Một mình trên hoang đảo công chiếu vào cuối năm 2000 và được xem là bộ phim tiêu biểu nhất trong dòng phim sinh tồn. Sự chỉ đạo sản xuất tinh tế của Robert Zemeckis và diễn xuất từ Tom Hanks, Helen Hunt và Nick Searcy đã tạo tiếng vang rất lớn cho tác phẩm.
Trailer chính thức của phim Một mình trên đảo hoang
Một mình trên hoang đảo nhận được sự ủng hộ và chào đón từ tất cả mọi khán giả, xuất sắc thu về 429 triệu đô la trên toàn thế giới. Sau bộ phim, nam diễn viên tài năng Tom Hanks đã nhận được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Giải Oscar lần thứ 73.
Tác phẩm xoay quay nhân vật Chuck Noland (Tom Hanks thủ vai), một nhân viên đến từ công ty giao hàng FedEx và hành trình sinh sống của anh trên hoang đảo sau khi máy bay bị rơi ở Nam Thái Bình Dương.
Khác với những tác phẩm cùng thể loại, vốn sẽ dừng lại khi nhân vật chính được cứu thoát, bộ phim tiếp tục ghi lại cuộc đời anh sau bốn năm trở về nhà. Một mình trên hoang đảo còn được mệnh danh là “thước phim của Robinson Crusoe thời hiện đại”.
Với những tình tiết giản dị nhưng không kém phần kịch tính hồi hộp, bộ phim đã khắc họa rõ nét cuộc sống của người bị lạc trên hoang đảo, đó là một hành trình dài chẳng biết đích đến. Từ đó, các tầng lớp ý nghĩa mà nhà sản xuất muốn truyền tải càng được thể hiện rõ nét hơn.
Một mình trên hoang đảo ẩn chứa nhiều bài học ý nghĩa
Cốt truyện được kể lại theo trình tự thời gian, trước khi Chuck gặp sự cố, lúc nhân vật sinh tồn trên hoang đảo và cuộc sống của anh sau khi trở về. Ở mỗi chặng đều là các bài học ý nghĩa mà chắc hẳn khán giả sẽ thấy phần nào bản thân trong những khoảnh khắc ấy.
Một mình trên hoang đảo còn là tín hiệu để người xem chuẩn bị những kỹ năng sinh tồn cần thiết khi kể lại hành trình của Chuck Noland, từ chàng trai thành phố chưa từng sống ở điều kiện khắc nghiệt đến một người tranh đấu từng phút giây để tránh thoát bàn tay tử thần.
Bộ phim là ngọn đèn cho những ai đang muốn bỏ cuộc
Chuck Noland là giám đốc về phân tích hệ thống, anh giải quyết những vấn đề liên quan đến năng suất cũng như tiến độ giao hàng tại hệ thống kho của FedEx. Với tinh thần trách nhiệm cao, người đàn ông này luôn coi trọng và đặt thời gian làm ưu tiên số một, đến cả đồ vật yêu thích cũng là chiếc đồng hồ.
“Tôi đã mạn phép tự gửi món hàng này cho mình. Nó có thể là gì nhỉ? Đó là một chiếc đồng hồ. Tôi đã bấm giờ từ số 0. Hiện tại là 87 giờ đồng hồ, thật là một con số đáng xấu hổ.” – Chuck Noland phàn nàn về thời gian giao hàng chậm với những người cấp dưới
Đối nghịch với công việc áp lực ấy là một cuộc sống cá nhân thật hạnh phúc. Anh sống với cô bạn gái Kelly Frears (Helen Hunt thủ vai), cặp đôi đã có kế hoạch tiến đến hôn nhân sau giai đoạn hẹn hò ngọt ngào.
Tuy nhiên, vào đêm Giáng Sinh khi quây quần bên gia đình và Kelly, Chuck bị triệu tập để giải quyết vấn đề hàng hóa ở Malaysia. Trước khi đi, nàng đã tặng một chiếc đồng hồ kỷ niệm có hình chân dung để làm vật hứa hẹn kết hôn sau khi anh trở về.
Song, một cơn bão đã đến một cách bất ngờ và dữ dội, đúng lúc cả đội đang bay qua vùng biển Thái Bình Dương. Máy bay của Chuck vì chịu ảnh hưởng nặng nề ấy mà rơi xuống biển.
Trong lúc khẩn cấp, anh vội vàng nhặt chiếc đồng hồ thay vì áo bảo hộ như minh chứng cho tình yêu. Sau khi rớt khỏi máy bay, người đàn ông này chỉ biết cố gắng bám trụ dây phao bằng mọi cách để có cơ hội sống.
Ngày hôm sau, Chuck dạt vào một hoang đảo không có dân cư, vì làm mất thiết bị phát định vị khẩn cấp trong lúc xảy ra sự cố nên trong người anh chẳng còn gì hữu dụng, chỉ còn lại chiếc đồng hồ mà bản thân đã liều mình gìn giữ.
Ở hoàn cảnh bất lực ấy, Chuck thử rất nhiều cách để gọi cứu trợ nhưng may mắn không xảy ra với anh. Từ việc hét thật to trong vô vọng, viết lên cát rồi chuyển sang làm kí hiệu đều thất bại.
Dần dần, cơ thể Chuck bắt đầu rệu rã do mất năng lượng trầm trọng. Anh buộc phải sống sót, tập tìm kiếm nguồn nước, thức ăn và học cách tạo ra lửa. Vì là một người thành thị chính hiệu, người đàn ông này đã gặp vô vàn khó khăn khi một mình trên hoang đảo.
Từ những vết thương sâu khi Chuck tìm cách sinh tồn, nhiều lần va vào rặng san hô sắc nhọn khi cố gắng ra khơi, tìm đường trở về đến các bi kịch do thiên nhiên khắc nghiệt. Không chỉ có nỗi đau thể xác, khó khăn nhất đối với anh chính là sự cô độc, lạc lõng nơi không người này.
Với bốn năm ròng rã trên đảo hoang, thứ cứu sống nhân vật chính là niềm tin vào bản thân, sự mong mỏi được gặp lại Kelly và quả bóng chuyền Wilson, “người” đã bầu bạn với anh mỗi ngày. Dù không ít lần muốn bỏ cuộc nhưng niềm tin của Chuck lại lớn hơn tất cả.
“Và tôi biết những gì tôi phải làm bây giờ. Tôi phải tiếp tục thở vì ngày mai mặt trời sẽ mọc. Ai biết được thủy triều có thể mang lại điều gì…” – Chuck chia sẻ sau khi trở về
Với sự kiên trì và quyết tâm của mình, hy vọng trở về như được chiếu sáng một lần nữa. Chuck vội vã lên kế hoạch ra khơi, dùng các thân cây gỗ đóng thành bè, lấy mảnh tôn có đôi cánh thiên thần nhặt được làm buồm và cũng không quên mang theo Wilson.
Giữa thế gian vội vã cũng cần bước đi chậm rãi
Ở phần đầu của tác phẩm, Chuck hiện lên với hình ảnh một người hết mình vì công việc và coi đó như kim chỉ nam cho cuộc đời chính mình. Nhân vật không đặt nặng các mối quan hệ trong cuộc sống mà thay vào đó là sự đúng giờ lẫn hối hả của thời gian.
Tuy nhiên, qua lần lạc vào đảo hoang không biết ngày trở về đó, Chuck nhận ra cuộc sống từ trước đến nay chẳng mấy ý nghĩa khi anh chỉ tập trung chạy theo sự hối hả, vội vàng, điều đó đã khiến bản thân Chuck không còn thì giờ giao tiếp với xã hội.
Ngay lúc này đây, anh dư giả thời gian nhưng lại cô độc, chẳng có ai bên cạnh để chia sẻ, thậm chí là lắng nghe. Thế nên Chuck đã dùng máu của mình, vẽ lên quả bóng Wilson nào mắt nào miệng, có lẽ đây cũng là cách duy nhất anh có thể làm để chống lại bi kịch về tinh thần.
“Bước đi chậm rãi” trong bốn năm đã giúp nhân vật trân trọng mọi điều trong cuộc sống. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất khi Chuck ra khơi lần cuối, thanh đỡ Wilson bị gãy, quả bóng bắt đầu trôi đi.
Khi tỉnh dậy sau một buổi tối chống chọi với cơn bão, nó đã trôi đi khá xa, dù anh đã cố gắng hết sức lấy lại nhưng vẫn không thành, trong khi chiếc bè phía bên kia thì từ từ tan rã. Chuck khóc và liên tục nói lời xin lỗi với Wilson, thể hiện một niềm nuối tiếc day dứt.
Những điều làm nên thành công của Một mình trên hoang đảo
Ngoài cốt truyện mang đầy tính nhân văn, Một mình trên hoang đảo còn gây ấn tượng với khán giả bằng các cảnh quay đặc sắc. Đặc biệt là những phân cảnh về sự khắc nghiệt của thiên nhiên, âm thanh trong phim cũng được thực hiện một cách tinh tế và chân thực.
Tom Hanks với vai diễn Chuck Noland một lần nữa khẳng định tài năng và sức ảnh hưởng của ông trong giới điện ảnh. Không cần quá nhiều nhân vật phụ, chỉ một mình Tom đã đủ truyền tải nội dung bộ phim đến khán giả.
Các cảnh quay thiên nhiên ấn tượng
Để diễn tả về những thử thách mà nhân vật chính phải trải qua, đoàn làm phim đã đầu tư kỹ càng về các góc quay cũng như bối cảnh đảo hoang mà Chuck sinh tồn.
Cơn bão dữ dội, từng đợt sóng lớn cứ vồ vập cuốn lấy mọi thứ được đoàn phim thể hiện rõ nét trên màn ảnh rộng. Hiệu ứng sấm chớp dồn dập càng nhấn mạnh thêm sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Trong hoàn cảnh ấy, Chuck có thể bị nhấn chìm và vùi dập bất cứ lúc nào.
“Đây là một bộ phim kịch tính về sinh tồn và thiên nhiên, nó khiến tôi tự hỏi mình sẽ phản ứng thế nào trong tình huống tàn khốc như vậy.” – Cảm nhận của một khán giả trên diễn đàn IMDB
Âm thanh của biển cả cũng được đoàn làm phim xử lý vô cùng tinh tế. Tiếng sóng vỗ, tiếng sấm rền vang hay hơi thở hấp hối của nhân vật khi ở dưới nước đã được hậu kì chỉn chu. Điều này khiến người xem thỏa mãn cả về phần nghe và phần nhìn.
Màn hóa thân mang dấu ấn của Tom Hanks
Mỗi ánh nhìn cảm xúc và cử chỉ hành động của Chuck đều được Tom Hanks tái hiện một cách chân thực và xuất sắc. Ông cũng đầu tư rất lớn khi thay đổi chế độ ăn uống để có hình ảnh bệ vệ của một người quản lý, sau đó lại nuôi tóc dài rồi giảm cân cho những cảnh quay trên đảo.
“Tom Hanks có đề xuất với tôi tạm dừng sản xuất một năm để có thể nhập tâm vào nhân vật một cách chính xác. Anh ấy còn từ bỏ món khoai tây chiên yêu thích của mình.” – Đạo diễn Robert Zemeckis chia sẻ
Cách nhân vật chính bầu bạn hằng ngày với Wilson, sự đớn đau lẫn cô đơn tột cùng lúc người bạn nhỏ rời xa cũng mang dấu ấn riêng biệt. Truyền thông Mỹ từng nói đây là cảnh xuất sắc nhất của Tom Hanks, cũng là phân cảnh lấy nước mắt nam giới Mỹ nhiều nhất.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thực hiện khảo sát về những bộ phim khiến nam giới ấn tượng và khóc nhiều nhất, kết quả từ 5000 người gần như giống nhau, đó chính là Cast Away của Tom Hanks!” – Lời chia sẻ từ đài phát thanh NPR
Với sự thể hiện đầy tài năng của mình, Tom Hanks đã đoạt giải Thành tựu trọn đời tại Lễ trao giải Quả cầu vàng lần thứ 77. Có thể thấy, nam diễn viên vừa là người có sức ảnh hưởng lớn đối với Hollywood, vừa có sự yêu mến và ủng hộ từ khán giả.
Các chi tiết thú vị trong Một mình trên hoang đảo
Quả bóng Wilson có lẽ là nhân vật đặc biệt nhất trong thế giới điện ảnh từ trước tới nay khi nó dành được tượng Oscar đầu tiên và duy nhất trong lịch sử của giải này, hạng mục “Diễn xuất cho vật vô tri vô giác tốt nhất”.
Ngoài ra, Wilson cũng được đem ra đấu giá sau thành công vang dội của bộ phim. Về phía thương hiệu sản xuất bóng, họ chia sẻ đã sản xuất riêng sáu mươi quả bóng chuyền có một mặt trống mà Fox đặc biệt yêu cầu.
“Lúc đầu chúng tôi khá quan ngại về mục đích đoàn làm phim. Đại diện của Fox chỉ tiết lộ người đàn ông hàng đầu của bộ phim, Tom Hanks và tôi nghĩ đó là điều cuối cùng đã ký kết thỏa thuận. Phim của Tom luôn hay.” – Giám đốc Truyền thông Thể thao Wilson đã chia sẻ
Gói hàng được in hình đôi cánh thiên thần cũng là “nhân vật” ấn tượng khác. Bộ phim mở đầu bằng cảnh một người phụ nữ đưa nó tới người giao hàng của FedEx, kết thúc với cảnh Chuck cuối cùng trả lại chiếc hộp ấy cho khách hàng ở Texas.
Đôi cánh thiên thần được vẽ trên hộp có lẽ đại diện cho hy vọng của Chuck về một cuộc giải cứu kỳ diệu. Trùng hợp rằng, nó lại một lần nữa xuất hiện trên miếng tôn trôi dạt vào hoang đảo, để rồi Chuck dùng nó như cánh buồm ra khơi.
Một mình trên hoang đảo thành công để lại dấu ấn trong lòng khán giả
Bộ phim đã mang lại thật nhiều cảm xúc cho người xem khi bắt đầu với sự hối thúc của Chuck, để rồi anh phải trải qua những ngày dài đằng đẵng khi một mình trên hoang đảo. Trải qua bao nhiêu tuyệt vọng, cô đơn mới biết cách trân trọng thực tại.
“Tôi không hào hứng với nó nhưng nhiều ngày trôi qua, tôi cứ nghĩ về bộ phim này! Với màn trình diễn tuyệt vời của Tom Hanks, kịch bản tốt, âm thanh và hình ảnh sống động, tôi cá là tác phẩm sẽ khiến bạn nhớ mãi!” – Lời bình của khán giả trên diễn đàn Rotten Tomatoes
Bộ phim thành công chinh phục khán giả khi doanh thu phòng vé lên tới gần 430 triệu USD, con số kỷ lục ở những năm 2000. Hơn nữa, tác phẩm còn nhận được vô số giải thưởng danh giá và cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn.
“Những cảnh quay thót tim về đại dương và hoang đảo, Tom Hanks, với sự cộng tác của đạo diễn Robert Zemeckis và nhà biên kịch William Broyles Jr, đã biến những viễn cảnh đó thành hiện thực một cách ly kỳ và ám ảnh.” – Nhà báo Stephen Holden đã viết trên tờ The New York Times.
Diễn xuất tài tình của Tom Hanks, hình ảnh, âm thanh sống động cùng bức thông điệp đầy ý nghĩa đã biến Một mình trên hoang đảo trở thành món ăn tinh thần mang nhiều giá trị đối với khán giả, đặc biệt là những người trẻ đang mưu cầu niềm tin giữa cuộc sống vội vã này.
Cam Ngọt
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất