Túp lều bác Tom được xuất bản năm vào 1852, đây là tiểu thuyết do nữ nhà văn người Mỹ Hardware Beecher Stowe chắp bút. Tác phẩm đã tái hiện cuộc đời thống khổ của những nô lệ da đen trong nạn phân biệt chủng tộc đầy khốc liệt ở miền Nam nước Mỹ lúc bấy giờ.
Cuốn sách không chỉ ca ngợi tấm lòng nhân hậu và phẩm giá của những số phận da màu mà còn lên án pháp luật ở xã hội nước Mỹ với nhiều chế độ vô nhân đạo. Để rồi, tác giả đã khích lệ, kêu gọi những con người bị đối xử bất công đứng lên đòi lại tự do, lẽ phải.
Hardware Beecher Stowe và tiểu thuyết Túp lều của bác Tom
Hardware Beecher Stowe có tên thật là Harriet Elisabeth Beecher, một nhà văn người Mỹ gốc Âu, sinh năm 1811. Bà lớn lên trong một gia đình tôn giáo đông con với cha là Lyman Beecher, một nhà thuyết giáo nổi tiếng còn mẹ là người sùng đạo sâu sắc.
Bởi cha của Harriet Beecher là người đi theo theo chủ nghĩa bãi nô nên bà đã dành cả cuộc đời mình để đấu tranh đòi lại công bằng cho xã hội và quyền tự do của những người nô lệ da đen.
Năm 1836, Harriet Beecher kết hôn với mục sư Calvin Ellis Stowe và các thành viên trong gia đình đều theo đạo Tin lành. Bởi bà từng trải qua nỗi đau mất con nên bản thân luôn có sự đồng cảm với những người mẹ nô lệ da màu, khi phải chứng kiến cảnh con mình bị bắt đi bán. Đây là lý do Harriet Beecher thường xuyên viết về họ trong các sáng tác của mình.
“Hầu hết các bà mẹ đều là những nhà hiền triết bẩm sinh.”
– The Minister’s Wooing
Vì gia đình không mấy khá giả nên bà phải trang trải các khoản chi tiêu trong nhà bằng cách làm việc cho các tờ báo định kỳ ở địa phương. Suốt cuộc đời, Harriet Beecher làm thơ, viết sách du lịch, sơ thảo sách tiểu sử, sáng tác truyện cho trẻ em và tiểu thuyết.
Đã có khoảng thời gian, gia đình bà chuyển đến Cincinnati, nơi xảy ra các hoạt động bãi nô lúc bấy giờ. Tại đây, Harriet Beecher đã chứng kiến và nghe nhiều câu chuyện kể về chế độ nô lệ, những hoạt động bí mật giải thoát nô lệ đưa lên miền Bắc như Tuyến hoả xa ngầm. Để rồi, điều đó đã trở thành đề tài trong hầu hết các tác phẩm của bà.
Năm 1850, việc thông qua Đạo luật Nô lệ bỏ trốn đã thúc đẩy Harriet Beecher tích cực tham gia các phong trào bãi nô. Bà đã cống hiến hết mình trên cương vị một người mẹ, một mục sư và một nhà văn vĩ đại. Trong một lần lớn tiếng đọc bức thư trước những đứa con của mình, Harriet Beecher đột ngột vò nát miếng giấy trong tay và nói:
“Tôi sẽ viết cái gì đó ngay khi tôi còn sống.”
– Hardware Beecher Stowe
Dù đã viết hơn mười cuốn tiểu thuyết nhưng Harriet Beecher Stowe vẫn được độc giả biết đến nhiều nhất với Túp lều bác Tom. Khởi đầu là một truyện dài được đăng từng kỳ trên tờ National Era, một tuần báo chủ trương bãi nô ở Washington. Tác phẩm ra đời đã thu hút sự chú ý của công luận và gây ra nhiều cuộc tranh cãi lúc bấy giờ.
Túp lều bác Tom được sáng tác dựa trên kinh nghiệm và sự đồng cảm của nhà văn. Bởi bản thân Harriet Beecher từng sinh sống ở Kentucky, một tiểu bang ủng hộ chế độ nô lệ nên bà luôn quen thuộc với chủ đề nô lệ, phong trào bãi nô và Tuyến hỏa xa ngầm.
Sau khi tiểu thuyết được ấn hành, Harriet Beecher trở thành nhân vật nổi tiếng, bà đi khắp nơi trên nước Mỹ và Châu Âu để diễn thuyết về chủ đề nô lệ. Tổng thống Abraham Lincoln trong một lần gặp gỡ đã tóm tắt ảnh hưởng của Túp lều bác Tom lúc bấy giờ, rằng:
“Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách gây ra cuộc chiến vĩ đại này!”
Cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng sâu sắc đến quan điểm của những người Mỹ gốc Phi và nô lệ ở Hoa Kỳ, điều này đã làm tăng thêm sự xung đột giữa các tầng lớp. Nhiều sử gia tin rằng, Túp lều Bác Tom là nhân tố quan trọng dẫn đến cuộc nội chiến giúp xóa bỏ chế độ nô lệ ở nước Mỹ và đây cũng là tác phẩm bán chạy nhất trong thế kỷ XIX.
Túp lều bác Tom kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom với những chuỗi ngày đen tối. Bác phải rời xa vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác và bị đánh đập, hành hung đến tàn nhẫn.
Cuối cùng, vì bản thân đứng lên để bảo vệ cho nhân phẩm của mình mà bác bị đánh chết trong đồn điền trồng bông ở miền Nam nước Mỹ. Từ hình tượng nhân vật chính, Harriet Beecher đã nhắc đến số phận những nô lệ lầm than khác với một trái tim đồng điệu và thấu hiểu nhất.
Hiện thực miền Nam nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc
Harriet Beecher viết Túp lều bác Tom bằng tất cả sự đồng cảm và nhân hậu nhưng không vì thế mà ngòi bút ấy bỏ qua hay che dấu hiện thực khốc liệt. Những cuộc buôn bán người diễn ra một cách tàn bạo ngay từ những trang đầu cuốn sách.
Tương tự với nhân vật chính, bác Tom bị xem như một món hàng được đem ra trao đổi không hơn không kém. Có một bữa ăn thịnh soạn trong nhà hàng sang trọng ở bang Kentucky nhưng chẳng mấy ai biết được, đó chỉ là trá hình cho cuộc trao đổi người đang diễn ra.
Bác Tom được trả với giá cao bởi chính sự trung thực và tốt bụng của mình. Như một lẽ thường tình, mọi việc diễn ra một cách hiển nhiên như bao cuộc buôn người khác ở Mỹ lúc bấy giờ.
“Trung thực à? Trung thực kiểu một tên mọi đen chứ gì?”
– Túp lều bác Tom
Như bao kẻ buôn khác, Haley mang trong mình sự khinh biệt dành riêng cho bọn da đen bẩn thỉu, bởi thứ chúng quan tâm hàng đầu luôn là giá trị lợi dụng. Hắn miệt thị sự trung thành của bác Tom và yêu cầu chọn thêm một đứa trẻ đi kèm, đó là con trai của thiếu phụ Elisa, người phụ nữ nô lệ giúp việc trong nhà.
Harriet Beecher Stowe đã lột tả rõ bản tính xấu xa của những tên buôn người vô nhân tính, cuộc trao đổi tàn nhẫn đã chà đạp lên tình cảm thiêng liêng của con người. Đó là sự chia cắt giữa mẹ con, vợ chồng và hơn cả là sự vùi dập quyền sống tự do con người.
“Bác Tom điềm tĩnh đứng dậy để đi theo ông chủ mới. Bác vác hành lý của mình lên vai. Bác Chloé ôm trong tay đứa con gái út đưa tiễn bác trai ra tận xe. Hai đứa lớn vừa đi theo mẹ vừa khóc.”
– Túp lều bác Tom
Cuộc đời bác Tom trải qua không nhiều lần bị rao bán ở các đồn điền mới. Tất cả bọn chủ nô da trắng đều có chung bản chất độc ác, chúng liên tục đánh đập và chửi rủa bác một cách thậm tệ. Ngay cả khi nghe tin những nô lệ của mình bỏ trốn thì chúng không ngần ngại mà đã ra tay tàn nhẫn, giết chết bác Tom.
Thông qua nhân vật chính, Harriet Beecher Stowe đã khắc họa nên hình ảnh số phận những con buôn, cảnh tra tấn man rỡ cùng sự phân biệt, miệt thị người da đen, từ đó lên án đanh thép xã hội chế độ nô lệ lúc bấy giờ.
Không chỉ dừng lại ở đó, Túp lều bác Tom còn tố cáo nước Mỹ với nền pháp luật vô nhân đạo, bênh vực chế độ phân biệt, đánh đập xiềng xích, giết chết nhiều người da đen vô tội và sẵn sàng trừng trị những ai che chở họ.
Đồng cảm cùng những số phận nô lệ đáng thương
Cuộc đời của bác Tom có lẽ là hình ảnh gây ám ảnh nhất đối với độc giả. Nhân vật nô lệ da đen tội nghiệp ấy vốn được biết đến là một người hiền lành, chân thật và giàu tình yêu thương. Gia đình bác Tom sống trong một túp lều gỗ nhỏ cạnh vườn, được ông bà chủ hết mực tín nhiệm và tôn trọng.
Là người trung thành với chủ nhân một cách tuyệt đối, ngay cả khi có cơ hội được giải thoát, bác cũng không màng đến nó. Chế độ nô lệ tàn bạo có thể tước đoạt quyền tự do và giam cầm thân thể ấy nhưng không thể biến bác Tom trở nên mất nhân, vô cảm.
“Tôi là người bị bán đi – bác Tom trả lời, chứ không phải là mình và các con. Ở đây, mình và các con được an toàn. Điều gì xảy đến sẽ chỉ xảy đến với riêng mình tôi thôi.”
– Túp lều bác Tom
Bác không màng đến mạng sống để đứng lên bảo vệ danh dự và giúp đỡ mọi người, ấy thế mà số phận nghiệt ngã lại không cho con người dũng cảm ấy nhận được một hạnh phúc trọn vẹn với những gì bản thân đã cho đi.
Chúng ta đều tin rằng, thế giới bên kia sẽ cho bác cuộc sống tự do xứng đáng với cốt cách thanh cao của một người nô lệ tội nghiệp. Bác Tom và những người có chung số phận là hiện thân cho tấm lòng cao cả bị vùi dập bởi hiện thực tàn nhẫn, khốc liệt.
Không chỉ dừng lại ở đó, cuốn sách còn nhắc đến câu chuyện của những nô lệ da đen khác, đó là chị Elisa với trái tim yêu thương vô hạn của người mẹ. Ông chủ vì nợ nần mà phải bán con của chị đi với bác Tom, trước quyết định đó, Elisa đã đưa con chạy trốn khỏi bàn tay số phận.
“Nhưng mẹ sẽ mặc áo, đội mũ cho con trai bé nhỏ của mẹ và trốn đi cùng với con để cho kẻ độc ác không thể đem được con đi. Ôm con trai vào lòng, chị thầm thì vào tai nó: “Hãy thật ngoan con nhé!” và đi ra không gây một tiếng động nào.”
– Túp lều bác Tom
Cuộc trốn chạy của hai mẹ con Elisa không hề dễ dàng, chị phải nhanh chóng tìm cách để thoát khỏi bọn buôn người đang đuổi theo ở phía sau. Khác với bác Tom, chị đã hội ngộ Gioocgiơ, chồng của mình và cùng nhau trở lại một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.
Giống với hành trình của vợ mình, Gioocgiơ cũng gặp vô vàn nguy hiểm. Anh làm thuê tại một xưởng máy và đóng góp nhiều thành tựu. Tên chủ da trắng vì điều ấy mà đâm ra ghen ghét, hắn đánh đập dã mãn và ép anh cưới người con gái khác. Vốn là con người tha thiết được sống tự do nên Gioocgiơ đã quyết định bỏ trốn.
Những người nô lệ da đen ấy luôn khát khao hạnh phúc về một xã hội tự do, công bằng và bình đẳng. Túp lều bác Tom là bản án đanh thép mà Harriet Beecher Stowe đã dùng để lột trần chế độ phân biệt chủng tộc với bộ mặt tàn bạo, tước đoạt quyền lợi vốn có của con người.
Túp lều bác Tom là lời khích lệ đấu tranh cho một xã hội bình đẳng
Dù viết về nạn phân biệt chủng tộc nhưng không phải người da trắng nào trong Túp lều bác Tom cũng giống nhau. Ở đó vẫn lóe lên tia sáng hy vọng từ những con người đã sớm tỉnh ngộ về chế độ bất nhân tính. Họ đứng về phía nô lệ da đen để đấu tranh, kiến tạo nên một xã hội mới, bình đẳng và văn minh.
Ta thấy không ít những người da trắng tốt bụng như ông bà Senbi, cô bé xinh đẹp Eva hay anh Gioocgiơ Senbi. Họ coi trọng tính mạng nô lệ da đen như tính mạng của mình, không hề có chỗ cho sự khinh miệt, phân biệt mà thay vào đó là tình yêu thương giữa người với người.
Cuộc sống những người da đen nhờ có họ mà tươi sáng hơn được phần nào. Thông qua tuyến nhân vật này, Harriet Beecher Stowe đã lên tiếng đấu tranh ngầm, khơi gợi trong lòng độc giả lúc bấy giờ là niềm thương cảm, ý chí quyết tâm đòi lại quyền tự do, hạnh phúc vốn có của con người.
Những người Mỹ da trắng có lương tâm nay đã đủ dũng cảm đứng lên ủng hộ nô lệ da đen nhằm đòi lại quyền bình đẳng. Như một điều tất yếu, để kiến tạo nên một thế giới công bằng thì luôn cần sự ủng hộ và đồng lòng của tất cả mọi người.
“Tôi sẽ ở lại trang trại và tôi sẽ dạy các bạn những quyền của người tự do Còn một điều nữa. Các bạn có nhớ bác Tom tốt bụng của chúng ta không? Trên mộ bác, tôi đã hứa là tôi sẽ không bao giờ sở hữu nô lệ nữa. Sẽ không còn ai bị chết vì tôi, bị lôi đi khỏi tổ ấm, khỏi gia đình để bị chết một cách đơn độc ở một đồn điền nữa.”
– Túp lều bác Tom
Sau khi tác phẩm Túp lều bác Tom ra đời, nước Mỹ đã bùng nổ cuộc chiến tranh vĩ đại nhằm chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc tàn bạo. Ngòi bút chính nghĩa mang tên Harriet Beecher Stowe đã góp phần giúp chúng ta nói chung và số phận những nô lệ nói riêng có một thế giới công bằng như ngày hôm nay.
Tiểu My
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất