Thảm họa hạt nhân là bộ phim thuộc thể loại thảm họa của điện ảnh Hàn Quốc, được công chiếu vào năm 2016. Phim do Park Jung Woo, người được biết đến với tác phẩm về bệnh truyền nhiễm Loạn trí làm đạo diễn kiêm biên kịch.
Thảm họa hạt nhân (2016) – Official Trailer – Netflix
Xoay quanh hành trình chống chọi với thảm họa hạt nhân diễn ra ở nhà máy điện Han Byul, tác phẩm của đạo diễn Park Jung Woo gây ấn tượng mạnh mẽ với khản giả bởi nội dung gay cấn, sâu sắc cùng những bài học nhân văn về tình cảm gia đình, tình người và sự hi sinh của mỗi cá nhân.
Thảm họa hạt nhân mang đến một cái nhìn chân thực và ám ảnh về cách con người vượt qua nghịch cảnh, sự thờ ơ của những kẻ đứng đầu đất nước đã đẩy người dân vô tội vào bước đường cùng, buộc họ đánh cược tính mạng để cứu lấy gia đình.
Thảm họa hạt nhân và mối nguy hại đến từ chất phóng xạ
Thảm hoạt hạt nhân mở đầu với khung cảnh làng quê yên bình, một đám trẻ đang ngồi trên bờ sông và hướng mắt về nhà máy điện địa phương, chúng dự đoán sự thành công của nó trong tương lai sẽ làm cho nơi này phát triển.
Thời gian trôi qua, những đứa trẻ khi xưa giờ là công nhân trong nhà máy điện Han Byul. Trong đó có Kang Jae Hyeok (Kim Nam Gil thủ vai), một kẻ từng luôn ca tụng về nơi này nhưng giờ chỉ muốn thoát khỏi nó, lên tàu đánh cá làm việc để đổi đời.
Jae Hyeok và sự can đảm trước thực tại tàn khốc
Jae Hyeok là một kẻ lười biếng, luôn than thở và thường xuyên bị mẹ là bà Seok (Kim Young Ae thủ vai) mắng mỏ. Anh sống với cháu trai Min Jae (Bae Gang Yoo thủ vai) và người chị dâu Jung Hye (Moon Jeong Hee thủ vai), một phụ nữ góa chồng.
Cuộc sống tưởng chừng sẽ yên bình trôi qua thì đến một ngày, trận động đất xảy đến khiến chất làm mát trong nhà máy bị rò rỉ, báo hiệu tương lai đen tối cho người dân nơi đây.
Mạch phim gay cấn hơn khi lò phản ứng hạt nhân trở nên quá nóng, mọi nỗ lực làm nguội đều không thành. Sở trưởng Pyeong Seok (Jung Jin Young thủ vai) yêu cầu cấp trên ban lệnh di tản nhưng họ đều từ chối vì sợ chỉ trích.
Lúc này, chính phủ cũng nhận được tin tức từ nhà máy, phía thủ tướng (Lee Gyeung Young thủ vai) quyết định xả phóng xạ để làm giảm áp suất từ bên trong nhưng tổng thống (Kim Myung Min thủ vai) thì lại muốn sơ tán người dân trước.
“Chúng ta không thể nào mạo hiểm cả một quốc gia để cứu lấy một vài người.”
Áp suất ngày một tăng cao, tình thế trở nên nguy hiểm và cấp bách vô cùng. Phía quản lý quyết định mở van lẫn xả khí nhưng lại khiến nhà máy phát nổ, nhiều công nhân vì không thể thoát ra nên người chết, người bị thương nặng.
Bản thân Jae Hyeok may mắn sống sót, anh đồng thời cứu được hai người bạn Gil Sub (Kim Dae Myung thủ vai) và Jin Taek (Kim Han Jong thủ vai) ra ngoài. Tuy hoảng loạn nhưng anh vẫn từ chối di tản, kiên quyết ở lại để cứu những nạn nhân còn mắc kẹt bên trong.
Thảm họa hạt nhân và sự nỗ lực muộn màng của chính phủ
Phía chính phủ cùng quản lý nhà máy quyết định xả nước vào bên trong nhằm làm nguội lò phản ứng hạt nhân và giảm mức phóng xạ xuống. Thế nhưng, mọi chuyện trở nên khó khăn khi bồn chứa nước bị nứt, việc xả nước trở nên thất bại.
Chính sự vô tâm của chính phủ và cách làm việc tắc trách của ban quản lý đã đẩy những số phận đáng thương như Jae Hyeok hay các công nhân vào một thảm họa kinh khủng, họ phải hi sinh tính mạng để bảo vệ gia đình và cả Đại Hàn Dân Quốc.
Mặc cho sở trưởng Pyeong Seok liên tục đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng thê thảm hiện tại, nhưng cấp trên ở phía nhà máy và người trong chính phủ chỉ chăm chăm vào lợi ích cá nhân mà không quan tâm tới mạng sống của nhân dân mình.
“Lũ khốn kiếp! Bọn nó mặc kệ việc chúng ta có chết hay không à? Bọn nó có bao giờ quan tâm tới chúng ta chưa?”
Thảm họa hạt nhân khiến khán giả sững sờ trước những phân cảnh chen lấn, giành giật hàng hóa trong siêu thị của người dân. Ở bên ngoài, sân bay, bến xe lẫn đường sá đều đông nghịt người di tản.
Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ huy tài tình từ Pyeong Seok và lòng dũng cảm của Jae Hyeok đã khiến vị tổng thống vực dậy tinh thần và đứng ra thừa nhận sai lầm với người dân và cùng chung tay chiến đấu với thảm kịch này.
Dàn diễn viên tên tuổi và những màn thể hiện xuất sắc trong Thảm họa hạt nhân
Từ khi ra mắt, Thảm họa hạt nhân luôn nằm trong danh sách phim hay nhất thuộc đề tài thảm họa. Không chỉ thu hút công chúng, Thảm họa hạt nhân còn được giới chuyên môn đánh giá cao về kịch bản lẫn diễn xuất.
Để có được sự đón nhận và tán dương nhiệt liệt đó, những màn thể hiện xuất sắc của các diễn viên là yếu tố tiên quyết. Phim quy tụ dàn sao hoành tráng với tài tử Kim Nam Gil, nữ diễn viên kỳ cựu Kim Young Ae và Jung Jin Young, người chuyên “xử lý” những vai diễn nặng đô.
Màn biến hóa tài tình của những nhân vật chính
Trước khi đến với Thảm họa hạt nhân, Kim Nam Gil từng gây ấn tượng nhờ vai phụ Bidam trong “bom tấn” Thiện Đức nữ vương. Dẫu vậy, phải đến khi hợp tác với đạo diễn Park Jung Woo thì tên tuổi của anh mới được biết đến rộng rãi.
Thủ vai Kang Jae Hyeok, một nhân vật gặp ám ảnh khôn nguôi vì cha và anh trai đều bị nhiễm phóng xạ, thái độ ghét bỏ nhà máy Han Byul của Jae Hyeok đã được nam tài tử thể hiện một cách xuất sắc.
Ban đầu, nhân vật này tỏ ra ích kỷ và chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những mất mát, đau thương mà người dân phải chịu đựng, anh lập tức thay đổi góc nhìn và trở thành vị cứu tinh cho tất cả.
Biểu cảm linh hoạt, cách nhả thoại tự nhiên nên Jae Hyeok đã ghi dấu mạnh mẽ trong sự nghiệp đồ sộ của Kim Nam Gil. Thậm chí, diễn xuất trong Thảm họa hạt nhân còn được dùng để so sánh với những tác phẩm về sau của anh như Zombie đại hạ giá, Linh mục nhiệt huyết.
“Anh muốn sống một đời thật hạnh phúc. Tại sao anh không thể làm như thế?”
Sở trưởng Pyeong Seok, người luôn trách nhiệm với công nhân và nghiêm túc trong công việc được đảm nhận bởi diễn viên kì cựu Jung Jin Young. Anh cố gắng thuyết phục cấp trên khi biết nhà máy điện Han Byul có vấn đề, tuy nhiên ông ta chỉ phớt lờ đi.
Chính sự thờ ơ của chính phủ và ban quản lý đã khiến thảm họa diễn ra, đẩy nhiều số phận vào tình thế nguy hiểm. Họ trở thành người vô gia cư, không nhà không cửa chỉ vì những quyết định vô trách nhiệm.
Ánh mắt bất lực khi chứng kiến công nhân thiệt mạng, sự quyết đoán trong giờ phút sinh tử, tất cả được Jung Jin Young thể hiện trọn vẹn trên màn ảnh. Vai diễn của anh được đánh giá có chiều sâu không kém Nam Gil, cả hai đã kết hợp và tạo nên những phút giây bùng nổ về cảm xúc.
Thảm họa hạt nhân cùng sự tỏa sáng đến từ dàn diễn viên phụ
Nữ diễn viên quá cố Kim Young Ae thủ vai bà Seok, một người phụ nữ góa chồng và là mẹ của Jae Hyeok. Bà có tính cách đầy cố chấp, thường xuyên la mắng con trai nhưng trong thâm tâm, người phụ nữ ấy sở hữu tấm lòng bao dung vô bờ bến.
Vai diễn người mẹ luôn cố chấp trong phim được thể hiện bởi nữ diễn viên quá cố Kim Young Ae. Bà Seok là một phụ nữ góa chồng, mở một quán ăn nhỏ trong thị trấn và thường xuyên la mắng đứa con trai lười biếng Jae Hyeok.
Giống như Jae Hyeok, bà Seok cũng phải gánh chịu nỗi đau trong quá khứ khi chồng và con trai đều mất sau một tai nạn ở nhà máy. Tuy nhiên, bà lại tin rằng mọi thứ không có gì nghiêm trọng ở thời điểm hiện tại, dẫn đến việc toàn bộ gia đình bị mắc kẹt.
Dù bị con dâu trách móc, bà Seok vẫn không để bụng mà cố gắng sửa sai. Trong thâm tâm người mẹ ấy là tình thương con vô bờ bến, điều này khiến người xem vô cùng cảm động. Với họ, nữ diễn viên Kim Young Ae đã có màn trình diễn để đời, vượt qua hàng loạt nhân vật trong phim.
Ngoài bà Seok, những vai diễn nổi bật còn “điểm tên” vị tổng thống Đại Hàn. Sự bất lực khi bản thân không có tiếng nói trong chính phủ, bài phát biểu đanh thép trước toàn dân, khí chất của người đứng đầu quốc gia được Kim Myung Min truyền tải một cách trọn vẹn.
Những diễn viên phụ như Kim Joo Hyun, Moon Jeong Hee đều hoàn thành tốt vai trò, tần suất lên hình không nhiều nhưng họ vẫn gây thiện cảm với khán giả.
Một tác phẩm thành công của đạo diễn tài năng Park Jung Woo
Đằng sau thành công của Thảm họa hạt nhân là đạo diễn Park Jung Woo, cốt truyện ông xây dựng không mới nếu so sánh với những tác phẩm cùng đề tài như Đại dịch cúm, Quái vật sông Hàn. Tuy vậy, phim vẫn mang đến thông điệp nhân văn cho khán giả đại chúng.
Jae Hyeok hay Pyeong Seok đều là những người bình thường, thậm chí không có kỹ năng giải cứu nhưng lại bất chấp nguy hiểm để đưa các nạn nhân khác ra bên ngoài. Không vì danh lợi hay vật chất, chính lòng can đảm đã dẫn dắt họ trong thảm họa ấy.
Đạo diễn Park Jung Woo đã thành công khi xây dựng một câu chuyện rất chân thực, cảm động về cách con người đối diện và vượt qua thảm kịch, tình yêu thương và sự hi sinh quên mình của mỗi cá nhân.
Càng về cuối, Thảm họa hạt nhân càng đi sâu vào bi kịch và nỗi đau của người dân địa phương khi bị đất nước bỏ rơi. Những phân cảnh ấn tượng, lời thoại ý nghĩa về gia đình, đồng đội lẫn tình yêu đều được Park Jung Woo lồng ghép một cách khéo léo.
Là thước phim buồn về bi kịch của con người trong thời hiện đại, đạo diễn Park đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, những quyết định phút chốc tầng lớp phía trên đủ sức đẩy người yếu thế vào bước đường cùng.
Sự đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và khán giả dành cho Thảm họa hạt nhân
Cốt truyện hấp dẫn, hình ảnh đẹp mắt cùng diễn xuất “không chỗ chê” của dàn diễn viên tên tuổi, Thảm họa hạt nhân được đông đảo khán giả ca ngợi. Trên trang đánh giá IMDb, tác phẩm nhận về số điểm khả quan 6.7 với gần bảy nghìn lượt đánh giá.
“Thành thật mà nói, khi mới bắt đầu xem bộ phim này, tôi không kỳ vọng gì nhiều về nó. Nhưng sau đó tôi phải suy nghĩ lại vì bộ phim là một cuộc hành trình cảm xúc từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc. Cốt truyện, diễn xuất, kỹ xảo và bối cảnh vô cùng chân thực.” – IMDb
Các nhà phê bình khi thưởng thức Thảm họa hạt nhân đều cho rằng tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ đến công chúng, gợi nhắc vụ nổ Chernobyl tại Ukraina hay sự cố nhà máy điện Fukushima vì tính chân thực đến ám ảnh.
“Hiệu ứng chảy nổ, kỹ xảo động đất, tan chảy lõi hạt nhân được thể hiện chân thực đến mức ám ảnh kết hợp với diễn xuất hoàn hảo từ dàn diễn viên tài năng.” – Rotten Tomatoes
Bên cạnh đó, Thảm họa hạt nhân cũng thu về nhiều ý kiến trái chiều, một bộ phận khán giả khó tính cho rằng phim vẫn chưa đủ cao trào và cảm động như giới truyền thông ca ngợi vì có nội dung dễ đoán, cách truyền tải thông điệp cũng như bao tác phẩm thảm họa khác, không có sự sáng tạo.
“Tôi không thật sự quan tâm tới các nhân vật lắm, diễn xuất của các diễn viên cũng không có sự ăn ý như tôi mong đợi. Tóm lại, đây là một tác phẩm thất vọng và các bạn không nên xem.” – IMDb
Tuy nhiên, đại đa số đều đồng tình rằng Thảm họa hạt nhân đã mạnh dạn khai thác một chủ đề mới lạ tại Hàn Quốc về sự giải phóng năng lượng hạt nhân, một thứ dường như chỉ có ở những tác phẩm “bom tấn” trên thị trường Hollywood.
“Thảm họa hạt nhân là một bộ phim quan trọng và là một trong những bom tấn thảm họa kinh phí lớn của Hàn Quốc cuối năm, cũng như sự trở lại đầy táo bạo của đạo diễn nổi tiếng Park Jung Woo.” – Rotten Tomatoes
Ra mắt năm 2016, Thảm họa hạt nhân do Next Entertainment World chịu trách nhiệm sản xuất và phát hành. Sáu tháng trước khi phim ra mắt, công ty này cũng “trình làng” bom tấn Chuyến tàu sinh tử nên đã phần nào tăng thêm hiệu ứng cho tác phẩm.
Thảm họa hạt nhân cũng là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên được bán trước cho Netflix. Không chỉ thu hút đông đảo khán giả, phim còn được trình chiếu trên gần 190 quốc gia, mang về tổng doanh thu lên tới 32 triệu đô la Mỹ.
Dù cho nhận về nhiều lời khen chê trên các trang đánh giá nhưng Thảm họa hạt nhân vẫn là thước phim đáng xem bởi câu chuyện nhân văn, thông điệp ý nghĩa cùng dàn diễn viên thực lực với những màn trình diễn bùng nổ cảm xúc.
Thảm họa hạt nhân và sự thành công to lớn cả trong nước lẫn quốc tế
Ngoài thành công về mặt doanh thu, bộ phim còn sở hữu nhiều đề cử và giải thưởng vì những giá trị to lớn trên màn ảnh.
Tại lễ trao giải Chuông vàng năm 2017, Thảm họa hạt nhân nhận về mười đề cử, trong đó đạo diễn Park Jung Woo có hai đề cử cho Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Dù không chiến thắng bất kỳ hạng mục nào, điều đó vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng của bộ phim trong giới mộ điệu.
Bên cạnh đó, ở giải Đại chung Thảm họa hạt nhân cũng sở hữu tới bảy đề cử, ngoài Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho đạo diễn Park thì còn có thêm Nữ và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Kim Young Ae và Jung Jin Young bởi màn trình diễn đỉnh cao mà họ đem lại.
Sự thể hiện ngoài mong đợi của tài tử Kim Nam Gil với vai diễn Kim Jae Hyeok trong Thảm họa hạt nhân cũng đem lại cho anh đề cử Nam diễn viên xuất sắc nhất tại Baeksang năm đó.
Chưa dừng lại ở đấy, phim còn gây tiếng vang lớn ở thị trường quốc tế, tiêu biểu là tại giải thưởng Điện ảnh châu Á với hai đề cử Thiết kế xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất. Điều này cho thấy Thảm họa hạt nhân không chỉ sở hữu cốt truyện lôi cuốn mà còn có hiệu ứng hình ảnh đẹp mắt.
Đáng buồn thay, Thảm họa hạt nhân dường như “vô duyên” với giải thưởng khi không “bỏ túi” được bất kì tượng vàng nào, dù cho đoàn làm phim đã đem đến thước phim đầy cảm động về hành trình giành giật sự sống của các nhân vật.
Sau cùng, Thảm họa hạt nhân xứng đáng là một trong số những tác phẩm hay nhất thuộc đề tài thảm họa của Hàn Quốc khi chứa đựng trong đó những giá trị nhân văn về tình cảm gia đình, lòng khao khát sống và sự hi sinh ý nghĩa ở mỗi cá nhân.
Thẩm Nhu
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất