Jojo Rabbit ra mắt vào năm 2019, khi đường đua điện ảnh tràn ngập tác phẩm mang tính xã hội cao như Parasite, Thế chiến 1917, Little Woman hay The Irishman đã khiến cuộc chiến phòng vé trở nên sôi động, bởi những cái tên kể trên đều vô cùng xuất sắc và đang làm mưa làm gió khắp các liên hoan phim danh giá.
Trailer của phim Jojo Rabbit
Jojo Rabbit ra mắt giữa làn sóng độc đáo do các bộ phim trên tạo nên không những không bị lép vế mà còn có được chỗ đứng vững chắc, riêng biệt trong lòng khán giả. Giới phê bình chuyên môn cũng dành nhiều lời khen có cánh cho phần kịch bản mới lạ của Jojo Rabbit.
Jojo Rabbit và sự ngây thơ tồn tại giữa Thế chiến thứ Hai
Jojo Rabbit có một bước mở màn gây tranh cãi tại Liên hoan phim quốc tế Toronto khi mở màn cho những cuộc tranh luận trái chiều từ các nhà phê bình phim. Thậm chí người ta còn nhắc đến Jojo Rabbit nhiều hơn cả Joker, bom tấn cuối năm về gã ác nhân nhà DC.
Câu chuyện trong Jojo Rabbit mang những nét riêng đầy độc đáo và thú vị, nữ diễn viên Scarlett Johansson từng nhận xét về bộ phim khi phỏng vấn trên Actors on Actors rằng, cô ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy một kịch bản kỳ lạ như vậy trong sự nghiệp.
Một bộ phim đong đầy cảm xúc, dẫn dắt khán giả khám phá từ bất ngờ này đến sự vỡ òa khác nhưng cũng khéo léo châm biếm sâu cay. Tác phẩm là tiếng cười trào phúng về một chế độ chủ nghĩa độc tài, nhiều bất cập và mang đậm chất dị biệt riêng của đạo diễn Taika Waititi.
Jojo Rabbit lấy bối cảnh vào thời cuối Thế chiến thứ Hai, khi nước Đức đang dần trở nên kiệt quệ vì phải gồng mình trên cả hai mặt trận phía Đông và phía Tây. Cuộc chiến dai dẳng nào rồi cũng sẽ đến lúc chấm dứt, thứ còn xót lại chỉ toàn mất mát và đau thương.
Khắp mọi nơi trên nước Đức, hơi tàn chiến tranh len lỏi trong từng dãy phố, ngôi làng bởi sự ra đi ngày một nhiều hơn của những người đàn ông lẫn thanh niên trai tráng. Không một ai dám trái lệnh Quốc trưởng Adolf Hitler, họ đành đặt cược tính mạng nơi sa trường.
Sống dưới bầu trời đó, cậu bé Johannes Betzler hay còn gọi là Jojo (Roman Griffin Davis thủ vai), lại luôn dành niềm tin cho lý tưởng vĩ đại của Phát Xít. Jojo luôn mơ ước được chiến đấu cho Đức Quốc Xã, khiến người anh hùng trong mắt cậu là Adolf Hitler tự hào.
Còn cha của Jojo thì phải bỏ lại con trai và người vợ xinh đẹp Rosie Betzler (Scarlett Johansson thủ vai) để đến chiến đấu tận Italy xa xôi dù trong lòng ông không hề mong vậy. Thiếu vắng hơi ấm từ cha, Jojo dần trở nên thân thiết và gắn bó với mẹ mình nhiều hơn.
Tuy chiến tranh khiến cha con Jojo cách biệt nhưng mơ ước trở thành người lính của cậu bé vẫn không thay đổi. Jojo gia nhập trại hè Thiếu niên Quốc xã cùng “người bạn thân thứ nhì sau Hitler” Yorki (Archie Yates thủ vai), dưới sự chỉ huy của Đại uý Klenzendorf (Sam Rockwell thủ vai).
Mọi đứa trẻ đều từng có cho mình một người bạn tưởng tượng, chỉ khác biệt ở chỗ Jojo cuồng tín đến mức tưởng tượng Hitler là bạn thân nhất của mình. Người bạn thân nhất này xuất hiện để cho cậu mọi lời khuyên, tuy nhiên chúng thường không phải những lời khuyên hữu ích.
Sau một tai nạn bất ngờ tại trại hè Thiếu niên Quốc xã, Jojo bị thương và phải quay về nhà với mẹ. Chính trong những chuỗi ngày buồn chán ấy, cậu phát hiện ra một cô gái người Do Thái có tên Elsa Korr (Thomasin McKenzie thủ vai) đang trú ẩn trong chính ngôi nhà của mình.
Jojo bối rối không biết nên làm gì với Elsa Korr và trong khi cậu vẫn đang cố gắng tìm hiểu về “giống loài” Do Thái, Jojo dần nhận ra Elsa là một người đáng yêu và chu đáo. Cô hoàn toàn không phải là con quái vật như niềm tin Phát Xít luôn gieo vào đầu cậu.
Nước đi táo bạo của đạo diễn Taika Waititi
Taika Waititi từng rất nổi tiếng với vai trò chỉ đạo sản xuất cho bom tấn siêu anh hùng Thor: Ragnarok thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Jojo Rabbit là tác phẩm mới nhất của vị đạo diễn chuyên trị dòng phim hài này.
So với những tác phẩm trước đây của Taika Waititi thì Jojo Rabbit chắc chắn là một thử thách lớn. Phim bàn đến một đề tài rất dễ chỉ trích nhưng lại khó để khắc hoạ nó theo cách hài hước, đó là nạn diệt chủng người Do Thái từ góc nhìn của những người sống dưới chế độ Đức Quốc Xã.
Phim còn lấy hình ảnh cùng những mô phỏng về sự xuất hiện của nhân vật Adoff Hitler (Taika Waititi thủ vai), mặc dù ông ta chỉ tồn tại dưới vai trò là người bạn tưởng tượng của Jojo nhưng vẫn giữ nguyên ý chí và tư tưởng của một gã phát xít độc tài.
Hiếm có vị đạo diễn người Do Thái nào dám chọn cách khắc hoạ bi kịch lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại theo một cách hài hước và châm biếm đến vậy, lại còn qua góc nhìn của cậu bé sống theo lý tưởng phe phi nghĩa như Jojo.
Hẳn Taika Waititi từ lâu đã muốn thực hiện một tác phẩm về nỗi đau nhức nhối suốt gần một thế kỷ qua của người Do Thái, giống như cách Steven Spielberg từng đem tới cho công chúng qua Schindler’s List hay Roman Polanski qua The Pianist, cho những người yêu điện ảnh.
Khán giả sẽ được chọc cười bởi những câu thoại hay tình huống đầy ẩn ý đến từ Jojo và nhóm người xung quanh cậu như Hitler, như Klenzendorf. Đồng thời họ phải đối mặt với hệ tư tưởng độc hại của chủ nghĩa Phát Xít, nguồn cơn gây ra cái chết của hàng chục triệu người trên khắp thế giới.
Phản ánh bi kịch chiến tranh từ cái nhìn của những đứa trẻ
Taika Waititi thật sự là một vị đạo diễn tài năng khi nhìn thế giới và hiện thực nó bằng đôi mắt nghệ thuật phi thường. Không cần đến những hình ảnh nơi chiến trường tàn khốc, Taika vẫn khiến người xem vẫn cảm nhận được sự tàn bạo mà chiến tranh gây ra.
Jojo Rabbit mang đến cho người xem một cảm giác khá kỳ lạ, tương tự như cách mà tiêu đề phim gợi ra sự tò mò trong tâm trí họ. Để rồi vượt qua các tên tuổi lớn khác, phim vinh dự nhận giải Oscar cho hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất vào năm 2020.
Mở đầu phim, khán giả vẫn chưa định hình được góc nhìn và cảm quan của các nhân vật, hay câu chuyện được đặt ở một vị trí cụ thể nào. Một tác phẩm châm biếm chủ nghĩa Phát Xít nhưng nhân vật chính lại là người cuồng tín và luôn bảo vệ cho những lập luận lố bịch đến từ chủ nghĩa này.
Khán giả vừa bị cuốn vào mạch phim, có lúc vui lại có khi buồn hay vừa mới thấy sảng khoái đây nhưng rất nhanh sẽ rơi vào nỗi phân vân, trăn trở và tò mò về diễn biến tâm lý của cậu bé Jojo.
Lượng thông điệp mà phim truyền tải đến người xem thực sự là quá lớn nhưng không bị lố hay khiên cưỡng, mọi thứ cứ thế tuần tự đi vào suy nghĩ theo từng phân cảnh mà bộ phim tiếp diễn.
Việc Taika Waititi đặt chính bản thân vào thế khó với cách lựa chọn đề tài và phần mở đầu gây chới với như Jojo Rabbit lại chính là cơ hội để khán giả hiểu thêm về tài năng thật sự của vị đạo diễn người New Zealand.
Càng xem người ta càng nhận ra rằng Jojo Rabbit không đơn thuần chỉ là một tác phẩm hài thông thường mà còn là bộ phim được thực hiện bởi một nghệ sĩ có trái tim lớn, muốn vạch trần mạnh mẽ số phận những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa sự tàn khốc của Thế chiến thứ Hai.
Những cô cậu bé, những người thanh niên hãy còn chưa tận hưởng hết tuổi trẻ đã liền bị cuốn theo vòng xoáy chiến tranh đầy tang thương. Điều đáng buồn là họ hoàn toàn tự nguyện hiến dâng mình, coi việc xả thân và hy sinh là nghĩa vụ và niềm tự hào của họ.
Jojo mới mười tuổi, thậm chí cậu còn chưa thể tự mình buộc dây giày đã phải sống cuộc sống không có cha nhưng lại mơ ước được đứng trong hàng ngũ những người lính Đức, được phục vụ cho sự nghiệp vĩ đại của Quốc trưởng Hitler.
Thực chất không chỉ riêng Jojo mà hầu hết những người dân Đức sống dưới chế độ Quốc xã thời kỳ đó đều có niềm tin rằng nước Đức là thượng đẳng và sẽ thống trị thế giới này.
Để rồi họ không hề nhận ra, cuộc sống yên bình đang dần bị đe doạ bởi chiến tranh đã gõ cửa nhà họ, cướp đi những người chồng, người con trai yêu dấu. Còn họ giờ đây cũng phải tự mình đứng lên để học cách cầm súng, cầm lựu đạn và đối mặt với chiến tranh.
Jojo Rabbit cho khán giả nhìn thấy những mặt tàn khốc và tiêu cực nhưng bên cạnh đó vẫn có những tia sáng mà chúng ta có thể đặt niềm tin vào. Đó là tia sáng của những người yêu chuộng chủ nghĩa hoà bình, những người phản đối cuộc chiến tranh vô nghĩa.
Họ vẫn không ngừng âm thầm đấu tranh và bảo vệ cho những người vô tội, những nạn nhân của Đức Quốc xã mà điển hình ở đây là cô bé người Do Thái Elsa Korr.
Giữa chiến tranh tàn khốc và vô nhân tính vẫn tồn tại những tình yêu thương, những suy nghĩ chân thành, tình bạn lẫn tình người. Điều đó tạo nên nét cảm động và tính nhân đạo sâu sắc của Jojo Rabbit, khi ở giữa bờ vực sống và chết, tình yêu thương vẫn chiến thắng tất cả.
Đạo diễn Waititi đã đem tới cho người xem những phút giây cảm động khi được chứng kiến sự trân quý mà Jojo “Thỏ đế” dành cho cậu bạn thân Yorki, những cảm xúc bối rối dành cho Elsa và đặc biệt là tình cảm của cậu đối với người mẹ Rosie xinh đẹp.
Jojo Rabbit truyền tải thông điệp ý nghĩa về phản đối chiến tranh
Sau phần mở đầu với nhiều dấu hỏi, mạch phim dần trở nên chủ động hơn, bám sát vào nội dung chính mà đạo diễn muốn truyền tải. Lối suy nghĩ của cậu bé Jojo dần dần được thay đổi, thể hiện qua những cuộc đối thoại với Elsa và với cả chính Hitler tưởng tượng.
Jojo Rabbit với phần kết bùng nổ khiến người xem không chỉ hài lòng mà còn ngạc nhiên trước cách Waititi đột ngột thay đổi nhịp độ, nhằm mang đến một góc nhìn khác về bóng ma chiến tranh vốn từ đầu phim mới chỉ lẩn khuất đâu đây quanh các nhân vật chính.
Phim như một thông điệp đầy tính nhân văn về cách thức ngăn chặn những bi kịch chiến tranh không lặp lại, đó là mọi người hãy biết yêu thương, trân trọng và mở lòng cho nhau theo cái cách Jojo đã mở lòng với mọi người xung quanh mình.
Hiếm có bộ phim hài kịch châm biếm nào lại nhiều khoảnh khắc cảm động và lấy đi nước mắt người xem như Jojo Rabbit. Các tuyến nhân vật trong phim dù xuất hiện ít hay nhiều đều có sức ảnh hưởng lên toàn bộ tác phẩm, đặc biệt là nhân vật Rosie, mẹ của Jojo.
Roman Griffin, với vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất của cậu bé, đã khắc họa thành công hình ảnh một Jojo “cuồng tín” nhưng giàu trí tưởng tượng, ẩn sâu bên trong là tinh thần trượng nghĩa và tình yêu thương dành cho mọi người.
Jojo Rabbit truyền tải những thông điệp nặng ký như phê phán nạn phân biệt chủng tộc, nêu bật khát vọng tự do, tinh thần phản đối chiến tranh, giành lại quyền con người nhưng bộ phim không hề tạo cảm giác khô khan, giáo điều hay gây khó hiểu.
Phim được kể dưới con mắt của một đứa trẻ để nhìn nhận về những tranh luận sắc bén từ nhiều phía về Chủ nghĩa Phát xít, đề cao tính nhân văn và bản tính thiện lương của con người. Chính điều này đã mang đến cảm giác vừa nhẹ nhàng lại vừa gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
Linh Đồng
Linh Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất