Mở đầu bằng những mảng kí ức chắp vá về sự ra đi của người chồng trong một lần tai nạn xe hơi, Và khi tro bụi dần được họa nên bằng thứ ngôn ngữ trong trẻo, mơ màng nhưng cũng đầy phần tinh tế thuật lại cuộc đời đầy u uất của người góa phụ.
“And when this dust falls to the urn,
In that state I came, return.
Và khi tro bụi rơi về,
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương.
Henry Vaughan 1622 – 1695 (The Retreat)”
Tác phẩm được xuất bản năm 2006 bởi nữ nhà văn kiêm đạo diễn Đoàn Minh Phượng và trở thành cuốn sách đạt giải thưởng văn xuôi duy nhất của Hội Nhà văn Việt Nam một năm sau đó.
Chuyện kể về An Mi, sau khi chứng kiến cái chết của chồng đã gói ghém đồ đạc và sống trên những chuyến tàu, để rồi một ngày nọ cô bị cuốn mình vào cuộc đời của một kẻ xa lạ.
Khi nỗi buồn thành hình trong văn phong Đoàn Minh Phượng
Điều gây ấn tượng đầu tiên với độc giả khi lần giở những trang sách đầu tiên có lẽ là lối hành văn dung dị, phóng khoáng. Tác giả từng chia sẻ cách kể chuyện của bà có phần giống thủ pháp nghệ thuật tác phẩm Trong rừng trúc của nhà văn Nhật Bản, Akutagawa.
Nhân vật tôi có sự dằn vặt riêng tư, sống một cuộc đời đeo đuổi những giá trị vô hình của sự tồn tại như cố quên đi vết thương lòng hành hạ mình ngày này tháng nọ. Mười hai chương sách đằng đẵng những uẩn khúc, chất vấn tự thân về sự sống, những giằng xé trong tâm tưởng về cõi vĩnh hằng để truy ra lời giải cho câu hỏi “Tôi là ai?” của nhân vật chính.
Viết về nỗi buồn nhưng bình thản đến lạ lùng, mạch văn chậm, đều và đầy chất mộng khiến tác phẩm như được trùm phủ bởi nhiều lớp sương, để rồi khi tan ra người ta mới thấu nỗi bi ai, thống khổ mà họ phải chịu đựng.
“Hạnh phúc và đau khổ chỉ khác nhau như màu hồng và màu tím. Đứng ở xa nhìn lại, tôi sẽ không còn phân biệt được giữa hai màu, chỉ nhớ lại rằng cả hai đều là một thứ đam mê.
Khi đau thương xảy đến trong đời thật, người ta biết cái buốt của vết cắt trên da thịt, sự choáng váng ở bờ vực, màu đen mù lòa của sự suy sụp. Nhưng rồi với năm tháng, bóng tối không trở thành ánh sáng, nhưng nó loang vào trong màu thời gian. Thương đau biến thành nỗi buồn, và nỗi buồn gần với cái đẹp, cũng như hạnh phúc gần với cái đẹp.
Từ lâu rồi người Hy lạp đã xếp bi kịch vào một ngành mỹ thuật.
Trong bất hạnh cũng có cái đẹp.”
An Mi vốn xuất thân từ một đất nước bom rơi đạn lạc, là một đứa trẻ mồ côi được nhận nuôi bởi một gia đình ở Đức. Cô còn dang dở tấm bằng cử nhân nhạc viện vì bỏ học vào năm ba, gục ngã trước những áp lực của thành công và thất bại để rồi sống một cuộc đời phiêu bạt bằng nghề chụp ảnh, bưng nước nuôi thân.
Rồi cô gặp chồng mình, người không may qua đời vì xe anh rơi xuống núi ở một đoạn đèo mờ mịt sương vây ba năm sau. Từ đó, cô bỏ lại cuộc sống của mình và sống trên những chuyến xe lửa trước khi vô tình mua phải một quyển sổ da ẩn chứa cuộc đời của một kẻ vô vọng khác.
Cô lần theo những dấu vết ấy, truy tìm sự thật đằng sau những con chữ nguệch ngoạc và chính trong hành trình của mình, cô bắt gặp hành trình của những số phận khác. Trên bước đường đi tìm cái chết của mình, cô rong ruổi theo những hư ảo của nhân gian để ngăn chặn cái chết của những kẻ xa lạ.
“Cái chết là một dấu chấm hết. Dấu chấm hết nào cũng muốn mang ý nghĩa của cái câu đi trước nó. Tôi muốn biết mình là ai để ngày tôi chết tôi biết rằng ai đã chết.” – Và khi tro bụi
Chúng là những tấm gương để cô soi thấu bản ngã của mình ngỡ như đã bị lãng quên ngót mấy chục năm trời. Và từ đây, câu chuyện của cô dần sáng tỏ khi sự sống đang rền vang những hồi chuông cuối.
Tính nhân văn của Đoàn Minh Phượng trong việc xây dựng cốt truyện của Và khi tro bụi
Đáng nói hơn, trong ngưỡng cửa của tuổi mười ba, cô bắt gặp cảnh tượng cha mình tự tử tại nhà thờ nơi ông hằng ngày làm việc. Trong kí ức của cô, cha nuôi cô đã sống một cuộc đời của một người cha mẫu mực trước khi bị tuổi già tước đi hết thảy những gì trước đây ông có.
Cha cô bị mất trí nhớ, trở nên vô tri với thực tại xung quanh, để mặc cô trong sự đày đọa của người vợ một mực cho rằng chính đứa con gái nuôi là nguyên cớ khiến chồng mình dở dang kiếp sống đường hoàng, tử tế.
Cô bị ép phải chấp nhận trong vô thức rằng cha cô đã hóa mộng mị khi chứng kiến những đường nét dịu dàng của thân thể trổ dần khi cô bước vào thời con gái. Và vợ ông đã nối gót chồng mình không lâu sau, có lẽ do những vết rạn mà sự ra đi của chồng bà để lại là quá sức chịu đựng với một người đàn bà vào tuổi tứ tuần.
“Nhiều năm sau, tôi cố hiểu cái chết của cha nuôi tôi. Cuộc đời không đầy bí ẩn, nhưng những sự thật về cuộc đời luôn ở một nơi nào xa hơn tầm với của con người. Bởi vì con người chỉ chấp nhận sự thật khi nó đi kèm với ý nghĩa, ý nghĩa hiếm hoi, nên hiểu biết của con người cũng nhỏ nhoi. Ý nghĩa chủ quan, nên chỉ có sự thật của mẹ nuôi tôi và sự thật của tôi và sự thật của tôi, chứ không có sự thật đứng riêng một mình nó. Nếu đứng riêng một mình, nó đứng trong bóng tối. Khi được nhìn thấy, nghĩa là nó đã đứng trong ánh sáng của tôi hoặc là của mẹ nuôi tôi. Ánh sáng có thể nhiều dối trá. Bóng tối thành thật, nhưng nó đồng nghĩa với im lặng.” – Và khi tro bụi
Tác phẩm mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong văn học đương đại. An Mi trở nên tuyệt vọng, khát khao tìm đến cái chết để thoát khỏi sự bủa vây của cô đơn nhưng chỉ làm cô trỗi dậy bản năng khát sống khi cận kề cửa tử.
Cô nhất quyết bằng mọi giá phải mua được quyển số tay để phác lên đó bức tự họa về cuộc đời mình, mặc dù về sau ý định đó lại bỏ ngỏ. Những mảng tương tranh về sự sống và cái chết xoay vần trong tâm tưởng, cốt chỉ để tô đậm thêm việc cô tồn tại có ý nghĩa đến nhường nào.
Và khi tro bụi, do đó, gieo vào tâm trí bạn đọc những đồng cảm để sẻ chia với những số phận lay lắt ngoài kia và xúc tiến quá trình theo đuổi những giá trị cá nhân còn đang ấp ủ.
Và khi tro bụi là một áng văn hay, u ám màu buồn nhưng không ủ dột. Ở một góc độ nhất định, tác phẩm là một đứa con lai Á – Âu thành hình qua những câu văn mềm oằn mình dưới sức nặng của sự đa nghĩa được đặt trong bối cảnh châu Âu hoa lệ, từ địa danh tới ẩm thực, con người và cả cách hành xử của nhân vật chính gốc Việt lớn lên dưới vòng tay của cặp vợ chồng người Đức.
Mở đầu bằng cái chết của người bạn đời và kết thúc bằng cái chết trong sự thức tỉnh của bản thân, giọng văn với những suy tưởng nhỏ nhẹ của Đoàn Minh Phượng hứa hẹn dẫn dụ người đọc vào thế giới của bi thương mà thấu thị vết thương lòng của những số phận mờ nhòa chực chờ tan trong mây khói.
Thùy Trang
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất