451 độ F là một tác phẩm văn học kinh điển thuộc thể loại tiểu thuyết phản địa đàng, cuốn sách là câu chuyện kể về một thế giới hiện đại trong tương lai, khi nền văn minh đã vượt xa khỏi trí tưởng tượng của con người.
Thế giới ở 451 độ F do truyền thông thống trị với những bản tin nhanh chứa đầy các thông tin rác nhưng vẫn luôn khiến cho con người thích thú.
Đồng thời, sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông đã dần đẩy sách đến bờ vực tuyệt chủng, để rồi đến cuối cùng sách đã bị cấm vĩnh viễn trong thế giới ấy.
Ray Bradbury và tác phẩm kinh điển mọi thời đại
451 độ F được sáng tác bởi tiểu thuyết gia người Mỹ nổi tiếng với dòng truyện kinh dị và khoa học viễn tưởng tên Ray Bradbury, ông là một trong những nhà văn được yêu thích nhất của thế kỷ XX. Với những đóng góp cho nền văn học nước nhà, Ray Bradbury đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá.
“Một trong những nhà văn được yêu mến nhất đất nước này…Một người kể chuyện tuyệt vời, thậm chí đôi khi như một người sáng tác thần thoại, một tác giả kinh điển Mỹ đích thực. ” – trích The Washington Post.
Các tác phẩm của nhà văn luôn mở ra cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về nhận thức và mặt trái của cuộc sống. Một trong những yếu tố giúp Ray Bradbury trở thành tác giả kinh điển là khả năng tiên tri của ông qua mỗi câu chuyện trong các tác phẩm, đặc biệt là ở 451 độ F.
Tác phẩm là một điểm nhấn sáng giá trong sự nghiệp văn chương của Ray, nó mang lại nhiều cái nhìn độc đáo qua lăng kính của nhà văn, về một thế giới ở tương lai xa vời, khi mà cuộc sống đều lệ thuộc vào công nghệ, truyền thông và giải trí.
451 độ F trở thành tác phẩm được đón đọc nhiều nhất trong thế kỷ XX, bởi lẽ người ta dường như đã tìm thấy quá nhiều điểm tương đồng của cuộc sống thực tại trong cuốn tiểu thuyết phản địa đàng này, một sự giống nhau đến đáng sợ.
Một nền văn minh mục ruỗng từ trong tư tưởng của tác phẩm kinh điển
Tác phẩm là câu chuyện xoay quanh về thế giới loài người trong tương lai qua cái nhìn từ bế tắc đến bùng nổ của Guy Montag, một người lính phóng hỏa.
Thế giới mà Ray kiến tạo nên trong tác phẩm hoàn hảo đến bất ngờ, xe chạy nhanh đến nổi bảng quảng cáo phải dài hơn sáu mươi mét để người ta có thể đọc và các căn nhà còn được bọc nhựa để không bao giờ xảy ra hỏa hoạn dù đám cháy có lớn thế nào.
Chính vì sự phát triển vượt bậc của khoa học, con người dần trở nên lười biếng và phụ thuộc phần lớn vào các bảng tin, công cụ truyền thông và truyền hình.
Sách bị rút ngắn lại theo thời gian để phù hợp với tiêu chí người đọc, vì con người bây giờ không còn đủ tập trung để đọc hết một cuốn sách dày.
Cuối cùng, sách bị cấm vĩnh viễn ở thế giới này vì chính phủ cho rằng việc đọc những thông tin nhàm chán và khó tiêu ấy sẽ làm cho con người không hạnh phúc, thậm chí là bất hạnh. Cứ như thế sách bị đưa lên giàn treo cổ của xã hội, bóp chết một nền văn minh rực rỡ của nhân loại.
Người ta đeo tai nghe hình vỏ sò vào mỗi tối để nghe rồi lại nghe những âm thanh và bản tin lặp lại hàng ngày, xem những bộ phim, vở kịch được chiếu trên những “bức tường phòng khách” thay vì ra ngoài tản bộ và nói chuyện với người khác.
Cứ như thế, việc đi dạo trong công viên hay ngẩng đầu ngắm ánh trăng trở nên kỳ quặc, những người bị bắt gặp làm những công việc tương tự như thế sẽ bị cho là có vấn đề về thần kinh, họ được đưa vào hồ sơ để chữa trị và bị mọi người xung quanh xa lánh.
Thậm chí, những người tàng trữ sách còn phải chịu hình phạt của pháp luật, một số được đưa vào nhà thương điên còn số khác tình nguyện chết trong đám cháy cùng sách.
Con người dần mụ mị vào những bảng tin hào nhoáng mà sáo rỗng, trở nên vô cảm và lạnh lùng hơn trước cuộc đời, có đôi khi họ còn tỏ ra dửng dưng khi sinh mệnh của một con người đang dần lụi tàn trước mắt. Chính phủ và lính phóng hỏa cho đó là trách nhiệm, còn người dân lại luôn tin vào trách nhiệm ấy.
“Nhồi nhét chúng với những dữ liệu không-thể-đốt, khiến chúng tắc nghẹn và no nê bởi những ‘sự thật’ và những tin tức ‘lung linh’ hào nhoáng. Sau đó chúng sẽ thấy mình đang suy tưởng, chúng sẽ có cảm giác chuyển động mà hóa ra lại đứng im. Và chúng sẽ thấy hạnh phúc bởi vì những kiểu ‘sự thật’ như thế sẽ không đổi. Đừng đưa cho chúng những thứ như triết học hay xã hội học để trói buộc chúng. Trong đó chỉ toàn chứa đựng sự buồn rầu.”
Một nền văn minh mục ruỗng từ tận trong tư tưởng, sự lạc lối ấy duy trì từ đời này sang đời khác và để lại những cái nhìn bế tắc với cuộc đời cho những con người chỉ có thể dùng từ tồn tại để hình dung, con người trong thế giới ấy không sống vì họ đã đánh mất phần lớn xúc cảm của mình.
451 độ F và quá trình biến đổi tâm lý của một người lính phóng hỏa
Lính phóng hỏa là một người mang trọng trách lớn lao trong thế giới này, vậy nên hơn ai hết, họ là người hiểu rõ nhất về trách nhiệm và tư tưởng ở nơi đây.
Nhiệm vụ của những con người ấy là phóng ra lửa từ những những chiếc vòi vốn được chứa đầy nước để đốt cháy và thiêu rụi toàn bộ những gì liên quan đến sách.
Guy Montag, một người với gia đình có truyền thống ba đời làm lính phóng hỏa, công việc này bám lấy anh từ thuở thiếu thời và không để Mogtan có quyền lựa chọn khước từ.
Vậy nên anh chấp nhận nghề nghiệp của mình trong hơn mười năm, cho đến khi Montag gặp được những con người làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của mình.
Từ lần đầu tiên gặp mặt với cô bé hàng xóm Clarisse McClellan vào một buổi đêm, trong tiềm thức của anh dường như đã nhen nhóm lên một ngọn lửa nhỏ về một điều gì đó đặc biệt trong thế giới này qua lời kể của Clarisse, nơi có sương đọng trên lá vào buổi sáng, nước mưa có vị của rượu vang và rất nhiều điều bất ngờ khác.
Câu hỏi của cô bé luôn văng vẳng trong tiềm thức của Montag ngay cả khi cuộc nói chuyện đã kết thúc và cánh cửa nhà khép lại.
“Anh có hạnh phúc không?”
Mình có hạnh phúc không? Montag nghĩ về câu hỏi này nhiều lần nhưng câu trả lời dành cho anh chỉ là cái nhìn bế tắc của cuộc sống. Sau lần gặp cô bé ấy, người được cho là kỳ quặc và đã được đưa vào hồ sơ chữa trị, Montag bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn và bắt đầu đặt ra những câu hỏi tại sao.
Khi người ta biết đặt quá nhiều câu hỏi tại sao, họ đã bắt đầu đi vào sự bất hạnh của tri thức, Montag biết được điều này qua nhận thức của đội trưởng phòng lính phóng hỏa nhưng điều đó chẳng thể ngăn được sự tò mò của anh với nền văn minh trước kia.
“Đừng đối mặt với các rắc rối, mà hãy đốt nó.”
451 độ F xoay quanh quá trình đốt sách, nhận thức mới về sách và giải cứu sách của Montag, tất cả diễn ra với một mạch kể thay đổi theo chuyển biến tâm lý của nhân vật. Từ tản mạn và rời rạc đến dồn dập, bùng nổ để rồi cuối cùng lại kết thúc với một cái nhìn mới mẻ.
Câu chuyện không có quá nhiều tình tiết cao trào hay giật gân nhưng vẫn để lại trong lòng độc giả những dư vị lạ lùng qua những khía cạnh mà tác giả đề cập đến: Sách là tượng trưng cho tri thức mà tri thức là bắt đầu cho mọi khổ đau, liệu sách có thực sự là khởi nguồn của tất cả bất hạnh?
Không có câu trả lời chính xác nào được đặt ra ở đây nhưng qua toàn bộ quá trình, có lẽ độc giả đã phần nào tìm được đáp án cho chính bản thân mình. Tác phẩm phần lớn tập trung ở việc miêu tả tâm lý nhân vật, để rồi từ đấy thể hiện một cách trọn vẹn ý nghĩa được đề cập đến.
451 độ F là một tuyệt tác kinh điển của thế giới
Phần lớn độc giả có lẽ khá bất ngờ với những tình tiết của 451 độ F, bởi cuốn sách mặc dù là tiểu thuyết giả tưởng nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng với thực tại cuộc sống, khi con người dần bị cuốn vào những thông tin rác tràn lan trên mạng hơn là việc đọc sách.
Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh đem đến một số lượng người sử dụng không nhỏ, tuy vẫn chưa tiên tiến như thế giới của 451 độ F nhưng cũng đã phần nào thay thế việc đọc sách của không ít người, sách dần trở nên lỗi thời giữa những thông tin nhanh trên các trang mạng xã hội.
451 độ F là một hồi chuông cảnh tỉnh vang lên trong tiềm thức độc giả giữa một thời đại hiện đại hóa bởi các phương tiện truyền thông, giúp người ta thấu rõ hơn về hậu quả trong tương lai mà con người phải đối diện bởi sự lệ thuộc của bản thân bây giờ.
Xứng đáng là một tác phẩm kinh điển, 451 độ F đã thể hiện xuất sắc những triết lý sâu sắc của cuộc sống, bằng việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh và ẩn dụ, tác phẩm trở nên cô đọng và có chiều sâu hơn, khiến người đọc phải suy ngẫm.
451 độ F là nhiệt độ giấy in sách bắt lửa và bốc cháy, ngay từ nhan đề của tác phẩm đã bao hàm được tất cả sự xung đột của những tư tưởng về các nền văn hóa khác nhau như lửa và sách, kiến thức và truyền thông cũng như nhiều yếu tố khác.
“Xuất sắc, tài tình, khiến ta phải sửng sốt… Bradburỵ đã miêu tả
đầy cuồn hút về thế giới điên khùng này, cái thế giới mang nhiêu điểm tương đồng đến mức đáng báo động với thế giới của chính chúng ta.”— trích The New York Times
Tác giả đã rất thành công trong việc kiến tạo một thế giới đầy cuốn hút ở 451 độ F, một nền văn minh lệ thuộc, một tư tưởng mục ruỗng để hình thành nên xã hội vô cảm. Tuy nhiên, tác phẩm không hướng con người đến những cảm xúc tiêu cực và u ám mà lại mở ra một cánh cửa của hy vọng về tương lai.
451 độ F là một tuyệt tác của mọi thời đại, dù đã có hơn sáu mươi năm xuất bản nhưng vẫn đủ sức khiến ai đọc tác phẩm một lần cũng phải sửng sốt và choáng váng.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất