Khi hơi thở hoá thinh không là cuốn hồi ký đầu tiên và duy nhất được sáng tác của bác sĩ tài hoa khoa phẫu thuật thần kinh Paul Kalanithi.
Quyển sách ghi lại khoảng thời gian kể từ lúc anh bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối ngay trong chính thời kì đỉnh cao sự nghiệp với những xúc cảm khi từng ngày phải chống chọi với căn bệnh quái ác và mỗi giây phút trôi qua đều rút ngắn khoảng cách giữa anh đến gần tay thần chết hơn.
Đồng thời, Paul cũng thêm thắt khéo léo những quan điểm cá nhân của bản thân để làm rõ câu hỏi luôn ám ảnh anh vào những ngày cuối cùng.
Liệu cái chết có đáng sợ như người ta thường nghĩ?
“Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chẩn đoán đã rõ ràng: hai phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thùy gan bị phá sạch.
Là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh bước vào năm cuối chương trình nội trú, trong suốt sáu năm qua tôi đã nghiên cứu vô số ảnh chụp cắt lớp kiểu này, với hy vọng có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân. Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.” – Paul Kalanithi
Paul Kalanithi là một tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn. Anh tốt nghiệp tại trường đại học Stanford và trong suốt sự nghiệp, anh đã gặt hái được rất nhiều thành tựu to lớn.
Đặc biệt nhất phải nói đến đề tài nghiên cứu y học về Liệu pháp Gene của anh.
Ngoài ra, trước khi quyết định theo đuổi con đường làm bác sĩ, Paul Kalanithi đã có trong tay hai tấm bằng trong lĩnh vực văn học tại đại học Stanford, thậm chí anh còn có dự định sẽ theo đuổi con đường viết lách chuyên nghiệp vì sức hút của những con chữ.
Khi hơi thở hoá thinh không ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016, sau khi Paul đã qua đời. Cuốn sách được viết trong thời kì tác giả đã và đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo với những trăn trở, suy tư về nghề y, về cái chết. Đồng thời, cuốn sách còn chứa đựng sự thấu hiểu của một con người đang chống chọi với số phận.
Cuốn sách gồm hai phần chính là Khởi đầu từ một sức khoẻ hoàn hảo và Không dừng cho tới chết.
Phần đầu của Khi hơi thở hóa thinh không, Paul kể về cuộc hành trình dấn thân vào y học của bản thân. Những suy niệm của anh về cách não bộ vận hành, hay tìm tòi về mối liên hệ giữa văn học, triết học và y học nhưng Paul vẫn luôn có những trăn trở của riêng anh.
Ở phần tiếp theo, đây cũng chính là phần mà mọi thứ trở nên rắc rối hơn khi những triệu chứng trên cơ thể của Paul chuyển biến xấu dần.
Cuộc sống của anh đảo lộn khi từ một vị bác sĩ quyền uy giờ đây trở thành bệnh nhân trong chính nơi anh đang làm việc. Tại đây, sự kiên cường đấu tranh với căn bệnh ung thư của Paul sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy vô cùng đồng cảm và xúc động.
Khi căn bệnh xâm chiếm toàn bộ cơ thể, Paul bắt đầu tập trung mọi suy nghĩ về bản thân và căn bệnh của mình để nghiền ngẫm, thấu hiểu nó và chọn cách chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Như tất cả mọi người, Paul từng rất sợ hãi cái chết, đây cũng là nỗi sợ chung của bất kì mầm sống nào tồn tại trên thế giới và Paul Kalanithi không phải là ngoại lệ.
Hơn ai hết, với cương vị của mình, Paul là người thấu hiểu cơn khiếp đảm này nhất vì anh đã từng hết mình giúp đỡ biết bao bệnh nhân chiến đấu giành giật lại sự sống. Một số thất bại, một số thành công.
Nhưng bấy nhiêu cũng đủ cho anh ý thức được sợi dây ngăn cách giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh.
Paul, một bác sĩ tài ba đang đứng ở đỉnh cao của sự nghiệp, anh có một tương lai đáng trông chờ ở phía trước và một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng chỉ với tấm hình chụp cắt lớp chẩn đoán bệnh tình của mình, tất cả mọi thứ anh hằng ao ước đều đồng loạt đổ sụp trong chớp mắt.
Cái chết cận kề bên Paul hơn bất kì lúc nào, giấy chẩn đoán bệnh như một bản án tử hình được báo trước cho vị bác sĩ tài hoa, đã cứu sống biết bao nhiêu người nhưng lần này phải bất lực nhìn mình được người khác chữa trị.
Như bao người đàn ông khác, Paul cũng có một khát khao được làm cha, mái ấm của anh vẫn chưa hoàn chỉnh vì còn thiếu đi tiếng cười của những đứa trẻ.
Bên cạnh đó, vẫn còn giấc mơ văn chương thuở còn niên thiếu của Paul cũng chưa được thực hiện. Không chỉ riêng anh, bất kì ai trong chúng ta cũng có những giấc mơ giản đơn như thế.
“Tôi đã dần coi như một năng lực gần như siêu nhiên tồn tại giữa người với người, mang bộ não được bọc kín trong vỏ sọ dày cả centimet của chúng ta đi tới chỗ giao tiếp được.” – Paul Kalanithi.
Điều này có nghĩa rằng khi lột bỏ danh hiệu bác sĩ của mình, Paul cũng chỉ là một người bình thường với những hoài bão như bao người bình thường khác.
Anh không phải thần hay một vị thánh nhân nào bước ra từ trong truyện cổ tích, nhưng việc từ một người trưởng thành hoàn toàn khoẻ mạnh bỗng chốc mang căn bệnh hiểm nghèo bên mình làm anh cảm thấy chới với, hụt hẫng.
“Đứng trước lựa chọn, nỗi thống khổ mà người thân thường cảm nhận rõ nét hơn là chính nạn nhân. Họ thấy quá khứ, những ký ức đẹp đẽ, lòng cảm thương mới nhen…còn tôi thấy những khả năng tương lai là máy thở ống thông, tiềm năng phục hồi hoặc đôi khi có thể sẽ không có sự trở lại nào cả” – Paul Kalanithi.
Dưới giọng văn tinh tế, nhẹ nhàng, qua tác phẩm Khi hơi thở hóa thinh không thì Paul đã lột tả được hết những nội tâm giằng xé bên trong mình. Anh sẽ lựa chọn trở lại phòng mổ để tiếp tục hành trình cứu những con người xấu số hay đành phải an phận chấp nhận số phận của mình.
Và sau này, khi có con thì vợ anh sẽ phải đảm đương thêm trách nhiệm to lớn khi phải vừa lo cho con gái, vừa lo cho anh.
Điều kỳ diệu ở chỗ, anh không đầu hàng với số phận, Paul có lẽ đã chọn một con đường đầy chông gai mà không phải ai cũng dám bước đi. Anh đã biến nỗi sợ thành mục tiêu để chiến đấu, để tiếp tục sống.
Paul làm người ta nhớ đến hình ảnh cô gái Aya trong câu chuyện Một lít nước mắt chống chọi hết mình với căn bệnh thái hoá tiểu não. Thay vì lảng tránh, cả hai đều chọn cách đối đầu với số phận, tìm cách vươn lên trong tình thế ngặt nghèo nhất, khó khăn nhất.
Chính vì thế, ở tác phẩm Khi hơi thở hoá thinh không, Paul Kalanithi anh đã đánh thức lòng trắc ẩn lẫn sự đồng cảm của người đọc. Chưa dừng lại ở đó, quyển sách còn trở thành nguồn động lực to lớn cho những ai đã và đang rơi vào tình thế đầy chông gai như Paul đã từng.
“Even if I’m dying, until i actually die, I’m still living”- Paul Kalanithi
Paul không cho rằng mọi thứ sẽ dừng lại khi ta chết, anh cho rằng bất kỳ điều gì xảy ra trên cuộc sống này đều mang ý nghĩa riêng, dừng lại chưa bao giờ nằm trong suy nghĩ của anh.
Thậm chí anh đã phải dùng bao tay để da khỏi bị bục trong lúc gõ từng chữ cho Khi hơi thở hóa thinh không nhưng Paul vẫn cố gắng hoàn thành cho đến những dòng cuối cùng, điều đó đã khiến cho người đọc không khỏi rùng mình vì chính sự nghị lực vượt khó của anh.
Mặc dù quỹ thời gian của anh đã sắp cạn nhưng Paul vẫn trích chúng ra một chút để chơi đùa với con gái mình và dành tình yêu thương mọi người xung quanh.
Có lẽ cái chết sẽ mang anh ra khỏi thế giới này, nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng những kỷ niệm của Paul trong lòng tất cả mọi người cũng sẽ tan biến đi mà ngược lại, nó sẽ trường tồn vĩnh viễn không còn cái chết nào có thể đe doạ được.
Về sau, trong tác phẩm xuất hiện thật nhiều những chi tiết liên quan đến tôn giáo.
Mặc dù Paul là người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhưng giờ phút anh nằm trên giường bệnh, những triết lý khô khan ấy dần nhường chỗ cho sự mặc khải của Chúa Trời hay niềm tin về một thế giới tốt đẹp hơn ở đời sau.
Dường như khi con người ta trở nên yếu đuối nhất thì tôn giáo chính là một nhành cây vững chắc để bấu víu, để tìm thấy nghị lực sống.
Đối diện với tử thần, Paul không cho người đọc thấy sự đấu tranh hoành tráng, oanh liệt mà ngược lại, dần trở về sau, những khoảnh khắc của anh trở nên đầy day dứt và tiếc nuối.
Vẫn còn nhiều ước mơ còn dang dở, nhiều mục đích chưa đạt được nhưng Paul đã làm nên thật nhiều những kỳ tích.
Một trong số đó chính là khoảnh khắc Khi hơi thở hoá thinh không được đề cử cho giải thưởng Putlizer trong hạng mục tiểu sử, tự truyện và đã xuất sắc giành được giải thưởng Sự lựa chọn của Goodreads cho hồi ký và tự truyện hay nhất.
Khi hơi thở hóa thinh không là một cuốn sách tuyệt vời. Nhưng sự tuyệt vời không dừng lại ở nội dung nó truyền tải mà điều cốt lõi nhất bắt đầu từ chất văn của tác giả Paul Kalanithi.
Được lấy cảm hứng từ hiện thực đời sống khách quan và sau đó được anh thổi hồn vào những trang sách, Khi hơi thở hoá thinh không mang đậm triết lý sâu xa hay thậm chí là suy tư thầm kín cũng được bộc lộ rất rõ ràng đằng sau lớp vỏ của câu từ khô khan.
Dưới bàn tay tài hoa của Paul, với việc sử dụng lối văn hồi tưởng từ hiện tại trở về quá khứ thì tác giả đã giúp người đọc dễ dàng đồng cảm với câu chuyện của mình hơn.
Bắt đầu từ khoảnh khắc anh nhận được thông báo mình chỉ còn sống trong một vài năm nữa và rồi bắt đầu hồi tưởng về những kỷ niệm thuở ấu thơ.
Khi còn là một chàng thiếu niên sống ở một vùng quê rất xa thành phố, lớn lên trong sự giáo dục toàn diện của bố mẹ, mang theo những triết lý về cuộc đời, về thế giới quan xung quanh.
Đây đồng thời cũng là một điểm cộng rất lớn cho lối viết của Paul Kalanithi trong Khi hơi thở hoá thinh không vì người đọc sẽ hiểu được những suy nghĩ, quan điểm của anh bắt nguồn từ những tiền đề mà anh được tiếp xúc và cảm nhận chứ không đơn thuần chỉ là nói suông hay bộc phát tức thời.
Thông qua Khi hơi thở hóa thinh không, Paul đã nhắn gở những thông điệp vô cùng quý giá. Một cuộc đời ý nghĩa cần bắt đầu từ những trải nghiệm, rằng khi còn có thời gian và sức trẻ, hãy làm bất kì điều gì bạn muốn, ít nhất một lần trong đời.
Hãy yêu bản thân và biết bản thân mình đang cần gì. Vì cuối cùng, chết không phải là kết thúc.
Cái chết là bước đệm cần thiết cho một khởi đầu khác.
Hãy đọc Khi hơi thở hoá thinh không để biết sử dụng quãng thời gian của bản thân thật hợp lí, trân trọng giây phút bên người mình yêu thương, làm những việc có ý nghĩa cho cuộc đời như cách mà Paul Kalanithi đã làm.
Thần chết luôn rình rập chúng ta, từng giờ, từng phút thậm chí là từng giây. Vì vậy, hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng chúng ta còn được tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này.
Đông Nghi
Đông Nghi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất