Tháng 5 để dành là bộ phim đề tài tình yêu tuổi học trò được chuyển thể từ tiểu thuyết Ranh giới của blogger nổi tiếng Rain8x từng làm mưa làm gió trong cộng đồng giới trẻ nhờ sự phổ biến của mạng internet trong những năm 2009-2016.
Dự án phim được thực hiện bởi đạo diễn trẻ Lê Hà Nguyên với sự tham gia của chính tác giả Rain8X trong vai trò cố vấn được công chiếu vào năm 2019.
Trailer chính thức của Tháng 5 để dành
Dù chỉ nhận được những suất chiếu ít ỏi dẫn đến khó tiếp cận với công chúng nhưng bằng mong muốn đưa những câu chuyện gắn bó với tuổi trẻ bao thế hệ từ trong trang sách lên màn ảnh rộng, cả ekip làm phim đã kiên trì thực hiện suốt nhiều năm.
Với sự tham gia của các diễn viên trẻ như Xuân Hùng, Minh Trang và Đức Ngụy, Tháng 5 để dành đã làm sống lại tuổi trẻ của những thế hệ 8x, 9x với từng cung bậc cảm xúc trong những thước phim chỉn chu, mang đậm màu sắc của kí ức.
Một thời tuổi trẻ trong Tháng 5 để dành
Tháng 5 để dành là bộ phim xoay quanh mối tình tuổi học trò của hai cô cậu học sinh cùng lớp dưới góc nhìn của nhân vật Hiếu (Xuân Hùng thủ vai).
Hiếu là cậu học sinh lớp mười một hiền lành và thích làm thơ, cũng giống như bao đứa con trai mới lớn với những tò mò về giới tính và tình yêu, cậu đem lòng yêu mến Mai Ngọc, cô bạn lớp phó học tập xinh đẹp (Minh Trang thủ vai).
Với vẻ ngoài xinh xắn cùng học lực nổi trội, Mai Ngọc hiển nhiên trở thành mục tiêu theo đuổi của những cậu bạn nam cùng trường và được đám con trai trong lớp gọi với biệt danh “sếp”.
Trong một lần được cô giáo đề cử làm báo tường chung, cô bé Mai Ngọc vốn ít giao tiếp với các bạn nam lại dần dần cảm nắng cậu bạn tên Hiếu và từ đây, mối tình “gà bông” của đôi bạn bước sang một trang mới đầy sóng gió.
Với những xúc cảm ngây ngô của lứa tuổi học trò, Tháng 5 để dành đã đưa khán giả lên chuyến tàu ngược trở về thời áo trắng vô tư, hồn nhiên của những mối quan hệ giữa tình bạn và tình yêu.
Ngoài những rung động đầu đời với người mà mình thầm cảm mến, hẳn ai trong chúng ta cũng từng có những đứa bạn chí cốt cùng sát cánh thực hiện nhiều trò quậy phá, quay cóp trong lớp học.
Nhân vật Sơn (Đức Ngụy thủ vai) của Tháng 5 để dành chính là một đứa bạn điển hình như vậy. Với sở thích trêu ghẹo con gái, mỗi khi nhìn thấy các bạn nữ thì mắt Sơn lại chạy long sòng sọc nên thường bị gọi với biệt danh “Sơn Lác”.
Trong ký ức của Hiếu, Sơn là đứa xúi dại mình đi nhảy sông dù không biết bơi nhưng cũng là đứa đầu tiên lao xuống cứu để rồi sau đó trở thành bạn thân suốt những năm cắp sách đến trường.
Và lớp học cũng không thể nào thiếu những thành phần như Quân Mắt Nai, một đứa dày dạn kinh nghiệm cuộc đời cái gì cũng biết trừ thành tích học tập không thể tệ hơn.
Tất cả những chi tiết nhỏ nhặt đầy quen thuộc ấy họp thành một bức tranh nhiều màu sắc, làm sống lại những ký ức về một thời tinh nghịch vụng dại, khiến cho khán giả được mỉm cười nhìn lại chính mình trong những năm tháng áo trắng vô tư.
Hành trình hơn một nghìn ngày thực hiện Tháng 5 để dành
Tháng 5 để dành được coi là hành trình với những bước đi chập chững đầy kiên trì và đam mê của những người trẻ tuổi đối với điện ảnh nước nhà. Không nhiều người biết rằng nam diễn viên Đức Ngụy vừa là nhà sản xuất vừa kiêm luôn vai diễn Sơn trong phim.
Tâm sự về hành trình làm nên bộ phim, Đức Ngụy cho biết anh yêu thích cuốn tiểu thuyết Ranh giới của tác giả Rain8x từ năm học lớp mười và chính niềm yêu thích ấy đã thôi thúc anh tìm gặp tác giả sau khi biết tin Rain8x đã trở lại sau nhiều năm ngừng viết.
Tác giả Rain8x ban đầu không ủng hộ việc chuyển thể cuốn tiểu thuyết thành phim vì anh lo sợ những câu chuyện liên quan đến tình yêu ở lứa tuổi học sinh nếu như không cẩn thận có thể trở nên phản cảm, khó chấp nhận.
Nhưng chính nhiệt huyết và sự kiên trì của hai chàng trai trẻ Đức Ngụy, Xuân Hùng đã lay động được tác giả và khiến anh chấp nhận lời mời tham gia cố vấn cho quá trình quay phim.
Tháng 5 để dành được khởi quay năm 2016 với nguồn vốn chủ yếu là tiền túi của Đức Ngụy và Xuân Hùng, bộ phim dự kiến công chiếu vào năm 2017 nhưng do yêu cầu cao trong từng thước phim của Đức Ngụy, thời gian quay đã phải kéo dài hơn dự kiến.
Đằng sau bộ phim gói gọn trong 105 phút là một hành trình dài hơn một nghìn ngày làm việc không biết mệt mỏi của cả đoàn làm phim. Tháng 5 để dành quả là một thử thách lớn khi hầu hết ê-kíp làm phim đều là những người trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề.
Khó khăn lại càng chồng chất khi phim điện ảnh miền Bắc lúc bấy giờ rất khó để cạnh tranh với điện ảnh miền Nam. Vì sự thiếu thốn về trang thiết bị, đoàn làm phim đã phải thuê cả máy quay từ miền Nam chuyển ra Bắc để thực hiện bộ phim.
Là một tiểu thuyết gắn liền với tuổi trẻ của những thế hệ 8x, 9x nên Tháng 5 để dành được đội ngũ sản xuất cực kỳ nghiêm túc và kỹ càng trong việc tìm bối cảnh quay sao cho giống với miêu tả trong truyện nhất.
Việc tuyển chọn diễn viên không quá khó khăn bởi vì Xuân Hùng, Minh Trang hay Đức Ngụy đều là những người bạn ngoài đời, thế nên việc “hợp cạ” khi lên hình là chuyện hết sức đơn giản.
Đức Ngụy từng chia sẻ do yêu cầu chỉn chu về mặt hình ảnh cũng như diễn xuất, bộ phim đã phải quay đi quay lại nhiều bản, đặc biệt là cảnh quay bên bờ sông của Xuân Hùng và Minh Trang dưới thời tiết mùa đông lạnh giá.
Những đêm không ngủ để dựng bối cảnh, những ngày quay phim ròng rã không ngừng nghỉ hay thậm chí việc Đức Ngụy không thể cắt tóc trong vòng một năm để hóa thân vào vai Sơn đã trở thành một phần trong hành trình đáng nhớ làm nên Tháng 5 để dành.
“Nhìn lại hành trình gần 1.000 ngày, em chỉ muốn nhắc đến từ rất “điên” khi đã điên hết mình cho bộ phim. Nhiều người khuyên không nên làm vì làm phim điện ảnh phía Bắc xác định “lỗ” vì khó cạnh tranh với các phim miền Nam. Nhưng, chúng em, độ 22 tuổi, đơn giản là quá yêu câu chuyện và mong mang câu chuyện đẹp đến với nhiều người hơn trên màn ảnh rộng.”
Đó là những chia sẻ đầy xúc động lẫn chân thành của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết với cái tên Đức Ngụy.
Những thước phim đẹp chở đầy ký ức của bao thế hệ
Với thời gian quay dài đằng đẵng cùng một tâm thế cực kỳ cầu toàn cho tác phẩm, từng thước phim của Tháng 5 để dành quả thực không khiến khán giả thất vọng về sự chỉn chu trong mỗi khung hình.
Có thể nói, đoàn làm phim đã rất đầu tư trong việc tái hiện lại tuổi trẻ của những thế hệ 8x, 9x với từng chi tiết nhỏ nhất, để họ được sống lại trong cảm xúc về những hoài niệm thời xưa cũ.
Mở đầu bộ phim là phân cảnh được quay trong phòng của cậu học sinh lớp mười một tên Hiếu với những tấm hình của Đan Trường, Cẩm Ly được dán đầy trên tường.
Hình ảnh chiếc tivi cũ kỹ, biểu tượng của những năm đầu thập niên 2000 cũng được đoàn làm phim đưa lên màn ảnh rộng, thể hiện sự chăm chút đến từng chi tiết nhỏ.
Những thước phim chở đầy ký ức của tuổi học trò những năm về trước, khi chưa có sự thống lĩnh của điện thoại thông minh cũng như những phương tiện giải trí khiến cho khán giả không khỏi bồi hồi xúc động.
Đó là những năm tháng mà sau mỗi giờ tan học, đám con trai sẽ lao vào đá bóng cá độ bằng những đồng tiền ăn sáng còn tụi con gái lại thơ thẩn đạp xe về nhà trên con đường làng.
Đó là những giờ kiểm tra với những tiếng rì rầm trách móc của đám bạn vì đến lượt đứa này ôn bài để cả nhóm chép nhưng lại trót quên.
Đó là thời đại mà mạng xã hội còn chưa phổ biến và cách tỏ tình được coi là ngầu nhất lúc đó chính là gửi bài hát qua loa phát thanh của trường, kèm theo những lời nhắn đầy đáng yêu.
Tháng 5 để dành lấy bối cảnh những năm mà máy điện tử bốn nút với những trò chơi phổ biến như Rồng Đen (Mortal Kombat) còn là niềm yêu thích đến mất ăn mất ngủ của nhiều cô cậu học sinh.
Các trò chơi máy tính cùng mạng xã hội Yahoo! du nhập vào Việt Nam đem đến sự mới mẻ nhưng còn khá đắt đỏ khiến phương tiện giải trí chủ yếu thời bấy giờ vẫn là những cuốn tạp chí tuổi teen đầy kỷ niệm.
Những cậu học sinh nam với sự tò mò về giới tính tuổi mới lớn cũng bắt đầu truyền tay nhau những đĩa phim cấp ba cùng những tập truyện “đen” in lậu.
Tất cả những ký ức đậm màu sắc hoài niệm của Tháng 5 để dành đã góp phần làm sống lại tuổi thơ dữ dội nhưng đáng nhớ của các thế hệ 8x, 9x.
Bên cạnh đó, việc đầu tư lựa chọn bối cảnh cũng giúp cho đoàn làm phim Tháng 5 để dành tái hiện lại những thước phim với từng khung cảnh đậm chất vùng đồng bằng Bắc bộ những năm đầu thập niên 2000.
Sự chỉn chu và hết sức tâm huyết mà đội ngũ sản xuất của Tháng 5 để dành bỏ ra trong ba năm ròng đã không phụ lòng khán giả, đem đến những trải nghiệm cực kỳ thú vị trong suốt thời gian chiếu phim.
Nét diễn xuất chưa đủ gây ấn tượng trong Tháng 5 để dành
Tuy sở hữu những gương mặt trẻ đầy triển vọng cùng nhan sắc thu hút khán giả như Xuân Hùng, Minh Trang nhưng diễn xuất của cặp đôi chính trong Tháng 5 để dành lại chưa đủ để gây ấn tượng với khán giả.
Hóa thân thành hai cô cậu học trò lần đầu tiên biết cảm nắng một người, Xuân Hùng và Minh Trang đã hoàn thành khá tốt vai diễn khi thể hiện nội tâm nhân vật bằng những cảm xúc ngượng ngùng đến mức đáng yêu, đúng với lứa tuổi học trò.
Tuy nhiên, điều này cũng vô tình trở thành một rào cản lớn khi diễn xuất của hai diễn viên trẻ không nhận về nhiều những phản hồi tích cực từ khán giả cũng như không để lại nhiều ấn tượng thú vị nào.
Lời thoại có phần gượng ép so với lứa tuổi cũng là một lý do khiến cho diễn xuất của cặp đôi trên màn ảnh không được tự nhiên và chân thực như kỳ vọng của khán giả.
Bên cạnh đó, lối diễn tự nhiên và hài hước của nhân vật Sơn Lác hay Quân Mắt Nai lại là những yếu tố mang đến rất nhiều tiếng cười cho khán giả, dù họ không được xuất hiện nhiều trong toàn bộ mạch phim.
Tháng 5 để dành là câu chuyện đời của chính tác giả
Theo như chia sẻ của tác giả Rain8x, Tháng 5 để dành hay tiểu thuyết Ranh giới được lấy cảm hứng từ chính mối tình của anh. Nhân vật Hiếu cũng được lấy theo tên thật của tác giả là Hoàng Trung Hiếu.
Từ câu chuyện đời thật của mình, tác giả Rain8x đã xây dựng một tiểu thuyết mạng thu hút hàng nghìn độc giả quan tâm và nhận được sự yêu thích của rất nhiều bạn trẻ.
Không nhiều người biết rằng ngoài việc làm cố vấn cho bộ phim, Rain8x còn tham gia với vai trò “cameo” trong hai cảnh quay của Tháng 5 để dành.
Lần đầu tiên anh xuất hiện với nhân vật người đi đường trong đêm hai bạn trẻ tình cờ đi lạc và lần thứ hai anh va phải Hiếu khi cậu học sinh này đang trên đường đuổi theo chuyến tàu sắp xuất phát của Ngọc tại ga tàu.
Tác giả Rain8x không xuất hiện với vai trò là người kể chuyện mà chỉ là nhân vật tình cờ chứng kiến câu chuyện của hai con người trẻ tuổi, thế nhưng hai lần xuất hiện ấy lại là bước chuyển biến quan trọng trong số phận của Hiếu và Ngọc.
Nếu như người đàn ông đi đường hôm đó có thể chỉ đường về nhà cho hai cô cậu học sinh đi lạc, nếu như trên đường đến ga tàu Hiếu không va phải người đàn ông và có cơ hội đuổi kịp chuyến tàu của Ngọc, liệu kết cục của câu chuyện có đi theo một hướng khác tốt đẹp hơn?
Với vai trò là một người vô tình đi ngang cuộc đời của hai người trẻ nhưng cũng nắm giữ chìa khóa để thay đổi định mệnh, tác giả Rain8x đã để câu chuyện diễn ra theo đúng những gì nó phải diễn ra mà không có sự xuất hiện của những phép màu.
Mối tình thời áo trắng ngọt ngào nhưng cũng đầy sóng gió cuối cùng cũng phải chia tay nhau trong tiếng nức nở của Hiếu bên đường ray tàu hỏa đã để lại niềm tiếc nuối cho khán giả, giống như bất cứ một mối tình đầu dang dở nào còn hằn sâu trong tim mỗi người.
Kết phim có phần tiếc nuối của Tháng 5 để dành có thể khiến cho nhiều người không hài lòng nhưng nó lại phản ánh đúng tính chất một câu chuyện đời thực, bởi phép màu không phải lúc nào cũng xảy đến và sự bỏ lỡ chính là điều không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người.
Một bộ phim đẹp nhưng còn khá nhạt nhòa
Là bộ phim tiếp nối sự chờ đợi của khán giả với đề tài thanh xuân học đường từ sau thành công của Ước hẹn mùa thu, Tháng 5 để dành xứng đáng là một bộ phim đẹp với sự đầu tư chỉn chu về mặt hình ảnh nhưng nội dung phim vẫn còn khá nhạt nhòa.
Đi theo một mô-típ quen thuộc với mối tình gặp phải sự phản đối từ gia đình, bộ phim không tạo ra sự bất ngờ quá lớn hay những tình tiết mang đến bước chuyển mình cho toàn bộ câu chuyện.
Việc hai nhân vật chính đều có xuất thân là con ngoan trò giỏi vô tình khiến cho những phân cảnh của cặp đôi không hề gây cho khán giả ấn tượng sâu sắc.
Yếu tố gây cười lại đến từ các tuyến nhân vật phụ tưởng chừng như nhạt nhòa là Sơn Lác và Quân Mắt Nai. Những câu chuyện hài hước của lứa tuổi học sinh được thể hiện một cách khéo léo, tự nhiên nhưng lại không có đủ thời lượng cần thiết.
Việc gói gọn một cuốn tiểu thuyết trong một bộ phim chiếu rạp chưa đến hai tiếng cũng là một thử thách khá lớn đòi hỏi đoàn làm phim phải có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển thể phim ảnh.
Chưa kể đến việc hầu hết đội ngũ sản xuất cũng như diễn viên đều là những gương mặt trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, dẫn đến mạch phim đôi lúc còn khá dài dòng và không đi sâu khai thác được trọng điểm chính.
Điều đó vô tình khiến cho Tháng 5 để dành trở nên khá mờ nhạt và không tạo được nhiều điểm nhấn trong lòng khán giả xem phim.
Tuy nhiên, đối với một đội ngũ sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm thì Tháng 5 để dành quả thực đã cho thấy tâm huyết cùng sự nỗ lực cực kỳ lớn của đoàn làm phim với mong muốn đưa những trang sách gắn liền với tuổi xuân đến với màn ảnh rộng.
Bằng chính những tâm huyết ấy, Tháng 5 để dành đã tạo nên thành công khi bộ phim nhận được sự chào đón không nhỏ đến từ khán giả, đặc biệt là bộ phận giới trẻ từng gắn bó với tiểu thuyết của tác giả Rain8x.
Sức hút của Tháng 5 để dành đã khiến cho nhiều khán giả đang sinh sống tại nhiều nơi trên thế giới phải tức tốc bay về Việt Nam khi nghe tin phim được công chiếu để gặp gỡ và giao lưu với ê-kíp sản xuất phim.
Tháng 5 để dành là một bộ phim đẹp khi không chỉ khiến khán giả đắm chìm trong từng cảnh quay mà còn đẹp ở sự nỗ lực không ngừng nghỉ của những người trẻ, trong suốt hành trình theo đuổi đam mê với điện ảnh Việt.
Hồng Nhung
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất