Mùa lá rụng trong vườn là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Ma Văn Kháng, được hoàn thành vào năm 1982 nhưng phải đến ba năm sau mới được xuất bản.
Cuốn sách đưa người đọc về đến những năm tám mươi của thế kỷ trước khi đất nước hòa bình chưa lâu, ai cũng chật vật chuyện “cơm áo gạo tiền” nhưng vẫn phải tìm cách giữ lại những giá trị truyền thống của dân tộc trong giai đoạn chuyển dịch từ bao cấp sang cơ chế thị trường.
Ma Văn Kháng và nỗi sợ những ngày rỗi rãi
Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, ông là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi Mới.
Các tác phẩm của ông đã đạt nhiều giải thưởng văn học và được đông đảo công chúng biết đến nhờ xuất hiện trong chương trình giảng dạy của môn Ngữ văn. Trong số đó, Mùa lá rụng trong vườn là tác phẩm được nhiều người biết đến nhất với trích đoạn cùng tên.
Đạt nhiều giải thưởng nhưng hành trình sáng tác của Ma Văn Kháng dường như không có giới hạn, ông đã đóng góp một khối lượng khổng lồ vào kho tàng văn học Việt Nam khi xuất bản hơn hai mươi tiểu thuyết và gần hai trăm truyện ngắn.
Đã nhiều lần một tác phẩm mới của ông bị cho là tác phẩm cuối cùng, để rồi nhà văn lại khiến người đọc và cánh báo chí ngỡ ngàng khi tiếp tục cho ra mắt hàng loạt tác phẩm khác, dẫu đã đến giai đoạn cao niên.
Giải thích cho sự sung sức của mình, ông nói rằng bản thân đã kinh hãi những ngày trở nên vô tích sự. Lúc đó cách giải tỏa duy nhất đối với nhà văn là mở “computer” ra và viết, phải đến tháng tư năm nay thì ông mới chấp nhận gác bút.
Những tác phẩm của Ma Văn Kháng phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc, ông từng phát biểu như sau khi được phỏng vấn:
“Tôi đặt nhiều sự quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học dân tộc. Văn học phải có những tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước.” – Ma Văn Kháng
Khi lướt qua những tác phẩm của Ma Văn Kháng, độc giả luôn bị ám ảnh bởi một thế giới không còn nguyên vẹn. Những câu chuyện mà ông kể tuy không “đao to búa lớn” nhưng lại có sức khái quát về một thời mà bước chân của bao người cứ rơi lại, chênh vênh giữa cái cũ và cái mới.
Chính nhà văn cũng thừa nhận, để yêu thích tác phẩm của ông đã khó, để sách ông chuyển thể thành phim lại càng khó hơn.
“Bởi mất công lắm. Dựng lại cả một bối cảnh lịch sử như thế, người ta phải am hiểu, tâm huyết và cũng tốn công tốn tiền lắm.” – Ma Văn Kháng
Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm như thế khi sở hữu bối cảnh lịch sử phức tạp, dẫu đã giành giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 nhưng phải đến năm 2001 thì tác phẩm mới được chuyển thể thành phim truyền hình, lấy tên Mùa lá rụng do Quốc Trọng làm đạo diễn.
Xoay quanh mối quan hệ gia đình truyền thống trước những biến động của xã hội thời chuyển đổi, cuốn sách phản ánh một góc của xã hội Việt Nam sau chiến tranh, một xã hội kiệt quệ về kinh tế và đời sống tinh thần bị thắt ngặt bởi những cơ chế, định kiến lỗi thời.
Thông điệp cuối cùng được đưa ra có lẽ là thông điệp đúng và toàn diện nhất trong mọi hoàn cảnh, rằng lòng bao dung và tình yêu thương sẽ cứu rỗi tất cả mọi lỗi lầm, mọi toan tính nhỏ nhen, mọi ích kỷ cá nhân hay mọi dày vò về vật chất và tinh thần.
Mùa lá rụng trong vườn và những biến đổi của con người trước thời đại
Bối cảnh của Mùa lá rụng trong vườn mở ra với ngôi nhà đầu xóm của Đông, một trung tá xuất ngũ và có cuộc sống đơn giản. Những ngày này, Tết Nguyên đán đang về trên đất nước, về trên phố và về trong vườn nhà Đông.
“Phố chạy đến đây có vẻ như là đã đuối sức.
Xa cái náo nhiệt của trung tâm, nơi đây vắng vẻ, yên tĩnh đến mức có cảm giác nó bị lãng quên, bị gạt ra khỏi đời sống phố phường”
Những năm miền Bắc bắt đầu xây dựng sau chiến tranh, dù còn nghèo nàn và nhiều khó khăn nhưng ông Bằng, cha của Đông vẫn động viên và khuyến khích con cháu chuẩn bị Tất niên đủ đầy và ấm cúng.
Theo ông, đây là nếp nhà và là truyền thống dân tộc nên không thể mất đi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Ông Bằng là nhân viên bưu điện đã về hưu, là lãnh đạo về tinh thần của một gia đình gồm năm người con trai và ba cô con dâu, mỗi người một tính cách riêng biệt.
Anh cả Tường đã hi sinh, vợ anh tên là Hoài tuy đã tái giá nhưng vẫn thường liên lạc để thăm hỏi gia đình. Người con thứ hai là Đông, có vợ là cô Lý nhanh nhẹn và tháo vát.
Anh thứ ba trong gia đình tên là Luận làm nhà báo, vợ anh là Phượng hiền lành tốt bụng. Trái với ba người anh của mình, cậu trai thứ tư tên Cừ lại hư hỏng, bất trị, tuy đã vào bộ đội nhưng vẫn sống buông thả để rồi bị đuổi khỏi quân ngũ.
Người con trai út là Cần, cậu đang du học ở Liên Xô và chuẩn bị trở về quê hương, có mối tình đẹp với cô bạn thuở nhỏ là Vân.
Giữa guồng xoay của thời đại từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, gia đình truyền thống điển hình của ông Bằng đã phải đối mặt với những thăng trầm lạnh lẽo, chúng như muốn thử thách lòng người và thử thách nếp nhà.
Những thay đổi từ đó dần xảy ra, có nhiều tốt xấu và phải đánh đổi bằng nhiều mất mát để tìm đến giá trị nhân văn sau cùng.
Những ngày Tết của gia đình nhìn chung vẫn đầm ấm và sung túc dẫu giai đoạn bấy giờ đem đến không ít thiếu thốn và đói khổ, phải đến khi Cừ bỏ việc ở xí nghiệp thì bi kịch mới thực sự xảy đến với ngôi nhà đầu xóm tĩnh lặng và yên bình ấy.
Thời điểm đó, Cừ đột ngột bỏ công việc ở quê hương, thậm chí bỏ lại vợ và con để trốn ra nước ngoài. Đối với một gia đình gia giáo và nổi tiếng nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái như gia đình ông Bằng, đây là một cú sốc rất lớn.
Khi những rắc rối xuất hiện, làn sóng đổi thay của thời cuộc cũng dần len lỏi vào gia đình vốn rất nền nếp ấy, nó đem đến những biến chuyển nhất định trong đời sống tinh thần của mỗi thành viên và Mùa lá rụng trong vườn đã giúp độc giả hiểu hơn về thời điểm bấy giờ.
Người nhanh nhạy duy nhất với thời cuộc là Lý, tiếc rằng chị đã không còn như xưa nữa. Chị chạy theo nhịp thay đổi chóng mặt của thời cuộc và bắt kịp chúng, tuy nhiên lời nói của người phụ nữ ấy giờ đã mang hơi thở tiền bạc, bị chi phối bởi quyền lực và địa vị xã hội.
Lý không còn chấp nhận hi sinh thiệt thòi như ngày trước mà dần đòi hỏi hơn và mong muốn đạt được tất cả. Chị thích thể hiện, thích mình phải nổi bật nhất nên trong mọi lời nói, hành động của chị đều ẩn chứa sự toan tính đầy kĩ lưỡng.
Tuy nhiên, bản chất Lý vốn ít học lại không có định hướng đúng đắn và chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Thành ra sự chán chường với người chồng đã khiến chị dần bị cám dỗ, quyết định bỏ nhà đi với tên trưởng phòng để vào Sài Gòn sinh sống.
Những thay đổi của thời cuộc đã dần tạo nên những chấn động không nhỏ cho gia đình nhỏ bé của ông Bằng.
Các mối quan hệ giữa các thành viên dần xa cách, tạo nên những tác động vào tâm lý, vào quan niệm sống tưởng chừng đã rất bền vững, ông Bằng dù cố gắng vẫn không thể khiến tổ ấm này thôi rạn nứt.
Đáng tiếc là những lỗi lầm thường chỉ được nhận ra khi con người đã trải qua khổ hạnh và mất mát, để rồi muốn tìm về cũng chẳng còn nhìn thấy con đường cũ.
Khi Cừ vỡ mộng về miền đất hứa, khi nhận ra rằng “làm kẻ nô lệ dẫu có đeo đầy vàng thì cũng vẫn nhục” và “con đã đánh mất cái quý giá lắm! Mỗi người chỉ có thể thuộc về một dân tộc nhất định, từ trong tâm hồn”, anh đã chọn cái chết nơi đất khách quê người để chuộc lỗi lầm của mình và tin tức này khiến bà Bằng đau đớn đến mức qua đời.
Còn chị Lý khi xa gia đình cũng đã nhận ra được lỗi lầm và ăn năn muốn trở về nhà. Câu chuyện Mùa lá rụng trong vườn kết thúc khi mọi người sum họp với nhau đêm 30 Tết, đó cũng là thời điểm mọi người trong nhà nhận được thư của Lý gửi về.
Mượn bối cảnh xã hội buổi giao thời, Mùa lá rụng trong vườn đã đề cập một thực trạng đáng báo động khi không ít người có lối sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo dục vọng cá nhân, chạy theo đồng tiền, thoát ly truyền thống và phá vỡ mọi chuẩn mực đạo đức xã hội.
Tất cả những điều đó đang hàng ngày, hàng giờ làm băng hoại mọi mối quan hệ gia đình.
Một xã hội thu nhỏ trong Mùa lá rụng trong vườn cùng lời khẳng định mạnh mẽ
Một ông Bằng cả đời trăn trở lo toan cho gia đình và luôn nghĩ về cội nguồn văn hóa. Một Đông hời hợt, sống giản đơn và đứng bên lề cuộc sống.
Một Lý đảm đang tháo vát nhưng ít học, nhiều tham vọng lại không được định hướng đúng đắn, không có điểm tựa về tinh thần vững chãi mà mắc phải sai lầm. Một Luận rất tỉnh táo, rất khoa học, nhìn nhận phải trái đúng sai trong mọi mối tương quan.
Một Phượng rất tình cảm, rất nhẫn nại, rất biết hy sinh và luôn lo nghĩ cho người khác. Một Cừ bồng bột nông nổi không nhận được sự giáo dục đúng cách từ gia đình để phạm phải những sai lầm lớn, thậm chí dẫn đến cái chết.
Một Cần, một Vân đại diện cho lớp người trẻ biết đấu tranh vì cuộc sống, vì quyền lợi hạnh phúc của mỗi cá nhân.
Những người lớn với niềm trân trọng kiên cố như thành lũy khi nhắc đến giá trị truyền thống của dân tộc, những người trẻ nghĩa tình báo hiệu cho một tương lai rực rỡ của lớp người sau trong xã hội hiện đại.
Gia đình người Hà Nội trong Mùa lá rụng trong vườn như một xã hội thu nhỏ, để độc giả tìm tới một trang sách nhưng phóng tầm mắt rộng ra cả một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Những thăng trầm biến đổi theo bốn mùa lá trong vườn cũng gợi nên những đổi thay, những biến động về cả mặt vật chất và tình cảm của xã hội Việt Nam đương thời.
Mùa lá rụng trong vườn khiến người đọc nhận ra rằng, vật chất và tinh thần là hai mặt không thể tách rời của con người. Không thể giữ tinh thần tốt khi mà cuộc sống vật chất nghèo nàn cũng như không thể sống quá trọng tiền bạc, cứ thế bỏ qua những giá trị đạo đức và luân lý.
Những thay đổi trong trang sách cũng là thay đổi tất yếu của con người khi thời đại vẫn bao mùa luân chuyển, liên tục đấu tranh lẫn nhau không ngừng nghỉ.
Không chỉ trong thời điểm chuyển đổi chế độ mà ngày nay, con người vẫn không ngừng tranh luận giữa cái cũ và cái mới, giữa những giá trị truyền thống và tân thời, nét đạo đức xưa cũ và hơi thở của thời đại mới.
Cái kết mở của câu chuyện rót lại niềm lạc quan của nhà văn về những biến đổi của cuộc đời, Ma Văn Kháng đã nêu cao lời khẳng định rằng giá trị tinh thần và giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc chính là giá trị cốt lõi, không thể tách rời, không thể bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian.
Đinh Ngọc
Đinh Ngọc
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất