Truyện Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh, đây là khúc bi ca về số phận bế tắc của những kiếp người tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Nơi mà mỗi sinh mệnh đều bị xem như cỏ rác và đồng tiền lăn tròn trên lương tâm con người.
Ở thi phẩm này, Nguyễn Du đã dành trọn tấm lòng chứa vô vàn niềm xót thương dành cho phận nữ nhi bạc mệnh. Đồng thời, ông gửi gắm một ước mơ về công lý nhưng cuối cùng tất cả chỉ còn là cái nhìn bế tắc.
Truyện Kiều được dệt nên từ tấm lòng nhân đạo của văn nhân tài hoa bậc nhất nước Việt
Nguyễn Du là thiên tài văn chương của thế kỷ, đời văn huy hoàng đã ghi tạc tên tuổi ông vào dòng chảy lịch sử. Những áng thơ mà đại thi hào viết ra, dù trải qua tháng năm đằng đẵng vẫn luôn là ngọn lửa bập bùng cháy trong tim mỗi người con đất Việt.
Văn chương bất hủ từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ, điều làm nên sức sống bền vững trong thơ ca Nguyễn Du không chỉ là sự tài hoa trong các thủ pháp nghệ thuật mà còn nằm ở cảm xúc nhân văn mà ông đã gửi gắm trong từng câu chữ.
Chính những gian truân mà số phận cay nghiệt sắp đặt đã góp phần hun đúc nên tài năng lớn của thế kỷ. Những sóng gió khắc nghiệt ấy đã đưa Nguyễn Du đến gần hơn với đời sống nhân dân, thấu cảm cho nỗi đau trăm họ, từ đó viết nên tiếng lòng của kiếp người cùng khổ.
Mỗi tác phẩm do ông viết ra đều chứa đựng những nỗi đau không thể thấu rõ, Truyện Kiều cũng không ngoại lệ. Đây là thi phẩm lớn nhất mà Nguyễn Du đã dùng cả tấm lòng để viết nên, chính tâm huyết đó đã khiến cho độc giả cảm nhận được trong mỗi câu từ dường như có cả máu và nước mắt.
“Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả tình đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy?”
– Mộng Liên Đường chủ nhân.
Tấm lòng vì những kiếp người cùng khổ và tài năng của Nguyễn Du đã hòa làm một, nó ghi tạc trên dòng chảy lịch sử một áng thơ tuyệt tác. Đến muôn đời sau này, năm tháng vẫn không tài nào có thể bóp chết sức sống của thi phẩm ấy trong sự băng hoại thời gian.
Truyện Kiều luôn neo đậu vững chắc trong lòng người qua bao năm tháng
Danh tác này còn có tên gọi khác là Đoạn trường tân thanh, đó là tiếng kêu thanh tân về một nỗi đau xé lòng không chỉ của riêng những kiếp người bạc mệnh mà còn toát lên từ tận đáy lòng nhà thơ.
Được viết bằng chữ Nôm và ra đời trong khoảng đầu thế kỷ XIX, sau khi Nguyễn Du đi sứ nhà Minh. Truyện Kiều dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân tuy nhiên, bằng sự tài hoa uyên bác, nhà thơ đã đưa câu chuyện này lên một tầm cao mới.
Từ thể loại tiểu thuyết, Nguyễn Du đã biến tấu thành thể thơ lục bát mang đậm phong vị dân tộc. Chính những câu thơ sáu tám nhịp nhàng nối tiếp nhau ấy đã dệt nên một áng thơ bất hủ của văn học Việt Nam.
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”– Truyện Kiều
So với nguyên tác, hình tượng các nhân vật trong truyện được Nguyễn Du khắc họa rõ nét và đề cao tính nhân văn hơn bao giờ hết. Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát, bao gồm ba phần là Gặp gỡ và đính ước, Gia biến và lưu lạc, cuối cùng là Đoàn tụ.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của Vương Thúy Kiều, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng lại bị xã hội cường quyền và tiền quyền bức đến cùng đường tuyệt lộ. Nàng chính là biểu trưng cho phần lớn số phận những người phụ nữ đương thời.
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”– Truyện Kiều
Thi phẩm được xem như bức tranh họa lại cuộc sống xã hội lúc bấy giờ, khi đạo đức chỉ là lớp vỏ rỗng để che đậy cho sự hủ lậu của nhân tính và đồng tiền luôn lăn tròn trên lương tâm con người. Chính sự suy đồi ấy đã đẩy không biết bao nhiêu kiếp người vào cùng đường tuyệt lộ.
Hiện thực là mảnh đất màu mỡ để văn học đắm mình và thăng hoa, vậy nên dù đã qua hơn hai thế kỷ thì thực tại đã chứng minh rằng, tác phẩm vẫn luôn cuồn cuộn sức sống và Nguyễn Du trở thành cây đại thụ lớn trong tấm lòng của độc giả.
Người đọc vừa căm ghét sự hủ lậu của xã hội phong kiến, vừa xót thương cho thân phận nổi trôi của người phụ nữ. Từ đó mà thấu rõ hơn về cuộc sống lầm than của nhân dân ta tại thời điểm lúc bấy giờ.
Truyện Kiều là một tiếng đàn lạ trên khung nhạc ranh giới của thời đại, từ đó để vọng về trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt.
Thi phẩm cho chúng ta biết rằng, ông cha ta từng đi qua những năm tháng đau thương như thế. Vì sự mục ruỗng của một xã hội sớm đã suy vong nhưng chưa đủ chín muồi để chuyển sang giai đoạn mới.
Đoạn trường tân thanh là một ước mơ và cũng là một góc nhìn bế tắc
Truyện Kiều là câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Vương Thúy Kiều, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng chính vì thế mà phải đem cả tâm lẫn tình trả nợ cho mười lăm đoạn trường. Theo Nguyễn Du thì đó là số kiếp mà những kẻ tài hoa phải gánh chịu.
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài đi với chữ tai một vần.”
– Truyện Kiều
Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng tài năng của mình nhằm xây dựng hình ảnh người phụ nữ một cách toàn mỹ nhất. Đây cũng chính là cách để ông ngợi ca cho những kiếp người tài sắc nhưng cuối cùng lại bị vẻ đẹp ấy mà bãi bể nương dâu.
Trong những phân đoạn đầu tiên, Nguyễn Du để lại cho Thúy Kiều lời tiên tri về một tương lai đầy sóng gió. Khi du xuân trở về, nàng và hai người em vô tình đã gặp phải mộ Đạm Tiên, một ca nhi nổi danh tài sắc nhưng giờ đây chỉ còn là nấm mộ vô chủ không người viếng thăm.
Hình bóng Đạm Tiên đã phủ lên đời Kiều những năm tháng đau thương như vòng tuần hoàn không hồi kết. Sau Nguyễn Du, chỉ có nàng là người thứ hai khóc thương cho cuộc đời của người khách viễn phương này.
Thúy Kiều từng mang trong mình tình yêu chân phương với Kim Trọng, yên ấm với Thúc Kì Tâm và đẹp đẽ với Từ Hải. Tuy nhiên, tất cả lại không có cuộc tình nào đơm hoa kết trái, hạnh phúc với nàng trong thời đại bấy giờ chỉ là một chiếc chăn hẹp.
Nàng đã lấy hiếu làm trinh, đem thân mình để báo đáp công ơn phụ mẫu và chấp nhận từ biệt đoạn tình cảm trong sáng kia mà bước vào đời, làm một thân kỹ nữ trả nợ đoạn trường.
Trước khi dứt áo ra đi, Thúy Kiều đã nhờ Thúy Vân nối duyên với Kim Trọng, xem như trả hết nợ ân tình cho chàng. Cũng chính vì thế mà kéo theo một đời đau khổ trong thinh lặng của người em gái.
Những người phụ nữ xuất hiện trong Truyện Kiều đều mang trong mình nỗi đau khổ không ai thấu rõ. Đối với họ, hai từ hạnh phúc quả thực xa vời và bình yên chỉ còn là những giấc mộng không ngày trở thành hiện thực.
Họ luôn mong mỏi sẽ có người hiểu cho nỗi lòng của mình nhưng trong xã hội nam quyền ấy, liệu có ai sẽ chấp nhận thấu cảm cho những thân phận thấp bé như thế hay không? Duy chỉ có Nguyễn Du, người đã thay những kiếp sống bất hạnh mà lên tiếng giành quyền bình đẳng.
Ông ngợi ca, cảm thông và hy vọng cho tất cả con người tài sắc ấy sẽ được hưởng một cuộc đời ấm no, yên ổn. Tuy nhiên kết thúc cuối cùng, mọi thứ chỉ là ước mơ trên trang giấy ngả vàng mà thôi.
Kiệt tác Truyện Kiều mang đất nước dệt thành thơ
Thi phẩm trác tuyệt này đã nhận được rất nhiều lời khen về tấm lòng nhân đạo chủ nghĩa lớn của Nguyễn Du, tuy nhiên cũng có không ít ý kiến trái chiều. Truyện Kiều đặt ở bối cảnh thời phong kiến, kỹ nữ vốn là tầng dưới đáy xã hội, vậy nên việc đại thi hào lên tiếng bênh vực cho số phận nàng Kiều đã làm nổi lên vô số tranh cãi.
“Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn tường cho đáng kiếp tà dâm
Bán mình trong bấy nhiêu năm
Đố đem chữ hiếu mà lầm được ai
Nghĩ đời mà ngán cho đời.”– Nguyễn Công Trứ
Đồng thời, việc Nguyễn Du để Thúy Kiều báo oán Hoạn Thư đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt đối với cộng đồng ngày nay. Bởi vốn dĩ, nàng là người thứ ba chen chân vào cuộc hôn nhân của tiểu thư nhà họ Hoạn nhưng cuối cùng lại trở thành người đáng thương phải chịu oan khuất.
Mặc dù về mặt nội dung Truyện Kiều vẫn còn một số mâu thuẫn gây tranh cãi nhưng xét về nghệ thuật, không ai có thể tìm được bất kì lỗi sai nào ở kiệt tác này.
“Người đọc xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi, thêm bớt một tí gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần lỡ nhịp ngang cung.”
– Hoài Thanh
Truyện Kiều được viết nên từ những dòng thơ lục bát mang đậm hồn dân tộc bình dị nhưng lại hàm chứa rất nhiều tín hiệu thẩm mỹ tuyệt diệu. Các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như bút pháp ước lệ tượng trưng tài tình và ngôn ngữ bác học trác tuyệt.
Những dòng thơ ở Truyện Kiều đã bắt rễ từ lòng người và nở hoa nơi từ ngữ, mặc dù câu từ được gọt giũa rất kì công nhưng lại không màu mè và hoa mỹ. Ngược lại còn khiến độc giả cảm nhận được vẻ dung dị ở con người cũng như thiên nhiên Việt Nam qua mỗi phân đoạn.
Giống như một đường chỉ tinh tế trên tấm lụa đào của nền văn học Việt, Truyện Kiều in đậm dấu ấn trong lòng độc giả không chỉ bởi nội dung nhân đạo mà còn là sự tài hoa của Nguyễn Du. Chính trái tim và tài năng ấy đã tạo nên một kiệt tác bất hủ giữa dòng chảy của thời gian.
Truyện Kiều không chỉ vượt qua sự băng hoại của năm tháng mà còn bước ra khỏi trang sách, hòa mình với nhịp điệu cuộc sống của nhân dân qua những bài vịnh Kiều, bói Kiều hay lẫy Kiều. Thi phẩm này đã trở thành món ăn tinh thần độc đáo của người dân đất Việt và là niềm tự hào cho thơ ca của mảnh đất con rồng cháu tiên mãi về sau.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất