Khi nhắc tới tuổi trẻ, nếu như người ta thường kể về những chuyến đi dài đầy hiểm trở, tình yêu lứa đôi giữa người với người nồng say và bồng bột, những khát vọng tràn đầy nhiệt huyết của thanh xuân thì Ahn Do-hyun lại mượn hình ảnh Cá hồi để khắc họa lại tất cả bức tranh rực rỡ ấy.
Mới nhìn qua bìa sách, bạn đọc lỡ tưởng lầm đây là một quyển giới thiệu chung về loài cá này hay đại loại viết về một tập tính sống nào đó của chúng nhưng chỉ khi mở quyển sách ra ta mới thật sự cảm nhận được hơi thở của biển cả mặn nồng len lỏi vào từng xúc cảm của mình.
“Nhắc đến Cá Hồi là thấy dậy mùi nước sông.”
Một tác phẩm nhẹ nhàng, sâu lắng đọng lại nhiều dư vị trong lòng độc giả khiến mỗi người bồi hồi nghĩ về tuổi trẻ, tình yêu và ước mơ của chính mình.
Vài nét về tác giả Ahn Do-huyn
Ahn Do-Hyun sinh năm 1961 tại một tỉnh phía Bắc thuộc Hàn Quốc, ngay từ thuở còn trên ghế nhà trường, ông đã tham gia các câu lạc bộ viết và làm quen với nhiều nhà văn rồi trở thành đồng nghiệp sau này như Hong Seung-woo, Kwon Tae-hyeon, Ha Eung-Baek.
Nhờ tài năng và sự kiên trì, Ahn Do-hyun đã nhận được nhiều giải thưởng từ nhiều cuộc thi viết và sáng tạo khác nhau trên toàn quốc như Giải thưởng văn học Hakwon năm 1979. Sau này ông thi vào Đại học Wonkwang, một trường chuyên về văn học Hàn Quốc.
Ngoài ra Ahn Do-hyun còn tham gia vào một tạp chí truyền thông văn học là Guksi đang được xuất bản ở Daegu cùng với nhiều nhà văn nổi tiếng khác.
Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khi bài thơ Nak Nak River River giành chiến thắng cuộc thi Nhà văn mới của Daegu Maeil Shinmun năm 1981 và bài thơ Jeon Bong-jun Goes to Seoul đã đạt giải Đồng Á cuộc thi Nhà văn mới của Ilbo năm 1984.
Ahn Do-hyun trở thành giáo viên dạy tiếng Hàn tại trường trung học Iri vào tháng 2 năm 1985, nhưng ông bị sa thải không lâu sau đó vì đã gia nhập Liên đoàn giáo viên Hàn Quốc (KTU). Một thời gian sau, Ahn Do-hyun làm việc tại chi nhánh Iri Iksan của KTU và hoạt động với tư cách là thành viên của Hiệp hội sáng tạo giáo dục.
Tháng 3 năm 1994, Ahn Do-hyun được chuyển đến trường trung học Sanseo nhưng ông đã từ chức giảng dạy ba năm sau đó và dồn toàn bộ tâm huyết vào nghiệp viết. Không uổng phí bao nhiêu công sức, ông được nhận bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ về tác phẩm sáng tạo của Đại học Dankook.
Ahn Do-hyun hiện là giáo sư viết sáng tạo tại trường Woosuk.
Bắt nguồn từ những cảm hứng truyền thống, thơ ông miêu tả những thực trạng hiện tại của Hàn Quốc và xã hội với sự nhạy cảm tinh tế kết hợp nhuần nhuyễn với những trải nghiệm cá nhân sâu sắc làm nền tảng cho thơ của mình.
Ông đã xuất bản nhiều tập thơ khác nhau, có thể kể đến như Jeon Bong-Jun Goes to Seoul, trong đó miêu tả một cách trữ tình cuộc sống và lịch sử từ góc nhìn của sự ngây thơ của tuổi trẻ, Modakbul (The Bonfire) chứa đựng nội tâm vào sự cô đơn và thực tế của cuộc sống xung quanh cùng nhiều tác phẩm khác.
Về tiểu thuyết, ông đã viết cuốn Cá hồi vào năm 1996 miêu tả sự trở lại của đàn cá hồi lội ngược về đầu nguồn để sinh nở cùng nhiều ý nghĩa và bài học về cuộc đời, sinh thái khác.
Ahn Do-Hyun là một nhà thơ theo đuổi chủ nghĩa hiện thực nhưng bằng tâm hồn mơ mộng và nhạy cảm, ông đã thể hiện cảm xúc lãng mạn một cách xuất sắc. Thơ của ông đã được ca ngợi vì đậm nét trữ tình truyền thống và dễ đi vào lòng người.
Trước những năm 90, nhà thơ chủ yếu viết về những đau khổ của cuộc sống đầy nhọc nhằn.
Sau này, Ahn Do-hyun dần chuyển từ thể loại viết về thực tế sang khám phá, đắm chìm vào từng cung bậc sắc màu của thiên nhiên, dường như từng câu thơ đều thấm đượm mong muốn được hòa mình vào thế giới ngoài kia một cách tha thiết.
Chú cá hồi Ánh Bạc và vẻ đẹp khác biệt
Cá hồi là một câu chuyện ngắn về hành trình quay về cội nguồn của Ánh Bạc, một chú cá hồi mang trên mình lớp vảy bạc lấp lánh khác biệt với cả đàn.
Hành trình của bầy cá chỉ đơn thuần là một cuộc thử thách vượt biển, vượt sông, vượt thác, trở lại nguồn cội và đẻ trứng để duy trì giống nòi tuy nhiên đối với Ánh Bạc, đó còn là một hành trình để tìm lại những lẽ sống cho riêng mình.
“Hằng năm từ khoảng tháng Chín đến tháng Mười, khi lá cây nhuộm đỏ mỹ lệ, cá hồi là một trong các loài cá bơi ngược từ biển về sông nơi chúng từng được sinh ra, chúng sẽ soạn cho mình chỗ đẻ trứng có đường kính khoảng 1m, sâu 50cm tại khúc sông cạn rải sẵn sỏi cuội và ít bị ảnh hưởng bởi lực dòng chảy rồi đẻ những quả trứng màu anh đào, số trứng ấy ước chừng vào khoảng 2000 – 3000 quả, cá hồi được thụ tinh ngay tại các khe sỏi sẽ mất ngót nghét 2 tháng để nở thành cá con, nhiệt độ nước khi ấy khoảng 7, 8 độ C là vừa phải.”
Tập tính này của loài cá phần nào tương đồng với chính loài người, con người ta thường vào lúc tuổi trẻ còn sực sôi khí thế, nhiệt huyết sẽ dũng cảm dám đương đầu với mọi thử thách cuộc đời, luôn muốn được thử thách chính mình, phiêu lưu mạo hiểm song khi đã cứng cáp rồi lại muốn trở về với cội nguồn và quê hương.
Hành trình trở về cội nguồn cũng chính là hành trình tìm kiếm lẽ sống của cá hồi Ánh Bạc, tác giả Ahn Do-hyun đã dùng biện pháp nghệ thuật nhân hóa tuyệt đối để những suy nghĩ của cá hồi, của dòng Sông Xanh nói đến cuộc đời của con người.
Lẽ sống đâu phải cái gì quá to lớn và xa vời, đôi khi chỉ cần tồn tại một cách có ích chính là một lẽ sống cuộc nói chuyện giữa Ánh Bạc và bác Sông Xanh đã nói lên điều đó:
“- Vậy lẽ sống của bác là gì ạ?
– Thì chính là bản thân ta, đang tồn tại bây giờ, ở đây thôi.
– Tồn tại chính là lẽ sống ư?
– Đúng vậy. Đang tồn tại, có nghĩa là trở thành chỗ dựa cho những thứ không phải chính mình đấy cháu.
…
– Vậy cháu cũng có thể trở thành chỗ dựa cho ai đấy phải không bác?
– Không cần đến cơ thể to lớn mới có thể trở thành chỗ dựa đâu. Chúng ta ai cũng có thể trở thành chỗ dựa cho ai đó khác.”
Cũng thông qua câu chuyện về cá hồi Ánh Bạc, tác giả đã đưa ra quan điểm về cách nhìn nhận một sự việc, một con người, đó là nhìn bằng con mắt tâm hồn.
Con người được chia ra làm hai loại, một loại là người cầm cần câu và một loại là người cầm máy ảnh. Nếu như người cầm cần câu là những kẻ nhìn cá hồi bằng ánh mắt từ trên cao nhìn xuống thì người cầm máy ảnh là người có con mắt trông ngang nhìn cá hồi một cách bình đẳng.
Và nhà văn vẫn luôn đặt hy vọng lên những con người cầm máy ảnh, hy vọng vào một thế hệ tương lai hòa mình vào thiên nhiên, giữ gìn thiên nhiên và thương hại cho những kẻ đang phá hoại thiên nhiên, bởi con người cũng làm một phần của tự nhiên.
“Vậy mới nói muốn hoàn toàn yêu và hiểu cá hồi cần phải có con mắt biết trông ngang để nhìn cá hồi một cách bình đẳng. Rồi cần đến một chút trí tưởng tượng nữa. Hay nói đơn giản thì chính là có con mắt tâm hồn. Con mắt khao khát nhìn những gì không thấy được, bởi vậy mà nhìn thấy được cả những điều không hiển hiện. Năng lực tưởng tượng chính là sức mạnh giúp chúng ta đi đến tận cùng thế gian này. Cũng như nụ hôn đầu của những người đang yêu sở dĩ nóng bỏng ngọt ngào là nhờ năng lực tưởng tượng ngay trước khi đôi môi hai người chạm nhau.”
Tất cả những trải nghiệm và bài học quí giá đều là những mảnh ghép tạo nên một Ánh Bạc trưởng thành.
Bởi vì màu vảy lạ lẫm và khác biệt, chú cá hồi này bị cả đàn xa lánh và xì xào bàn tán, người chị duy nhất của Ánh Bạc đã từng luôn yêu thương, bảo vệ nó cuối cùng cũng mất mạng dưới cái mỏ sắc lẹm của loài chim biển.
Ánh Bạc trở nên hoang mang cùng cực, ngay chính giữa đồng loại chú không tìm ra nơi cho riêng mình, trong lòng nó tự nảy sinh ra hai dòng suy nghĩ đối lập nhau mâu thuẫn dữ dội.
Ánh Bạc khao khát được đàn cá thấu hiểu tâm hồn mình thay vì lớp vảy bên ngoài nhưng nó chẳng nhận được gì ngoài những tiếng cười nhạo, thờ ơ.
Dẫu vậy, Ánh Bạc vẫn bỏ ngoài tai tất cả những lời gièm pha, chế giễu ấy để nhanh chóng hòa mình vào đàn cá, rục rịch chuẩn bị cho một chuyến đi dài lên thượng nguồn để sinh sản.
Trên hành trình ấy, Ánh Bạc không ngừng quan sát xung quanh bằng một tâm thái hiếu kì hết sức, nó không ngừng đặt câu hỏi về vạn vật xung quanh và tất thảy những quan niệm trên đời mà nó thắc mắc.
Những chú Cá Hồi mang bóng hình ẩn chứa nhiều thông điệp tác giả muốn truyền tải
Một lần, Ánh Bạc đã gặp Mắt Trong trong một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm và éo le và như đã được sắp xếp từ trước, chúng nhanh chóng bị thu hút lẫn nhau rồi trở thành bạn đồng hành, bạn đời của nhau trên chính con đường đi tìm lẽ sống của Ánh Bạc.
Ngoài Ánh Bạc và Mắt Trong, Lưng Cong là một chú cá sẽ khiến độc giả ấn tượng vô cùng sâu sắc, cho dù chỉ xuất hiện vài trang giấy nhưng đây chẳng khác nào sự cảnh tỉnh cho loài người.
Lưng Cong sinh ra hoàn toàn bình thường nhưng vì chất thải của loài người khiến chú bị dị dạng cơ thể, thậm chí không thể nói chuyện. Một con cá hoàn toàn khỏe mạnh đã bị chính con người làm cho dị dạng.
Mỗi chú cá, sự vật và hiện tượng xuất hiện trong Cá hồi dù chỉ vài dòng cũng đều thấp thoáng nhiều bài học khiến mỗi người đều phải ngẫm nghĩ, tự vấn bản thân mình.
Những bài học về sinh thái, tự nhiên, quyền được tôn trọng và những trách nhiệm cần có của trong quá trình lớn lên của mình một cách đầy sâu sắc, nhẹ nhàng mà không quá đặt nặng khuôn phép, giáo điều.
Gần cuối truyện, khi Ánh Bạc vượt thác và gặp một bậc đá luôn bị con người dẫm để bước qua, chú đã hỏi bậc đá có mệt mỏi không, bậc đá chỉ nhẹ nhàng bảo đó là lẽ sống của nó thì có gì để mệt.
Ánh Bạc như sực tỉnh, sự tồn tại của nó nhẹ nhàng hơn bậc đá kia nhiều thì tại sao nó còn muộn phiền, chính vì quá muộn phiền mà Ánh Bạc không nhìn ra được hạnh phúc ngay bên mình.
Cá hồi sinh ra ở sông, sống ở biển rồi lại về sông để đẻ trứng, sau cùng chết để hòa mình cùng dòng nước mẹ.
Lấp ló đâu đó trong Cá hồi là chính câu chuyện về chính con người. Cá hồi có con đường của riêng nó, con người cũng phải có đường của mình. Chọn đường dễ đi chỉ thể hiện sự yếu đuối, sợ hãi và vượt thác khi ấy đã trở thành một hành trình thử thách để vượt lên chính bản thân.
Cuốn sách mượn loài cá hồi làm điểm cất cánh cho trí tưởng tượng và cả chất thơ được kể một cách giản dị bằng lời văn súc tích, cô đọng và giàu biểu tượng.
Cá hồi là một câu truyện ngụ ngôn dành cho cả người lớn và thiếu nhi, nó mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cho ta thấy được tình yêu và sự hy vọng tiềm tàng trong chú cá hồi, cũng như những bài học về cuộc sống.
Tiểu thuyết này của Ahn Do-hyun thể hiện rõ ý nghĩa cảnh báo về nguy cơ sinh thái, thông qua những ẩn dụ về hành trình trở về nguồn cội của loài cá hồi, cùng những diễn ngôn giễu nhại, tác phẩm rung lên hồi chuông về cách nhận thức và ứng xử của con người đối với tự nhiên, mặt khác tác phẩm cũng trình bày niềm tin tưởng về sự chan hòa phồn thịnh của tự nhiên muôn loài.
Có thể nói Cá hồi không chỉ thu hút độc giả ngay từ trang bìa, cuốn sách còn khiến bạn đọc được trôi theo dòng bơi của những chú cá dũng cảm, từ đó nhận được nhiều bài học về thiên nhiên, cuộc sống để rồi khi gập cuốn sách lại cảm thấy mình tràn đầy năng lượng, nhìn vạn vật dưới một ánh mắt dịu dàng và trân trọng hơn.
Thùy Lam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất