Ernest Miller Hemingway là một tiểu thuyết gia người Mỹ và là một nhà báo chiến trường hoạt động trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Đề tài quen thuộc trong những trang văn của ông là lòng dũng cảm, sức chịu đựng đã qua thử lửa của những người anh hùng khi đối mặt với khó khăn nghịch cảnh nhưng cũng không quên ngợi ca những phút giây chiến thắng.
Thành công trong sự nghiệp sáng tác của mình qua những tác phẩm nổi tiếng, Ernest Hemingway trở thành một trong những nhà văn có ảnh hưởng đến nền văn học thế giới thế kỉ XX và khắc ghi tên tuổi của mình vào trang văn của dân tộc.
Đôi nét về cuộc đời nhà văn Ernest Hemingway
Ernest Hemingway tháng bảy năm 1899 tại Oak Park, Illinois, ông là con thứ hai của Grace Hall Hemingway và Clarence Edmonds Hemingway.
Nhà văn sinh ra trong một gia đình có cha là một bác sĩ đa khoa còn mẹ là một giáo viên dạy nhạc. Bà mong muốn tất cả những đứa con của mình đều học chơi một loại nhạc cụ và chính điều này đã truyền cho ông sự trân trọng nghệ thuật từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, càng lớn ảnh hưởng của người mẹ lên ông càng ít, thay vào đó Hemingway và cha có chung những sở thích như đi săn và câu cá, chính cha đã truyền cho ông một niềm đam mê mãnh liệt với thiên nhiên và những cuộc phiêu lưu đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Sau khi tốt nghiệp trung học Hemingway không học lên đại học mà bắt đầu sự nghiệp viết lách.
Khi Thế Chiến thứ nhất bùng nổ, vào năm 1917, ông được thuê bởi tờ báo Kansas City Star. Với cương vị là một phóng viên, Hemingway tuân thủ các nguyên tắc về văn phong của tờ báo
“Use short sentences. Use short first paragraphs. Use vigorous English. Be positive, not negative”
Kể từ đó, phong cách viết ngắn gọn, đơn giản điển hình của Ernest Hemingway được hình thành. Ông được biết đến nhiều nhất qua các tiểu thuyết, truyện ngắn gắn với cách hành văn đơn giản và thoải mái. Không chỉ vậy Ernest Hemingway còn được biết đến với cương vị là một nhà báo và phóng viên chiến trường xuất sắc.
Sau sáu tháng ở thành phố Kansas, Hemingway tình nguyện tham gia vào quân đội Mỹ nhưng ông không đủ điều kiện vì thị lực kém. Vì vậy, ông gia nhập vào hàng ngũ quân y, làm tài xế xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ châu Âu.
Vào tháng 7 năm 1918 khi đang làm nhiệm vụ ở Ý, Hemingway bị thương nặng ở chân, chấn thương ấy gây đau đớn và suy nhược khiến ông phải phẫu thuật nhiều lần.
Nhà văn sau đó đã được chính phủ Ý trao tặng huân chương bạc Silver Medal of Military Valor vì nỗ lực đưa những người lính Ý bị thương đến vùng an toàn bất chấp vết thương của mình.
Trong thời gian hồi phục vết thương tại một bệnh viện ở Milan, Hemingway đã gặp và yêu Agnes von Kurowsky, một y tá của Hội Chữ thập đỏ Mỹ. Tuy nhiên, tình cảm của hai người đi đến hồi kết khi ông trở về Mỹ, còn Agnes không thể trở về cùng ông như dự định ban đầu.
Chuyện này đã trở thành một cú sốc lớn trong tâm trí của Hemingway và để hồi phục những vết thương về thể chất và tinh thần, nhà văn đã dành một năm ở nhà cha mẹ mình.
Vào đầu năm 1920, khi sức khỏe đã bình phục, ông chuyển đến một căn hộ tại phố Bathurst, Toronto và hiện tại ngôi nhà được biết đến với cái tên The Hemingway. Ở đó, ông làm việc tại tờ báo Toronto Star Weekly với cương vị là phóng viên tự do, chủ bút và thông tín viên nước ngoài.
Vào mùa thu năm đó, ông chuyển đến Chicago và trở thành trợ lý biên tập của The HTX Commonwealth, một tạp chí được phát hành hàng tháng, đồng thời vẫn chấp bút cho Star Weekly.
Ernest Hemingway bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình với truyện ngắn In our time xuất bản năm 1925. Một năm sau, ông tiếp tục cho ra đời cuốn Mặt trời vẫn mọc đây là một tác phẩm viết về đề tài chiến tranh.
Cũng cùng đề tài đó, bốn năm sau áng văn đã mang tên tuổi ông đi khắp thế giới là Giã từ vũ khí được giới thiệu đến người đọc.
Những năm 1930 nhà văn cùng người vợ của mình bắt đầu cuộc hành trình đến Châu Phi định cư. Tại đây, Hemingway đã viết hàng loạt những tác phẩm như Death in the Afternoon (1932), Green Hills of Africa (1935), The snows of Kilimanjaro (1936).
Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, ông tình nguyện đóng góp cho hải quân Hoa kỳ con tàu đánh cá Pillar của mình, rồi ngay sau đó trở lại Châu Âu làm thông tín viên, trưởng ban Châu Âu của tạp chí Coliner.
Trong thời điểm đó vì muốn đưa tin về cuộc chiến, Hemingway đã nhiều lần bay theo lực lượng không quân hoàng gia Anh trong các trận chiến tại những vùng đất của Pháp, nơi bị phát xít Đức chiếm đóng.
Sau chiến tranh, ông quay lại Cuba định cư. Trong khoảng thời gian sống ở đây Ernest Hemingway đã sáng tác một số cuốn tiểu thuyết, trong đó nổi bật nhất là Ông già và biển cả, tác phẩm đạt được giải thưởng văn học Pulitze năm 1952.
Một năm sau, tác giả vinh dự nhận được giải thưởng Nobel về văn chương do viện hàn lâm Thụy Điển trao tặng, ông được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất của thế kỉ XX.
Những tác phẩm tạo nên tên tuổi nhà văn
Trong suốt cuộc đời cầm bút, Hemingway đã để lại một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, ông thường được biết đến với các chủ đề như chiến tranh, tình yêu và những cuộc phiêu lưu.
Các tác phẩm của ông được viết bằng ngôn ngữ giản dị nhưng ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc về lẽ sống hay mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Khi nhắc đến sự nghiệp văn chương của Hemingway, không thể không kể đến một số cái tên nổi bật như Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai hay Ông già và biển cả.
Đây là những tác phẩm đã góp phần đưa ông trở thành một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Theo dòng thời gian sáng tác, có ba tác phẩm nổi tiếng nhất, được đông đảo bạn đọc quốc tế biết đến.
Tiểu thuyết đầu tiên mang tên Giã từ vũ khí, một cuốn bán tự truyện được sáng tác năm 1940. Tác phẩm được thuật lại thông qua lời kể của trung úy Henry, một người Mỹ lái xe cứu thương cho quân đội Ý trong Thế chiến thứ Nhất.
Trên nền những nỗi kinh hoàng về cái chết, tình yêu giữa Henry và Catherine Barkley vẫn nảy nở lãng mạn, tình yêu ấy như ngọn hải đăng dẫn lối tâm hồn họ ra khỏi cuộc chiến tàn khốc.
Khi yêu, người ta ao ước được làm một cái gì cho người mình yêu. Người ta muốn hi sinh, muốn phục vụ.
Giã từ vũ khí được nhiều nhà phê bình đánh giá cao và được xem là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh vĩ đại nhất mọi thời đại.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng tiếp theo của ông là Chuông nguyện hồn ai, được xuất bản năm 1940. Tác phẩm viết về Robert Jordan, một người Mỹ thuộc lữ đoàn quốc tế, tham gia chống phát xít trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Chuông nguyện hồn ai không chỉ ca ngợi cuộc chiến đấu can trường hết mình của dân tộc Tây Ban Nha cho hòa bình, tự do hay khắc hoạ tinh thần quốc tế chính nghĩa đang lan toả mà tác phẩm còn đưa ra lời khẳng định sự móc nối giữa nhân dân và cách mạng, cũng như tầm quan trọng của mỗi cá nhân trong cuộc chiến của dân tộc.
Không có một người nào là một hòn đảo, tự bản thân là một thể hoàn chỉnh hết thảy; mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền; và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ, thì Châu Âu sẽ bé đi, cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh; cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại; do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy.
Ông già và biển cả là tiểu thuyết ngắn dạng viễn tưởng cuối cùng tác giả viết khi còn sống. Được viết tại Cuba năm 1951 và xuất bản năm 1952, Ông già và biển cả kể về hành trình ra khơi của ông lão Santiago, sau 84 ngày không bắt được con cá nào, ông quyết định đi xa hơn. Đến ngày thứ ba, ông lão săn được một con cá kiếm khổng lồ.
Cuộc chiến giữa ông lão và con cá kiếm trở nên căng thẳng, diễn ra suốt ngày đêm, dù cho gặp bao khó khăn gian khổ, sức khỏe đã dần cạn kiệt ông lão cũng không cho phép mình bỏ cuộc. Cuối cùng, ông lão đã chiến thắng chính bản thân mình, dù cho khi trở về bờ con cá chỉ còn lại bộ xương.
Con người không sinh ra để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại.
Ông già và biển cả có thể coi là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn, tác phẩm vinh dự nhận được giải thưởng Pulitze cho tác phẩm hư cấu năm 1952 và góp phần quan trọng để Hemingway nhận được Giải Nobel năm 1954. Những tác phẩm tiêu biểu ấy khắc hoạ rõ nét phong cách sáng tác của nhà văn.
Nguyên lý Tảng băng trôi điển hình trong sáng tác nghệ thuật của Ernest Hemingway
Nhà văn G.Marquez đã nhận xét:
Truyện ngắn của Ernest Hemingway là những mẫu mực, không có cái nào giống cái nào, ông đưa ra những bài học về phong cách hay triết học, ông dạy kỹ thuật làm văn. Có thể trong đó có cái gì không hay thậm chí nguy hiểm.
Nguyên lý “tảng băng trôi” chính là điểm sáng trong phong cách sáng tác nghệ thuật của Hemingway.
Giống như những tảng băng trôi trên đại dương, bảy phần của nó chìm dưới nước và chỉ có một phần nổi lên. Văn chương của Hemingway cũng vậy, ở phần nổi lên được tác giả thể hiện cho người đọc thấy qua nội dung, câu từ của tác phẩm. Còn ẩn sâu trong bảy phần còn lại chính là những xúc cảm, những thông điệp mà ông muốn người đọc tự khám phá.
Nguyên lý “tảng băng trôi” giúp tạo nên mạch ngầm trong văn bản, tạo nên liên kết chặt chẽ giữa những gì tác giả muốn truyền tải và những gì tác phẩm thể hiện. Vì vậy để hiểu được ý nghĩa của câu truyện, đòi hỏi từ người đọc một sự đồng sáng tạo tích cực.
Khi hòa mình trong những câu chuyện của Hemingway, người đọc có thể dựa vào những kiến thức, trải nghiệm cá nhân để tiếp tục viết tiếp câu chuyện hay rút ra bài học cho riêng mình. Vì vậy, cùng một câu truyện nhưng mỗi người sẽ khám phá được những tầng bậc sâu sắc khác nhau. Ernest Hemingway từng nói:
Tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử của riêng nó. Bởi vì nó là sản phẩm bền vững nhất của lao động và trí tuệ con người.
Là một tài năng lớn trong nền văn học thế giới, suốt cuộc đời cầm bút của mình, Ernest Hemingway đã để lại nhiều tác phẩm lớn với tính nhân văn thấm đẫm, những tác phẩm đó sẽ luôn là những bài học mẫu mực cho thế hệ sau.
Nhật Hằng
Nhật Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất