Thơ ca được xem như một thanh âm đặc sắc góp phần làm nên bản hòa tấu văn chương của Trung Hoa Đại Lục, trong đó, thời Đường là một trong những giai đoạn thơ phát triển nhất với những cái tên tiêu biểu như Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy và đặc biệt là Đỗ Phủ, người được mệnh danh là thi thánh trong tứ đại thi nhân.
Đời thơ của ông là một bức tranh sống động về lịch sử của Trung Quốc mà người đời vẫn thường gọi là thi sử, thơ của Đỗ Phủ trầm uất, nghẹn ngào thể hiện nỗi thấu cảm với nhân dân trong cảnh lầm than và tấm lòng yêu nước son sắt, bằng tài năng và tấm lòng của mình, ông đã được người đời suy tôn là thi thánh.
Đỗ Phủ và lý tưởng về con đường quan trường truân chuyên
Nhà thơ có biểu tự là Tử Mỹ, hiệu là Thảo Đường, ông sinh vào năm 712 nhưng không rõ quê quán, sử sách chỉ chép lại nơi nhà thơ ra đời là một làng nhỏ thuộc tỉnh Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, về sau, Đỗ Phủ tự xem mình là người của kinh đô Trường An.
Song thân của nhà thơ đều xuất thân danh giá, cha là Đỗ Nhàn thuộc gia tộc quyền quý tự cho là dòng dõi của vua Nghiêu, một triều đại sớm đã sa sút, còn mẹ là Thôi thị xuất thân từ Thôi Thị Thanh Hà, tuy nhiên, bà đã tạ thế không lâu sau khi hạ sanh Đỗ Phủ.
Sinh trưởng trong gia đình quyền quý, từ nhỏ nhà thơ đã tiếp thu nền giáo dục truyền thống của Trung Quốc để phục vụ việc thăng tiến trên con đường quan lại sau này, từ rất sớm, ông đã bắt đầu biết sáng tác nhưng những tác phẩm của thời ấy đã bị thất truyền vì nhà thơ không lưu giữ lại.
Đến năm 730, Đỗ Phủ đến Trường An để dự thi nhưng bị đánh trượt, điều này đã làm nổi lên rất nhiều tranh cãi song đến ngày nay, vẫn chưa một ai có thể đưa ra chứng cứ xác thực để chứng minh lý do ông rớt kỳ thi này, mọi thứ đều là suy đoán.
Tuy nhiên, sau này Đỗ Phủ vẫn có cơ hội để bước trên quan trường khi cha ông qua đời vào năm 740, nhà thơ có thể thừa hưởng chức vụ từ cha mình nhưng ông đã nhường lại cơ hội cho một người em khác mẹ và đến Lạc Dương sinh sống.
Vài năm sau, Đỗ Phủ hữu duyên gặp được người bạn vong niên của mình là Lý Bạch, khi ấy nhà thơ vẫn đương độ tuổi trẻ còn Lý Bạch đã ở độ tứ tuần song tuổi tác không phải là ranh giới cản trở những tâm hồn đồng điệu kết thành tri kỷ, cả hai đã viết rất nhiều bài thơ về nhau.
“Thu lai tương cố thượng phiêu bồng,
Vị tựu đan sa quý cát hồng.
Thống ẩm cuồng ca không độ nhật,
Phi dương bạt hộ vị thuỳ hùng?”– Tặng Lý Bạch (Thu lai tương cố thượng phiêu bồng)
Đến năm 746, Đỗ Phủ một lần nữa đến Trường An để kiếm một chức quan, ông tham dự kỳ thi năm đó nhưng đều chịu chung số phận như những thí sinh khác là bị tể tướng đánh trượt, nhằm chứng tỏ mình đã sáng suốt loại bỏ hết các nhân tài là mầm mống tai họa.
Sau này, ông không đi thi nữa mà trực tiếp thỉnh cầu hoàng đế trong nhiều năm với mong muốn có thể được ban một chức quan, đến năm 755, ước muốn của nhà thơ được toại nguyện với chức quan coi kho vũ khí nhỏ song một vài chuyện xảy ra trước đó khiến Đỗ Phủ không hoàn thành được mong muốn.
Chuyện binh biến xảy ra, An Sử chiến loạn bùng nổ đẩy Trung Hoa vào cảnh lầm than trăm họ, nơi nơi nhà cửa bị thiêu rụi, nhân dân sống trong đói nghèo và bệnh tật dưới sự bạc đãi của triều đình. Trong những ngày tháng này, Đỗ Phủ cũng bị chuyện đao thương tàn nhẫn làm cho khốn đốn, ông phải lưu lạc khắp nơi để tìm chốn dung thân.
Cũng chính nhờ những ngày trôi nổi khắp bốn phương, nhà thơ đã có cơ hội gần gũi với cuộc sống lầm than của nhân dân, từ đấy nảy sinh lòng thấu cảm sâu sắc với kiếp người cùng khổ và làm nên cái hồn nhân đạo trong thơ ca của chính mình.
Cuộc chiến được xem như một trong những sự kiện lịch sử lớn nhất của Trung Hoa làm chao đảo triều đại nhà Đường đã có hơn một trăm năm phồn thịnh, đồng thời nó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến đời thơ và cuộc sống sau này của Đỗ Phủ.
Năm 756 khi Đường Huyền Tông thoái vị, nhà thơ đưa gia đình tìm nơi lánh nạn đồng thời cũng tìm cách đi theo triều đình mới của Túc Tông, tuy nhiên sau đó nhà thơ lại bị quân phiến loạn bắt và áp giải về Trường An, cũng cùng năm ấy, con trai út của Đỗ Phủ ra đời.
Trong triều đại mới, nhà thơ được ban chức Tả thập di và dâng thư can gián cho hoàng đế việc loại bỏ Phòng Quán song ý kiến của ông lại không hợp lòng vị vua mới, Đỗ Phủ bị giáng xuống làm Tư công tham quân và chức vụ này khiến ông vô cùng chán ngán.
Đến năm 759, nhà thơ rời bỏ triều đình đến Tần Châu, nhiều người cho rằng lần rời đi này là vì nạn đói nhưng cũng có một vài ý kiến cho rằng Đỗ Phủ đã vỡ mộng trước con đường quan trường.
Đời thơ huy hoàng của Đỗ Phủ chìm trong đói nghèo và bệnh tật
Sau này khi đã từ giã chốn quan trường, ông sống năm năm ở Thành Đô trong cảnh túng bần và phải gửi thơ đến những người quen nhờ giúp đỡ, may mắn sau đó Đỗ Phủ được một người bạn làm tổng trấn ở Thành Đô là Nghiêm Vũ giúp đỡ, dù phải sống trong những tháng ngày cơ hàn song có thể nói đây là khoảng thời gian yên bình và hạnh phúc nhất của nhà thơ.
“Giây lát, gió lặng, mây tối mực,
Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.
Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.
Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đem dài ướt át sao cho trót?”
– Bài thơ nhà tranh bị gió thu phá
Vào mùa Đông năm 762, Đỗ Phủ cùng gia đình trở về Lạc Dương nhưng chuyến đi rất chậm vì tình hình sức khỏe nhà thơ không ổn định, lúc này ông đã là người khiếm thính và mắc thêm bệnh về mắt cùng những suy nghĩ sầu não của tuổi già khiến sức khỏe nhà thơ ngày càng kém.
Giai đoạn thăng hoa cuối cùng của thơ ca Đỗ Phủ rơi vào hai năm giữa chuyến đi đến Lạc Dương, khi gia đình quyết định dừng chân ở Quỳ Châu, tại thời điểm này, nhà thơ đã sáng tác hơn bốn trăm bài thơ và đa phần là thơ Đường luật, khối lượng tác phẩm chiếm ba phần mười số thơ ca của cả đời ông.
Vào năm Đại Lịch thứ ba, Đỗ Phủ rời Quỳ Châu để bắt đầu chuyến đi đến Hồ Nam với vợ con trên chiếc thuyền lênh đênh khắp nơi, sau đó theo sông Tương ra Đàm Châu nhưng gặp cảnh đao thương nên dự định rời thuyền để đến Hành Châu, xuôi theo sông Hán trở về Trường An.
Tuy nhiên, Đỗ Phủ đã không đợi được đến lúc quay trở về nơi mình mong muốn, đói rét và bệnh tật một đời quấn thân mang linh hồn nhà thơ rời xa nhân thế vào một ngày mùa đông năm Đại Lịch thứ năm, trên chiếc thuyền nát vẫn trôi nổi trên sông Tương.
Trước đó khi nằm giữa gió đông rét buốt trên thuyền chịu cơn đau đớn từ bệnh tật, Đỗ Phủ đã sáng tác thi phẩm ba mươi sáu vần Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài, đây cũng xem như thiên tuyệt bút của nhà thơ.
“Thánh hiền tên đã cũ,
Đói bệnh khắp quanh năm.
Thuyền bến tránh giông chớp,
Phẳng hồ sao sớm thăm.”– Phong tật chu trung phục chẩm thư hoài
Sau khi tạ thế, người nhà vì cảnh túng bần nên phải đặt tạm linh cữu của nhà thơ ở Lạc Châu, đến đời cháu là Đỗ Tự Nghiệp mới đủ điều kiện đến Nhạc Châu đem linh cữu ông về, chôn tại chân núi Thủ Dương ở Lạc Dương.
Đời thơ vĩ đại của một vĩ nhân
Với hơn một nghìn bài thơ được dân gian lưu truyền lại cũng một số tác phẩm bị thất lạc, có thể thấy cả cuộc đời Đỗ Phủ đều gắn liền với duyên bút mực, ông sáng tác từ rất sớm và cũng nổi danh không lâu sau khi những tác phẩm đầu tay của mình ra đời.
Tuy nhiên, cả lúc sinh thời đến khoảng thời gian sau khi tạ thế, thơ ca Đỗ Phủ vẫn không được xem trọng, giới phê bình văn học Trung Quốc thời bấy giờ cho rằng tư tưởng trong các tác phẩm của ông quá táo bạo và kỳ cục song theo thời gian, thơ ca của Đỗ Phủ phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Những lời phê bình mang tính ngợi ca đầu tiên dành cho trang thơ của ông là do Bạch Cư Dị viết, tiếp theo đó Hàn Vũ cũng lên tiếng bênh vực cho cái mỹ học trong thơ Đỗ Phủ và Lý Bạch trước những lời đàm tiếu của dư luận.
Chính những lời công nhận này đã khẳng định cái đẹp trong thơ ca của bậc thi thánh, giúp cho đời thơ của ông cũng ngày càng phát triển về sau.
Đỉnh cao của sự nghiệp văn chương Đỗ Phủ là thời kỳ Bắc Tống, những tác phẩm của ông được đánh giá một cách toàn diện nhất và tên tuổi nhà thơ đã gắn liền với sự phát triển của Tân Khổng giáo, Đỗ Phủ đã dành cả đời để chứng minh trước con mắt của người đời rằng dù sống trong cảnh đói nghèo thì ông vẫn chưa bao giờ quên đi quân vương của mình.
Đồng thời, Đỗ Phủ cũng khẳng định được tấm lòng người chí sĩ của mình giữa cảnh binh đao loạn lạc, dưới con mắt của một bậc thi sĩ tài hoa thì cảnh chiến loạn đã được phô bày một cách vẹn tròn nhất, những vần thơ trong bao năm tháng loạn lạc của Đỗ Phủ là một bức tranh đầy tang thương.
Thơ ca của ông chia thành hai loại là cổ thi và cận cổ thi, dù ở thể loại nào thì Đỗ Phủ cũng đều rất dụng công, nhà thơ hiểu rõ được thanh vận trong ngôn ngữ Trung Quốc và có thể vận dụng nó một cách dễ dàng trong việc sáng tác thơ ca.
Không chỉ nắm vững niêm luật nghiêm ngặt của thơ cổ mà Đỗ Phủ còn tiếp thu một cách có chọn lọc sự sáng tạo trong thơ ca lúc đương thời, ông đẽo gọt một cách tỉ mỉ nhất những nguyên liệu vốn có để làm ra những viên ngọc quý cho đời.
“Đỗ Tử Mỹ trên làm nhạt Phong Tao, dưới làm mờ Thẩm – Tống; lời thơ vượt cả Tô, Lý; khí thơ nuốt cả Tào, Lưu; che khuất Nhan, Tạ đỉnh cao, nhuộm đục Từ, Dữu dòng thắm…, có tất cả thể thế của tổ tiên, lại có được cái độc chuyên của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay chưa có ai như Đỗ Tử Mỹ vậy.”
– Lời bia do nhà thơ Nguyên Chẩn viết
Thơ ca của ông chú trọng vào ba chủ đề chính là lòng ưu dân, ái quốc và tinh thần đấu tranh chống cường quyền, nhiều tác phẩm của Đỗ Phủ đan xen cả ba yếu tố, chúng bổ trợ lẫn nhau và cùng góp phần làm nên tính hiện thực tiêu biểu trong đời thơ của ông.
Lấy Đỗ Phủ làm tâm, tất cả những đề tài trong tác phẩm đều xoay quanh ông, đó là tiếng lòng từ chính nỗi đau khổ của nhà thơ hòa cùng cảnh lầm than của nhân dân để cùng dệt nên lịch sử Trung Hoa trên những trang thơ, có thể nói, đời thơ của Đỗ Phủ đa phần đều là thiên ký sự về ông với những năm tháng cơ cực.
Để lại cho đời hơn một nghìn bài thơ song tên tuổi của bậc vĩ nhân không chỉ dừng lại ở tài hoa trong thơ ca, hậu thế biết đến ông còn bởi tư tưởng và đạo đức cao cả không bị sự đau khổ theo tháng năm bào mòn, chính vì vậy, người đời sau đã không tiếc lời ngợi khen mà suy tôn nhà thơ thành bậc thi thánh.
Tuy nhiên, cuộc đời Đỗ Phủ lại không vẻ vang như đời thơ của ông, con người tài hoa này lúc sinh thời phải chịu cảnh cơ hàn và đến khi tạ thế cũng không thoát được bệnh tật quấn thân, đó là một cuộc đời đầy thăng trầm mà trầm luôn nhiều hơn thăng.
Vậy nhưng trong cảnh đói khổ giữa binh đao loạn lạc ấy, Đỗ Phủ vẫn luôn nung nấu cho mình một ước vọng mang đậm tấm lòng bác ái về cuộc sống ấm no của nhân dân, đời thơ của ông mãi mãi là bóng cây cổ thụ che rộng khắp Trung Hoa đến muôn đời sau.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất