Nếu đã phát chán với những con ma sặc mùi kỹ xảo, những hình ảnh công nghệ dựng trên máy tính không cảm xúc trong các bộ phim kinh dị thường thấy thì hãy lựa chọn Sinh nhật chết chóc (Happy Death Day) để trải nghiệm những cảm giác hoàn toàn mới.

Trailer của phim Sinh nhật chết chóc (Happy Death Day)

Blumhouse đưa Sinh nhật chết chóc tiếp cận khán giả

Có thể khẳng định một điều, Sinh nhật chết chóc thực sự là một quân bài mới lạ và độc đáo của xưởng phim Blumhouse nhằm khẳng định vị trí của mình trên thị trường phim kinh dị thế giới.

Mười năm trước, Blumhouse từng khiến người mộ điệu toàn thế giới phải trầm trồ với siêu phẩm kinh dị Paranormal Activity. Hàng loạt những tựa phim sau đó của hãng cũng thường trực trong tâm trí khán giả như The Purge, Sinister hay Ouija, đưa tên tuổi hãng lên một tầm cao mới.

Blumhouse đang dần khẳng định vị trí trên thị trường phim kinh dị
Blumhouse đang dần khẳng định vị trí trên thị trường phim kinh dị

Sang đến năm 2017, Blumhouse quyết định không chỉ dừng lại ở những màn hù doạ giật mình (jumscare), gây rợn tóc gáy mà còn phải đặt ra một thử thách mới nhằm xoáy sâu vào tâm lý và nỗi sợ thật sự bên trong mỗi con người.

Bằng chứng là hai bộ phim kinh dị SplitGet out đã thành công gây nên ấn tượng cực mạnh, chạm trúng vào cảm xúc người xem và được giới phê bình đánh giá cao về mặt nội dung.

Cùng năm này, Sinh nhật chết chóc được ra mắt đúng vào dịp Halloween cũng đã nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng cho mình. Với doanh thu lên đến 26 triệu đô, bộ phim vinh dự dẫn đầu phòng vé Bắc Mỹ chỉ sau ba ngày công chiếu.

Sinh nhật chết chóc sở hữu một kịch bản khá đặc biệt

Trong Sinh nhật chết chóc, người xem không hề nhìn thấy những hình ảnh quá ghê rợn và cũng không có nhiều máu me. Nét độc đáo lẫn sáng tạo của phim nằm ở phần kịch bản không đụng hàng, xoay quanh một ngày trong cuộc đời cô sinh viên Tree (Jessica Rothe thủ vai).

Từ cảnh buổi sáng khi cô thức dậy trong phòng kí túc xá của anh bạn cô chẳng nhớ nổi tên, cho đến những diễn biến trong ngày như bình thường và khi đêm xuống, cô bị một kẻ mặc đồ đen đeo mặt nạ em bé đâm chết.

Mọi chuyện bắt đầu khi Tree tỉnh dậy sau giấc ngủ dài
Mọi chuyện bắt đầu khi Tree tỉnh dậy sau giấc ngủ dài

Điều đặc biệt là ngày hôm đó cũng đồng thời chính là ngày sinh nhật Tree và cô cứ rơi vào những thước phim bị tua ngược trở lại. Mọi thứ đều diễn ra y hệt như nhau mà kết quả cuối cùng bao giờ cô cũng bị đâm chết rồi vòng lặp lại trở về như cũ.

Tuy nhiên Tree không phải là một người dễ bị chơi như vậy, cô quyết tâm tìm ra kẻ giết nguời và chấm dứt vòng lặp thời gian triền miên này. Tree tận dụng những lần lặp tiếp theo để truy tìm hung thủ giết mình, theo dõi những người bạn học đáng nghi ngờ và bị giết mỗi lần như vậy.

Cô nàng Tree quyết tâm tìm kiếm thủ phạm muốn giết hại mình sau cơn ác mộng vừa qua
Cô nàng Tree quyết tâm tìm kiếm thủ phạm muốn giết hại mình sau cơn ác mộng vừa qua

Cô tỉnh lại trong bệnh viện, cơ thể cô cho thấy sự hồi phục những chấn thương nhiều lần từ những cái chết trước đó. Phim đánh vào nỗi sợ của phần đông mọi người đó là cái chết mà còn là bị giết, lặp đi lặp lại bằng rất nhiều cách.

Xuyên suốt mạch phim còn có sự xuất hiện của Carter Davis (Israel Broussard thủ vai), bạn cùng lớp đồng thời là chủ căn phòng nơi Tree tỉnh dậy vào buổi sáng ngày sinh nhật của mình. Vai trò của nhân vật này cũng đóng góp một phần không hề nhỏ trong việc giúp đỡ Tree.

Israel Broussard đã thành công thể hiện hình ảnh một anh chàng nhân hậu và nhạy bén, cùng với đó là những sở thích lành mạnh và một nụ cười luôn thường trực trên môi.

Carter luôn xuất hiện bên cạnh Tree để giúp đỡ cô lúc cần
Carter luôn xuất hiện bên cạnh Tree để giúp đỡ cô lúc cần

Vốn dĩ kiểu phim với thời gian lặp lại một ngày không phải là điều gì quá mới, nó còn dễ bị rối và khiến bộ phim trở nên nhàm chán. Sinh nhật chết chóc thành công nhờ những sáng tạo trong thay đổi tình huống, phát triển nhân vật và tung những gợi ý nút thắt nút mở cho vụ án.

Ngoài việc nghĩ ra được mấy kiểu chết cổ điển nhưng hiệu quả thì đạo diễn Christopher B.Landon còn rất biết thay đổi không khí trong phim đúng lúc, không bao giờ quá khủng khiếp hay kéo dài những sướt mướt quá lâu.

Những phân cảnh hồi hộp không kém phim hành động trong Sinh nhật chết chóc
Những phân cảnh hồi hộp không kém phim hành động trong Sinh nhật chết chóc

Mỗi khi người xem ngưng lại một chút suy nghĩ của mình cho rằng mọi thứ cứ tiếp diễn như vậy thì phim lập tức xoay ngược 180 độ, không để cho họ có thời gian thấy chán hay nghĩ tới những điểm thiếu logic của phim nữa.

Kinh phí sản xuất giới hạn trong năm triệu đô thực sự là thách thức đối với đội ngũ sản xuất của Sinh nhật chết chóc. Câu hỏi được đặt ra về cách thay đổi bối cảnh môi trường học đường vốn dĩ đã rất quen thuộc.

Sự chuẩn bị và đầu tư kĩ càng cho bộ phim

Mọi chi tiết từ không gian, ánh sáng cho đến âm nhạc đều được khai thác và tận dụng triệt để nhằm mang đến khán giả trải nghiệm thú vị về một bộ phim độc đáo thuộc thể loại slasher – Giết người hàng loạt kết hợp với phong cách vòng lặp thời gian kinh điển của Groundhog Day những năm chín mươi.

Địa điểm được lựa chọn để tái hiện ngôi trường mà Tree đang theo học là Đại học Loyola ở New Orleans, bang Louisiana. Khung cảnh trong căn phòng Tree gặp ác mộng cũng được xây dựng rất độc đáo và không kém phần công phu.

Sinh nhật chết chóc là một bộ phim được đầu tư kỹ càng ở mọi yếu tố
Sinh nhật chết chóc là một bộ phim được đầu tư kỹ càng ở mọi yếu tố

Thiết kế sản xuất của phim, ông De Stefano khẳng định sự thân thiện của Loyola thực sự là lựa chọn tốt nhất và đoàn làm phim có thể tận dụng mọi cơ sở hạ tầng ở đây để làm nên một không gian phản ánh chân thực cuộc sống của các sinh viên trong phim.

Tuy Sinh nhật chết chóc vẫn còn đâu đó những hạt sạn mà một người khó tính của dòng phim kinh dị có thể phát hiện ra được nhưng chính nhờ phong cách kể chuyện thu hút và nhịp điệu nhanh đã giúp che giấu tốt các khuyết điểm, khiến nó trở thành phần không đáng kể.

Sinh nhật chết chóc và hình tượng nữ chính độc đáo

Nhân vật chính của phim, Theresa Tree Gelbman được xây dựng không phải theo kiểu nữ chính truyền thống quá giỏi bị người đời ganh ghét hoặc là ngoan hiền, tốt bụng đến mức ngốc nghếch để người khác bắt nạt.

Tree là một cô gái hết sức đời thường, thẳng thắn và thuộc tuýp thanh niên ăn chơi chính hiệu. Tree sẵn sàng sưng sỉa vởi những cậu trai mê mình, coi thường những đứa con gái không ngầu như mình và giả bộ thân thiết với những đứa giỏi bằng mình.

Nữ chính của Sinh nhật chết chóc mang đến cho khán giả những cảm xúc độc đáo và thú vị
Nữ chính của Sinh nhật chết chóc mang đến cho khán giả những cảm xúc độc đáo và thú vị

Ở Tree hội tụ đủ mọi yếu tố của một cô gái xấu tính nhưng điều đó không có nghĩa là cô đáng bị chết, bởi lẽ cô không phạm pháp hay gây nên tội lỗi gì. Diễn biến phim càng đi sâu thì người xem mới càng thấy được Tree thực sự là một cô gái như thế nào.

Lúc cần mạnh mẽ thì cô nàng rất mạnh mẽ, sẵn sàng đánh trả lại những kẻ dám động đến mình nhưng cũng có những lúc cô trải lòng và thể hiện ra bản chất là một con người rất tình cảm và biết suy nghĩ.

Jessica Rothe đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình
Jessica Rothe đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình

Sau hàng loạt những nhân vật nữ chính phảng phất những nét tính cách như nhau thì cô nàng Tree của Sinh nhật chết chóc thật sự đã tạo nên một bước đột phá lớn. Không thể phủ nhận tài năng của Jessica Rothe, cô hoàn thành vô cùng trọn vẹn vai diễn của mình.

Từng biểu cảm trên gương mặt, sự thay đổi tâm lý và trưởng thành trong suy nghĩ của nhân vật Tree là sức cuốn hút đặc biệt của bộ phim, được Jessica lột tả theo phong cách của riêng cô, góp phần tạo nên một hình mẫu nhân vật đa dạng và có chiều sâu.

Góc quay và âm thanh làm nên sự thành công của bộ phim

Điểm đặc biệt tiếp theo cần phải kể đến là cách quay phim táo bạo, giúp khai thác nhiều sắc thái thời gian duy nhất, riêng biệt trong Sinh nhật chết chóc. 

Với việc Tree sẽ phải sống đi sống lại vào cái ngày mà cô bị giết, đạo diễn Christopher Landon đã bàn bạc cụ thể với quay phim Oliver để mỗi ngày trong vòng lặp thời gian đó sẽ có một sắc thái khác nhau.

Mỗi cảnh quay trong phim đều rất độc đáo và riêng biệt
Mỗi cảnh quay trong phim đều rất độc đáo và riêng biệt

Christopher Landon đã quyết định sẽ bắt đầu bộ phim với việc để máy quay di chuyển rất nhẹ nhàng, ổn định nhưng khi vòng lặp thời gian tiến triển và Tree thức dậy vào ngày mới, máy quay sẽ rung lắc mỗi lúc một nhiều hơn.

Bên cạnh việc bố trí cho chuyển động máy quay, Christopher Landon cũng nhận thấy sự cần thiết của việc sử dụng màu sắc để khắc hoạ những thay đổi diễn ra mỗi ngày.

Vào ngày đầu tiên, mọi thứ thật rạng rỡ nhưng rồi tất cả đều trở nên xám xịt theo từng diễn biến xảy đến trong phim. Khán giả đang được sống trong cơn ác mộng của Tree, vì thế đạo diễn muốn sử dụng màu sắc để phản ánh lại bầu không khí tồi tệ đó.

Màu sắc cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên dấu ấn riêng của Sinh nhật chết chóc
Màu sắc cũng đóng vai trò quan trọng tạo nên dấu ấn riêng của Sinh nhật chết chóc

Để tăng hiệu quả trong việc miêu tả những ngày khác nhau của Tree với một chuỗi vòng lặp thời gian kỳ quái, phần nhạc nền sử dụng cũng rất được đội ngũ sản xuất quan tâm.

Sau khi xem qua những thước phim đầu tiên của Sinh nhật chết chóc, nhạc sỹ McCreary đã biết chính xác mình phải làm gì để làm nên phần nhạc nền theo đúng yêu cầu. Vào mỗi ngày trong vòng lặp thời gian, âm nhạc cũng lặp đi lặp lại nhưng sẽ thay đổi về mặt tiết tấu để gợi lên trong lòng người xem cảm giác căng thẳng và ngột ngạt.

Bối cảnh trong phim được sắp xếp vô cùng tỉ mỉ
Bối cảnh trong phim được sắp xếp vô cùng tỉ mỉ

Có thể nói, chính nhờ những sự chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết trong phim của đạo diễn Christopher Landon đã góp phần không nhỏ làm nên sự thành công của Sinh nhật chết chóc.

Có lẽ vì vậy mà hãng phim Blumhouse đã quyết định sản xuất tiếp phần hai, được ra mắt vào năm 2019 và vẫn giữ nguyên tựa phim Sinh nhật chết chóc 2.

Mặc dù đã công chiếu được một thời gian nhưng Sinh nhật chết chóc vẫn xứng đáng là một bộ phim kinh dị cực đáng xem, dành cho những ai đang tìm kiếm một nội dung độc đáo trên nền kịch bản vô cùng xuất sắc của dòng phim đầy ám ảnh này.

Linh Đồng