Khác với dòng đời tấp nập, hối hả của người Nhật Bản, văn học lại thường mang một màu sắc dịu dàng và có chút dễ thương hòa vào dòng chảy chậm rãi của từng mạch văn mang tới cho độc giả những xúc cảm an yên tới lạ kì và Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki là một cuốn sách như thế.
Ngay từ nền bìa vàng nâu mang hơi hướng cổ điển cùng hình ảnh cô gái đang chăm chú đọc giữa những chồng sách xếp kín phòng đã đem đến cho người đọc cảm giác đây sẽ là một cuốn sách đầy nhẹ nhàng và bình yên.
Yagisawa Satoshi đã dẫn dắt độc giả từng bước đi vào câu chuyện của Takako, một cô gái trẻ cùng lúc bị hàng tá khó khăn đổ ập lên đầu, quay cuồng trong vòng xoáy của cuộc đời và từng bước gượng dậy rồi tự chữa lành cho chính mình.
Vẻ bình dị đời thường trong quyển sách nhỏ bé
Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki được viết bởi Yagisawa Satoshi, một nhà văn từng đạt giải thưởng danh giá Chiyoda về văn học năm 2008 cho tác phẩm đầu tay này. Ông sinh năm 1977 tại tỉnh Chiba và tốt nghiệp đại học Nihon khoa Nghệ Thuật.
Yagisawa Satoshi ngoài viết văn còn biết chơi guitar, ông thường lui tới quán Kanda Brazil tại Kanda Jimbocho để thưởng thức cà phê, khu phố này cũng trở thành bối cảnh chính của tác phẩm.
Khác với những tác phẩm thông thường, Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki không có mục lục, cũng không có tiêu đề cho từng phần câu chuyện. Xuyên suốt cuốn sách Yagisawa để bạn đọc được trôi theo cảm xúc của Takako và ngày càng gắn bó hơn với nhân vật thông qua những câu chuyện hết sức đời thường.
Hình ảnh một Takako ngoài hai mươi tuổi kiệt quệ, buông xuôi bản thân khi vừa bị người yêu lừa dối vừa mất việc và đắm chìm vào những giấc ngủ triền miên, hoàn toàn không có lối thoát để quên đi mọi sự trên đời đã được tác giả xây dựng một cách quá đỗi chân thực và gần gũi.
“Nước mắt cứ thế không ngừng tuôn trào. Khóc bao nhiêu cũng không thấy hết. Tôi không bật đèn, cứ thế gục ra giữa phòng mà khóc. Nước mắt này mà hóa thành dầu thô thì chắc mình giàu to, tôi ngây ngô nghĩ, rồi khóc thêm trận nữa cho chính sự ngây ngô của mình.
Có ai giúp tôi với.
Tôi tha thiết nghĩ thế.
Nhưng tôi chẳng thể nói ra suy nghĩ ấy, tôi chỉ có thể khóc mà thôi.
Sau đó là một loạt những điều tồi tệ kéo tới.”
– Trích Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Khi nhắc tới tuổi trẻ, người ta vẫn thường nghĩ tới những năng lượng đầy ắp, những chuyến đi và dự định vui vẻ, đam mê nhiệt huyết đang ở độ tròn đầy nhất khiến những người thanh niên trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết.
Thế nhưng tác giả đã chạm được tới trái tim người đọc bằng một cô gái quá đỗi bình thường, sống một cuộc đời đều đều trôi qua vô định và mờ mịt. Không còn những bức tranh hào nhoáng, viễn cảnh lộng lẫy và xa hoa, Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki chỉ còn một bóng hình mờ nhạt nhòe đi trong vô vàn người khác.
“Nghĩ lại thì cuộc đời hai mươi lăm năm qua của tôi luôn kiểu “tàm tạm”. Tôi sinh ra trong một gia đình khá giả tàm tạm, tốt nghiệp một trường đại học tốt tàm tạm, vào làm ở một công ty tử tế tàm tạm. Từng chút một như vậy, tôi đã đinh ninh mình sẽ sống một cuộc đời êm ả, và cũng khá hài lòng với điều đó. Mặc dù không có cao trào hạnh phúc, nhưng cũng chẳng có tột cùng đau khổ. Ấy chính là cuộc đời của tôi.”
– Trích Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Dù vậy, Takako của những trang đầu này sẽ không được lòng một phần độc giả bởi cách cô lẩn tránh, hèn nhát trước hành động tồi tệ của người bạn trai và sự kiêu ngạo, ích kỉ khi nhận được sự quan tâm từ người cậu.
Tuy nhiên Takako lại mang tính cách đặc trưng của phần lớn những người dân Nhật Bản, đó là sự khép kín, rất ngại tiếp xúc với những người lạ và ngại phải nói lên suy nghĩ thật sự của bản thân vì hoàn toàn không muốn làm phật lòng những người khác.
Takako chuyển đến ở với người cậu vì bị mẹ ép buộc nhưng có lẽ chính cô cũng không biết hiệu sách nhàm chán cùng người cậu kì quặc của mình lại là nơi mở ra cánh cửa dẫn Takako tới một cuộc đời mới, xoa dịu những vết thương trong lòng và để sự dịu dàng, bình dị của mọi người chảy tràn vào tâm hồn.
Những góc khuất kì diệu ẩn sau vẻ ẩm mốc, cũ kĩ nơi Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Sau một hành trình dài đầy mệt mỏi bất đắc dĩ, Takako đã xuất hiện ở con phố Jimbocho trong chính sự ngỡ ngàng của bản thân. Gặp lại người cậu Satoru đã nhiều năm không xuất hiện trong cuộc đời mình, cô bất giác né tránh những hành động gần gũi và những lời nói thân thiết.
Cuộc sống nơi thành thị xô bồ và những áp lực cuộc sống đã dần mài mòn Takako từ một cô bé hoạt bát, cư xử không theo bất kì một chuẩn mực nào dần trở thành một người nề nếp, trầm lặng và thực tế hơn.
Sự nghiệt ngã của trưởng thành được Yagisawa đặt vào một cô gái ngoài hai mươi vẫn luôn có một cuộc sống đều đều, dù chẳng có cao trào hay bước ngoặt lớn nào đặc sắc nhưng những khác biệt của Takako khi còn nhỏ và lúc đã lớn trong Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki như một vết cứa vào lòng độc giả khiến mỗi người thấm thía hơn.
Vật lộn với căn phòng bụi bặm cùng những chồng sách ngồn ngộn trên sàn nhà tưởng như sức nặng của chúng có thể khiến căn nhà đổ mất, Takako mất cả ngày để dọn dẹp và chuyển sách sang phòng bên cạnh.
“Tôi đã đánh vật với đống sách cả ngày hôm ấy. Mồ hôi ướt đẫm người, tôi cứ thế quăng bừa đám sách chất cao như núi sang căn phòng bên cạnh. Chỉ sơ sẩy một chút thôi, chúng sẽ đổ sập xuống giống như tháp Babel hứng chịu cơn giận dữ của Chúa Trời, tôi nhanh chóng trở nên căm ghét đám sách.”
– Trích Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Thật khó để khuyên một người đang hoàn toàn không có hứng thú gì với cuộc đời rằng hãy thử đi tìm chân lí sống hay một điều gì đó hay ho ở những quyển sách cũ bởi đối với họ, những góc khuất kì diệu trong từng trang sách là một điều gì đó quá sức trừu tượng và dài dòng.
Đôi khi chỉ vì họ không đủ kiên nhẫn, không còn sức để tiếp thu những thứ khô khan và cần thời gian, tâm trí để suy ngẫm.
Nhưng bởi không dành thời gian để thấu hiểu về một thế giới khác, dành cho bản thân cơ hội nhìn về một hướng khác lại khiến con người dễ cô đơn và phán xét kẻ khác, khó thấy mà yêu thương, đồng cảm được với bất cứ ai xung quanh hay thậm chí là không học được cách yêu thương chính bản thân mình.
Ở cửa tiệm cũ rích này, Takako buông bỏ tất thảy và không màng tới bất cứ điều gì. Cô ngó lơ sự xuất hiện của những vị khách hay cố gắng bắt chuyện, bỏ qua những cuốn sách chất chồng khắp nơi và ngoài thời gian làm việc, Takako ngủ vùi trong chiếc chăn cũ mèm có mùi ẩm mốc suốt cả ngày dài.
Vừa hết tuần đầu tiên, cậu làm mặt chán chường thốt lên vẻ không chịu nổi nữa: “Takako ngủ suốt thế, y như Quỷ ngủ ấy.”
“Cháu đang tuổi hay ngủ mà.”
Tôi lạnh lùng đáp lại. Không thể nào hòa hợp nổi với ông cậu đang ngứa ngáy muốn xía vào chuyện của mình.
“Hai mươi lăm tuổi là tuổi ngủ sao?” Cậu vẫn mặt dày nói tiếp.
“Đúng thế đấy ạ. Hay ngủ mới dễ nuôi.”
“Mấy khi rảnh rỗi thế này sao cháu không thử đi dạo quanh đây xem? Có nhiều chỗ hay ho lắm. Cậu ấy mà, hồi nhỏ cũng hay la cà, đến giờ vẫn chưa chán.”
“Không sao ạ, cháu thích ngủ hơn.”
– Trích Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Có vẻ cậu vẫn chưa nói hết chuyện nhưng tôi kiên quyết chấm dứt câu chuyện ở đó. Từ đấy về sau tôi ngồi im như đá, cậu nói gì cũng không đáp lại.
Rơi vào trạng thái kiệt quệ, Takako chỉ muốn chạy trốn vào những giấc mơ khi ngủ để xa rời thực tại. Khi thức dậy đầu cô chỉ toàn những hình bóng, con người luẩn quẩn khiến bản thân phát điên, cứ như vậy suốt một thời gian dài, Takako khước từ mọi sự giao tiếp với cuộc sống.
“Thời gian trôi qua nhanh tới độ không níu giữ được.”
– Trích Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki
Vào một tối mùa hè, khi bóng tối bắt đầu chậm chạp bao trùm cả con phố nhỏ, chú Sotaru bỗng lách vào phòng cô cháu gái và ngỏ lời mời Takako đi ra ngoài cùng mình một chút cùng nhiều hứa hẹn thú vị.
Trong sự cau có xen lẫn tâm trạng khó chịu vì bị làm phiền, có lẽ chính Takako cũng không ngờ trước nơi ngào ngạt hương cà phê mà mình sắp đặt chân tới sẽ kéo cuộc đời cô sang một hướng hoàn toàn khác.
Một nơi có những người bạn mới, những đêm ngấu nghiến đọc hết quyển sách này sang quyển khác không mệt mỏi hay góc nhìn mới của Takako về người chú của mình và về cuộc đời mình.
Rồi người vợ cũ đã bỏ đi của chú Sotaru sẽ xuất hiện thế nào, những người bạn mới của Takako đã thân thiết ra sao, cô gái ấy sẽ lựa chọn gắn bó với cửa tiệm sách hay rời đi tìm lẽ sống cho riêng mình, Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki sẽ dẫn dắt bạn đọc đi cùng Takako theo từng trang sách.
Một quyển sách nhỏ nhẹ nhàng, êm dịu như bản nhạc du dương giữa đêm hè, Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki hứa hẹn sẽ mang tới cho độc giả những giây phút yên bình như một lời nhắn nhủ, đôi khi ta cũng cần dừng chân nghỉ trong một vài khoảnh khắc, đối diện với chính mình và tự lắng nghe trái tim rằng đâu mới là điều chúng ta thật sự khao khát giữa cuộc sống bộn bề này.
Thùy Lam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất