Tôi, Tương Lai và Thế Giới được xuất bản vào đúng thời kì mà nó cần phải xuất hiện, khi thế giới đang từ tốn chuyển mình giữa thời đại số và hàng loạt những phát minh, thành tựu lẫn tri kiến mới ra đời. Những nền tảng khoa học thì ngày một tiến bộ và thế giới của những thuật ngữ mới mẻ như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo thì càng lúc càng mở rộng.

“Mọi thứ trong đời trước sau đều có dấu chân của kẻ lạ người quen. Nhấp ly cà phê, có bàn tay vun trồng đâu đó 300.000 nông dân. Từ trái cà phê đến ly cà phê, qua đâu đó 40 đôi tay mới thành chút thơm nồng ngày mới. Bạn nghĩ đi, chỉ mới nói ly cà phê mà phức tạp vậy đó!

Thôi không sao, giờ biết rồi thì mỗi ngày cứ đọc thêm một ít thôi, chọn từ đề tài thích mà khởi động. Có gì khó đâu à! Khi trang bị cho mình tư duy và kiến thức toàn cầu, rồi đam mê sẽ dẫn bạn đi, mở ra cho bạn một chân trời không bao giờ giới hạn.”

Trích đoạn được chia sẻ phía trên đã khiến nhiều người trẻ hoang mang về chính mình ở hiện tại lẫn việc phát triển bản thân trong tương lai. Những người trẻ như tôi vốn thường tỏ ra bận rộn, lãng phí thời gian cho chiếc điện thoại của mình, thích thả biểu tượng cảm xúc (Emoji) hơn là một câu nói cảm ơn trực tiếp. Có thể nói Tôi, Tương Lai và Thế Giới đã giúp mỗi người tự vấn chính mình bằng sự đào xới trong tư tưởng, rằng đây là lúc để phát triển bản thân.

Tác giả Nguyễn Phi Vân - Tôi, tương lai và thế giới
Nguyễn Phi Vân – tác giả của cuốn sách Tôi, Tương Lai và Thế Giới

Mọi lĩnh vực trên thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt trong thế kỷ 21, chỉ qua một đêm mọi thứ đã khác đi rất nhiều. Đáng lo hơn là con người dường như đang ngồi yên và nhường sự phát triển thế giới cho những cỗ máy.

Rõ là chúng rất hiệu quả nhưng thế giới không được tạo nên từ người máy hay máy móc và lịch sử phát triển địa cầu hoàn toàn ghi lại dấu vết của con người, những nhà phát minh.

Vậy tại sao chúng ta không học cách làm chủ máy móc và cuộc sống mà cứ phụ thuộc và ỷ lại vào nó, không tự học hỏi và rèn luyện phẩm chất của riêng mình và tự tin ngẩng đầu đón nhận và xây dựng cuộc sống theo cách mà chúng ta muốn. Nếu chưa biết thì có thể đi để tìm hiểu, để có kiến thức và chiều sâu nhằm cạnh tranh trong một thế giới không ngừng đổi thay.

Tác giả Nguyễn Phi Vân đã ra mắt được vài tác phẩm và được đông đảo giới trẻ săn đón nhờ những chia sẻ thẳng thắn trong từng tác phẩm. Đó là những trải nghiệm rất thật của một người đi nhiều, hiểu sâu đúc kết lại cho chúng ta. 

ảnh bìa sách Tôi, Tương Lai và Thế Giới

Lấy một ví dụ nhỏ: Nếu mình rất hứng thú với nền văn học Trung Quốc, đi từ cái đam mê, tìm hiểu ra góc cạnh, có thể là lời văn mình viết giờ còn non, nói rồi chỉ có cố gắng thôi, không hiển nhiên mà giỏi được.

Khả năng đọc viết không bao giờ giới hạn. Sách cả trăm ngàn cuốn, chọn cho mình một thể loại yêu thích, khéo léo tạo ra một lối viết riêng và cũng cần lắm cho tâm mình một thần tượng gối đầu mà học hỏi. Có lẽ sẽ tốn mớ thời gian, không rõ sau này có kiếm ra tiền từ sở thích đọc sách, viết lách hay không?

Đừng hỏi bản thân mấy câu vớ vẩn, mọi thứ ta học làm nên giá trị con người, quyết định cái sự có ích hay không, mà ta từng hỏi đi hỏi lại chính mình trăm lần. Thích mới học, tìm rồi sẽ hiểu, sau này là nhờ chúng cả thôi. Giỏi gì thì kiếm tiền bằng đấy, ngại gì cái thời này.

sách "tôi, tương lai và thế giới"

Chúng ta, những kẻ sợ đối diện với thực tại bởi mọi thứ đều gói gọn trong từ “search” mà cách giải quyết khó khăn hay tâm tư cảm xúc của bản thân đâu hề có trên những công cụ tìm kiếm. Hành xử còn trông chờ vào xã hội góp ý thì khác nào đã tự mình chết rữa, chỉ tự lôi kéo bản thân vào con đường không lối thoát rồi tự ngồi than vãn rằng hết cách.

Khi mà ngoài kia công tác xã hội rất nhiều, giúp đỡ người khó khăn, trồng cây xanh, nhặt rác hay phát minh thứ gì đó vĩ đại hút bớt khói bụi đang là việc rất phổ biến thì hà cớ gì lại ngồi lặng yên. Thế kỉ 21 này đòi hỏi ta phải thực sự cân bằng, đừng để thế giới bỗng trở thành công xưởng cuộc đời của những xác ướp lặng câm, cứ vậy hành động mà không có lấy một dòng cảm xúc.

Sẽ thật thoải mái khi ta phát hiện mình là ngôi sao sáng. Vậy thì, phải cố gắng để học tập khi còn có thể. Hãy đi tới nơi chưa đặt dấu chân. Hãy làm những điều điên rồ nhưng hoàn toàn liêm chính.

Chúng ta không phải người thông minh nhất, cũng không phải người mạnh nhất hay nhanh nhất mà là người có khả năng thích nghi cao nhất. Điều quan trọng nằm ở chỗ, chúng ta vận dụng khả năng ấy như thế nào để đạt được hiệu quả và thành công.

Một vài trích dẫn hay trong sách:

“Học, đâu chỉ có nghĩa là học ở trong trường. Học, là khi hôm nay ta thấy mình lớn hơn hôm qua, tháng này lớn hơn tháng qua, năm này lớn hơn năm qua”

“Thế giới mà chúng ta đang bước vào là thế giới kết nối toàn cầu: Giờ mấy cái biên giới vật lý không còn ý nghĩa gì. Thế giới chỉ có một, và nằm ở trên mây”

“Hành động là những bước tích cực vận động, xúc tiến, tham gia, đóng góp của chính mình vào những chiến dịch và chuyển động toàn cầu”

“Đọc, trải nghiệm, làm những thứ mà mình thích. Không có gì học được trong đời mà thừa mứa hết. Bằng một cách kỳ diệu nào đó, tất cả đều liên quan nhau”

“ Có tài không chưa đủ. Bạn cần phải có một tố chất nữa, gọi là Grit – đó là sự kiên cường giúp bạn đối mặt và vượt qua mọi thử thách, khó khăn”

“Tương lai dạy ta. Quá khứ cũng dạy ta. Dù di chuyển thế nào trên trục thời gian, dù tiến hay lùi, ta chỉ cần mở lòng ra thì thời gian sẽ trở thành người thầy thông thái”

“Cuộc sống là hành trình thay đổi bản thân, phát triển bản thân cho ta tốt hơn một chút mỗi ngày. Và tất cả bắt đầu từ bạn”

Phạm Tâm