Không quá phô trương, không lựa chọn câu từ diêm dúa, không câu nệ tiểu tiết, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tập sách mà Nguyễn Nhật Ánh viết lên bằng những chiêm nghiệm đúc kết từ những năm tháng tuổi thơ của mình.
Những câu chuyện ngày thơ bé thơ tuy giản dị nhưng không kém phần ý nghĩa, triết lý, để rồi mỗi người đọc đều nhận ra ở đâu đó có bóng dáng tuổi thơ mình.
Từng dòng văn nhẹ nhàng của Nguyễn Nhật Ánh bao trọn lấy tuổi thơ mỗi người, chất chứa cả một bầu trời kí ức. Dù nghèo khổ, dù nặng gánh mưu sinh thì những năm tháng đó vẫn là những khoảng kí ức đẹp đẽ nhất khiến người ta vương vấn khôn nguôi.
Người đọc đến với những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh với một tâm hồn mộng mơ, rộng mở cho tới khi trái tim thổn thức ngày nào bị cuộc đời làm cho chai sạn, héo mòn, bị ánh đèn điện thị thành chiếu sáng chói lòa, nhức nhối.
Hành trình tìm lại kỉ niệm trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Có đoàn tàu nào đưa ta về tuổi thơ, về với lại những tinh khôi, với những ngày xa vắng giữa xiết bao ồn ã giữa tấp nập. Thế nhưng, tiếc là chẳng có con tàu nào đủ nhiệm màu để đưa ta về lại những ngày xưa ta ao ước.
Thời gian chính là thứ duy nhất đang dần mất đi từng chút một, chúng ta chẳng thể níu giữ cũng chẳng thể quay lại. Bởi vậy, khi lướt qua những trang sách ngập tràn kỉ niệm của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc lại có dịp hồi tưởng về những miền kí ước tưởng chừng như đã phai nhạt dần theo tháng năm.
Bằng việc sử dụng cốt truyện đơn giản, không quá chú trọng vào việc tạo điểm nhấn bằng các nút thắt mở gay cấn đồng thời tập khung vào khai thác những điểm sáng về chủ đề tuổi thơ, những dòng văn của ông khiến độc giả muôn thế hệ như được sống lại những cảm xúc trong suốt thời ấu thơ của mình.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chủ ý tập trung xây dựng câu chuyện thuở thơ ấu, lấy bối cảnh ở một miền quê nghèo. Nơi ấy chứng kiến sự lớn lên, trưởng thành qua năm tháng của hai anh em Thiều và Tường.
“Bóng trăng, trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…
Tại đây, có những rung cảm đầu tiên của hai anh em về tình yêu, về tình cảm gia đình, tình anh em xen lẫn vào đó là sự ghen tuông, đố kị cũng như những mất mát chẳng thể nào nguôi ngoai trong suốt quá trình trưởng thành.
Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh đưa vào trong tác phẩm của mình những nhân vật gần như phản diện, ngầm nhắc nhở người đọc về những vấn đề đạo đức, mối quan hệ giữa cái thiện và cái ác.
Tám mươi mốt chương ngắn trong trang sách là tám mươi mốt câu chuyện kể về những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong ngôi làng nghèo. Sau mỗi chương là một khía cạnh khác có thể xoay quanh nhân vật chính nhưng cũng có thể đề cập đến những nhân vật khác.
Từng chương sách đều gợi mở những cảm xúc, những rung động trong chính trái tim của hai anh em Thiều nói riêng và của mọi người nói chung. Những luân lý, đạo nghĩa không ngừng được lật đi, lật lại trong niềm day dứt, đau đáu khôn nguôi của độc giả.
Có những ai đi qua thời trẻ thơ mà từng một lần trót thương nhớ cô bạn hàng xóm cơ chứ? Chuyện tình trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh không phải thứ gì quá lớn lao, cao siêu nhưng không khỏi khiến con người ta thổn thức.
Tất cả đều rất đỗi nhẹ nhàng, êm ái cho đến tận khi nó qua đi. Mỗi câu chuyện là một dòng kỉ niệm tuy buồn thế nhưng lại đẹp đẽ và đáng trân trọng nhất.
Đó là lần đầu tiên được biết đến hoa tay, Thiều đã hớn hở và hào hứng đến nỗi chạy đi khắp làng chỉ để đếm xem mọi người có bao nhiêu hoa tay. Là lần đầu tiên viết bức thư tình gửi Mận mà “mượn tạm” dòng thơ của chú Đàn viết cho chị Vinh để vào trong lá thư của mình:
“Nắng mưa là chuyện của trời
Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng”
Và như một lẽ tự nhiên, khi lá thư ấy lại chẳng may bị thầy giáo cầm được và đọc to cho cả lớp khiến cho Thiều và Mận đều ngại ngùng xấu hổ. Những cảm xúc ngây ngô đầu đời ấy cứ ngày một lớn dần lên, cho đến khi nó trở thành sự thấu cảm cho hoàn cảnh éo le và sự xót xa cho những khổ đau mà Mận đã trải qua.
Đó là những lần Tường đứng ra bảo vệ anh hai của mình trước kẻ bắt nạt dữ tợn khiến cho Thiều cảm thấy cảm kích, ngưỡng mộ người em ruột của mình hơn bao giờ hết. Có lẽ, Thiều không phải là một anh trai tốt bởi cậu lại chính là người luôn ghanh ghét chính em trai của mình.
Tuy vậy, những lần lỡ lời nói em trai mình ngu ngốc hay khi chứng kiến cảnh em vì mình mà chịu đòn thay luôn khiến Thiều cảm thấy day dứt, xấu hổ cho đến cuối truyện.
Những tình tiết cứ thế đan xen vào nhau, theo từng bước trưởng thành của Thiều. Và thế là mỗi lần lật mở thêm một trang sách, những nét tính cách của Thiều lại được Nguyễn Nhật Ánh đặc tả rõ nét hơn.
Cặp anh em trong truyện ngắn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nhắc chúng ta nhớ về nhiều hơn về anh, chị em của chúng ta những ngày ấu thơ. Chúng ta suốt ngày giận hờn nhau, ganh tị với nhau từng chút một, thậm chí chẳng ưa lấy gì nhau.
Và có lẽ, chúng ta cũng chưa bao giờ đối tốt với anh chị em của mình. Thế nhưng có trải qua những hiểu lầm, những biến cố, những lần làm hòa nhau như thế thì khi trưởng thành chúng ta mới quý trọng nhau hơn, mới trân trọng thêm xiết bao tình cảm keo sơn, ruột thịt gắn bó.
Những mảnh ghép tuổi thơ luôn là điều đáng nhớ nhất
Đọc Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, độc giả không ít lần rơm rớm nước mắt vì một nụ cười ngây ngô của đám trẻ, vì tình cảm giản dị và chân thành nhất của những tâm hồn tinh khiết kia. Tình anh em, tình bè bạn, những rung động đầu đời, rồi đến cả những bốc đồng trong suy nghĩ của những đứa trẻ chưa kịp lớn.
Cái tuổi ấy đáng yêu lắm, chân thành, non nớt mà cũng ngông cuồng lắm. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi làng quê đầy nắng gió, chân chất, thật thà, đôi lúc có phần cục cằn nhưng vẫn luôn là những đứa trẻ đơn thuần nhất.
Từng câu chuyện góp nhặt, thêu dệt nên miền kí ức về tuổi thơ của bao người cứ thế hiện ra ngày một chân thực qua giọng kể của Nguyễn Nhật Ánh. Ở đó ta thấy lại chính ta trong từng trang sách nhỏ bé.
Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho ta trở về thời thơ ấu với biết bao cảm xúc khó quên mà còn gieo vào tâm hồn ta thứ tình cảm nhân văn, cao quý, hơn hết đó là tình thân.
Là những lần hai anh em say sưa nghe chuyện ma đến nỗi buổi tối lại sợ run không dám chạy ra ngoài. Là khi bị bố bắt đi mua rượu, phải băng qua đoạn đường có ma cọp trong truyện thì Thiều chỉ biết ù té chạy trong hoảng sợ.
Tường cũng có nhiệm vụ bí mật cho riêng mình. Đó là làm sao để có thể tránh được ánh mắt dò xét của bố chị Vinh khi Tường cứ xuất hiện liên tục với lí do duy nhất là xin ớt. Những lần ghé sang thăm nhà chị là một lần Tường trở thành bồ câu đưa thư, chắp nối cho cuộc tình giữa anh Bình và chị Vinh.
Những câu chuyện vụn vặt tuổi thơ khiến cho độc giả cứ hết bật cười lại thoáng rưng rưng, xúc động vì sự trưởng thành chững chạc của Tường dành cho Thiều khi luôn lo lắng cho anh đủ chuyện.
Mẹ bảo để cho anh hai học thì cậu làm hết những việc vặt trong nhà để anh tập trung học tốt. Lúc Thiều bị bạn xấu đánh, Tường liều mình xông lên trả thù cho anh bởi cậu không muốn anh trai mình phải chịu ấm ức.
Cả khi bị anh trai hiểu lầm, tức giận lấy gậy đánh mình đến ngã quỵ đau đớn thì Tường vẫn hết mực lo lắng cho anh, sợ anh bị ba mắng nhiếc.
Tình thân trong gia đình là vô cùng đáng quý
Suốt tuổi thơ có lúc êm đềm nước chảy, có lúc cuồn cuộn sóng vỗ kia, thứ gì đáng giá nhất?
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh không chỉ cho ta “một vé trở về tuổi thơ” mà còn rung lên hồi chuông cảnh báo mỗi người về giá trị của tình thân, một tình cảm nhân văn, cao quý hơn tất thảy. Nếu có một ngày, ta mất đi một trong số họ như cáu cách Mận mất đi người cha thân yêu thì sao?
Sinh, lão, bệnh, tử là một vòng tuần hoàn, luân chuyển ngàn năm. Nhân lúc trái tim chúng ta còn ấm nóng, nhân lúc những người ta yêu thương còn trên cõi đời này, ngại ngần gì mà không nói lời yêu thương họ một cách chân thành nhất.
Bởi sẽ chẳng ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao, tương lai sẽ vần xoay như thế nào.
“Trong khi tôi và con Mận đang ngước mắt mãi mê dõi theo những cánh diều sặc sỡ đang uốn lượn trên không, thằng ghế con ông năm ve không biết từ đâu chạy tới, thắng xe đạp ngay cạnh hàng rào, chõ miệng vào trong sân kêu lớn:
Chị Mận ơi nhà chị cháy, chị về ngay đi!
Con Mận mặt cắt không còn một hột máu, ba chân bốn cẳng tuôn ra cổng. Trông nó như đang bay trên mặt đất. Tôi cũng tức tốc chạy theo, mặt mày nhớn nhác, ruột gan đau thắt từng chập.”
Khung cảnh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một miền quê thanh bình ngập tràn những tiếng cười giòn tan, rộn rã. Thế nhưng mỗi đứa trẻ đều trải qua những câu chuyện, những biến cố rất riêng để có thể trưởng thành.
Đó là bài học về tình anh em sâu sắc của Thiều và Tường. Để rồi khi bước qua những bồng bột, vụng dại của tuổi mới lớn, hai anh em sẽ trân trọng hơn hết thảy những năm tháng tuổi thơ được ở bên cạnh nhau. Được cùng nhau vấp ngã rồi trưởng thành, được chiêm nghiệm về những điều ý nghĩa, quan trọng nhất của cuộc đời: Gia đình.
Dù thế gian có xoay chuyển, dù những đen đuốc xám xịt của thế giới xấu xí ngoài kia có khiến ta chạnh lòng nhưng cho đến cuối cùng, gia đình sẽ là bến đỗ vỗ về, sưởi ấm chúng ta vượt qua những biến chuyển thịnh suy của cuộc đời.
Đó là bài học về tình cha con được lồng ghép một cách nhẹ nhàng khi mà cha Mẫn sẵn sàng sống chui sống nhủi trong căn nhà xập xệ cùng với căn bệnh mà hồi đấy được coi là vô phương cứu chữa – bệnh phong để có thể ở bên hai mẹ con của Mẫn.
Và Mận, đứa con gái ngây ngô nhưng hết mực tình cảm khi chăm chăm đến chỗ cha để cha có thể nguôi ngoai buồn đau những lúc mà cô không phải học bài. Tuổi thơ còn dắt vào trong đấy thứ tình cảm trẻ thơ hồn nhiên vô tư hay một thứ tình cảm lạ kì khó nói mà với cả những cô cậu bé nó cũng còn mơ hồ.
Tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm cũng được thể hiện một cách rõ ràng qua từng chương truyện để chúng ta khẽ cảm thấy cay cay nơi khóe mắt khi nghĩ đến những mảnh màu kí ước về những ngày tuổi thơ mình cũng đã từng khờ dại, ngây ngốc đến thế.
Tuổi thơ của những nhân vật trong truyện, tuy không phải là cuộc sống chảy trôi êm đềm nhưng những sóng gió và thử thách ấy lại đóng góp một phần lớn vào con đường phát triển của mỗi nhân vật sau này.
Nhân sinh như gió thổi, không ai có thể sống với nhau mãi mãi. Bởi thế, hãy sống và quan tâm hơn đến những người vẫn hết mực yêu quý, vẫn cạnh bên ta dẫu biết bao bộn bề, sóng gió. Để rồi khi mất đi, chúng ta sẽ không cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc.
Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua, rồi chúng ta ai cũng sẽ trưởng thành, chúng ta rồi cũng sẽ nhìn nhận được những đúng sai trong cuộc đời. Chỉ có miền kí ức tuổi thơ vẫn vĩnh viễn chẳng hề nhạt nhòa trong tâm trí chúng ta, nhắc chúng ta nhớ về những niềm vui, nỗi buồn và cả những lầm lỗi không được phép phạm phải.
Bước vào thế giới của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ta mới mới thấu được rằng thế giới của trẻ con chẳng bao giờ là đơn giản, chúng phức tạp theo cách riêng của chúng.
Nhật Thiên
Nhật Thiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất