Kỹ nghệ lấy Tây là phóng sự thứ hai của Vũ Trọng Phụng, được đăng trên báo Nhật Tân vào năm 1934 và là một trong những tác phẩm góp phần khẳng định tài năng của ông vua phóng sự đất Bắc.

Qua tác phẩm, ta có thể thấy được cuộc đời của những me Tây làng thị Cầu với những cuộc hôn nhân không tình yêu, vì đồng tiền mà chấp nhận làm nô lệ cho dục vọng.

Trong những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ XIX, sự xung đột giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây ảnh hưởng lên xã hội Việt Nam rõ rệt. Nho giáo bị thất thế nhưng vẫn tồn tại ngấm ngầm, còn làn sóng văn minh phương Tây cưỡng ép tạo nên những thay đổi kệch cỡm, lố lăng và chính điều đó đã khiến cho xã hội diễn ra đủ cảnh bi hài.

Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng là một trong những tác phẩm phản ánh chân thực số phận con người, dựng lên một bức tranh xã hội sống động đầy sức tố cáo.

Tác giả Vũ Trọng Phụng và phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây

Vũ Trọng Phụng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1939, quê ông ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng lớn lên tại Hà Nội. Cha mất sớm, sau khi học hết tiểu học ở trường Hàng Vôi, ông phải bỏ học đi làm thuê kiếm sống khi mới chỉ mười sáu tuổi. Sau hai năm làm việc ở các sở tư, nhà in Vũ Trọng Phụng chuyển hẳn sang viết văn và làm báo chuyên nghiệp.

Hình ảnh tác giả Vũ Trọng Phụng
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng

Ở tuổi mười tám, ông có truyện ngắn đầu tay mang tên là Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo và bắt đầu sáng tác một số truyện ngắn khác nhưng chưa tạo được tiếng vang. Một năm sau, vở kịch của Vũ Trọng Phụng mang tên Không một tiếng vang bắt đầu nhận được sự chú ý nhiều hơn từ độc giả.

Từ đó cho đến năm 1936, liên tiếp những cuốn tiểu thuyết của ông xuất hiện trên báo, thu hút sự quan tâm của công chúng. Bốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng thời bấy giờ lần lượt là Giông Tố, Làm đĩ, Vỡ đêSố đỏ đều được đánh giá là đi sâu vào hiện thực và phản ánh đúng xã hội thời bấy giờ. 

Không chỉ viết tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng còn là một nhà báo với những bài phóng sự nổi tiếng. Năm 1933, phóng sự đầu tay Cạm bẫy người được đăng trên báo Nhật Tân với bút danh Thiên Hư.

Chỉ trong vòng một năm, ông cho ra đời ba tập phóng sự đó là Kỹ nghệ lấy Tây,Cơm thầy cơm cô và Lục xì, ba tập phóng sự này đã góp phần tạo nên danh hiệu ông vua phóng sự đất bắc của Vũ Trọng Phụng.

Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng
Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Khi nhắc đến ông với cương vị là một nhà báo, người ta không thể không kể đến Kỹ nghệ lấy Tây. Phóng sự viết về cuộc đời của những người phụ nữ sống dưới thời buổi Tây tàu nhố nhăng. Dưới thế lực đồng tiền, họ chấp nhận bán rẻ bản thân cho những dục vọng thấp hèn, kết hôn với những ông chồng Tây để đổi lấy một cuộc sống sung túc.

Giữa thời buổi giao thời, việc chứng kiến những đám cưới tây ta đã làm dấy lên trong lòng tác giả một câu hỏi rằng liệu những mối nhân duyên kia có thật là hôn nhân xuất phát từ tình yêu, hay chỉ hao hao giống một thứ gọi là kĩ nghệ.

Thế nhưng bấy nhiêu có lẽ chưa đủ để Vũ Trọng Phụng viết nên một thiên phóng sự. Cho đến khi được tận mắt chứng kiến một phiên tòa xét xử một me Tây.

Với cử chỉ khả ố, me Tây ấy đứng trước vành móng ngựa đã nói một câu khiến cho công chúng quên khuấy ngay mình đang ở chỗ trang nghiêm, tưởng dè lúc đó đương xem hát bội mà thích chí cười ồ vì khi được hỏi làm nghề gì, sau một hồi vòng vo, thị đã trả lời rằng mình làm nghề lấy Tây.

Lời khai táo tợn, ngộ nghĩnh và sự cười mỉm tha thứ của hai ông quan tòa đã khiến cho Vũ Trọng Phụng muốn đi tìm bằng được câu trả lời cho những thắc mắc đó.

Thế là vào một buổi sáng mưa phùn gió bấc ông bắt chuyến xe đầu tiên tới Thị Cầu, nơi có hơn ba trăm lính Lê Dương đóng thì ít ra cũng phải chế tạo được 350 me Tây chưa kể những me đã về hưu, bấy nhiêu con số cũng đủ để cho ta thấy sự phát triển của nghề lấy Tây ở làng Thị Cầu.

Ảnh minh họa Kỹ nghệ lấy Tây
Ảnh minh họa tác phẩm Kỹ nghệ lấy Tây

Chính cuộc viếng thăm này của Vũ Trọng Phụng đã đem lại cho ông một cái nhìn đa chiều về công việc này, đây cũng là chất liệu chính giúp tác giả viết nên Kỹ nghệ lấy Tây.

Những cuộc hôn nhân không tình yêu

Ở cái thời buổi mà đồng tiền có sức mạnh vạn năng thì bản chất con người cũng bị tha hóa dần theo nó. Họ đặt đồng tiền lên trên tất cả, vì nó mà bất chấp bán rẻ cả liêm sỉ và lòng tự trọng. Trong cái thế sự đó ái tình đối với người ta là một thứ gì đó xa xỉ, người ta chỉ đến với nhau vì tiền và cũng sẵn sàng ra đi khi tìm thấy một mối béo bở hơn.

Trong khi người đàn bà chỉ nghĩ đến tiền, người đàn ông chỉ nghĩ đến nhục dục, giữa hai bên hầu như có bức tường ghê gớm mà sự thành thực không thể nhảy qua được, chưa chi người ta đã nghi ngờ rồi. Những lời ân ái tự đáy lòng thốt ra đều đã bị coi là giả dối cả! 

Gọi chung là kỹ nghệ lấy Tây vì thợ làm nghề này bao gồm cả đàn bà lẫn đàn ông. Trong khi các me chia ông chồng ra làm ba loại là Xi-vin, Cô lô nhần và Lê dương tùy theo túi tiền của họ, còn các ông chỉ coi người vợ đầm lai như cái mỏ vàng.

Họ lấy tây dù chẳng biết tiếng ngoại quốc, họa chăng chỉ là một vài câu tiếng Pháp bồi. Tình yêu mà chẳng chia sẻ về ngôn ngữ thì sao trở thành tình yêu, tất cả chỉ vì đồng tiền mà thôi.

Vậy nên mới có chuyện người chồng về mẫu quốc người vợ liền đi lấy chồng mới, hay lừa cho chồng đi tù để lấy kẻ khác, lại có người chồng mãn hạn lính chuyển đi nơi khác họ vẫn giữ liên lạc nhưng cốt chỉ để xin chồng gửi tiền về.

Họ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là tiền còn những thứ khác họ mặc kệ, có tiền thì họ ở lại còn không thì không còn tình nghĩa gì nữa.

Qua cuộc trò chuyện với người lính Lê dương Đi-mi-tốp, người đàn ông đã lấy đến mười bốn người vợ trong đó có chín người vợ là người Bắc Kỳ, Vũ Trọng Phụng phải công nhận rằng lí do họ bắt đầu hay rời xa ông đều là vì tiền.

Tác phẩm Kỹ nghệ lấy Tây
Kỹ nghệ lấy Tây đã phơi bày rõ nét hiện thực của xã hội Việt Nam trong thời kì thực dân nửa phong kiến

Tác giả còn được chứng kiến những bà mối, những cuộc mặc cả hay lời mời chào dạy nghề từ những bà me tây An Nam truyền lại.

Có những người phụ nữ không lấy gì làm xinh đẹp cũng đi lấy Tây, hay thậm chí cả những người phụ nữ như cô Duyên cháu bà Cẩm, là một người chê chồng với đủ những tính xấu, từ quê ra ở với cô mình cũng mong muốn được gả cho một ông chồng Tây.

Thế nhưng sau tất cả, những me Tây từ thời còn trẻ cho đến khi hoa tàn ít bướm, cuộc đời của họ chỉ xoay quanh những tháng ngày làm nô lệ cho vật chất và dục vọng. Vì đồng tiền họ sẵn sàng đánh đổi tự tôn của bản thân mặc cho người khác chê cười và bị bọn lính Tây đối xử chẳng khác nào đầy tớ, vừa để sai bảo vừa được cả việc khác nữa.

Ông tưởng thế chứ tiếng đức phụ không bao giờ nên để tặng cho một người đã đi lấy Tây. Tại làm sao xấu họ cũng lấy, già họ cũng lấy? Những người Tây ấy là những người chán đời. Nuôi đầy tớ sợ nó ăn cắp, thà lấy một người vợ, vừa được sai bảo vừa được… việc khác nữa. Đã không cùng nói một thứ tiếng, người vợ lại chỉ coi ông chồng là cái tủ bạc thì người chồng dễ mỗi lúc đã đem tấm thân ái tình ra tặng vợ hay sao? Vả lại, một người Tây đã sang đây thì ai biết rõ đoạn đời về trước của người ấy thế nào? Khối óc họ không nhẽ chỉ để làm việc cho ái tình! Hai người đều có địa vị, cùng chí hướng, cảnh ngộ cần nhau, mà yêu nhau, đó mới là yêu. Muốn có ái tình thì hai bên không ai có thể khinh được ai. Chứ còn yêu để mà “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” thì đó là yêu vì thương chứ còn đâu là yêu vì yêu nữa?

– Kỹ nghệ lấy Tây

Bác Hồ đã từng nói gia đình là hạt nhân của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Ấy vậy mà trong thiên phóng sự này lại tồn tại quá nhiều những cuộc hôn nhân không có tình yêu, những gia đình dựa trên lợi ích. Điều này chính là hồi chuông cảnh báo cho sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nơi người ta đặt đồng tiền lên trên tất cả, đánh đổi cả hạnh phúc và lòng tự trọng. 

Sự cảm thông của tác giả và tính nhân văn của tác phẩm

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng:

“Điều quan trọng nhất đối với một cây bút hiện thực chủ nghĩa không phải là đi thực tế dài hay ngắn, được “tham quan” nhiều hay ít. Điều quyết định là tấm lòng có nhập cuộc hay không, tâm huyết có để vào những điều mình tìm hiểu và thuật kể hay không.”

Vũ Trọng Phụng đã làm được hơn cả như thế, ngòi bút châm biếm của ông không chỉ được thể hiện rõ ràng qua từng trang văn mà thậm chí là cả những chi tiết nhỏ. Tác giả đã đi sâu vào thực tế để vạch trần những góc tối của thời đại nhưng không phải chỉ để mỉa mai xã hội, tấm lòng nhập cuộc của Vũ Trọng Phụng còn hướng đến những số phận con người bị xã hội ấy chi phối. 

 Khốn nỗi, không phải ai cũng có gan dùng đến cách đề phòng sự sinh dục cả. Từ những cuộc… cẩu hợp đó có những kết quả là bọn trẻ kia. Có con là sự quý báu đối với ai, chứ đối với hạng vợ chồng này, có con là một cái hoạ. Người đàn bà hầu như chửa đẻ để rồi mà hối hận. Anh đàn ông, nếu không hối là đã điên có khi cũng bán tín bán nghi đánh mấy cái dấu hỏi: có phải chính đó là lũ con cùng máu với mình?

– Kỹ nghệ lấy Tây

Trong những cuộc hôn nhân không có tình yêu, con cái chỉ là một điều ràng buộc, những me Tây ấy sẵn sàng biến chúng thành công cụ để kiếm chác từ người cha Tây. Một số đứa trẻ không chỉ chịu đựng sự thờ ơ của bố mẹ mà cả cảm giác lạc lõng trong xã hội.

Suzanne là một trường hợp đặc biệt trong số những đứa trẻ lai. Bà Ách không hối hận về cái nghề me Tây của mình, nên để lại cho con gái yêu của mình rất nhiều của cải và Suzanne cũng rất thương mẹ.

Tuy nhiên, tình cảm ấy không đủ để cô xóa bỏ cảm giác lạc lõng về quốc tịch của mình. Người Tây đã không hẳn quý trọng mình, mà người Nam cũng không yêu thương hẳn mình. Ở cái xã hội quý phái Âu Tây, một ít máu An-nam trong huyết quản là một cái nhục. Ở cái xã hội quý phái người Nam, một ít máu Pháp trong huyết quản cũng chẳng là sự vinh.

Đi sâu vào tác phẩm, ta còn thấy được sự cảm thông của tác giả dành cho chính các me Tây, một bộ phận cũng là nạn nhân của những hủ tục phong kiến, vì bước đường cùng mới đi đến con đường lấy Tây.

Ở cái xóm me Tây ấy, mỗi người mỗi thân phận nhưng họ có khác nhau gì đâu, đều là nạn nhân của sự phụ tình, của những lễ nghi Nho giáo nên phải dấn thân vào con đường này.

Ảnh minh họa tác phẩm Kỹ nghệ lấy tây
Kỹ nghệ lấy tây được chuyển thể thành vở kịch cùng tên với sự tham gia của nghệ sĩ Hồng Vân

Điều đặc sắc trong những phóng sự của Vũ Trọng Phụng là ông không trực tiếp hướng ngòi bút chỉ trích của mình đến một giai cấp cụ thể nào trong xã hội. Tác giả chọn cách mô tả quá trình tha hóa của từng hạng người, mỗi hạng người có một cách tha hóa khác nhau dưới thế lực của đồng tiền và dục vọng.

Với thời gian cầm bút chưa đến mười năm nhưng Vũ Trọng Phụng đã để lại một số lượng lớn các tác phẩm văn chương đáng khâm phục. Tài năng của ông không chỉ được bộc lộ qua tư tưởng mà qua cả quan niệm về văn chương và nghệ thuật, chính điều ấy đã làm nên những tác phẩm vượt thời gian vẫn còn nguyên giá trị hiện thực cho đến ngày nay.

Các ông muốn tiểu thuyết là tiếu thuyết, còn tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thật ở đời.

Kĩ nghệ lấy Tây là một trong những phóng sự phản ánh rõ quan điểm và tư tưởng sáng tác nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Tác phẩm đã phơi bày những góc tối của nền văn minh khai hóa do thực dân Pháp đem lại, nó không chỉ làm đảo lộn những giá trị thuần phong mỹ tục lâu đời của nhân dân ta mà còn kéo theo biết bao nhiêu tệ nạn.

Tuy nhiên, Kĩ nghệ lấy Tây được viết ra không nhằm mục đích không đơn thuần nhằm mục đích phê phán xã hội mà còn muốn truyền tải những bài học đắt giá để răn dạy, giáo dục thế hệ sau. Chính vì vậy mà giá trị của tác phẩm sống mãi cùng với thời đại. 

Nhật Hằng