Chuyện tình đích thực siêu buồn là tác phẩm thứ ba của nhà văn Gary Shteyngart, được xuất bản vào năm 2010. Lấy bối cảnh tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong tương lai gần, thiên tiểu thuyết không chỉ gây ấn tượng bởi viễn cảnh sụp đổ kinh hoàng mà còn được đánh giá cao về ngòi bút độc đáo và giá trị nhân đạo sâu sắc.
Đôi nét tiểu sử Gary Shteyngart
Gary Shteyngart là nhà văn trào phúng người Mỹ gốc Liên Xô. Ông sinh năm 1972 tại Leningrad và theo gia đình nhập cư vào Hoa Kỳ khi lên bảy tuổi. Từ nhỏ, ông đã sống trong môi trường giao thoa văn hóa Nga và Do Thái của gia đình, rồi sau đó lại thích ứng với lối sống Mỹ. Hành trình ấy đã mang đến nguồn tư liệu dồi dào cho các sáng tác của nhà văn.
Năm 1995, ông tốt nghiệp Cao đẳng Oberlin qua luận án nghiên cứu các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là Georgia, Moldova và Tajikistan. Góc nhìn đa chiều về chính trị là điểm đặc trưng trong tác phẩm của Gary nhưng cũng là lí do khiến tiểu thuyết có phần khó đọc.
Những dụng ý châm biếm tinh tế về lịch sử, văn hóa, tình hình chính trị, xã hội đương thời của ông không dễ nắm bắt nếu người đọc thiếu hiểu biết nhất định về mối quan hệ giữa các quốc gia.
Cho đến hiện tại, phần lớn các tác phẩm của Gary Shteyngart được giới phê bình đánh giá cao. Nếu The Russian Debutante’s Handbook thắng Stephen Crane Award và the National Jewish Book Award thì Absurdistan (với tựa tiếng việt là Cộng hòa phi lý) được The New York Times bình chọn là một trong mười cuốn sách đặc sắc nhất năm 2006.
Bên cạnh đó, ông cũng từng có nhiều sáng tác và tiểu luận đăng trên The New Yorker, Granta, CQ, The New York Times Magazine và các ấn phẩm khác.
Viễn cảnh về một Hoa Kỳ rệu rã trong Chuyện tình đích thực siêu buồn
Chuyện tình đích thực siêu buồn lấy bối cảnh ở tương lai gần khi nước Mỹ đang dần sụp đổ, cốt truyện xoay quanh hai nhân vật chính là Lenny Abramov và Eunice Park. Trong khi chàng là một gã béo ba mươi chín tuổi, gốc Nga với tác phong luộm thuộm như ông già, thì nàng lại là cô gái Hàn Quốc, trẻ trung, sành điệu và nghiện mua sắm.
Hai con người tưởng chừng như những đường thẳng song song ấy gặp nhau tại một bữa tiệc thác loạn và từ đó Lenny rơi vào tiếng sét ái tình với Eunice. Chàng say đắm nàng khôn xiết, vì sự hiện hữu của nàng mà bắt đầu mơ tới vĩnh hằng.
Thế nhưng chuyện tình đích thực ấy lại siêu buồn vì đã nảy sinh trong thời kỳ suy thoái trầm trọng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một cường quốc từng là giấc mơ lớn của bao người nay bị Trung Quốc qua mặt, Châu Âu rời xa.
Lưỡng đảng hợp thành một Đảng Lưỡng Đảng duy nhất với cách quản lý độc tài. Con người kiệt quệ cảm xúc, buông thả tình dục, bị cầm tù trong công nghệ và chủ nghĩa tiêu dùng. Gary đã dựng lên một thế giới lố bịch để châm biếm những ung nhọt trong xã hội Mỹ hiện nay.
Thế nhưng, sau tất cả những chế giễu, cười cợt đã thành phong cách của nhà văn gốc Nga ấy, ta cảm nhận sâu sắc sự cô đơn rã rời cùng niềm trăn trở khôn nguôi về giá trị con người giữa một thế giới hỗn loạn đang trên đà tan nát.
Câu chuyện về sự bất tử vô nghĩa mà tác phẩm khắc họa
Lenny làm việc trong ngành kinh tế sáng tạo, bộ phận dịch vụ hậu nhân loại. Ở thời đại anh sống, khoa học kỹ thuật đã phát triển đến đỉnh cao khi cho phép con người đảo ngược quá trình lão hóa và can thiệp máy móc để đạt đến sự bất tử.
Một ông già bảy mươi tuổi có thể trẻ hóa bằng cách cấy robot nano làm thay đổi cơ chế sinh học tự nhiên. Người ta chắt chiu từng đồng để chạy theo chương trình tái tạo sự sống đắt đỏ và cố gắng đạt đến nền văn minh tuyệt đối.
Tiền=sự sống. Theo ước tính của tôi, thậm chí ngay cả các liệu pháp giải lão hóa ban đầu, chẳng hạn như bơm chèn Máu Thông Minh vào để bình ổn hệ tim mạch lố bịch của tôi cũng đốt mất ba triệu tệ một năm.
– Chuyện tình đích thực siêu buồn
Thế nhưng, trớ trêu thay, khi họ nghĩ là mình có tất cả rồi thì thế giới xung quanh lại sụp đổ. Mọi nỗ lực nhằm chiếm lĩnh và thay đổi quy luật tự nhiên từ trước đến nay của nhân loại đều trở nên vô nghĩa.
Trạng thái cảm xúc bị quyết định bởi máy móc trong Chuyện tình đích thực siêu buồn
Với sự phát triển đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin, con người không còn dùng đến những chiếc điện thoại thông minh như chúng ta hiện nay mà thay vào đó là apparat, một thiết bị điện tử nhỏ gọn với nhiều tiện ích tinh vi.
Trong đó, công dụng cao cấp nhất là khả năng tổng hợp lượng thông tin khổng lồ để đúc kết trạng thái cảm xúc và xếp hạng độ hấp dẫn (về tình dục) của mỗi cá nhân. Giờ đây, người ta biết về nhau không phải qua những cuộc trò chuyện thân tình và thời gian dài gắn bó, chỉ cần bật apparat thì dữ liệu chi tiết về mọi người xung quanh sẽ hiện lên thiết bị.
Ở kỷ nguyên của dữ liệu và hình ảnh, việc nói, viết và đọc trở thành điều lỗi thời và đáng cười nhạo. Những cuốn tiểu thuyết dày cộm của Lev Tolstoy, Chekhov hay Kafka bị xem là thứ bốc mùi kinh tởm.
Thế nhưng làm sao văn minh lại tách rời nghệ thuật và lịch sử như thế, hành vi phủ nhận tầm quan trọng của những giá trị bất biến đã sớm dự báo sự lụi tàn trong tương lai. Loài người đã đi rất xa để có thể tối ưu hóa mọi phương tiện nhưng rồi họ quên mất thế nào mới là cuộc sống đích thực.
Giữa thế giới mất phương hướng tột độ ấy, cặp đôi Lenny và Eunice được miêu tả như những kẻ cuối cùng còn biết sống và cảm nhận. Mặc lời chế giễu của mọi người xung quanh, Lenny chưa từng bỏ thói quen đọc sách. Ở nơi mà chủ nghĩa cá nhân được đề cao một cách thái quá, Eunice luôn lựa chọn hi sinh cho gia đình.
Nhưng lúc nào không ăn, chúng tôi lại nói chuyện về mọi thứ về bản thân, chúng tôi là ai, chúng tôi từ đâu tới.
– Chuyện tình đích thực siêu buồn
Mỗi thời khắc họ ở bên nhau, cả hai đều trò chuyện, phương thức giao tiếp nguyên thủy nhất đã bị loài người bấy giờ ruồng bỏ.
Tình dục giữa Lenny và Eunice không phải những chung đụng xác thịt dung tục và vô cảm mà đó là cách thể hiện tình yêu, sự quan tâm và xoa dịu nhau khỏi nỗi bất hạnh. Vẻ đẹp nơi tâm hồn các nhân vật chính là hiện thân của giá trị nhân đạo và đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm cho độc giả.
Một thế giới hư cấu nhưng rất thực trong Chuyện tình đích thực siêu buồn
Dù là tiểu thuyết viễn tưởng nhưng xã hội loài người trong Chuyện tình đích thực siêu buồn không hề xa lạ với bạn đọc hôm nay. Vấn nạn phân biệt chủng tộc, người nhập cư, tị nạn, chiến tranh phi pháp và xâm phạm quyền riêng tư được nhắc đến trong tiểu thuyết luôn là những mối bận tâm lớn của nền văn minh.
Thế nhưng điều đặc biệt là Gary không nhìn nhận thực trạng trên qua lăng kính của người cầm quyền. Nhà văn đào sâu vào nội tâm của những kẻ thiểu số dễ bị bắt nạt, điển hình như hai nhân vật chính Lenny và Eunice đều là người nhập cư Mỹ hay bạn David của Eunice là kẻ vô gia cư ở thành phố New York.
Những niềm vui, nỗi buồn và chiêm nghiệm của họ khi chứng kiến Hoa Kỳ dần tàn lụi đã khiến người đọc trăn trở khôn nguôi. Có thể nói, Gary Shteyngart đã đặt ra giả thuyết về thế giới đen tối trong tương lai để cảnh tỉnh con người thực tại.
Nếu ta tiếp tục thờ ơ với những vấn đề toàn cầu và không bận tâm đến các chính sách phát triển bền vững, thì sự sụp đổ trong tiểu thuyết sẽ đến vào một ngày không xa.
Đánh giá tích cực từ giới phê bình và ảnh hưởng đến truyền hình
Với cách đặt vấn đề độc đáo và chất giọng trào phúng đậm chất Mỹ, Chuyện tình đích thực siêu buồn đã nhận được sự tán thưởng của giới phê bình. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Gary Shteyngart nhưng sức hút của nó không bị hai thành công trước lu mờ.
Tác phẩm thắng giải the Bollinger Everyman Wodehouse và nằm trong nhóm mười cuốn sách hay nhất năm do hơn bốn mươi tạp chí uy tín trên thế giới bầu chọn. Nhà văn đương đại người Mỹ Edmund White đã có nhận xét tích cực với cuốn tiểu thuyết.
Một trong những tác phẩm hài hước và đáng sợ nhất tôi từng đọc. Tất cả các chi tiết Gary Shteyngart viết ra đều quá đỗi thuyết phục. Không chỉ là cây bút trào phúng tuyệt vời nhất của chúng ta, Gary còn có thể khiến các thiên thần (và người thường) bật khóc với cách cậu ta viết về tình yêu và sự mong manh.
Thậm chí, năm 2016, tác phẩm còn được đạo diễn kiêm diễn viên Ben Stiller, người được biết nhiều nhất qua các siêu phẩm điện ảnh như Bí mật của Walter Mitty hay Đêm ở viện bảo tàng nghiên cứu để phát triển thành loạt phim truyền hình chiếu trên HBO Max.
Chuyện tình đích thực siêu buồn tạo nên sự bàn luận sôi nổi trong độc giả
Bên cạnh đánh giá chuyên môn thì phản ứng trong cộng đồng người yêu sách cũng vô cùng đa dạng với nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau.
Có người thể hiện sự bài xích trước một thế giới đen tối và lố lăng mà Gary xây dựng (đây là điều mà các tác phẩm viễn tưởng và trào phúng thường gặp phải), có người sợ hãi trước viễn cảnh sụp đổ của một cường quốc thế giới như Hoa Kỳ, cũng có nhiều độc giả quan tâm đến câu chuyện tình yêu giữa Lenny và Eunice.
Dù trải nghiệm đọc như thế nào, họ đều thừa nhận sự ám ảnh của cuốn tiểu thuyết khi tạo nên những trăn trở khôn nguôi về giá trị con người và bản chất của sự sống trong một thời đại đảo điên.
Cuốn sách thuộc thể loại dystopia đặt thế giới vào một tương lai gần nhưng cảm giác như thể cách chúng ta có vài bước chân. Nỗi buồn vì chủ nghĩa vật chất lên ngôi, nỗi buồn về một thế giới rệu rã sắp đến hồi cáo chung, nỗi buồn về nỗi cô đơn trong đô thị rộng lớn, nỗi buồn vì sự hữu hạn của đời sống và vô tình của thời gian, nỗi buồn vì yêu và tình dục trong thời đại số hóa trở nên gấp gáp và vô cảm, nỗi buồn vì tình yêu sách vở trở thành điều lập dị và đáng khinh.
– Goodreads
Chuyện tình đích thực siêu buồn không hề dễ đọc khi nó là sự lồng ghép của nhiều vấn đề chính trị, xã hội nóng hổi hiện nay. Thế nhưng nếu có can đảm dấn thân, ta sẽ bước vào một thế giới nghệ thuật hài hước mà sâu sắc. Đó là nơi nhân sinh quan của mỗi cá nhân nhận thách thức lớn để rồi khi khép lại trang sách, độc giả vỡ lẽ ra nhiều điều quý giá về bản thân và thời đại mình.
Cùng với các nhà văn như Ray Bradbury hay Thomas Harris, Gary Shteyngart đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân loại, đa dạng hóa dòng chảy văn học Mỹ nói riêng và văn học thế giới nói chung.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất