Tiểu thuyết Bến Xe thuộc thể loại tiểu thuyết ngôn tình và là tác phẩm nổi tiếng nhất của Thương Thái Vi. Theo lời dịch giả, không cụm từ nào có thể miêu tả cuốn sách này chính xác hơn ngoài “chấn động” và “ám ảnh”.
Nếu người đọc vẫn còn mù mờ về sự tàn nhẫn của số phận hay chưa từng chứng kiến tình yêu cao thượng bất chấp định kiến xã hội và ranh giới sinh tử, Bến xe của Thương Thái Vi sẽ là một tác phẩm phù hợp.
Nhà văn “một tác phẩm” Thương Thái Vi và đời tư kín đáo
Thương Thái Vi là nhà sáng tác truyện trên mạng nổi tiếng ở Trung Quốc, thông tin của cô được ghi rõ ở mục tác giả của tiểu thuyết Bến Xe.
“Thương Thái Vi sinh ngày 3 tháng 7, thuộc chòm sao Cự Giải. Quê quán ở Cẩm Châu, Liên Ninh, Trung Quốc. Nghề nghiệp: giáo viên. Sở thích: xem World Cup”
Những dòng giới thiệu ấy đầy ngắn gọn và có phần khác lạ so với những văn sĩ khác, nếu độc giả có muốn tìm hiểu thêm thì cũng không thể tìm được thông tin nào khác về đời tư hay sự nghiệp của nữ tác giả này. Vì thế, cô được xem là một trong những tác giả kín tiếng nhất ở Trung Quốc.
Thương Thái Vi được nhiều độc giả nhắc đến với danh xưng “nhà văn một tác phẩm”, tức chỉ có một tác phẩm nhưng lại vô cùng nổi bật và làm nên tên tuổi của người viết.
Thực ra, Thương Thái Vi không chỉ có duy nhất tiểu thuyết Bến xe mà cô còn chắp bút cho nhiều tựa truyện khác như Cây Bồ Đề, Chớp mắt, Sinh mạng của anh thuộc về em. Tuy nhiên, Bến Xe là tác phẩm xuất sắc vượt bậc và trở thành đứa con tinh thần đưa cô đến gần với đại chúng.
Dù cuốn tiểu thuyết này đã ra đời rất lâu nhưng mỗi lần nhắc tới, ai cũng ngậm ngùi hồi tưởng về câu chuyện với hai từ “ám ảnh”, đó là một nỗi ám ảnh tuyệt đẹp.
Qua bao năm tháng, vị trí của cuốn sách trong lòng độc giả vẫn không bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian và là minh chứng cho tài năng của Thương Thái Vi.
Những hình tượng của tri thức và sự thông tuệ trong tiểu thuyết Bến Xe
Bến xe lấy bối cảnh là trường học với hai nhân vật chính là thầy giáo Chương Ngọc và cô nàng Liễu Địch, khả năng của hai người dường như chỉ có thể dùng hai chữ “thiên tài” để đánh giá.
Năm lên bốn, Liễu Địch được bế lên ghế và đọc thuộc làu hai câu thơ “Xuân giang triều thủy liên hải bình. Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh” trước sự ngỡ ngàng và xúc động của một học giả. Một năm sau, cô có bài thơ đầu tiên đăng trên tạp chí và khi lên chín, Liễu Địch đứng đầu toàn quốc trong một cuộc thi viết văn.
Năm mười sáu tuổi, cô thi đỗ vào ngôi trường cấp ba trọng điểm với thành tích đứng đầu toàn thành phố, hai năm sau thì đậu đại học Bắc Kinh với tổng điểm cao nhất tỉnh, riêng môn Ngữ Văn gần đạt điểm tối đa và xếp hạng nhất cả nước, cuộc đời Liễu Địch từ đó gắn với hai chữ “thiên tài”.
Về phần Chương Ngọc, anh là người thầy giáo gây chấn động cho học sinh khi ngày đầu đến lớp, đọc truyền cảm từ đầu đến cuối tản văn Ánh trăng bên hồ sen của Chu Tự Thanh mà tay không hề cầm sách.
Không những vậy, trước yêu cầu của đám học sinh ngông cuồng, người thầy giáo trẻ này còn từ tốn “đọc thuộc” hết quyển sách này đến quyển sách khác và những tác phẩm ít được biết tới cũng được nhắc tên.
“Thầy dường như không phải đối diện với vô số gương mặt sống sờ sờ mà đối diện với sa mạc mênh mông, thậm chí là đêm tối vô tận.” – Liễu Địch
Đúng như dự đoán của Liễu Địch, thầy Chương là người khiếm thị. Hai mươi tám tuổi, thầy chỉ có thể đọc thành tiếng những cuốn sách đã in sâu trong đầu và điều đặc biệt là, khối lượng sách đó có thể còn khổng lồ hơn số sách mà hằng hà sa số người trên thế giới đã, đang và sẽ đọc.
Dù khó khăn nhưng Chương Ngọc rất nỗ lực trong nghề giáo của mình, cách cảm nhận văn học trên mọi khía cạnh và cách dạy độc đáo của anh đã đưa học trò đến với ngưỡng mới của môn Ngữ văn, hướng đến sự cảm giác với ngôn từ và con chữ.
Hình ảnh của thầy Chương còn đưa đến một thông điệp tích cực rằng giáo dục không phải là sự dồn ép và khuôn khổ. Giáo viên phải trở thành người khuyến khích và lắng nghe cách học sinh bày tỏ quan điểm của mình, từ đó rút ra cách truyền thụ kiến thức phù hợp nhất.
Ngoài hai nhân vật chính, dàn nhân vật phụ trong Bến xe cũng góp phần đưa người đọc vào thế giới đáng kính của những người có học thức. Đó là giáo sư Tô, hiệu trưởng Cao hay chàng sinh viên tài hoa Hải Thiên, người xuất bản sách khi mới qua tuổi hai mươi và có phần bí ẩn.
Hệ thống nhân vật của Bến xe do Thương Thái Vi tạo nên sẽ khiến bạn không ít lần thốt lên lời ngưỡng mộ, người đọc không chỉ chứng kiến mối tình cảm động giữa hai nhân vật chính mà còn hiểu thêm một số khía cạnh của đời sống được tác giả gửi gắm trong từng câu chữ.
Khi số phận đủ tàn nhẫn để vùi dập một cuộc đời tài hoa
Trái ngược với tài năng về văn học được đề cập ở phía trên, dung mạo của Chương Ngọc lại được Thương Thái Vi sử dụng câu từ để tạo nên một hình ảnh hoàn toàn đối lập.
“Thần sắc người đàn ông nhợt nhạt, trên gương mặt đó còn có một cặp kính đen cỡ lớn, tựa hồ một chiếc đầu lâu được khảm hai hốc mắt đen sì, mang lại cảm giác u ám, đáng sợ”
Đọc những dòng văn miêu tả về ngoại hình của người thầy khiếm thị Chương Ngọc, hiếm ai nhận ra anh từng là một chàng trai trẻ, người có đôi mắt sáng, lúc nào cũng rực rỡ niềm tin và hy vọng.
“…Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất nhạy cảm với màu sắc và ánh sáng, cũng luyện được đôi mắt biết quan sát vạn vật.”
Một đôi mắt biết quan sát dẫn lối cho một tâm hồn biết cảm thụ, Chương Ngọc sở hữu thứ mà bất kì người học văn nào cũng ngưỡng mộ, đôi mắt ấy đã từng là niềm tự hào lớn nhất của Chương Ngọc, là niềm kì vọng của những người yêu thương anh.
Sở hữu khả năng thiên phú và niềm say mê văn học đến điên cuồng, Chương Ngọc dễ dàng trúng tuyển vào khoa Trung Văn của đại học Bắc Kinh và nhanh chóng trở thành sinh viên xuất sắc nhất khóa, anh là cá nhân đầy nổi bật trong ngôi trường có chất lượng cao nhất Trung Hoa.
“Cứ như vậy, tôi trải qua ba năm đẹp đẽ trong cuộc đời ở Bắc Đại.” – Chương Ngọc
Những tưởng cuộc sống đã quá thuận lợi và Chương Ngọc sẽ sớm ra trường, cống hiến tài năng cho xã hội nhưng một tai nạn bất ngờ đã ập tới khi anh trở về ăn tết cùng gia đình. Cũng chính diễn biến này mà nhiều độc giả phải bàng hoàng, thậm chí là ám ảnh.
Tai nạn để lại dư chấn ở não của Chương Ngọc và cướp đi mạng sống của ba mẹ anh. Chấn động quá mạnh khiến sự cố gắng của đội ngũ bác sĩ trong ca phẫu thuật không đem lại nhiều tác dụng, trước mắt chàng trai trẻ chỉ còn lại bóng tối vĩnh viễn.
Số phận ác nghiệt đã tước đi đôi mắt sáng từ Chương Ngọc và cướp đi từ Bắc Đại một chàng sinh viên trẻ năng động và tràn đầy sinh lực.
Tuy nhiên, Chương Ngọc không vì thế mà trở nên bi quan, anh vẫn nỗ lực tìm về cuộc sống bình thường nhưng tiếc rằng, mọi người chỉ nhìn nhận tất cả những cố gắng ấy bằng sự thương cảm. Điều này khiến chàng trai trẻ ấy dần trở nên lạnh lùng, vô cảm trước mọi đề nghị giúp đỡ.
Qua hình tượng nhân vật được xây dựng rất thành công, Bến xe đã khắc họa chân thực mà trần trụi thế giới của những người khiếm thị, nơi bóng tối đặc quánh và tràn đầy sự cô độc.
“Liễu Địch, em đang muốn giúp tôi đánh bại bóng tối đúng không? Nhưng bóng tối của người mù quá nặng nề, em có thể giúp được đến đâu? Em có thể giúp được bao lâu? ” – Chương Ngọc
Những người khiếm khuyết ấy, họ tuy nhạy cảm với những sự giúp đỡ nhưng không thể từ chối thành ý thực sự. Tuy nhiên, bản thân Liễu Địch cũng giống những người chưa từng trải qua sự cô độc ấy, mãi mãi không thể hiểu được tận cùng nỗi đau của họ.
Từ một người trẻ với dung mạo sáng sủa đến một chiếc “đầu lâu khảm hai hốc mắt đen sì”, từ một chàng trai rạo rực sức sống tuổi đôi mươi đến người đàn ông lạnh nhạt như không hề có sinh khí.
Từ cậu thanh niên đang muốn cống hiến tài trí và sức lực cho đời, thậm chí có thể thay đổi nền văn học bằng nhân sinh quan sắc bén hơn người của mình bỗng trở thành một giáo viên khiếm thị dạy hợp đồng, phải đứng trước vô vàn định kiến của xã hội.
Sự thay đổi của Chương Ngọc khiến người đọc phải đau đớn và băn khoăn về cách đối đãi tàn nhẫn của số phận với những người tài hoa, khiến cho họ mãi không thể tìm được bình yên.
Nỗi băn khoăn ấy đã gieo vào độc giả sự ám ảnh, nó như một hồi chuông cho những cá thể may mắn khi được toàn vẹn và khỏe mạnh, được cảm nhận cuộc sống và trân trọng nó hơn mỗi ngày.
Bến xe là nơi chờ đợi và cũng là nơi tìm thấy
Hiểu được ước muốn cống hiến của Chương Ngọc và trân quý năng lực của anh, hiệu trưởng Cao đã tìm cách giúp Chương Ngọc được dạy học ở ngôi trường trọng điểm của thành phố mà mình chịu trách nhiệm lớn nhất. Đó cũng là sự nhờ vả duy nhất của anh sau khi trở thành người khiếm thị.
Suốt bao năm sống với bóng tối, sự tôn nghiêm và căm ghét thái độ kì thị khiến Chương Ngọc không bao giờ dựa vào ai và cự tuyệt mọi sự giúp đỡ, kể cả từ học sinh của mình. Đối với anh, thà từ chối sự quan tâm chân thành còn hơn chấp nhận sự giúp đỡ xuất phát từ lòng thương hại.
Vì vậy, khoảnh khắc Chương Ngọc chấp nhận để Liễu Địch giúp đỡ mình trong việc dạy học ở trường cũng là khoảnh khắc đầy trân quý trong Bến xe, nó đã khiến độc giả nhận thấy cánh cửa dẫn đến tâm hồn của anh đã được hé mở, một điểm nhấn sau bao năm phủ kín bụi bặm và đầy u ám.
Tuy vậy, niềm tin của anh dành cho Liễu Địch dẫu ngày một to lớn thì vẫn không đủ để chàng trai ấy để lộ những xúc cảm riêng tư.
Dưới vẻ ngoài cứng nhắc, lạnh nhạt của Chương Ngọc là vô vàn những tình cảm không thể biểu lộ với bất kỳ ai, kể cả Liễu Địch. Có điều, trái tim khi đã kết nối được với nhau rồi thì khó có thể che giấu, cô học trò nhỏ đã dần nhận ra điều này khi cùng người thầy giáo của mình đợi xe mỗi ngày.
“Chỉ có ở bến xe, thầy Chương mới vô tình để lộ tình cảm mà thầy cố ý che giấu bấy lâu”
Không chỉ là đợi xe, đó còn là nơi thầy Chương chờ cô dưới cơn mưa tuyết cuối năm vì Liễu Địch không đến văn phòng như mọi ngày. Không mũ và găng tay, đứng lâu tới mức chân vùi dưới tuyết nhưng giọng nói của anh vẫn rất bình thản.
“Tôi biết. Tôi biết, nếu em không xảy ra chuyện gì, nhất định em sẽ ra bến xe tìm tôi.”
Ở bến xe, mỗi khi chiếc xe họ đợi gần tới thì thầy Chương luôn là người phát hiện trước Liễu Địch. Còn với cô gái nhỏ bé ấy, khoảng thời gian trước khi tìm thấy xe buýt lại là khoảng thời gian cô tìm thấy trong bản thân những cảm xúc mãnh liệt, chưa bao giờ có được khi ở bất cứ nơi nào.
“Cô đột nhiên cảm thấy trái tim mình như búp hoa còn đọng giọt sương mai, kì ảo và đẹp đẽ… “
Bến xe là nơi hai thầy trò chờ đợi những tâm tình lớn dần một cách vô ý, cũng là nơi hai người tìm thấy tình yêu đã ươm mầm trong loài đinh hương vừa nở một sáng mùa xuân, trong chiếc lá rụng có mùi mặt trời và trong hoa tuyết trắng thuần khiết.
Có lẽ vì vậy mà khoảnh khắc đưa thầy giáo ra bến xe và cùng anh ta đợi xe buýt mỗi ngày trở thành khoảnh khắc đẹp đẽ và đáng nhớ nhất đối với Liễu Địch.
Sau này khi xa quê đến học ở Bắc Đại, được che chở trong vòng tay của vợ chồng giáo sư Tô và bị thu hút bởi tài năng của chàng trai Hải Thiên dù chưa một lần gặp gỡ khiến Liễu Địch suýt quên đi người thầy mà cô yêu. Lúc đó, bến xe chính là hình ảnh sống động trong trí nhớ và nhắc cô về tình cảm thật sự trong lòng.
Mạch truyện của Bến xe không hề vồ vập và vội vã, tình yêu của họ như một nụ mầm, chầm chậm lớn dần và tỏa hương thơm mát trong trái tim người đọc.
Ngôn từ hoa mỹ được trau chuốt kĩ càng nhưng cảm xúc thì lắng đọng và chân thực, địa điểm gặp gỡ tuy cụ thể nhưng tình cảm thì trừu tượng và khó nắm bắt. Tất cả đều sinh động đến mức mỗi người khi đọc Bến xe đều có thể vẽ nên một bức tranh cho riêng mình.
Bến xe còn là hình ảnh ẩn dụ về trạm dừng nào đó trong cuộc đời mỗi người. Một cột mốc để con người dừng lại và nhìn rõ hơn những tình cảm, suy tư ẩn sâu bên trong thân thể mệt nhoài vì mải chạy đua với thế giới.
Để rồi, họ tìm thấy cho bản thân một chuyến xe đúng nhất, một hành trình xứng đáng để trải nghiệm và tin yêu.
Khi tình yêu đủ mạnh để chiến thắng trên đấu trường tàn khốc nhất
Liễu Địch chăm sóc và lo lắng cho Chương Ngọc bằng một tấm lòng chân thành, trái tim cô cũng đầy đau đớn khi biết được những gì anh phải trải qua. Nhờ anh, cô biết được cảm giác thực sự tôn kính và sùng bái một người.
Chương Ngọc dành cho Liễu Địch lòng tin tuyệt đối đến mức có thể dùng sinh mạng để cá cược, bản thân anh dù không nói ra nhưng vẫn luôn tìm cách bảo vệ cô gái nhỏ ấy.
Những điều trân quý mà họ dành cho nhau, dù chưa một lần tỏ bày nhưng đã vượt trên ngưỡng tình yêu. Để rồi Liễu Địch nhận ra, đó là cảm xúc thuần khiết khi hai tâm hồn đã hòa quyện làm một.
Thế nhưng, dù hai tâm hồn không còn khoảng cách nhưng những khác biệt nhất định giữa hai cuộc đời vẫn vô tình tạo nên ranh giới, không phải ranh giới giữa hai người mà là ranh giới giữa tình yêu và một cái kết hạnh phúc
Chương Ngọc là thầy còn Liễu Địch là học trò, anh là người thầy giáo mù dạy hợp đồng còn Liễu Địch thì xinh đẹp và sở hữu tương lai rộng mở. Người trong cuộc không nói nhưng ai cũng biết, người ngoài cuộc không biết nhưng ai cũng nói rằng mối quan hệ này sẽ chẳng đơn giản.
Học sinh trong trường trước và sau khi Liễu Địch tốt nghiệp, đều truyền tai nhau những lời nói không hay, thậm chí xuyên tạc và xúc phạm sự thuần khiết của Chương Ngọc và Liễu Địch.
“Thầy Chương, thầy bị mù thật sao? Thầy bị mù mà thầy biết nữ sinh nào xinh đẹp nhất trường, sau đó thầy cho người ta làm đại diện của thầy rồi quyến rũ người ta?…
… Thầy tưởng thầy có thể che mắt thiên hạ hay sao? Lẽ nào thiên hạ cũng đui mù giống thầy? Là một nhà giáo, vậy mà thầy đi dụ dỗ học sinh. Thầy có tư cách gì đứng ở đây nói tôi “đáng xấu hổ?” Thật ra, kẻ đáng xấu hổ nhất là thầy và Liễu Địch. Thầy và chị ta một người dụ dỗ mê hoặc, một người tự nguyện lao vào vòng tay của thầy giáo mình; một kẻ hạ lưu đê tiện còn một kẻ vô liêm sỉ; một kẻ ra vẻ đạo mạo còn một kẻ giả vờ đứng đắn…” – Khiên Khiên
Đó là lời của Khiên Khiên, người được thầy Chương thẳng tay cho 0 điểm vào bài viết vì cho rằng cô bé đã đạo văn, một hành động đáng xấu hổ của những người học sinh. Khi nhận về những lời lẽ cay nghiệt đó, có lẽ Chương Ngọc đã sớm đoán biết.
Trải qua nỗi đau lớn nhất của đời người, anh hiểu và luôn tìm cách đưa Liễu Địch tránh xa những rắc rối không đáng. Chính vì vậy, dù dành cho Liễu Địch một tình cảm lớn lao nhưng Chương Ngọc luôn cố gắng để cô học trò nhỏ không yêu mình.
“Cô ấy thuần khiết như chậu hoa nhài này. Nếu nhốt cô ấy ở trong phòng tối, liệu cô ấy còn có thể sinh trưởng và nở hoa?” – Chương Ngọc
Thế nhưng, hàng rào thép gai cũng chẳng ngăn nổi hai trái tim chung một nhịp đập, con dao sắc bén cũng không thể chia tách hai tâm hồn đã hợp thành một thể thống nhất. Trở ngại duy nhất chỉ còn miệng lưỡi xã hội, một thực thể vô hình nhưng sắc bén và man rợ hơn bất cứ vũ khí nào.
Càng về cuối thì mạch truyện càng dồn dập hơn. Ngôn từ mạnh nhưng bi đát như tiếng kêu của sợi dây đàn bị đứt, run rẩy nơi cảm nhận của người đọc. Những sự thật dần được phơi bày, kể cả những điều tiếng, những rắc rối mà thầy Chương phải chịu đựng khi Liễu Địch rời đi.
Đến cuối cùng, có lẽ độc giả chỉ có thể vỡ òa trong nước mắt khi đọc những lời dịu dàng Chương Ngọc để lại.
“Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, nếu chúng ta có kiếp sau, nếu kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này… đợi em. ”
Trong Bến xe, đấu trường tàn khốc nhất là đấu trường giữa tình yêu và số mệnh. Tuy vậy, dù có trải qua bao cách trở thì khúc ca tình yêu vẫn vang lên sáng ngời hơn cả, chỉ đến khi chìm đắm vào trong ấy thì độc giả mới có thể cảm nhận những thanh âm từ trong sáng tới mãnh liệt này mà thôi.
Đinh Ngọc
Đinh Ngọc
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất