Với sự thành công vang dội của những tác phẩm ăn khách đi trước như Tháng năm rực rỡ hay Em là bà nội của anh, Ông ngoại tuổi 30 sẽ là tác phẩm tiếp theo được chuyển thể dưới bàn tay của đạo diễn Võ Thanh Hòa.


Trailer của Ông ngoại tuổi 30

Được làm lại từ bộ phim điện ảnh Scandal Maker nổi tiếng của Hàn Quốc, Ông ngoại tuổi 30 tuy mang nhiều tình tiết hài hước nhưng vẫn chưa thể nào đột phá vì cốt truyện hời hợt và diễn xuất còn non tay của diễn viên.

Ông ngoại tuổi 30 và hàng loạt những rắc rối khó đỡ chỉ vì một sai lầm trong quá khứ

Ông ngoại tuổi 30 mở ra với anh chàng phát thanh viên điển trai, tài giỏi Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình thủ vai). Dù đã đến tuổi kết hôn nhưng Sơn Huy vẫn chưa nghĩ đến việc đó mà chỉ muốn được thoải mái với tính cách đào hoa vốn có của mình.

Một ngày nọ, chương trình radio của Sơn Huy bỗng dưng nổi tiếng nhờ vào hành trình tìm kiếm người cha thất lạc của bà mẹ trẻ đơn thân Lê Dung Mi Trần (Kiều Trinh thủ vai). 

Trịnh Thăng Bình trong Ông ngoại tuổi 30
Trịnh Thăng Bình trong vai Sơn Huy

Chàng phát thanh viên đã đưa ra rất nhiều lời khuyên để giúp cô gái ấy hoàn thành tâm nguyện nhưng anh không hề hay biết rằng, mình chính là người cha thất lạc đó.

Đây là hậu quả cho một sai lầm trong quá khứ giữa anh và người chị lớn tuổi hơn cùng quê, từ đây cuộc sống của chàng phát thanh viên ấy dần đảo lộn.

Anh không những có con gái mà thậm chí là có cả đứa cháu ngoại Phương Đông (bé Coca thủ vai). Thế giới phong lưu của Sơn Huy dần đã bị thay thế bởi một gia đình trên trời rơi xuống, đồng thời anh cũng phải tìm mọi cách để che giấu mọi chuyện trước khi những tin đồn bắt đầu lan ra ngoài và phá hủy sự nghiệp của mình.

Với sự thành công vang dội của kịch bản, đạo diễn Võ Thanh Hòa vẫn giữ vững tinh thần của bộ phim gốc trong quá trình nhận con cháu đầy rắc rối của Sơn Huy.

Ông ngoại tuổi 30 tập trung khai thác vào những khía cạnh gây cười của bộ phim. Từ những sự kiện khó đỡ khi căn hộ của anh chàng giờ đây đầy ắp đồ chơi của trẻ con hay thậm chí cả những bộ đồ ngủ của cô con gái đôi mươi xuất hiện khắp nhà.

Tất cả đều xoay quanh hàng loạt các tình huống xung đột thường ngày mà Ông ngoại tuổi 30 rất thành công khi truyền tải. Ngoài ra, yếu tố gây cười còn đến từ tính cách hóm hỉnh của các nhân vật chính.

Trong khi Sơn Huy mải mê tìm cách để cứu vãn sự nghiệp trước khi bị tin đồn nhấn chìm bằng cách tự tạo ra hàng loạt các bức thư điện tử của Mi Trần thì cô con gái cũng không hề kém cạnh khi mang đến cho Ông ngoại tuổi 30 những câu thoại đầy tính mỉa mai.

Sơn Huy cùng cháu ngoại Phương Đông
Sơn Huy cùng cháu ngoại Phương Đông

Riêng nhân vật Phương Đông thì lại vô cùng đáng yêu khi vòi vĩnh đồ chơi mỗi lần ông ngoại cưa cẩm cô giáo, cậu bé giống như một điểm sáng trong Ông ngoại tuổi 30 và cũng là chìa khóa để níu giữ ông ngoại với mẹ mình.

Gây cười là vậy, tuy nhiên Ông ngoại tuổi 30 lại quên tập trung cho khía cạnh diễn xuất nói riêng và kịch bản gốc nói chung. Yếu tố hài hước mở màn cho bộ phim rất tốt nhưng để duy trì được sức hấp dẫn thì yếu tố này vẫn chưa đủ.

Quá trình thay đổi từ một chàng trai đa tình, hào hoa đến một người đàn ông của gia đình của nhân vật Sơn Huy diễn ra khá gấp gáp. Điều này dẫn đến phần lớn người xem vẫn chưa thể hoàn toàn cảm nhận được sự biến chuyển này.

Thậm chí ngay cả mâu thuẫn giữa hai cha con Sơn Huy và Mi Trần cũng không tạo được cao trào khi cần thiết. Việc Sơn Huy băn khoăn khi lựa chọn giữa gia đình hay sự nghiệp đến việc che giấu thân phận con riêng cũng gây không ít khó khăn cho nhân vật dẫn đến kết thúc vẫn còn thiếu thuyết phục và đầy miễn cưỡng.

Cùng dàn diễn viên tay ngang chưa đủ kinh nghiệm diễn xuất

Trong Ông ngoại tuổi 30, nếu nói đến vai chính Sơn Huy của Trịnh Thăng Bình, người ta sẽ dễ dàng thấy ngay rằng anh kém duyên hơn hẳn so với ông chồng quốc dân Cha Tae Hyun. Nhưng không thể nào chê trách được vì Trịnh Thăng Bình chỉ mới đá chéo sân ở vài năm gần đây mà thôi.

Poster phim
Poster phim Ông ngoại tuổi 30

Tuy nhiên, ở một vài phân cảnh của phim, nam ca sĩ có phần hơi thái quá trong những đoạn hài hước, đồng thời, nội tâm sâu sắc của Sơn Huy vẫn chưa hoàn toàn được khắc họa rõ nét.

Ngoài ra, giọng nói của Trịnh Thăng Bình ở Ông ngoại tuổi 30 vẫn chưa hoàn toàn tạo nên hiệu ứng tích cực cho khán giả. Chất giọng của anh bị đánh giá là thiếu truyền cảm trong khi nhân vật Sơn Huy là phát thanh viên nổi tiếng, vậy nên đây có thể được xem như là hạt sạn của phim.

Nhưng việc lần đầu chạm ngõ điện ảnh như Trịnh Thăng Bình, những lỗi như vậy vẫn xem như tạm chấp nhận được. Trịnh Thăng Bình đã có cho riêng mình một màn xuất hiện khá ổn trong Ông ngoại tuổi 30.

Kiều Trinh trong vai Mi Trần ở Ông ngoại tuổi 30
Kiều Trinh vai Mi Trần

Còn về phần Kiều Trinh, sau vai phụ đầy thành công ở Em chưa 18, cô đã nhận được lời mời đóng chính cho phim. Vai diễn của cô vẫn rất nhí nhảnh, hồn nhiên khác xa so với bản gốc.

Tuy vậy, Kiều Trinh chỉ mới xây dựng hình tượng nhân vật một người trẻ mang nhiều hoài bão và ước mơ chứ chưa ra dáng chững chạc thường thấy của một bà mẹ đơn thân đã trải qua sóng gió. Vì thế nên những phân đoạn tình cảm giữa cô và Sơn Huy hay với Lê Dũng (Lou Hoàng thủ vai) vẫn chưa được tròn đầy.

Nhân vật cô giáo Ngọc Hân (Hạ Vi thủ vai) cũng không gây được ấn tượng sâu sắc cho khán giả vì diễn xuất gượng gạo cùng gương mặt thiếu cảm xúc. Nàng tấm vẫn chưa thể bứt phá khỏi khuôn khổ của mình.

Cùng theo đó là nhân vật Lê Dũng, đây có thể nói là nốt trầm nhất trong Ông ngoại tuổi 30. Khi mỗi lần xuất hiện đều mang vẻ mặt cau có khó chịu xuyên suốt bộ phim.

bé Coca trong vai Phương Đông | Ông ngoại tuổi 30
Vẻ dễ thương của bé Coca trong vai Phương Đông

Còn về phần bé Coca, sẽ rất khó cho bé khi có thể vượt qua cái bóng quá lớn của diễn viên nhí với nụ cười nhếch mép đặc trưng Wang Suk Hyun. Tuy nhiên, em vẫn vô cùng dễ thương và lém lỉnh mỗi khi cần thiết.

Cốt truyện của Ông ngoại tuổi 30 cũng vô cùng nhẹ nhàng, ít điểm nhấn và cao trào cho phim. Nhưng với kịch bản Việt hóa này thì Ông ngoại tuổi 30 vẫn có thể khiến người xem phải bật cười vì những miếng hài bất ngờ.

Bên cạnh đó, phim vẫn còn nhiều ưu điểm, điển hình là những góc quay tinh tế cùng màu sắc tươi sáng, khung cảnh quay đều đậm tính nghệ thuật. Phim còn sử dụng cả máy quay không người để cho ra những phân đoạn quay trên cao chất lượng nhất.

Với tầm nhìn hướng xuống, khán giả có thể trông thấy vẻ đẹp hùng vĩ khi con đường ngoằn ngoèo lại là điểm giao nhau giữa biển cả bao la và núi rừng trùng điệp nối Khánh Hòa với Ninh Thuận.
Có một số phân cảnh bị nhiễu nhưng điều đó cũng không làm người xem cảm thấy khó chịu.

Ngoài ra đạo diễn còn tài tình lồng ghép những pha hiệu ứng chuyển động chậm cũng giúp đẩy cảm xúc lên cao cho phim.

Trịnh Thăng Bình cùng Hạ Vi | Ông ngoại tuổi 30
Trịnh Thăng Bình cùng Hạ Vi

Về âm thanh, Ông ngoại tuổi 30 tập trung sử dụng vào ba bản nhạc chính là Ước gì, Tâm sự tuổi 30 và Vì yêu là nhớ

Cả ba ca khúc này đều vô cùng thành công, đây có thể xem như điểm cộng lớn nhất cứu vãn cả bộ phim và mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. Ngoài ra phim còn sử dụng một vài ca khúc của Trịnh Thăng Bình để gây cười.

OnlyC cũng là người góp phần thành công khi những phân đoạn nhạc nền được anh xử lý khá tốt, tạo được sự nhẹ nhàng và vô cùng hợp với bối cảnh lẫn diễn xuất phim lúc đó.

Nhìn lại, Ông ngoại tuổi 30  là một bộ phim thích hợp để tạo nên những tiếng cười sảng khoái trong dịp quây quần cùng gia đình. Tuy vẫn còn đâu đó vài hạt sạn không đáng nhưng chúng ta cũng không cần quá khắt khe với một bộ phim giải trí mà hãy tập trung vào thông điệp nhân văn được truyền tải.

Đông Nghi