Thanh khiết, bi thương và nuối tiếc, đó chính là những tính từ có thể phần nào diễn tả được sắc màu chính của bộ phim được gắn với slogan rằng “là câu chuyện tình yêu thuần khiết nhất lịch sử điện ảnh.”
“Em sống thì anh sống. Nếu em chết đi, thì anh cũng chết thật.”
Là bộ phim nghệ thuật lấy bối cảnh thời kì cận hiện đại, dưới sự chỉ đạo và con mắt tinh tường của đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu, Chuyện tình cây táo gai như một vì sao lấp lánh lặng lẽ toả thứ ánh sáng thuần khiết, khác xa với những bộ phim ngôn tình oanh oanh liệt liệt thường thấy ở nền điện ảnh Trung Quốc cùng thời kì.
Chắc cũng vì lẽ đó, bộ phim đã tạo nên một tiếng vang lớn khi đạt doanh thu phòng vé đến 100 triệu nhân dân tệ chỉ sau 16 ngày công chiếu, trở thành một trong những đứa con tinh thần đáng tự hào của đạo diễn họ Trương.
“Dear my hawthorn, why are you so sad?”
“Lần đầu gặp em, anh đã không hiểu vì sao cô gái này lại buồn bã đến vậy.”
Lần đầu tiên Tịnh Thu (Châu Đông Vũ thủ vai) gặp gỡ Tôn Kiến Tân (Đậu Kiên thủ vai) là khi cô chỉ là nữ sinh lớp 8 ở thành phố.
Vì hoàn cảnh gia đình không theo cách mạng nên bố Tịnh Thu bị đưa đi nước ngoài cải tạo, mẹ cô từ giáo viên phải trở thành lao công trong trường học, còn cô thì bị đưa về nông thôn để sinh hoạt và học tập tinh thần cách mạng.
Đối lập với Tịnh Thu, Kiến Tân sinh ra trong gia đình có cha là cán bộ cấp cao, bản thân anh cũng là thành viên trong đội địa chất của tỉnh, gia cảnh lúc đó rất được coi trọng.
Năm ấy, Kiến Tân hai mươi tư, còn Tịnh Thu mười sáu. Năm ấy, một tình yêu trong lành như con suối bên đường, một tình yêu trong trẻo như sương sớm đầu mùa đã nảy nở, yên yên bình bình mà lớn lên.
Nếu để ý một chút, chúng ta có thể nhận ra bộ phim này được xây dựng dưới một thời kì cực kì nhạy cảm trong lịch sử Trung Quốc, đó là thời kì cách mạng văn hoá.
Có thể nói rằng, dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Mao Trạch Đông, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hướng người dân đến một xã hội mà người ta chỉ đề cao cái chung, đề cao tinh thần cách mạng là trên hết, trên tất cả mọi tự do cá nhân, trong đó bao gồm cả tự do về tình yêu đôi lứa.
Chính vì thế, tình yêu của Kiến Tân dành cho Tịnh Thu đã gặp muôn trùng khó khăn và trở ngại, đã để lại một cái kết gây bao nhiêu là nuối tiếc và tang thương.
“Mỗi người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi con người vì sợ mất tình mà giữ trong lòng một nỗi nhớ nhung.”
“Cuối cùng lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại được đời người. Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ lại được người mình yêu.”
Nếu nói rằng, tình yêu mà Tôn Kiến Tân dành cho Tịnh Thu là một dòng suối trong vắt cũng chẳng hề sai. Nếu nói rằng, tình yêu của đôi trẻ ấy được gắn cho một cái tên mỹ miều rằng “là câu chuyện tình yêu thuần khiết nhất lịch sử điện ảnh” cũng không hề sai.
Vì thứ tình yêu ấy, ngọt ngào dịu nhẹ tựa cây kẹo lạc lần đầu Kiến Tân tặng cho Tịnh Thu. Vì tình yêu ấy, Kiến Tân chôn giấu một trái tim cháy bỏng như thứ nham thạch núi lửa chực trào trong lòng để Tịnh Thu có thể yên tâm học tập và được giữ lại giảng dạy trong trường.
Ta có thể cảm nhận được rằng, câu chuyện tình yêu của họ có lẽ sẽ có một cái kết khác hơn, “sáng” hơn, nếu được đặt vào một thời kì khác, chứ không phải ở một thời kì luôn sẵn sàng bóp chết mọi riêng tư cá nhân.
Nếu tình yêu của Kiến Tân được đặt ở bối cảnh hiện đại, có lẽ anh đã được đáp trả một cách xứng đáng hơn, có lẽ anh cũng đã không phải luôn đứng sau dõi theo người mình yêu.
Và có lẽ, đến tận lúc ra đi, lúc chỉ còn một chút ý thức cuối cùng sót lại, anh cũng đã được Tịnh Thu gọi hai tiếng cuối cùng, “Kiến Tân”.
“Chờ cây sơn tra nở hoa, em sẽ mặc chiếc áo đỏ này đi xem với anh”
Chờ cây sơn tra nở hoa, em sẽ mặc chiếc áo đỏ anh may tặng để đi xem hoa nở đỏ rực. Chờ cây sơn tra nở hoa, chờ em được giữ lại trường.
Chờ cây sơn tra nở hoa, Tịnh Thu à, Kiến Tân đã không thể chờ cây sơn tra nở hoa được nữa, cũng không thể chờ em được nữa rồi…
Hai con người lặng thầm yêu nhau, đến cái nắm tay đầu tiên cũng ngại ngùng đến mức phải cần một nhánh củi khô ở giữa. Hai con người đó thật thà đến mức, một cái hôn cũng đắn đo, một cái ôm cũng chưa từng thật chặt.
Tình yêu đó thuần khiết đến mức, có vài lần tôi đã không kiềm chế mà muốn gào lên vì sao họ không dám một lần đứng lên phá bỏ lề thói xã hội lạc hậu, nhưng tôi biết, chính ở thời kì lịch sử đó đã tạo nên một câu chuyện tình đi vào tâm can lòng người.
Là câu chuyện tình không hề oanh oanh liệt liệt, hứa hẹn viển vông, nhưng tất cả những gì họ làm cho nhau đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của khán giả.
Tưởng mỏng manh như lụa nhưng kiên cường như đá.
“Em còn một năm nữa mới kết thúc kì thực tập
Anh đợi em một năm lẻ một tháng
Mẹ em nói không được kết hôn trước hai lăm tuổi
Anh đợi em đến năm em hai lăm tuổi
Nhưng sau khi thực tập xong vẫn không được phạm sai lầm
Vậy anh đợi em cả đời.”
Anh dùng cả một đời để chờ đợi, thật sự đã là cả một cuộc đời.
Anh đợi cô lớn lên, đợi cô hoàn thành tâm nguyện cả đời của mẹ cô. Anh đợi cô mặc chiếc áo đỏ anh tặng để đi ngắm hoa sơn tra màu cô thích. Có lẽ anh cũng đã đợi để cùng cô kết hôn. Và có lẽ, cũng đã đợi để cùng cô gầy dựng gia đình và những đứa trẻ..
“Khi tiếng sáo thanh thoát vừa ngừng thổi. anh men theo con đường phía dưới gốc cây. Những cơn gió mát mẻ không ngừng thổi, dưới gốc cây sơn tra rậm rạp, làm rối những sợi tóc của anh công nhân trẻ. Ôi cây sơn tra đáng yêu nở đầy hoa trắng. Tại sao mi lại bi thương đến vậy?”
Vì sao đến cuối cùng, chỉ có bi thương ở lại?
Vì sao đến cuối cùng, chỉ còn cây sơn tra cô độc vẫn lặng lẽ đứng đó bao năm…
Hình ảnh anh tiễn cô qua bên kia bờ sông rồi mà vẫn còn lưu luyến dang dôi tay như thể đang ôm lấy cô, ôm lấy ánh sáng của lòng anh, ôm lấy nguồn sống đời này của anh.
Tất cả những gì anh làm cô, những món quà hay những lần chỉ biết chôn chân rồi đau đáu dõi mắt đứng sau nhìn cô cực khổ làm việc, thứ tình yêu nồng ấm ấy, hỏi rằng được bao người trong chúng ta có thể may mắn có được?
Bộ phim được bao trùm bởi một tông màu xanh trầm buồn, tối tăm như chính thời kì mà họ đang sống. Với những góc quay hẹp, cận cảnh khuôn mặt từng nhân vật như phân cảnh Kiến Tân tỉ mỉ băng bó lại vết thương ở chân cho Tịnh Thu trong tiếng đập tập giấy của mẹ cô đã tạo nên một sự bức bối đến nghẹt thở.
Với con mắt tinh tường và cảm quan nghệ thuật tinh tế của mình, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã không làm người xem thất vọng khi thổi vào Chuyện tình cây sơn tra một luồng gió rất mới và thông qua đó đã tái hiện lại một phần nào bối cảnh xã hội đảo điên, cứng nhắc và không lối thoát.
Đạo diễn họ Trương một lần nữa đã tìm cho mình một nàng thơ đúng với mong muốn của mình, nàng thơ Châu Đông Vũ. Dáng vẻ nhỏ bé, mỏng manh của cô, gương mặt ngây thơ chưa vướng nhiễm bụi trần đã cực kỳ đúng với vai Tịnh Thu.
Còn Đậu Kiên, nói không ngoa rằng, anh đã tạo ra một Kiến Tân mà bất cứ cô gái nào cũng ao ước được có trong đời. Một chàng trai ấm áp, chung thuỷ. Một ánh mắt chân thành, một nụ cười toả nắng rực rỡ hơn ánh mặt trời.
Tất cả thật trọn vẹn, từ nam chính đến nữ chính, từ tình tiết phim đến nhạc nền, để nói đến hai chữ thành công, chắc có lẽ Chuyện tình cây sơn tra đã làm được, thành công trong việc chạm đến trái tim và nhẹ nhàng lấy đi nước mắt khán giả một cách “thật” nhất.
“Anh không thể chờ em một năm lẻ một tháng nữa rồi, cũng không thể chờ tới khi em hai mươi lăm tuổi. Nhưng anh sẽ chờ em suốt cuộc đời.”
“Quen nhau hơn một năm rồi, em vẫn chưa hề gọi tên anh…”
Tịnh Thu à, em biết không?
Cây sơn tra thấm máu anh hùng đó, nó chỉ nở hoa màu trắng thôi, không thể nở hoa màu đỏ được.
Tịnh Thu à, em biết không?
Cả đến lúc sắp phải từ giã cuộc đời, Kiến Tân vẫn nhẫn nại đợi em đến, chờ được em gọi tên lần cuối cùng. Tịnh Thu à, chắc em cũng không biết, anh đã thực hiện lời hứa đó, xin được yên nghỉ dưới gốc cây sơn tra em thích mà chờ mong em một đời…
Ngọc Trinh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất