Tiếp nối sự thành công của tiểu thuyết Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh, Lucy Maud Montgomery tiếp tục cho ra mắt tác phẩm Anne tóc đỏ ở làng Avonlea vào năm 1909. Câu chuyện kể về cô bé Anne chín chắn, trưởng thành đã nhanh chóng chạm đến trái tim độc giả.
Lật mở từng trang sách, nhà văn dẫn lối người đọc bước vào khoảng không gian thanh khiết, yên bình ở làng Avonlea. Tác phẩm là khúc ca trong trẻo về nhiệt huyết tuổi trẻ, sự yêu đời, khát khao hạnh phúc và tình cảm gia đình, xóm giềng đáng trân trọng.
Lucy Maud Montgomery và Anne tóc đỏ ở làng Avonlea
Lucy Maud Montgomery sinh năm 1874 tại đảo Hoàng Tử Edward, Canada. Nhà văn được biết đến rộng rãi với loạt truyện viết về cô bé Anne tóc đỏ dưới bút danh L.M. Montgomery.
Ngay từ khi còn rất nhỏ, mẹ của tác giả đã qua đời vì bệnh lao. Người cha bị tàn phế không thể tự mình nuôi dưỡng con gái nên đành gửi về nhờ ông bà ngoại chăm sóc.
Mặc dù được gia đình ngoại bảo bọc nhưng việc thiếu thốn tình cảm của cha mẹ khiến Lucy Maud Montgomery luôn khép mình và trải qua tuổi thơ đầy cô độc, trống vắng.
Kể từ đó, nhà văn tự tạo nên thế giới tưởng tượng phong phú cho riêng mình và thả hồn vào những suy nghĩ bay bổng để vơi đi nỗi cô đơn và lạc quan đối diện với cuộc sống mới tại vùng nông thôn Cavendish.
Có lẽ hoàn cảnh đặc biệt này đã trở thành nguồn cảm hứng quan trọng giúp nhà văn sáng tác nên Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh. Cuốn tiểu thuyết đầu tay nhanh chóng gặt hái được vô số thành công, đưa tên tuổi của bà vượt ra khỏi biên giới Canada đến khắp nơi trên thế giới.
Từ đó trở về sau, nhà văn tiếp tục cho ra mắt bảy tác phẩm tiếp theo hoàn thành bộ tiểu thuyết viết về cô bé Anne, trong đó nổi bật là Anne tóc đỏ làng Avonlea, Anne tóc đỏ ở đảo Hoàng tử Edward hay Anne tóc đỏ dưới mái nhà Bạch Dương.
Trước khi xuất bản cuốn sách đầu tiên, tác giả đã có nhiều truyện ngắn được đăng trên các báo và tạp chí. Với tâm hồn bay bổng và mơ mộng của mình, Lucy Maud Montgomery đã bén duyên với văn chương từ những ngày còn học Tiểu học tại một ngôi trường địa phương.
Kể từ đó, văn chương như một phần cuộc sống mà nhà văn không thể tách rời. Sau khi xuất bản bài thơ đầu tay On Cape LeForce trên tờ báo The Daily Patriot, bà tiếp tục theo đuổi khoa văn tại trường Đại học Dalhousie ở Halifax, Nova Scotia.
Trải qua cuộc đời nhiều biến cố cũng như gặp phải một số trắc trở trong chuyện tình yêu và hôn nhân, Lucy Maud Montgomery vẫn miệt mài sáng tác và cho ra đời một kho tàng các tác phẩm văn học để đời. Đó là những cuốn tiểu thuyết đáng yêu, cảm động và quyến rũ với tuyến nhân vật độc đáo.
Ngoài chuỗi tiểu thuyết về Anne tóc đỏ đã làm nên tên tuổi của mình, bà còn một số tác phẩm ghi dấu ấn khác như Emily ở trang trại Trăng Non, Lâu đài xanh hay Jane trong ngôi nhà trên đồi.
Năm 1943, bà được phong là Nhân vật lịch sử của Canada và có một số di tích lịch sử quốc gia được bảo tồn có liên quan đến bà. Cho đến ngày nay, Lucy Maud Montgomery vẫn là một trong những tác giả nói tiếng Anh được yêu thích nhất đã mang lại niềm vui và cảm hứng sống cho hàng triệu người.
Nếu Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh kể về quá trình Anne được nhận nuôi cho đến khi cô hoàn thành xong việc học ở trường làng và một năm tại trường Nữ Hoàng thì Anne tóc đỏ ở làng Avonlea lại viết về giai đoạn từ lúc Anne 16 tuổi đến 18 tuổi, khi cô là giáo viên tại trường làng Avonlea.
Vẫn là khung cảnh xưa tại đảo Hoàng Tử Edward, cô bé tóc đỏ ngày nào đã trưởng thành và mang những khát khao, ước vọng đẹp đẽ gieo vào mảnh đất quê hương.
Cuộc sống với những rắc rối mới cùng Anne tóc đỏ ở làng Avonlea
Anne là một cô bé hoạt náo, luôn mơ mộng và dễ kích động. Cô mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ và được chuyền tay chăm sóc hết nhà này đến nhà khác.
Vì một sự nhầm lẫn, cô được nhà Cuthbert nhận nuôi. Đây chính là bước ngoặc lớn trong cuộc đời Anne, giúp tuổi thơ của cô tràn ngập hạnh phúc và chan chứa tình yêu thương.
Trưởng thành dưới sự ôn hòa của vùng thôn quê yên bình, Anne đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, chín chắn. Thời gian đem lại những điều tốt đẹp nhưng cũng cướp mất của cô người ông Matthew đáng kính và sức khỏe của bà Marilla.
Anne ở tuổi mười sáu phải gánh vác, đỡ đần mọi trọng trách trong gia đình, đây cũng là lý do khiến cô gác lại dự định học Đại học Remond và trở thành cô giáo làng Avonlea.
Vào một buổi chiều tháng tám, sương mù xanh nhạt bảng lảng trên những triền đồi mùa gặt và làn gió thì thào tinh nghịch giữa những hàng dương, Anne đang cố dịch thật nhiều thơ Virgil trên thềm cửa thì ông Harrison hùng hục xông vào sân.
Ông là hàng xóm mới chuyển đến từ New Brunswick. Mọi người xung quanh xem ông là kẻ lập dị bởi ông rất keo kiệt, thẳng thừng tuyên bố không muốn bất kỳ người đàn bà nào lảng vảng bên mình. Ngoài ra, ông cũng ăn uống không có giờ giấc và chỉ rửa bát vào mỗi chủ nhật khi trời mưa.
Ông Harrison còn nuôi một con vẹt tên Vừng, điều được coi là lạ lùng và không đứng đắn ở làng Avonlea. Vừng khá thô lỗ và mổ mất một mẩu thịt sau gáy của John Henry khi cậu chàng cúi rạp xuống quá gần cái lồng.
Hiện giờ, ông Harrison đang tức tối đứng trong sân, nổi trận lôi đình vì bắt quả tang con bò Jersey mà bác Matthew tặng Anne vài năm trước trong đám ruộng yến mạch của ông lần thứ ba. Cả hai đã có cuộc tranh cãi nảy lửa trước khi con bò được nhốt lại vào buồng vắt sữa.
Ngoài việc phải đối phó với người hàng xóm quái gở, Anne còn đối diện với rắc rối mới từ người họ hàng xa của bà Marilla. Đó là cặp song sinh Davy và Dora vừa mới mất mẹ còn cha chúng đã qua đời từ lâu. Vậy nên cả hai được nhận về chăm sóc tại Chái Nhà Xanh cho đến khi ông bác của chúng từ nước ngoài trở về.
Dora là một cô bé ngoan ngoãn, vâng lời, biết cư xử nhưng khá tẻ nhạt còn Davy lại có tính cách hoàn toàn trái ngược, cậu hoạt bát, nghịch ngợm và luôn gây rắc rối.
“Hai đứa trẻ song sinh không giống nhau lắm, dẫu cả hai đều tóc vàng. Dora có những lọn tóc dài mượt không bao giờ rời khỏi nếp. Tóc Davy thì xoăn tít rối bù. Đôi mắt nâu nhạt của Dora vừa dịu dàng vừa hiền lành, còn mắt của Davy trông láu lỉnh và tinh quái như yêu tinh lùn.”
– Anne tóc đỏ ở làng Avonlea
Chưa đầy 48 tiếng đồng hồ sống tại Chái Nhà Xanh, Davy đã phạm lỗi lớn ngay trong buổi cầu nguyện tại nhà thờ và phá vỡ buổi họp của Hội từ thiện. Lâu sau đó, ông bác của hai đứa trẻ cũng qua đời nên chúng tiếp tục ở lại sống cùng Anne và Marilla.
Một số nhân vật khác cũng xuất hiện trong cuộc sống của Anne, đó là cậu học trò nhỏ Paul Irving, mồ côi mẹ và sống cùng ông bà ở Avonlea còn cha cậu, ông Irving làm việc ở Mỹ. Ở Paul, Anne nhìn thấy lại hình ảnh của mình ngày thơ bé rất mộng mơ, hay tưởng tượng và bốc đồng.
Bên cạnh đó còn có bà Lavendar Lewis đã ngoài 40 tuổi, là người phụ nữ ngọt ngào nhưng cô độc, 25 năm trước từng đính hôn với cha của Paul Irving nhưng sau đó đã chia tay vì bất đồng.
Cuộc sống mới lại tiếp tục chảy trôi tại thị trấn nhỏ, dưới ánh nắng chan hòa của vùng thôn quê Avonlea và những cánh đồng lúa mạch trải dài bát ngát.
Thỉnh thoảng vài sự việc dở khóc dở cười lại diễn ra, các trò nghịch ngợm của Davy gây ra nhiều đảo lộn tại Chái Nhà Xanh thế nhưng người đọc vẫn cảm nhận được mạch sống mãnh liệt và tươi đẹp đang chờ đón Avonlea ở phía trước.
Một Anne tóc đỏ ở làng Avonlea trưởng thành hơn
Ở cuốn tiểu thuyết đầu tay của Lucy Maud Montgomery, ta vô tình bắt gặp một cô bé chừng mười tuổi, mặc chiếc váy rất ngắn bằng vải pha len màu xám vàng, trên đầu đội chiếc mũ thủy thủ nâu bạc màu và hai bím tóc đỏ rực rất dày buông dài sau lưng.
Khuôn mặt cô lúc ấy rất nhỏ, trắng và gầy, lại còn nhiều tàn nhang, cái miệng rộng và đôi mắt cũng to không kém, nửa lấp lánh xanh lá, nửa xám đầy tâm trạng.
Thế nhưng trong Anne tóc đỏ ở làng Avonlea, ta lại nhận ra một Anne đã thay đổi rất nhiều. Dáng người cô cao hẳn, thanh mảnh với đôi mắt xám nghiêm nghị có lúc sẽ sáng rực như ánh sao đêm và mái tóc dài màu nâu đỏ.
Cô thiếu nữ ở tuổi mười sáu đã khoác lên mình dáng vẻ tự tin, ấm áp và căng tràn sức sống. Nhưng cũng không vì thế mà Anne đánh mất đi tâm hồn lãng mạn, bay bổng của mình mà thay vào đó, vẫn là cái tôi sâu sắc, nhẹ nhàng, mơ mộng với những rung động mãnh liệt, thiết tha hơn với cuộc sống hiện tại.
Anne giờ đây không còn là cô học trò nhỏ rụt rè nữa mà đang đứng trên một cương vị hoàn toàn mới, đó là trở thành cô giáo của ngôi trường cũ quen thuộc.
Vào ngày nhận lớp, lần đầu tiên trong đời Anne không để ý đến vẻ đẹp của hàng Bạch Dương mà chỉ chú tâm đến bài diễn văn cô tự sáng tác để chuẩn bị phát biểu cho buổi khai giảng hôm nay.
Hầu hết các học sinh ở đây đều quen thuộc với Anne, ngoại trừ một vài học sinh mới. Đó là Anthony Pye với khuôn mặt đen sạm còn đôi mắt thì nhìn chằm chằm vào Anne một cách thù địch.
Đang ngồi chung với Arty Sloane là cậu bé nhà Donnell với vẻ ngoài vui tươi, mũi hếch, mặt tàn nhang và đôi mắt to màu xanh nhạt. Phía góc lớp là Annetta Bell, cô bé nhỏ xíu da tái với mái tóc nâu vàng gợn sóng mượt mà xõa xuống vai.
Tại đây, Anne lần đầu tiên gặp Paul Irving, cậu bé có khuôn mặt nhỏ với các đường nét tinh tế được đóng khung bởi những lọng tóc màu hạt dẻ, khuôn miệng đáng yêu, căng mọng và đôi môi đỏ thẫm. Vừa gặp Paul, Anne đã nhận thấy sự đồng điệu trong tâm hồn và quyết tâm dẫn dắt, hướng dẫn cậu trên chặng đường trưởng thành sắp tới.
Buổi học ngày hôm ấy diễn ra khá suôn sẻ, cô lắng nghe học trò đọc bài, hướng dẫn cách tính cộng, phát bài tập một cách máy móc. Hầu hết các em đều cư xử khá tốt. Một vài trường hợp phạm lỗi được Anne giải quyết ổn thỏa đặc biệt là trường hợp của cậu nhóc nhà Pye nhưng cũng đủ khiến cô mệt nhoài vào cuối ngày.
Trên cương vị là một cô giáo, Anne luôn mong muốn giảng dạy học trò bằng sự thuyết phục thay vì đòn roi. Những đứa trẻ ngỗ nghịch, quậy phá sẽ tự khám phá bản thân và học cách trở thành một quý ông lịch thiệp.
Đối với Anne, cô tin rằng Anthony Pye sẽ tốt đẹp hơn và trở thành một cậu bé khá ngoan nếu có ai đó vượt qua được vỏ ngoài sưng sỉa chai lì của nó.
Anne cũng cư xử nhã nhặn với Davy, rắc rối lớn từ cặp song sinh vừa chuyển đến. Cô dạy cậu cách lịch sự trên bàn ăn, thuyết phục cậu rửa mặt mỗi buổi sáng và hướng dẫn cậu trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn hơn bằng sự chân thành của mình.
“Davy chỉ mới trở thành cư dân của Chái Nhà Xanh hơn bốn mươi tám tiếng đồng hồ một chút nhưng nó đã tôn thờ Anne và căm ghét Paul Irving, nó đã nghe Anne khen cậu ta rối rít ngay hôm sau ngày nó đến. Nếu Paul Irving rửa mặt mỗi ngày, thế thì đành vậy.”
– Anne tóc đỏ ở làng Avonlea
Chỉ bằng một vài chi tiết rất nhỏ, nhà văn đã tinh tế thể hiện những thay đổi rõ ràng trong cách hành xử của Anne. Cô vừa giữ được nét tươi trẻ và phản ứng tự nhiên của thiếu nữ mới lớn khi đối diện với các vấn đề khác nhau trong cuộc sống mà còn chín chắn, sâu sắc hơn rất nhiều qua thời gian sống dưới Chái Nhà Xanh.
Mỗi người ở ngôi làng nhỏ đều hy vọng vào cuộc sống tốt đẹp và bình yên
Vào một chiều thứ sáu thanh lịch của tháng mười, Anne và cô bạn thân Diana cùng nhau tản bộ đến nhà một người bạn ở phía Tây Grafton, trên con đường dẫn sâu vào hàng mẫu rừng sồi và rừng phong, cả vạt rừng nhuốm màu vàng đỏ rực rỡ, chìm đắm trong ánh chiều yên bình và tĩnh lặng.
Mải đắm chìm trong cảnh vật, cả hai bị lạc đến ngôi nhà Vọng xinh đẹp nơi cô Lavender Lewis sinh sống. Cuộc mời trà đột ngột của Lavender giúp Anne thấu hiểu hơn về tâm hồn người phụ nữ ngọt ngào nhưng cô độc, ẩn sau vẻ đẹp mặn mà là sự khát khao cháy bỏng của tình yêu thương.
Sau này, bằng sự khéo léo và thông minh của mình, Anne đã tác hợp thành công mối tình giữa cô Lavender Lewis và ông Irving, dệt nên cái kết ngọt ngào cho hai tâm hồn cô độc, nhiều tổn thương đang cần một điểm tựa.
Bên cạnh những vui buồn trong việc dạy học và nuôi dưỡng cặp song sinh Davy và Dora, Anne cùng Gilbert, Diana và Fred Wright thành lập một tổ chức mang tên hội cải tạo làng Avonlea nhằm mục đích mang đến một diện mạo tốt đẹp, tràn đầy sức sống hơn cho ngôi làng nhỏ.
Mặc dù mọi chuyện không dễ dàng như hy vọng của nhóm nhưng đây là những bước đi đầu tiên trên chặng đường cải tiến làng Avonlea. Mọi người cùng đồng lòng hướng đến một tương lai tươi sáng hơn đang chờ đón ở phía trước.
“Ồ, chúng cháu đâu có định cải tạo con người. Chỉ là cải tạo Avonlea thôi. Có nhiều thứ cần làm để nó đẹp đẽ hơn. Ví dụ như nếu chúng ta có thể khuyên ông Levi Boulter kéo sập căn nhà cổ gớm ghiếc ở phía trên nông trại của ông ta, đó có thể coi là một cải tiến tốt không?”
– Anne ở làng Avonlea
Sau khi chồng bà Rachel Lynde chết, bà Lynde dọn đến sống cùng Marilla ở Chái Nhà Xanh, Marila có người bầu bạn và trông nom nên đã cho phép Anne tiếp tục đi học. Cô và Gilbert dự định sẽ theo học Đại học Redmond vào mùa thu.
Từng là đối thủ của Anne ở trường học và có một vài mâu thuẫn nghiêm trọng trong khoảng thời gian dài, mối quan hệ giữa Gilbert và Anne sau nhiều lần tiếp xúc và làm việc cùng nhau cũng dần nảy nở thành những tình cảm tự nhiên vượt khỏi ranh giới tình bạn.
Khép lại Anne tóc đỏ ở làng Avonlea là lễ cưới ấm cúng tràn ngập hoa tươi của cô Lavender Lewis và ông Irving cùng tiếng vọng trong trẻo, ngọt ngào từ chiếc chuông đồng cũ của Paul.
Mặt trời đột ngột xuyên qua làn mây xám xịt và rắc một luồng ánh sáng rực rỡ xuống giàn kim ngân, khiến cả khu vườn như sống dậy với những bóng cây nhảy nhót và ánh nắng lung linh tuyệt đẹp.
Tất cả như đại diện cho niềm tin của những người dân chân chất nơi đây về một tương lai tươi sáng đang chờ đón họ. Mặc dù trước đó có bao nhiêu chuyện rắc rối, nỗi đau khổ đi chăng nữa họ cũng đều sẵn sàng đối mặt, rồi hy vọng sẽ ánh lên lấp lánh như tia nắng mặt trời.
Phần hai trong chuỗi tiểu thuyết về cô bé tóc đỏ đã khép lại nhưng dư vị về hơi thở bình yên của làng quê Avonlea vẫn tràn đầy. Rất nhiều tình huống hài hước, oái ăm được Lucy Maud Montgomery khéo léo cài cắm, từng trang văn mang sự sảng khoái và cuốn hút đến câu chữ cuối cùng.
Lại một lần nữa, bằng tài năng và sự tinh tế trong cách miêu tả, quan sát của mình nhà văn đã thổi vào lòng người đọc một luồng gió mới, mang theo sự bình yên, lạc quan, yêu đời và nhiệt huyết tuổi trẻ căng tràn hướng đến cuộc sống của sự bình an, hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Phan Quyên
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất