Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa được nhà văn Lucy Maud Montgomery xuất bản năm 1939, đây là tác phẩm thứ sáu trong tuyển tập Anne tóc đỏ. Tiếp nối hành trình trước đó của Anne, cô giờ đã có một gia đình lớn và những trăn trở thuộc về thế giới của người trưởng thành.
Giữ nguyên lối viết nhẹ nhàng, không cầu kỳ xuyên suốt các tập truyện, Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa tiếp tục mang đến những câu chuyện cảm động về tình thân, từ đó ngợi ca giá trị con người và xây dựng niềm tin vào một tương lai hạnh phúc.
Lucy Maud Montgomery và Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Lucy Maud Montgomery, bút danh L. M. Montgomery là nhà văn nổi tiếng người Canada. Bà bắt đầu viết từ lúc mới lên sáu và mười năm sau thì xuất bản tác phẩm đầu tiên, On Cape LeForce. Tuy nhiên, tên tuổi của Montgomery chỉ vươn khỏi Canada khi Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh ra đời.
Trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm khi mẹ mất sớm, bố tái hôn và bản thân phải sống với ông bà ngoại, Montgomery chủ động tìm đến thiên nhiên và tạo nên thế giới tưởng tượng của riêng mình. Chính thói quen này đã giúp nhà văn có nguồn cảm hứng dồi dào để khắc họa khung cảnh tươi đẹp trong tuyển tập.
“Một cây anh đào lớn mọc bên ngoài, gần đến nỗi cành xòa vào nhà, hoa dày đặc đến mức khó thấy được cái lá nào. Cả hai bên căn nhà là vườn cây ăn trái lớn, một bên trồng táo còn bên kia trồng đào, đều đang độ nở rộ, bãi cỏ trong vườn điểm xuyết những cây bồ công anh. Trong khu vườn bên dưới là những cây tử đinh hương nở hoa tím biếc, mùi hương ngọt ngào say lòng của chúng theo làn gió sớm trôi vào cửa sổ.”
– Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh
Không chỉ giúp nhà văn trở nên yêu đời hơn, nó còn chắp cánh cho tài năng văn học của bà ngay từ thời thơ ấu. Những trang viết nháp dần đi vào thế giới văn học, mở ra cuộc phiêu lưu của Anne Shirley trên đảo Hoàng Tử.
Trên hành trình ấy, Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa là điểm dừng quan trọng khi tác giả không còn tập trung vào Anne mà ưu tiên khắc họa hình ảnh, tính cách của những đứa trẻ. Nếu Jem như người lính mắc kẹt trong cơ thể nhỏ nhắn thì Walter lại có tâm hồn mộng mơ giống mẹ, nhờ đó để lại dấu ấn trong lòng độc giả.
Lối tư duy khác biệt, nền tảng kiến thức tốt đã giúp chúng trở nên vững vàng, dám bước ra khỏi vùng an toàn. Qua những hình ảnh ấy, Montgomery khơi gợi trong tâm trí người đọc dáng vẻ cô bé Anne ngày nào.
“Rồi cuối cùng, khi đã băng qua một thung lũng hẹp đầy nấm dù, họ tìm ra vườn nhà Hester Gray. Không đổi thay là mấy. Khu vườn vẫn thật ngọt ngào những loài hoa thân thương.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Bên cạnh đó, tình cảm của Anne và người chồng Gilbert càng trở nên thắm thiết sau nhiều năm chung sống. Tuy công việc bận rộn nhưng anh luôn giúp cô chăm sóc những đứa trẻ, vun vén để căn nhà nhỏ trở nên ấm áp.
L. M. Montgomery mở rộng góc nhìn ra các nhân vật khác để làm bật lên cuộc sống đời thường của Anne. Dù vẫn còn một vài rắc rối nhưng điều ấy chỉ khiến cô thêm trân trọng và yêu thương gia đình, trở thành bến đỗ tinh thần cho tất cả mọi người.
Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa chứa đựng nhiều nỗi lo âu
Trong cuốn tiểu thuyết này, vì chồng Anne là bác sĩ nên anh cần sống gần thị trấn hơn. Thế rồi, gia đình cô phải tạm biệt Ngôi Nhà Mơ Ước xinh đẹp, đầy ắp kỷ niệm để chuyển tới mái ấm mới là nhà Bên Ánh Lửa.
Khác với các tác phẩm trước đó, Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa tập trung vào những đứa con của Anne và quá trình trưởng thành của chúng. Tại đây, cô như nhìn thấy chính mình thuở bé thông qua lũ trẻ sau mỗi cuộc phiêu lưu.
Anne không còn là cô bé tóc đỏ tinh nghịch dưới Chái Nhà Xanh hay một thiếu nữ mơ mộng ở làng Avonlea, cô giờ phải đối mặt với những rắc rối, khó khăn mà bản thân chưa từng gặp trong quá khứ.
Trong thời gian viết cuốn sách này, L. M. Montgomery phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm đang ngày một trầm trọng nên có thể nói, một khía cạnh khác của Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa là sự đấu tranh giữa bi quan và lạc quan.
“Anne cảm thấy muốn bệnh và lạnh lẽo và trống trải. Vàng thoi của cuộc sống đã thành lá úa. Chẳng còn gì ý nghĩa nữa. Mọi thứ đều có vẻ như xa xôi hư ảo.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Vẻ bề ngoài đang có nhiều dấu hiệu thay đổi, điều này khiến Anne nhận ra nét trẻ trung đang dần bị thay thế bởi sự già nua của tuổi tác. Nó khiến cô lo lắng, căng thẳng và suy sụp tinh thần, thậm chí còn dẫn đến một số hiểu lầm với Gilbert.
“Lần đầu tiên cô có cảm giác tuổi tác là một gánh nặng. Cô đến bên gương săm soi. Quanh mắt đã bắt đầu xuất hiện mấy dấu chân chim li ti nhưng dưới ánh sáng rõ mới thấy. Nét cằm vẫn chưa mờ. Cô vẫn xanh xao như vậy. Mái tóc dày gợn sóng chưa có sợi bạc nào.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa đã khắc họa rất tinh tế, sâu sắc những vấn đề diễn ra trong cuộc sống gia đình. Vài mẩu chuyện nhỏ nhặt xuất hiện trong ngôi nhà lại trở thành nguyên nhân gây ra nhiều phiền muộn, tuy nhiên chúng đã giúp cô trở nên kiên nhẫn hơn trước mọi thử thách.
Đôi khi tình cảm vợ chồng gặp phải những bất đồng, chỉ vì một vài nguyên nhân nhỏ nhặt mà Anne đã nghi ngờ tình cảm của Gilbert. Điều này khiến cô vô cùng bất an, từ một người lạc quan dần trở nên tiêu cực và thiếu chính kiến.
“Lần đầu tiên anh không nhắc đến; lần đầu tiên anh không có quà cho cô. Được thôi, anh cũng sẽ không có quà. Cô chuẩn bị sẵn nhiều tuần nay rồi… một con dao bỏ túi cán bạc, một bên khắc ngày tháng còn bên kia khắc mấy chữ cái viết tắt tên anh. Dĩ nhiên anh phải mua lại của cô bằng một xu, nếu không nó sẽ chia cắt tình yêu của họ. Nhưng vì anh đã quên nên cô cũng sẽ quên, để trả thù.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Bên cạnh đó, việc trở thành mẹ của một bầy trẻ hiếu động cũng không phải là công việc dễ dàng. Đôi khi, Anne cảm thấy đau đầu bởi những đứa con ở độ tuổi tinh nghịch và nhiều rắc rối liên tiếp diễn ra.
Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa là hành trình mới của cô gái tóc đỏ giàu tình yêu thương và sự dũng cảm. Được xem như bước ngoặt trong cuộc sống Anne, mỗi vấn đề tuy khiến cô bận rộn lo toan nhưng cũng dần trở thành người mẹ thấu hiểu, ấm áp.
Nhìn Anne trong những mối quan hệ gia đình và xã hội
Nếu những tập truyện trước, Anne vô tư hòa vào mùa xuân rực rỡ của tuổi trẻ, mùa hè náo nhiệt của tình yêu thì đến phần này, cô nhận ra bản thân đã đi qua năm tháng hồn nhiên khi mang trên vai một gia đình lớn.
Thời gian nhẹ nhàng trôi nhưng làm tàn phai điều Anne ngỡ là vĩnh cửu. Khi Montgomery để Anne ý thức được dòng chảy ấy, người đọc có cơ hội khám phá nhiều khía cạnh mới của nhân vật thú vị này.
Nỗi niềm của người vợ khi tuổi gần về thu
Những vấn đề trong chuyện tình cảm với Gilbert đã tác động không nhỏ đến Anne tóc đỏ, khiến cô trở nên phiền muộn, lo lắng hơn rất nhiều.
Thế nhưng, nhà văn đã không để mâu thuẫn giữa Anne và Gilbert đi quá giới hạn. Những khúc mắc trong trái tim họ được Lucy Maud Montgomery hóa giải một cách nhẹ nhàng, tinh tế, giúp độc giả cảm nhận rõ ràng hơn tình cảm hai vợ chồng dành cho nhau.
“Anh yêu em mà phải không, Gilbert? Với anh em không chỉ là thói quen chứ? Lâu rồi anh không nói yêu em.”
“Em yêu, tình yêu quý giá của anh! Anh không nghĩ em cần lời nói ra mới biết điều đó. Anh không thể sống thiếu em. Em luôn cho anh thêm sức mạnh. Đâu đó trong Kinh Thánh có một câu dành cho em… “Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, chớ chẳng hề làm tổn hại.”
– Anne dưới mái nhà bên ánh lửa
Hóa ra tất cả bội bạc, thờ ơ chỉ sinh ra bởi trí tưởng tượng của Anne, bản thân Gilbert chưa bao giờ ngừng yêu thương và quan tâm đến cô. Thực chất, anh đang ưu tư vì công việc chứ không hề vô tâm như Anne vẫn nghĩ.
Khi những hiểu lầm qua đi, mối quan hệ của vợ chồng Anne càng thêm gắn bó, tháng ngày hạnh phúc lại tiếp tục mở ra trước mắt cô.
Không chỉ mang thông điệp sâu sắc về tình yêu, tình cảm gia đình, Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa còn khiến độc giả nhận ra sự đa diện trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Người mẹ với cung cách dạy con tuyệt vời
Dù tuổi thơ thiếu vắng bóng dáng và vòng tay chăm sóc của đấng sinh thành, Anne vẫn làm rất tốt thiên chức của một người mẹ. Cô chăm sóc sáu đứa con nhỏ bằng tất cả yêu thương, sự mềm mại nơi người phụ nữ.
Cả Walter, Jem, cặp sinh đôi Nan Di, Shirley và Rilla đều được mẹ chúc ngủ ngon hằng đêm và luôn có quà vào mỗi dịp đặc biệt.
Khác với cách dạy dỗ nghiêm khắc của dì Maria, Anne luôn khơi gợi lòng hiếu kỳ, trí tưởng tượng phong phú về cuộc sống cho các con. Điều đó mang đến cho chúng một tuổi thơ rực rỡ và đầy ắp kỷ niệm thú vị.
Mỗi đứa nhóc nhà Blythe là một thế giới riêng với nhiều nỗi niềm thầm kín. Nếu Walter trầm tĩnh như dòng nước thì Jem lại phóng khoáng và hoạt bát như gió nổi.
Trong khi đó, Shirley và Rilla, những đứa trẻ nhỏ nhất vẫn giữ nguyên sự ngây thơ cùng nét bụ bẫm rất riêng. Cặp sinh đôi Nan và Di lại có nhiều điểm khác biệt khi Nan hồn nhiên, vô tư còn Di lại có phần mạnh dạn, ưa mạo hiểm.
Dù vậy, Anne vẫn luôn lắng nghe các con thay vì ép chúng tuân theo khuôn khổ. Dẫu những cô cậu nhà Blythe có lúc làm Anne buồn lòng, cô vẫn bao dung và kiên nhẫn uốn nắn các con.
“Chỉ lần này thôi rừng thích vắng tiếng cười và thung lũng Cầu Vồng không trò chơi. Nhưng điều tệ hại nhất trong tất cả là chúng không được phép gặp mẹ. Không có mẹ tươi cười đón chúng về, không có mẹ nhẹ nhàng vào hôn chúc ngủ ngon, không có mẹ vỗ về cảm thông thấu hiểu, không có mẹ cười trước những trò đùa… chưa bao giờ có ai cười như mẹ. Còn tệ hơn nhiều so với khi mẹ đi vắng vì khi ấy ta biết mẹ sẽ về… còn giờ thì ta… không biết gì cả. Không ai nói cho ta biết gì… họ cứ lảng tránh ta.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Tình yêu thương vô bờ, sự bầu bạn tinh tế đó khiến những đứa trẻ dần lớn khôn, bước vào đời với trái tim khỏe mạnh và tâm hồn tươi vui.
Người phụ nữ với cách ứng xử khôn khéo
Ngôi nhà Bên Ánh Lửa như một xã hội thu nhỏ, ở đó Anne có rất nhiều mối quan hệ và thông qua chúng, tính cách của cô được khắc họa thật rõ nét.
Sự xuất hiện của dì Maria và người giúp việc Susan trong tập truyện lần này mang đến cho cuộc sống Anne nhiều gam màu mới mẻ, cả những phiền toái cùng yêu thương dịu dàng.
Maria là em họ của bố Gilbert, người đã chê bai Anne từ những ngày đầu cô ra mắt gia đình chồng. Dù Anne không có thiện cảm nhưng khi Maria chuyển đến ngôi nhà Bên Ánh Lửa như một vị khách không mời, cô vẫn chào đón mà không một lời trách móc.
Sự nhã nhặn của Anne được đáp lại bằng lòng quan tâm thầm kín Maria dành cho cô. Dù người đàn bà ấy thường hay gắt gỏng, phàn nàn đủ điều nhưng khi cháu dâu gặp chuyện không vui, Maria luôn che chở Anne theo cách của riêng mình.
“Cô không muốn làm cháu lo, Anne,” bà cô Maria nói, hạ giọng nghe sởn cả gai ốc, “Nhưng cháu đã tìm trong thùng chứa nước mưa chưa? Năm ngoái thằng bé Hack MacGregor trên thị trấn bị chết đuối trong thùng chứa nước mưa đấy.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Susan làm việc ở nhà Anne đã một thời gian nhưng cô chưa bao giờ coi bà là kẻ hầu hạ, lúc nào cũng đối đãi như người thân trong gia đình. Dù Susan gây ra không ít rắc rối bởi tính cách vụng về, nóng nảy nhưng Anne không hề trách cứ.
Chính vì thế, người phụ nữ ấy rất tôn trọng và luôn gọi Anne với cái tên “cô bác sĩ thân yêu” bằng tất cả sự quý mến.
Việc Maria đến ở ngôi nhà Bên Ánh Lửa khiến Susan không vui lòng, giữa họ thường xuyên xảy ra cãi vã. Thế nhưng, Anne luôn xuất hiện kịp lúc để dung hòa bất đồng bằng sự điềm tĩnh, lòng chân thành của mình.
Khi những khúc mắc được hòa giải, sự từng trải trong Anne càng được tô đậm hơn bao giờ hết, người đọc cũng nhận ra điểm chung duy nhất giữa hai người phụ nữ này là niềm yêu mến với Anne.
“Bên ánh Lửa quả là rất tuyệt… và giờ tớ yêu nó thật rồi. Tớ đã từng nghĩ sẽ không bao giờ yêu được nó. Ngày bọn tớ mới đến tớ ghét nó lắm… ghét vì chờ những cái hay của nó. Chúng xúc phạm đến Ngôi Nhà Mơ Ước thân yêu của tớ. Tớ còn nhớ khi bọn tớ ra đi tớ đã nói thật thảm thương với Gilbert, ‘Ở đây mình đã rất hạnh phúc. Mình sẽ không bao giờ được hạnh phúc ở đâu nữa cả.’ Tớ mặc sức nhớ nhà một thời gian.”
– Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa
Rời xa ngôi Nhà Mơ Ước cùng những ngày tháng thanh xuân, Anne không còn được gặp bà Lynde hiền hậu hay người bạn thân Diana đáng yêu. Tuy nhiên, trên hành trình bước vào ngôi nhà Bên Ánh Lửa, cô bé tóc đỏ năm nào đã dần tìm được hạnh phúc tại vùng đất mới.
Vượt qua biết bao thử thách của cuộc sống, Anne đã học cách mở lòng để đón nhận tình yêu từ mọi người cũng như tận hưởng những hạnh phúc nhỏ bé mà cô được ban tặng.
Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa và dư vị trong lòng độc giả
Thuộc tuyển tập Anne tóc đỏ, Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa như trạm chuyển tiếp trước khi hành trình mang tên Anne đi vào ga cuối cùng.
Bạn đọc không còn thấy một Anne lém lỉnh với trí tưởng tượng phong phú thời trẻ, cô đã lặng lẽ trở thành vai phụ trong cuộc đời mình. Thay vì Anne, tiểu thuyết tập trung miêu tả những đứa trẻ, điều này ít nhiều để lại cảm giác hụt hẫng.
“Đây có lẽ là tập chuyển tiếp, mang tính giới thiệu những nhân vật mới và từ từ xa cô bé Anne ngày nào. Cuốn sách thiếu sự tập trung vào nhân vật chính, ngược lại dành quá nhiều chi tiết cho các con của Anne.”
– Goodreads
Là thể loại dành cho thiếu nhi nên Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa không chứa nhiều tình tiết kịch tích, sức hấp dẫn vì vậy mà giảm đi phần nào. Nội dung thiếu đặc sắc và diễn biến chậm khiến tiểu thuyết nhận chỉ trích, thậm chí bị đánh giá “lạc nhịp” so với những tác phẩm trước.
“Người đọc cảm thấy hụt hẫng vì Anne xuất hiện khá mờ nhạt trong tập sách này và cốt truyện cũng không được kịch tính như mong đợi, đồng thời họ còn cho rằng có thể dễ dàng đoán được kết cục của những rắc rối ngay khi nó bắt đầu.”
– Goodreads
Thế nhưng, cuốn sách vẫn đủ sức làm nổi bật hình ảnh cô gái tóc đỏ khi câu chuyện của sáu đứa trẻ đều tác động trực tiếp đến Anne. Nhân vật ấy luôn rạng rỡ bởi trái tim ấm áp, tấm lòng bao dung và sự hồn nhiên ngày nào, chính những điều này đã giữ chân độc giả.
Tập trung khai thác những mảng màu khác nhau trong cuộc sống hôn nhân, tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ về tính cách Anne. Cô không còn mơ mộng như thời niên thiếu mà trở nên điềm đạm và thực tế hơn.
Anne của tuổi trẻ luôn tìm kiếm hạnh phúc từ những điều giản dị và nhỏ bé, thế nhưng đó vẫn là hành trình đơn lẻ. Đến với Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa, cô trở thành người tạo lập mái ấm yêu thương cho các con và chính mình.
Người phụ nữ ấy không vì thế mà làm mất đi giá trị bản thân, qua câu chuyện về những đứa trẻ, độc giả vẫn dễ dàng tìm thấy một Anne đầy trong sáng với trái tim và tâm hồn thuần khiết ngày nào.
“Khép lại chuỗi ngày đồng hành cùng Anne là một cảm giác bình thản an lành. Mọi thứ chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, những đứa trẻ sẽ lớn lên, Chái Nhà Xanh sẽ cũ đi, vạn vật đổi thay, mỗi Anne vẫn là cô bé tóc đỏ láu táu ngày nào.”
– Goodreads
Để rồi, hạnh phúc cá nhân từ đó hòa cùng dòng chảy với tình yêu gia đình. Đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua những trang sách nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Không chỉ vậy, tập truyện còn đặc biệt hơn khi được viết riêng cho Will G. Pritchard và Laura, bạn và chị gái của nhà văn. Đối với tác giả, họ luôn chiếm vị trí quan trọng trong cuộc đời cô, hình tượng nhân vật Gilbert, Diana đã được xây dựng dựa trên Will cũng như Laura với mục đích thể hiện tình cảm của L.M. Montgomery.
Không còn sức hút mạnh mẽ nhưng nhờ lối viết nhẹ nhàng, Anne dưới mái nhà Bên Ánh Lửa vẫn đủ sức giữ chân độc giả và chạm đến trái tim những người yêu thích chuỗi tác phẩm này.
L.M. Montgomery đã thành công nhờ ngòi bút độc đáo của riêng mình, từ đó trở thành một “tượng đài” không thể thiếu trong thế giới văn học thiếu nhi.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất