Đẹp và buồn là một trong những tác phẩm xuất sắc của Yasunari Kawabata, ông là người Nhật Bản đầu tiên và người Châu Á thứ hai sau Rabindranath Tagore vinh dự được nhận giải thưởng Nobel văn học vào năm 1968.
Kawabata Yasunari mang một hồn cốt văn chương đậm màu sắc và tinh thần Nhật Bản
Kawabata sinh năm 1899 ở vùng ngoại ô Osaka. Tuổi thơ nghèo khó cùng hành trình trưởng thành phải liên tiếp chứng kiến sự ra đi của những người mình yêu thương đã hình thành nơi tâm hồn nhà văn xứ Phù Tang sự trầm mặc, u buồn từ trong cốt tủy.
Ngày nhỏ, Kawabata từng mơ ước trở thành họa sĩ nhưng sớm nhận ra tài năng không nằm ở mảng hội họa, ông quyết định chọn con đường văn chương. Chính vì thế mà các tác phẩm của Kawabata luôn là sự kết hợp nhuần nhuyễn của đầu cọ và ngòi bút.
Vẻ đẹp thiên nhiên cùng thế giới tâm hồn con người trong những áng văn xuôi của ông không ngừng mở ra trước mắt bạn đọc những màu sắc tinh tế, đường nét hài hòa và khơi gợi lên những rung động trước cái đẹp.
Có thể khẳng định, Y.Kawabata là nghệ sĩ kỳ công với những tác phẩm đầy tính duy mĩ hay như một số người đã viết “ông là lữ khách u buồn muôn đời đi tìm cái đẹp”. Nhà văn trân quý, nâng niu nó trong từng khoảnh khắc, từng xúc cảm của tâm hồn.
Vì hơn ai hết, ông hiểu rõ sự mong manh của cái đẹp như bọt nước tròn đầy rồi chóng vỡ tan, như nụ hoa rực nở rồi dần tàn lụi. Chính vì lí do đó mà đẹp luôn đi cùng với nỗi buồn. Vẻ đẹp đẽ trong khoảnh khắc tạo nên dự cảm u buồn về sự tàn phai và ngược lại, những niềm tiếc thương canh cánh trong lòng khiến cảnh sắc và con người thêm chiều sâu lắng đọng.
Y.Kawabata còn vô cùng quan tâm đến việc gìn giữ những giá trị bản sắc văn hóa Nhật Bản, những tác phẩm của ông từ Xứ tuyết đến Những người đẹp say ngủ, từ Ngàn cánh hạc đến Hồ đều tinh tế giới thiệu đến ngươi đọc những nét đẹp đặc trưng của con người và thiên nhiên ở quê hương xứ sở đã nuôi lớn tác giả.
Giữa thế giới vội vã với nhiều biến động, ta đọc văn Y.Kawabata để trở về với chốn thanh tịnh của hồn cốt con người Nhật Bản, để không nguôi rung động trước vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của những giá trị truyền thống, của những bộ Kimono, của chùa rêu, vườn đá, của nghệ thuật trà đạo và của những lễ hội văn hóa dân gian.
Bên cạnh việc tốt nghiệp khoa Văn học Nhật Bản trường Đại học Đế quốc Tokyo (nay là trường Đại học Tokyo), ít ai biết rằng lúc đầu Kawabata đã từng vào học khoa Văn học Anh.
Vì thế, trong dòng mạch văn chương của ông, ta thấy phảng phất âm hưởng của văn học phương Tây nhưng điều đáng quý nhất và cũng là điều làm nên đặc trưng phong cách của Y.Kawabata đó là nhà văn vẫn luôn giữ lấy gốc rễ phương Đông của mình.
Đọc các tác phẩm của Kawabata, giới phê bình nhận thấy phong cách sáng tác của ông chịu ảnh hưởng lớn từ trường phái thơ haiku. Chính Kawabata đã nói “tác phẩm của tôi thường được tả như là tác phẩm chân không”.
Cái “chân không” đó là sự trống vắng thường xuất hiện trong haiku, trong tranh thuỷ mặc, trên sân khấu Noh, trong vườn đá tảng. Cái “chân không” đó vừa có khả năng chữa lành tâm hồn người đọc vừa cùng lúc mang đến sự ám ảnh, day dứt khôn nguôi.
Đẹp và buồn là một tác phẩm ẩn chứa vẻ đẹp u huyền của dục vọng và đam mê
Đẹp và buồn mở đầu bằng việc hé lộ mối tình ngang trái giữa cô gái nhỏ mười sáu tuổi Otoko với nhà văn Oki ba mươi ba tuổi, người đã có một mái ấm riêng. Mối quan hệ trái khoáy đó đã phá nát hoàn toàn cuộc đời của cô bé, khiến cô mất đi đứa con đầu lòng ở tuổi mười bảy và mãi mãi không còn khả năng làm mẹ.
Sau đó, hai người chia cắt, Otoko theo mẹ chuyển đến Kyoto. Trong thời gian xa cách, cuộc đời mỗi nhân vật đều rẽ theo những hướng khác nhau.
Nếu như Oki thành công khi sáng tác nên cuốn tiểu thuyết Cô gái mười sáu lấy cảm hứng từ mối tình với người con gái nhỏ bé năm nào thì Otoko cũng lớn dần và trở thành một nữ họa sĩ xinh đẹp, tài năng.
Những tưởng từ đó, Otoko đã có thể sống một cuộc đời mới, bước qua những đau thương của quá khứ, ấy vậy mà ở độ tuổi tứ tuần, Otoko lại nảy sinh mối quan hệ thầm kín với cô học trò nhỏ Keiko.
” Keiko cười rúc rích nghe có mùi điên dại, vùi mặt vào ngực cô giáo. Cô gái nói:
– Cô ham vẽ quá mà…”
– Đẹp và buồn
Vì ghen tuông với tình cảm cô giáo dành cho Oki và vì thù hận với những thương tổn mà Oki đã gây ra cho Otoko, Keiko quyết định trả thù cho cô giáo bằng cách âm mưu phá tan tổ ấm của Oki.
Cô bé quyến rũ Oki cùng con trai ông ta là Tachiko và Oki đã bị Keiko thu hút, ông trải qua một đêm với cô gái tại khách sạn và Keiko đã bước đầu đạt được kế hoạch.
Cho dù khi tiếp xúc với Tachiko, bản thân Keiko lại thực sự rung động trước anh nhưng cô vẫn không thể buông bỏ được âm mưu trả thù. Đến cuối cùng, Đẹp và buồn khép lại trong một khung cảnh buồn man mác nhưng đầy ám ảnh.
Đúng với tên truyện, mỗi cảnh vật mỗi con người trong tác phẩm đều mang vẻ đẹp chất chứa nỗi u buồn.
Xuyên suốt hơn ba trăm trang sách của Đẹp và buồn, Kawabata đã dẫn người đọc thưởng thức những cảnh đẹp nên thơ, đậm chất Nhật Bản.
Từ phong cảnh núi Arashi trong cơn mưa sớm đến hình ảnh những đồi chè Uji ngồn ngộn sức sống, từ khung cảnh vườn đá tràn đầy khí lực và âm vọng từ thời xa xưa đến không gian đền chùa rợp bóng cây cổ thụ ngàn năm, tất cả những nét đẹp ấy đều được Yasunari cảm nhận tinh tế và miêu tả tỉ mỉ đến xuất thần.
Trong sân chùa rêu, trên thảm rêu dầm mưa khiến màu xanh càng thêm rực rỡ, những bông tiên nữ tròn trắng nhỏ đó đây rải rác, giữa sắc trắng trên nền xanh ấy đỏ thắm một đóa trà duy nhất rụng. Bông trà còn nguyên hình dạng tròn trịa, ngửa lên trời, như từ rêu nở ra. Còn chùa Ryoan, đá trong vườn ướt mưa, mỗi hòn lóng lánh một cách.
– Đẹp và buồn
Thiên nhiên tươi đẹp là thế nhưng chúng thấm đẫm nỗi u buồn, những uẩn ức ấy xuất phát từ những vụn vỡ thầm lặng trong tâm hồn con người. Dường như mỗi nhân vật trong Đẹp và buồn đều đang trôi giữa dòng thời gian chứ không thực sống.
Những tội ác cùng bao nghịch lí vẫn xảy ra và đeo bám dai dẳng theo cuộc đời con người nhưng họ lại không phản ứng hay lên án, mà luôn thản nhiên chấp nhận và thậm chí là bị cuốn vào nó, mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố đều như một bức tranh trừu tượng.
Ấy vậy mà, giữa một tác phẩm như mặt hồ tĩnh lặng, sự xuất hiện của một Keiko trẻ trung, bạo gan và đầy tinh nghịch đã xé tan bức màn yên tĩnh.
Những mưu toan muốn phá nát gia đình Oki cùng ước muốn tìm được câu trả lời thỏa đáng cho cuộc đời dở dang của cô giáo mình đã khuấy động sâu sắc mạch truyện. Thế nhưng đến cuối cùng, cái chết của Tachiko đã nhấn chìm Keiko xuống mặt hồ tĩnh lặng.
“Truyện ông viết là mối tình bi kịch của cô gái nhỏ với người đàn ông trẻ đã có vợ con, không đặt vấn đề đạo lý hay không đạo lý, chỉ một mực đề cao cái đẹp mà thôi.”
– Đẹp và buồn
Những dư vị sau khi khép lại Đẹp và buồn
Văn chương của Yasunari Kawabata không hề dễ cảm thụ và Đẹp và buồn là một minh chứng điển hình. Tiếp xúc với tác phẩm, càng về những chương cuối cùng, người đọc càng dễ bị choáng ngợp trước những dòng văn vừa đẹp mà cũng vừa trừu tượng của nhà văn xứ Phù Tang.
Khép lại cuốn sách, ta khó có thể rút ra những bài học triết lí cụ thể và thậm chí còn ngỡ ngàng trước những câu chuyện kinh hoàng ấn giấu sau vẻ đẹp nên thơ của thiên nhiên và con người. Thế nhưng đó đích thị là điều Yasunari Kawabata hướng đến.
Có thể nói bước vào thế giới mà Yasunari Kawabata tạo ra là bắt đầu hành trình trải nghiệm những suy tư lắng đọng và đắm chìm trong những rung động tuy nhỏ bé nhưng đầy tinh tế trước cái đẹp. Khép lại cuốn sách là cảm giác thanh thản khi được nối kết với linh hồn sống động của thiên nhiên và phảng phất nỗi u sầu vì những bi kịch ẩn giấu của con người.
Cứ thế, tâm trí của bạn đọc sẽ còn vương vấn mãi những câu hỏi không lời đáp về những chi tiết ẩn dụ được Kawabata kỳ công xây dựng, Đẹp và buồn đọng lại trong lòng độc giả muôn thế hệ nỗi u hoài mãi không gọi thành tên.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất