và gây náo loạn, thẩm phán Kim đành cho phiên tòa tạm hoãn để hắn ta bình tĩnh. Có được chút thời gian nghỉ ngơi, các thành viên bồi thẩm đoàn đã cùng ăn cơm và trò chuyện về vụ án.
Trong lúc trò chuyện, họ đã vô tình tách ra làm hai phía khác nhau khi một bên cho rằng anh ta đang nói dối, một số lại chấp nhận tin tưởng vì người thân của họ cũng từng gặp trường hợp liên quan.
Khi mọi người còn đang bận tranh luận thì Nam-woo gặp sự cố nên phải lẻn ra ngoài để làm việc riêng, có điều cậu đã không nhận ra mình đi lạc vào khu giam giữ phạm nhân và vô tình tìm được một chi tiết đầy quan trọng, thứ gây ảnh hưởng trong suốt quá trình tranh tụng về sau.
Những tình huống bất ngờ và căng não trong Bồi thẩm đoàn
Không ai biết Nam-woo đã vô tình gặp bị cáo nên khi tìm thấy anh, họ rất vui mừng vì phiên tòa tiếp theo đã sắp đến giờ. Thẩm phán trưởng Kim Joon Gyeom cũng không quên “lên dây cót” tinh thần của mọi thành viên thêm một lần nữa.
“Như các vị đã biết, bị cáo đã phủ nhận mọi cáo trạng, vì thế từ giờ đây sẽ là phiên tòa xác định xem anh ta có tội hay không. Thế nên các bồi thẩm viên xin hãy nhớ giả định vô tội cho đến khi kết thúc và đừng vội kết luận rằng bị cáo có tội.”
Phiên tòa đã diễn ra với báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi của bên pháp y, những tưởng đây sẽ là đầu mối để mọi người kết án nhưng vị bồi thẩm viên số sáu vô tình phát hiện một tình tiết sai sót và đứng dậy phản bác, có điều sự kích động đã khiến ông bị mời ra khỏi phiên tòa.
Trong đó, bồi thẩm viên số sáu với nhiều năm kinh nghiệm ướp xác đã dùng mọi dẫn chứng có thể để phản bác rằng nạn nhân không hề bị thương do búa của Nam-woo gây ra, chỉ tiếc là quan điểm này đã bị bác bỏ vì ông không có giấy chứng nhận hành nghề.
Tuy mất đi một người nhưng Nam-woo không hề nản chí mà còn nảy sinh ra một ý nghĩ, anh đã không do dự khi mời thẩm phán trưởng kiểm tra xem bị cáo có khả năng dùng búa hay là không thể, chính sự cố đi lạc đã khiến anh nhận ra người đàn ông này không hề có ngón tay.
Lúc này, một sự cố đã diễn ra khi chiếc búa mà bị cáo vung lên đã rơi xuống cổ thẩm phán Kim vì hắn ta không có ngón tay để giữ lại. Điều này lập tức khiến cả phiên tòa trở nên hỗn loạn và bản thân Kim Joon Gyeom đã mất khá nhiều máu, cô phải lập tức đến bệnh viện để xử lý vết thương.
Tin tức này nhanh chóng được đưa lên truyền hình và sự quan tâm của dư luận cũng được đẩy lên đỉnh điểm. Thậm chí bồi thẩm đoàn sau khi trở về phòng riêng cũng rất lo lắng, họ liên tục đổ lỗi cho Nam-woo nhưng nạn nhân là thẩm phán Kim lại không hề khiển trách anh.
Bởi vì là một người thẩm phán, cô hiểu rằng ý kiến này đã giúp quá trình luận tội diễn ra nhanh hơn. Chuyện bị cáo có thể vung búa lên cũng đủ để kết luận rằng hắn ta thực sự có tội, vụ án sẽ được kết thúc sớm và phiên tòa này đang giữ trong tay cơ hội viết lại lịch sử tư pháp Hàn Quốc.
Sau khi mọi việc được giải quyết ổn thỏa, phiên tòa lại tiếp tục và nhân chứng cuối cùng trong vụ án là con gái của bị cáo lại là người duy nhất nói rằng hắn ta vô tội. Chỉ tiếc rằng lời nói của cô bé là không đủ thuyết phục khi mọi bằng chứng đều chỉ ra ba của cô chính là kẻ giết người.
Phiên tòa nhân dân đầu tiên đã kết thúc sau tám giờ với phán quyết cuối cùng là tử hình. Mọi người xôn xao và quan tâm rằng phán quyết của bồi thẩm đoàn sẽ ảnh hướng tới phán quyết cuối cùng thế nào, chỉ duy nhất các bồi thẩm viên thì mang trong mình tâm trạng khó tả.
Từ những ý kiến trái chiều đến sự thống nhất của tập thể
Trở về phòng riêng, sáu trong số bảy bồi thẩm viên đều bỏ phiếu bị cáo có tội, chỉ còn Nam-woo chần chừ không đưa ra quyết định. Anh luôn cảm thấy rằng Doo Sik không có tội và yêu cầu được xem qua biên bản vụ án, từ đây một hướng đi khác được hé mở trong Bồi thẩm đoàn.
Lúc đầu, tất cả mọi người đều khó chịu trước sự cố chấp của Nam-woo, họ bận việc riêng và muốn mau chóng về nhà nên đốc thúc Nam-woo bỏ phiếu có tội. Tuy nhiên, sau khi cùng tìm hiểu thì chính họ lại bị thuyết phục trước những bằng chứng và suy luận của anh.
Cuối cùng, cả nhóm đã cùng lập kế hoạch khảo sát hiện trường nhưng lại gặp ngăn cản từ phía thẩm phán Kim, chỉ đến khi Nam-woo nhắc lại câu nói của cô rằng pháp luật sinh ra là để tránh kết tội oan thì họ mới được phép tiến hành.
Càng về cuối phim thì những tình tiết bất ngờ, những giọt nước mắt và niềm vui càng lúc càng xuất hiện. Đáng tiếc là đạo diễn chỉ dành những chi tiết quan trọng nhất cho phút cuối, điều này đã đòi hỏi khán giả phải hết sức tập trung, để rồi như vỡ ra trước phần kết thúc không thể bất ngờ hơn.
Thành tích phòng vé và những giải thưởng của Bồi thẩm đoàn
Bồi thẩm đoàn thực sự đã thổi luồng gió mới vào dòng phim pháp lý vốn khô khan. Những màn đối thoại nghiêm túc lại ẩn trong đó những bình luận hài hước, giúp tạo tiếng cười cho khán giả và mang đến sự hưởng tích cực khi chỉ sau hai tuần lễ, phim đã thu về gần hai triệu đô.
Cùng với thành công của bộ phim, có thể kể đến hai diễn viên chính đã làm tạo nên giá trị cho Bồi thẩm đoàn là Moon Su-ri và Park Hyung-sik. Một người là nữ diễn viên kỳ cựu, một người là ca sĩ và đang chập chững lấn sân Điện ảnh nhưng cả hai lại có màn phối hợp vô cùng ăn ý.
Đặc biệt hơn, Park Hyung-sik còn liên tiếp chiến thắng hạng mục Diễn viên được yêu thích nhất ở giải Rồng Xanh 2019 và Giải Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Hàn Quốc dù kinh nghiệm chưa nhiều.
Ngoài sự kết hợp của hai diễn viên chính thì Bồi thẩm đoàn còn có những gương mặt quen thuộc với khán giả Việt như nữ diễn viên Seo Jeong-yeon, nam diễn viên Kwon Hae-hyo, Tae In-ho, Jo Han-chul.
Giữa rất nhiều màu sắc tương tự nhau thì Bồi thẩm đoàn có thể xem là bộ phim khác biệt nhất khi được đánh giá cao về cả kịch bản lẫn diễn xuất, đem lại nhiều cảm xúc lẫn bài học cho khán giả về sự đồng cảm và cả tình người.
Như Thảo
Như Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất