Khởi chiếu từ giữa năm 2019 và cho đến hiện tại, Parasite vẫn đang là một trong những bộ phim có lượng tìm kiếm thông tin vô cùng lớn, đối với khán giả Việt Nam nói riêng và người hâm mộ trên khắp thế giới nói chung.
Trailer của phim Parasite (Ký sinh trùng)
Đề tài mới lạ, cốt truyện lôi cuốn pha trộn giữa chất hài hước và châm biếm đã giúp Parasite ghi điểm trọn vẹn cả về mặt giải trí lẫn chuyên môn. Phim nhận được vô số lời khen từ các nhà phê bình, đạt 100% độ tươi trên Rotten Tomatoes, diễn đàn chuyên về phê bình phim của Mĩ.
Parasite và cái chất làm nên nét độc đáo riêng
Parasite là một bộ phim hài kịch đen đầy độc đáo về địa vịa xã hội, sự phân biệt đẳng cấp đậm chất phong kiến và khát vọng đổi đời ở một cuộc sống hiện đại. Điều đó khơi gợi sự tò mò và hứng thú cho người xem ngay từ những phân cảnh đầu tiên.
Theo chân một gia đình ở tận cùng đáy xã hội Hàn Quốc khi cha mẹ thất nghiệp, con cái phải bỏ học và sống chật vật, thiếu thốn qua ngày. Công việc duy nhất mà một nhà bốn người ấy có được chỉ là gấp hộp bánh pizza với những đồng tiền công ít ỏi.
Cậu con trai cả Ki Woo (Choi Woo Sik thủ vai) thi trượt đại học đến bốn lần còn cô em gái Ki Jung (Park So Dam thủ vai) thì bị buộc thôi học do không đóng nổi tiền học phí. Cả gia đình chen chúc nhau trong một căn hộ tồi tàn dưới tầng hầm, nơi mà bồn cầu còn được xây cao hơn cả ngôi nhà.
Cuộc sống của họ túng thiếu đến mức điện sinh hoạt bị cắt, wifi thì dùng ké nhà hàng xóm và mỗi bữa ăn đều là một nỗi lo phải tìm cách chạy vạy. Sự phân tầng xã hội thể hiện rõ nét từ ban đầu, cho người xem những hình dung đầu tiên về loài ký sinh trùng sắp sinh sôi.
Một ngày nọ, Ki Woo được người bạn thân Min Hyuk (Park Seo Joon thủ vai) giới thiệu làm gia sư tiếng Anh cho con gái một gia đình giàu có. Đây chính là bước ngoặt để cậu lập ra những kế hoạch đổi đời cho gia đình mình, từng bước vẫy vùng thoát khỏi kiếp bần hàn.
Ki Woo lần lượt đưa cả gia đình mình thâm nhập vào nhà ông Park
Bằng cách này hay cách khác, Ki Woo lần lượt đưa người nhà thâm nhập vào gia đình giàu có nọ rồi mọi chuyện bất ngờ cứ thế nối đuôi nhau diễn ra. Gia đình ông Park, nơi Ki Woo dạy kèm, đã không thể lường trước những biến cố khủng khiếp sắp xảy đến chỉ vì quá tin người.
Mọi thứ tưởng chừng như suôn sẻ và trót lọt, cuộc sống của cả gia đình Ki Woo sẽ sang một trang mới khi có thể ăn bám nhà đại gia. Tuy nhiên, sau mỗi khoảnh khắc yên bình lại là một cơn bão lốc tàn bạo, biến cố bắt đầu thành hình và đảo lộn tất cả.
Parasite khiến nhiều khán giả nhớ đến The Handmaiden, kiệt tác điện ảnh Hàn Quốc từng làm mưa làm gió năm 2016 của Park Chan Wook và The Housemaid của Im Sang Son năm 2010, bộ phim đã mở đầu cho Liên hoan phim Cannes khi đó.
Chủ đề mà đạo diễn kiêm biên kịch Bong Joon Ho lựa chọn cho Parasite không quá mới lạ nhưng từ tên phim cho đến cách mà câu chuyện châm ngòi rồi tiếp diễn đã tạo nên những bước ngoặt độc đáo, cộp mác riêng biệt khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
Parasite và sự đa dạng những sắc thái trong phim
Ngay từ tiêu đề của bộ phim, Parasite (hay Ký Sinh Trùng) đã gây ấn tượng mạnh với khán giả bởi họ chưa thể nắm bắt được nội dung chính của bộ phim là gì. Loài ký sinh trùng ấy là một mầm bệnh mới phát hiện hay là một cách nói châm biếm mang ý nghĩa sâu xa nào.
Cộng với những tấm poster đầy bí ẩn và có nét ma quái, tất cả gộp lại khiến khán giả nghĩ rằng đây là một bộ phim mang màu sắc đen tối và u ám. Có thể có sự xuất hiện của một thế lực kỳ lạ với nút thắt mở đầy kịch tính và bất ngờ mà không phải ai cũng nghĩ ra được.
Trái ngược hoàn toàn với những gì người ta phỏng đoán về nội dung và thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải, Parasite không hề kén khán giả. Phim thậm chí còn mang tính giải trí rất cao, dễ nắm bắt và phù hợp với hầu hết khán giả phổ thông.
Mở đầu là những cảnh phim tương đối nhẹ nhàng, kể về hoàn cảnh gia đình nghèo theo phong cách trào phúng. Tất cả diễn ra chân thực nhưng không hề nặng nề hay bi thảm, trái lại người xem còn có cảm giác gia đình ấy đã thích nghi hoàn toàn cuộc sống túng thiếu mỗi ngày.
Những phút đầu Parasite mang dáng dấp của một bộ phim tâm lý, hài hước với tiêt tấu nhanh đầy nhịp nhàng, giàu năng lượng một cách tự nhiên. Mặc dù toàn cảnh mở ra cuộc sống thiếu thốn, tù túng và bần cùng của cả một gia đình với đầy rẫy bất tiện trong sinh hoạt.
Ngay cả chuỗi âm mưu lẫn chiêu trò đổi đời mà họ thực hiện cũng mang đậm tính châm biếm xen lẫn hài hước chứ không hề bị đen tối hoá hay tạo cảm giác căng thẳng, khiến khán giả phải gồng mình để hiểu và nắm bắt được mạch phim.
Việc duy trì bầu không khí ngay từ đầu phim là một cách xử lý vô cùng tinh tế của đạo diễn Joon Ho, giúp khán giả trải nghiệm tác phẩm một cách thoải mái, hứng thú đồng thời thể hiện nét phê phán nhẹ nhàng lối sống con người, xã hội không quá xa vời hay triết lý hoá.
Khi khán giả đang mải mê và chăm chú theo dõi cũng như cảm thấy có chút buồn cười trước những thước phim về gia đình ở tầng lớp gần như dưới đáy xã hội thì ngay lập tức, Parasite chuyển cảnh sang thể loại khác sau một sự kiện tưởng như rất đơn giản.
Giống như một bản nhạc giao hưởng, với những nhịp điệu và tốc độ bất ngờ đi theo nhạc phổ là mạch diễn biến của bộ phim, Parasite rất đa dạng các sắc thái cảm xúc khác nhau chứ không chỉ có một sắc màu duy nhất.
Một nút thắt quan trọng, nốt đô thăng của bản hoà tấu, cả khán giả cũng bị cuốn theo cùng chuyển hành trình mới đầy bất ngờ và không thể đoán trước của các nhân vật trong phim.
Parasite thay đổi từ hài hước đời thường sang kịch tính giật gân, thậm chí còn mang hơi hướm kinh dị và bạo lực đến rợn người. Điều đáng nói là sắc thái này nảy sinh một cách bất ngờ nhưng rất tự nhiên, rất hợp lý lẫn mượt mà chứ không hề gây ra cảm giác gượng ép giả tạo nào.
Vị đạo diễn tài tình này đã rất thành công trong việc tạo nên những làn sóng cảm xúc nối tiếp theo từng mức độ khác nhau cho khán giả thông qua cách chắt lọc từng chi tiết nhỏ nhưng vô cùng đắt giá, rồi xâu chuỗi đầy khéo léo, trở thành một tổng thể hài hoà, không có gì thái quá.
Kịch bản đỉnh cao được xây dựng từ một nội dung rất đời thường
Câu chuyện trong Parasite không hề mang thông điệp chính trị hay những triết lý giáo điều khô khan khó hiểu, cũng không phải là một bộ phim thiên về nghệ thuật. Thứ làm nên nét độc đáo cho bộ phim là sự trào phúng nhẹ nhàng, những chiêu trò cùng hàng loạt cú lừa lắt léo rất khó đoán.
Khán giả như đang thưởng thức một bộ phim giải trí cuối tuần nhưng cũng lại đang đắm mình trong bầu không khí ê chề, ngỡ ngàng và đầy biến cố hãi hùng của các tầng lớp gia đình đại diện cho xã hội Hàn Quốc hiện đại.
Tuy nhiên, điều đó có thể là vừa đủ để tạo ra một tác phẩm chất lượng và hút khách nhưng với đạo diễn Bong Joon Ho, đây mới chỉ là tiền đề để ông đem đến một kịch bản chứa đựng nhiều bất ngờ và gây ám ảnh tận sau khi phim đã khép lại.
Tất cả được triển khai đầy đủ, rành mạch và kỹ lưỡng, cùng với đó là những chi tiết vô cùng chân thực, gần gũi, tất cả đều đi theo ý đồ của đạo diễn. Để rồi tiết tấu phim sau đó nhanh gọn, liên kết với nhau đầy chặt chẽ, vừa đơn giản mà vừa công phu.
Kèm theo đó, cá tính của các nhân vật lần lượt được bóc tách rõ ràng hơn thông qua sự tương tác lẫn nhau, tạo tiền đề cho hành động tiếp theo của họ.
Càng về sau, người xem càng bị thu hút vào diễn biến câu chuyện với tốc độ được đẩy lên mỗi lúc một nhanh hơn. Đạo diễn Joon Ho đem đến những sự kiện mới, bất ngờ và khó đoán cùng hàng loạt cao trào được cài cắm và xảy ra liên tục khiến người xem phải tập trung cao độ.
Những sự kiện mới đến nhanh và gây nhiều kinh ngạc nhưng không hề tạo cảm giác vô lý hay mang tính sắp đặt gượng ép. Cao trào của Parasite hay ở chỗ là lối xử lý khéo léo, khi ai cũng biết sẽ có chuyện xảy ra nhưng không đoán được nó đến lúc nào và có thể tránh nó hay không.
Parasite là một bộ phim giàu thông điệp xã hội
Ngay từ hình ảnh của tấm poster với vệt đen che mắt các nhân vật, đạo diễn đã gửi gắm ngụ ý đầy tinh tế của mình, rằng mỗi nhân vật đều không hoàn toàn giống như vẻ ngoài họ tạo ra, không một ai là chính con người của mình, họ đang che giấu những suy nghĩ và mưu tính riêng.
Vì vậy nên câu chuyện của các nhân vật trong phim cũng vì thế mà được kể với một nội dung rộng hơn ở tầm vĩ mô. Đó là sự chênh lệch giai cấp giàu – nghèo, kẻ trên người dưới tách biệt trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, với góc nhìn vừa trào phúng, vừa chua chát sâu cay.
Giá trị của mỗi con người không thể đánh giá bằng của cải vật chất, bằng việc mỗi tháng họ kiếm ra được bao nhiêu tiền, đi xe gì, nhà ở đâu. Giàu nghèo không phải cái tội, điều đáng chú ý ở đây là sự khác biệt trong tư duy của mỗi nhân vật bị ảnh hưởng bởi vật chất ra sao.
“Không phải họ giàu mà vẫn tốt mà là họ tốt bởi vì họ giàu. Nếu như tôi mà có nhiều tiền thế này, tôi cũng sẽ tốt bụng.”
Người giàu họ cứ thế giàu và sống với lối sống, lối suy nghĩ phù hợp trong hoàn cảnh của họ. Người nghèo sẽ cứ mãi nghèo khi chỉ biết sống với lối tư duy của người nghèo, cho dù họ có nung nấu chiêu trò gì đi chăng nữa.
Gia đình của Ki Teak vin vào cớ nghèo để làm điều gian dối, dung túng cho những hành động sai trái lừa đảo của họ. Gặp được cơ hội tiến thân đổi đời, cả nhà cũng chỉ biết nghĩ ngắn qua ngày, dựa vào những kế hoạch định sẵn chứ chẳng biết phải tận dụng lâu dài ra sao.
Cứ thế cái nghèo đeo bám họ từ trong gốc rễ bên trong chứ không còn là vật chất bên ngoài thông thường nữa. Họ mãi mãi giống như những con gián ăn bám, chui lủi từ góc này sang góc khác mà chẳng thể ngẩng đầu lên.
“Kế hoạch tốt nhất là không nên có kế hoạch gì cả, vì cuộc đời sẽ không bao giờ tuân theo đúng ý của ta. Không có kế hoạch, thì chuyện gì xảy ra cũng sẽ không sao cả.
Để rồi mỗi kế hoạch được đặt ra tưởng chừng đầy tỉ mỉ và tinh vi nhưng cũng đầy rẫy những sơ hở khi mỗi lúc trôi qua, kế hoạch hoàn hảo của cả gia đình đang dần đi đến bờ vực bị lật tẩy.
Gia đình ông Park, người giàu điển hình của xã hội với căn biệt thự xa hoa, xe ô tô hàng hiệu cùng cuộc sống đầy đủ, viên mãn đến độ thừa thãi. Ông Park có lối suy nghĩ đầy phân biệt đặc trưng của người giàu khi nghĩ về người nghèo.
Ông đã nói, mọi thứ của tài xế Kim hay Ki Teak đều có thể chấp nhận, chỉ có cái mùi của ông ta là đi quá giới hạn. Cậu bé con trai ông Park cũng từng nhận ra chú tài xế, bà quản gia, cô giáo mỹ thuật có mùi giống nhau.
Mùi ở đây không phải mùi của đồ tắm hay quần áo mà là mùi của cái nghèo, như mùi khi người ta giặt giẻ lau, mùi của củ cải thối, mùi của những người đi tàu điện ngầm.
Có lẽ ai đã từng xem phim đều không thể quên được phân cảnh khi ba người trong gia đình Ki Teak phải trốn dưới gầm bàn, nghe người ta nói về một thứ mùi mà chắc chắn Ki Teak không thể nào gột rửa được.
Nhục nhã và cay đắng vô cùng, có lẽ chính khoảnh khắc này đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ của Ki Teak, chạm đến một trong những điều quý giá nhất mà một người nghèo như ông còn giữ được, đó chính là lòng tự trọng.
Bên cạnh mùi, đạo diễn Bong Joon-ho còn sử dụng hàng loạt hình ảnh ẩn dụ khác như hòn đá, các bậc thang, căn hầm một cách khá rõ ràng để thể hiện quan điểm sống khác nhau, sự phân biệt giữa hai tầng lớp trái ngược trong xã hội Hàn Quốc.
Phân cảnh ngập lụt được ví như sự tức nước vỡ bờ, cơn mưa lớn khiến căn nhà ổ chuột của gia đình Ki Teak trở nên tan hoang, bị nhấn chìm trong nước mưa, nước cống, khiến cho mỗi người họ đều rơi vào dòng suy nghĩ riêng.
Thứ đầu tiên mà người bố của gia đình nghèo khổ này cứu khỏi cơn lũ là tấm huy chương, một trong những niềm tự hào hiếm hoi và duy nhất ông có trong đời. Thời khắc bị sỉ nhục dưới gầm bàn kia, ông nhận ra con người chẳng thể sống nhục nhã và không có lòng kiêu hãnh.
Trong phân cảnh ngập lụt nhớp nhúa đó, dưới ánh đèn chớp sáng chớp tối, cậu con trai Ki Woo cứ ôm chặt lấy hòn đá cảnh, cho rằng hòn đá cứ đi theo mình.
Hòn đá đó chính là tượng trưng cho tiền tài, hạnh phúc, cho khát vọng đổi đời trong tâm hồn cậu trai trẻ thông minh, sáng dạ nhưng cũng đồng thời là gánh nặng mà cậu đã phải mang trong suốt những năm tháng qua.
Có lẽ hình ảnh ám ảnh và gây ấn tượng mạnh đến suy nghĩ của người xem đó chính là khi Ki Jung giữa khung cảnh hỗn độn với những thứ nước cống, nước thải cứ không ngừng trào ra khỏi bồn cầu thì cô vẫn bình thản châm thuốc hút.
Một gương mặt bất cần và hành động trái ngược viễn cảnh thực tại, điều đó chứng tỏ Ki Jung đã hoàn toàn buông bỏ và chấp nhận cái bản chất thật sự của con người mình. Cô không còn sức lực để thực hiện bất cứ mưu đồ hòng đổi đời nào nữa.
Người xem có thể thấy được mối tương phản giữa hai tầng lớp ngay từ những thước phim đầu tiên, nhưng phải đến càng về sau, phim càng lột tả một cách trần trụi và tàn nhẫn hơn rất nhiều lần.
Những người trong gia đình Ki Teak đang sống giống như những con ký sinh trùng, bám vào những kế hoạch, bám vào gia đình người khác để được tồn tại, ngày qua ngày ăn mòn mọi thứ từ trong ra ngoài.
Nhìn theo một góc độ khác, nhà họ Park cũng đang ký sinh vào những người làm việc cho mình. Họ không thể tự làm được những công việc thường nhật như lái xe, nấu ăn, học tiếng Anh hay vẽ tranh mà luôn phải thuê người khác.
Cô vợ Choi Yeon Gyo cũng phải thừa nhận rằng, không có sự trợ giúp của cô giáo Ki Jung và những người làm thuê khác thì gia đình cô không biết sống như thế nào.
Các nhân vật trong Parasite được xây dựng chi tiết và ấn tượng, mang tính đặc trưng xã hội cao. Từng kiểu người trong phim đều có thể bắt gặp ngoài đời thực ở bất cứ đâu, với cá tính đậm nét và thể hiện rất rõ môi trường mà họ sinh hoạt hàng ngày.
Những con ký sinh nào đâu chỉ riêng gia đình Kim hay gia đình Park, Parasite còn có những cú ngoặt bất ngờ, đẩy thời điểm mâu thuẫn giữa hai đám ký sinh trùng bùng nổ một cách mạnh mẽ.
Những góc máy chất lượng và phong cách dựng phim tiệm cận hoàn hảo
Không có gì để phàn nàn về chất lượng sản xuất của Parasite, bộ phim đem đến cho khán giả những cú máy đi qua từng căn phòng, từng góc hành lang trong từng bối cảnh một cách mượt mà mà không phô trương hay cầu kỳ.
Tuy có bối cảnh khá hẹp khi hầu hết diễn biến chỉ xảy ra trong một căn biệt thự nhưng khán giả không cảm thấy nhàm chán, bởi lẽ ê-kíp thực hiện biết tận dụng hiệu ứng ánh sáng cùng các góc máy lạ để tạo ra sự khác biệt. Ở nhiều phân cảnh, việc sử dụng hiệu ứng góc tối linh hoạt giúp tăng tính kích thích đầy tự nhiên.
Nhiều khung hình trong phim còn có tác dụng kể chuyện mạnh mẽ, tiêu biểu là trường đoạn một nhóm nhân vật chạy bộ qua từng con phố trong đêm dưới cơn mưa như trút nước. Máy quay liên tục thay đổi góc nhìn, lúc thì từ phía sau dõi theo nhân vật, lúc là góc nhìn ngang bao trọn bối cảnh mà họ đang di chuyển.
Chất lượng kỹ thuật của bộ phim đặc biệt là mảng dựng phim là gần như hoàn hảo.Từng khung hình trong trường đoạn này nhắc lại bản chất thực sự của nhóm nhân vật trong phim khi chúng lột bỏ lớp vỏ bọc gian dối bên ngoài một cách đầy chua chát, cay đắng.
Những con người nghèo khổ dưới đáy xã hội buộc phải trở về đúng nơi mà họ thuộc về một cách đầy ê chề, nhục nhã và phải gạt bỏ hết những ảo tưởng xa hoa trong thoáng chốc.
Âm nhạc của Parasite cũng rất đáng chú ý, bộ phim đem đến nhiều đoạn nhạc với âm điệu đa dạng, phối hợp nhịp nhàng với từng phân cảnh góp phần tạo cảm xúc phù hợp cho khán giả.
Đáng nói nhất phải kể đến phần dựng phim đỉnh cao, Parasite có kết cấu chắc chắn, với các chi tiết, sự kiện diễn ra liên tục cùng tiết tấu nhanh, có tính liên kết chặt chẽ. Mỗi khung hình trong phim đều được tính toán và có giá trị cụ thể, hầu như không có chút thừa hay thiếu.
Thủ pháp chuyển cảnh tài tình giúp các phân cảnh với những tính chất khác nhau có thể liên kết mượt mà, khiến khán giả có thể chuyển biến từ cảm xúc này sang cảm xúc khác rất nhanh chóng mà không cảm thấy gượng gạo.
Khi đang còn nhẹ nhàng lãng mạn, bộ phim có thể lập tức chuyển sang hành động kịch tính lại vừa hài hước châm biếm, tất cả đều có thể xuất hiện trong cùng một phân cảnh quay.
Từ Cành Cọ Vàng của Cannes đến tượng vàng Oscar
“Kỳ tích Châu Á” quả thực là một danh xưng đúng tầm dành cho Parasite khi bộ phim đại thắng ở lễ trao giải Oscar lần thứ 92, đưa lịch sử điện ảnh Châu Á bước sang một trang mới đầy vẻ vang.
Suốt hơn nửa năm kể từ ngày bắt đầu công chiếu, bộ phim đã gây tiếng vang vượt qua phạm vi xứ sở kim chi và vươn đến toàn cầu, tạo nên cơn sốt ở mọi liên hoan phim và giành danh hiệu cao quý nhất Cành cọ Vàng tại Cannes 2019 cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác.
“Cảm ơn rất nhiều. Khi tôi còn trẻ và học về điện ảnh, có một câu khắc sâu vào tâm khảm tôi là “Cá nhân nhất là sáng tạo nhất.” Câu nói đó là của Martin Scorsese vĩ đại của chúng ta. Khi tôi còn học ở trường, tôi đã nghiên cứu phim của Martin Scorsese. Chỉ cần được đề cử đã là vinh dự to lớn rồi, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ thắng.”
Vào giây phút hồi hộp nhất, nữ minh tinh Jane Fonda đã gọi tên Parasite cho hạng mục Phim xuất sắc nhất trong sự vỡ òa niềm vui của không chỉ những người trong khán phòng Nhà hát Dolby mà chắc chắn là của rất nhiều người Hàn Quốc, người Việt Nam và đông đảo mọt phim ở lục địa này.
Lần đầu tiên trong lịch sử trao giải Oscar, một tác phẩm châu Á chiến thắng giải Phim hay nhất như một sự khẳng định rằng Oscar không phải là sân chơi chỉ dành riêng cho điện ảnh Mỹ mà còn thuộc về toàn cầu.
Đạo diễn Bong Joon Ho phát biểu những lời thể hiện sự ngạc nhiên của ông khi nghe bộ phim của mình được xướng tên nhận giải:
“Tôi vẫn đang cảm thấy mọi chuyện thật khó tin và thể nào cũng có cái gì đó đánh thức tôi dậy khỏi giấc mơ này.”
Dù vậy, việc Parasite xưng vương ở Oscar 2020 là điều không thể thuyết phục hơn. Giành bốn tượng Vàng của Viện hàn lâm, trong đó có ba giải lớn là Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Suy cho cùng, Parasite giống như một câu chuyện viễn tưởng về “ký sinh trùng”, một phép ẩn dụ để chỉ loài ký sinh, những kẻ ăn bám, đeo đuổi vào một thứ gì đó có lợi cho bản thân mình. Chúng xâm nhập vào vật chủ để ăn mòn và dần dà làm mục ruỗng những thứ bên trong.
Chân dung méo mó của hai tầng lớp tách biệt, sự tương phản giàu nghèo thâm căn cố đế của xã hội Hàn Quốc đã được truyền tải từ những thước phim nghệ thuật vô cùng đặc sắc trong Parasite.
Linh Đồng
Linh Đồng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất