Từ cổ chí kim, trong văn học Việt nam, ta thường gửi vào văn thơ những giấc mộng, vẽ trong văn thơ những bức họa tinh khôi. Trong hai tiếng văn thơ ấy, nếu không là chạm khắc về cuộc sống thì sẽ là giai điệu mơ màng xa xa. Còn những thứ bị xem là u tối, thô thiển như Làm đĩ lại được ví như trái cấm vậy.
Làm đĩ thoạt nghe cái tên đã khiến con người ta rùng mình về thứ suy đồi văn hóa, những tờ sách đen mà theo ngôn ngữ thông tục người ta vẫn hay gọi là phần “con” – thú tính trong từ ghép “con người”, lại hiên ngang ra đời và tồn tại bấy lâu nay.
Bởi thiên hạ chỉ lên tiếng xì xào, bàn tán về thứ tục tĩu đó, chứ đâu ai dám đào bới công khai, dám dừng lại để soi cho kĩ như ông vua phóng sự đất Bắc Vũ Trọng Phụng đây. Người ta phê bình nó, lên án nó nhưng cũng phải gật gầu về sự thật quá mực rõ ràng đó.
Người ta dè bỉu, chê bai nó nhưng cũng phải mở cửa để cho nó nằm an tọa trong dòng chảy thời gian. Vậy trong Làm đĩ có gì và có thực sự ghê gớm như chính cái tên kia không?
Làm đĩ xứng đáng được xem là cuốn sách hay của nền văn học Việt Nam
Người ta luôn luôn khinh bỉ, bới móc cái nghề bẩn thỉu ấy. Một cái nhìn sắc lạnh cho những kẻ hư thân mất nết, chứ ai đã biết gì sâu xa hơn. Một cô Huyền trong sáng, tiểu thư đài các, xuất thân trong gia đình gia giáo tôn nghiêm, lắm tiền mà lại đi làm việc “mất nết” thế kia à?
Chẳng phải người ta vẫn ca ngợi cô là bức họa ngây thơ, trong trẻo thế kia sao? Để làm sáng tỏ câu hỏi đó, Vũ Trọng Phụng dắt độc giả đi xen giữa bốn phần cuộc đời của nhân vật Huyền: Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc, là các phần Đoạn đầu và Đoạn cuối như để dẫn dắt vào câu chuyện chính và nêu triết lý của tác phẩm.
Huyền như những đứa trẻ khác bị bủa vây bởi những thắc mắc, tò mò trong tâm lí tuổi dậy thì đã tự mình khám phá thế giới bí ẩn ấy trong khi người lớn cứ hùa nhau lừa lọc, cấm đoán:
“Em bé từ đâu chui ra, như thế nào để có em bé và tại sao lại có em bé,…”
Một người chị úp mở, một người bố cáu khỉnh, một vú già lơ đễnh với những điệp khúc không hối kết đã đẩy cô bé Huyền vào mớ tạp nham, hỗn tạp mà chỉ thằng Ngôn mới có đủ “đáng tin” để giải tỏa sự tò mò ấy.
“Đẻ đường nách, đẻ đường bụng.”- Làm đĩ
Thằng Ngôn có gì? Có tri thức mà cô bé cần để giải đáp nỗi băn khoăn của mình, những lần ngó trộm hay nhìn lén đã khiến một đứa trẻ con trở thành nhà khai sáng cho cả bọn trẻ con. Rồi cứ thế lớn dần, mọi kiến thức bị cấm đoán kia dần rõ ràng hơn.
Những bí mật dần được hé lộ và dẫn đến hàng loạt các hệ quả khôn lường
Rồi trong một tuổi dậy thì bị ức chế ấy dẫn đến sự ra đời của những sai lầm to hơn cùng một mối tình vụng trộm, mất nết khác. Hết thứ này đến thứ khác cứ thế xô ập tới, trong cái đêm không ngủ vì những âm động bên chiếc giường của cô là cha và cô vợ bé, Huyền cùng với Lưu, người anh học học xa nhà đã hành xử không đứng đắn.
Mối tình vụng trộm thì có bao giờ tốt đẹp? Bi kịch rồi cũng ập tới, Lưu buộc tự tử chết, còn Huyền thì bị ép gả cho Kim. Tên này bị mắc bệnh giang mai, do sa đọa của giới thượng lưu. Hắn vô liêm sỉ quấy nhiễu Huyễn, thậm chí còn mang cô bắt ép cho Tân
Phần Trụy lạc bắt đầu từ đây.
Huyền, giờ đây có gian tình với chàng Tân, không e ngại hay sợ sệt, họ gian dâm với nhau. Rồi thì, Tân cũng trở mặt và bỏ rơi cô, còn cay nghiệt hơn thốt lên rằng:
“Lúc nào anh cũng có dăm bảy cô nhân tình.”- Làm đĩ
Hai chiếc nhẫn kim cương đưa cho Huyền để trả công, Tân phụ bạc phủi tay hết trách nhiệm. Để rồi, Huyền một mình cùng với phẫn uất, lâm vào bế tắc sau khi tìm kiếm Tân để trả thù mà không thành.
Huyền đánh mất hết tất cả, bước đường cùng khiến cô gái tội nghiệp bắt đầu rơi vào cuộc đời trụy lạc không có hồi kết thúc.
Làm đĩ hay còn là lời cảnh tỉnh trong việc chú trọng giáo dục giới tính
Một dấu chấm hỏi to lớn được đặt ra, rốt cuộc Huyền “làm đĩ” là do bản chất sinh ra đã có? Hay ai đã trực tiếp đưa nàng vào con đường này? Phải chăng chính tên chồng Kim và gã nhân tình Tân chính là khơi nguồn cho sự hôi tanh, bẩn thỉu ấy không?
Nếu xét trên một khía cạnh của Làm đĩ thì đúng là bọn họ trực tiếp hại đời Huyền, một kẻ đưa cô đến thế giới ô uế của bọn thượng lưu trong khi một kẻ lật lọng vùi dập cô.
“Thế nào là hư, tại sao mà hư? Nhưng mà vì sao nó hư?”- Làm đĩ
Thế nhưng có mấy ai chịu ngồi ngẫm nghĩ về lỗi nghĩa của những ông bố, bà mẹ trong này chưa? Một cuộc đời sai lầm ngay từ ngưỡng cửa chính là nguồn cơn kéo đến cho những bi thương về sau.
Người ta cấm đoán, không dạy bảo con trẻ từ lứa tuổi phát triển tâm sinh lí nhưng lại dè bỉu, bôi bác khi con người ta đi lệch đường đến với những thói hư tật xấu. Sự thiếu trách nhiệm của bố mẹ thằng Ngôn hay sự giáo dục không đến chốn của bố mẹ Huyền đã đả động mạnh mẽ đến người đọc. Ta suy ngẫm xem tại sao lại như thế?
Nếu lúc ấy có ai đó lớn hơn chỉ dạy, giáo dục giới tính đúng cách chứ không phải tự mày mò như lũ trẻ kia, truyền tai nhau những bài học đen tối. Nếu ông bố gia trưởng không đẩy Huyền cho Kim, nếu xã hội không thác loạn đến thế thì liệu bi kịch của Huyền có xuất hiện không?
Vũ Trọng Phụng và những tác phẩm trường tồn với thời gian
Tưởng như thô tục với sự miêu tả chân thực mà người ta phải thốt lên rằng tác giả chính là nhân vật từng trải đó. Tưởng xấu xí, xù xì với những ngôn ngữ không sạch đi từ nhan đề xuyên suốt bài phóng sự nhưng giá trị cốt lõi của tác phẩm thì không bao giờ bị vùi lấp bởi lớp bụi thời gian.
“Tại nó hư… nó hư thì nó thế”- Làm đĩ
Bao giờ cũng vậy mà thời nào chả có, bài học về giáo dục giới tính và cách dạy dỗ con cái. Thứ ta cần đọc và suy ngẫm là cách ngăn chặn những cô Huyền nữa hoặc bị sa cơ, hoặc bị dụ dỗ. Thứ ta cần tìm là một phương pháp giáo dục giới tính hợp lí, được lan truyền rộng rãi.
Làm sao phải giấu mà giấu để làm gì?
Làm đĩ cũng giống như Số đỏ hay Trúng số độc đắc, chính là hiện thân rõ nét cho cái góc khuất u tối nhất của xã hội Âu hóa lúc bấy giờ mà người ta vẫn hay ca ngợi. Xã hội ấy với đủ thứ lòe loẹt, lố bịch với những giá trị văn hóa suy đồi giao hoan nửa Tây với nửa ta.
Vì vậy khi viết về những thứ đó, nền văn hóa đó nên con người ta khó mà không dâm uế cho được. Tại sao gọi là “dâm uế”? Tại sao lại xấu xí? Vì đó là xã hội, là bản chất của tầng lớp thượng lưu.
Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng soi thẳng vào thực tế, để vẽ lên những bức họa kệch cỡm của lối sống phóng đãng thời đại ấy mặc cho bao người lấp liếm, né tránh.
Cái hay, cái tài của ông vua phóng sự mang vào Làm đĩ ấy chính là giá trị nhân sinh được sinh ra từ miền chữ hôi tanh mà giống như nhát dao đâm thẳng, vạch trần xã hội vậy. Cho dù thời ấy, bây giờ hay bao lâu nữa thì bài học giá trị ấy vẫn tồn tại như chính một triết lí xa xưa và mang tính thời sự đến tận ngày hôm nay.
Quỳnh Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất