Kazumi Yumoto là nữ nhà văn nổi tiếng người Nhật, với một giọng văn dịu dàng, tinh tế cô đã đem đến cho người đọc những tác phẩm nhẹ nhàng, thấm đẫm giá trị nhân sinh sâu sắc từ đó giúp chúng ta hiểu hơn hết ý nghĩa đích thực của thời gian và sự trưởng thành.
Đôi nét về tác giả Kazumi Yumoto và sự nghiệp của bà
Kazumi Yumoto sinh năm 1959 là một nhà biên kịch kiêm nhà văn người Nhật, bà tốt nghiệp trường Đại học Âm nhạc Tokyo và từng viết kịch bản cho các vở opera cũng như các chương trình trên truyền hình, radio.
Nhà văn từng chia sẻ trong lễ trao giải Boston Globe-Horn Book lí do mình bắt đầu cầm bút đó là qua một sự cố đáng nhớ khi bà còn là một đứa trẻ.
Vốn dĩ ngay từ khi còn nhỏ, Kazumi Yumoto đã luôn cô đơn và rất ghét trường học, có một lần bà nhìn thấy một tổ chim sẻ bị rơi từ trên cây xuống nên bản thân đã quyết định đem chúng về nhà nuôi dưỡng.
Bà và chú chim sẻ luôn quấn quýt với nhau và tác giả đã dành rất nhiều tình cảm cho nó, chính vì thế việc chú chim sẻ chết là một cú sốc lớn đối với một đứa trẻ khi ấy, điều đó khiến cho Kazumi Yumoto khóc rất nhiều và mẹ của bà đã an ủi rằng, vạn vật trên trái đất này đều chết đi và Chúa trời sẽ chỉ định ngày chúng ta phải từ giã cuộc đời.
“Mỗi khi nghĩ đến sức mạnh của ngôn ngữ, tôi luôn nhớ đến buổi tối ngày hôm ấy và không ngừng cảm thấy biết ơn mẹ. Nếu không có sự cố ngày ấy, có lẽ tôi đã không trở thành một nhà văn.”
– Kazumi Yumoto
Những tác phẩm của Kazumi Yumoto vừa nói lên bản chất của cảm xúc con người đồng thời cũng đem vào trong đó những yếu tố của nền văn hóa ở nông thôn Nhật Bản.
Xuyên suốt các tác phẩm của bà là sự đấu tranh không chỉ của riêng cả trẻ thơ mà còn cả người trưởng thành về sự sống và cái chết, chính điều đó đã trở thành sự tò mò thoáng qua khiến các nhân vật đều dấn thân để đi tìm câu trả lời cho thắc mắc đó.
Năm 1992, Kazumi Yumoto cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Khu vườn mùa hạ, cuốn sách đã được độc giả đón nhận rộng rãi không chỉ ở riêng Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới.
Cuốn sách đã mang đến cho nhà văn nhiều giải thưởng lớn như Juvenile’s Literature Prize và Boston Globe-Horn Award. Đặc biệt vào năm 1996, Khu vườn mùa hạ đã được đạo diễn Shinji Somai chuyển thể thành phim.
Đây là một bước đệm vững chắc cho những thành công tiếp theo của Kazumi Yumoto khi chỉ trong vòng năm năm kể từ năm 1997 cô đã cho xuất bản đến ba cuốn sách Mùa thu của cây dương, Giai điệu mùa xuân và Thành phố về chiều, trong đó Mùa thu của cây dương đã xuất sắc nhận được giải Parents’ Choice vào năm 2002.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết trong các tác phẩm của nhà văn
Kazumi Yumoto thường viết truyện cho trẻ em để giải thích về những thắc mắc rất hồn nhiên của chúng, đặc biệt xoay quanh những vấn đề về sự sống và cái chết, để từ đó đề cập đến triết lí nhân sinh sâu sắc. Nhà văn từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng:
“Những đứa trẻ ở Nhật Bản khó có thể hiểu một cách sâu sắc những giá trị của cuộc sống bởi chúng không nắm bắt được những khả năng vô hạn mà cuộc sống mang lại. Và đó là lý do tại sao tiểu thuyết lại rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Tiểu thuyết hư cấu nuôi dưỡng trí tưởng tượng và mang đến cho người đọc cái nhìn đầy sáng tạo về vô vàn những trường hợp có thể xảy ra trong cuộc sống. Đây là sức mạnh lớn nhất của tiểu thuyết.”
Khu vườn mùa hạ đã đưa người đọc đồng hành cùng ba đứa trẻ lớp sáu để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi người chết đi trông sẽ như thế nào.
Kiyama, Yamashita và Wakabe là bạn cùng lớp với nhau và chúng luôn tò mò về hình dạng của những người đã khuất vì thế những đứa trẻ ấy đã rình mò và vô tình làm quen với một ông cụ già yếu sống một mình ở gần đó.
Cả một mùa hè năm ấy, ngôi nhà của ông cụ trở thành nơi tụ tập và vui chơi, ông dạy tụi nhỏ cách gọt lê, viết chữ Hán đổi lại chúng sẽ giúp ông sửa nhà, phơi quần áo cũng như trồng cây. Ba đứa trẻ quấn quýt lấy ông và dường như quên đi mục đích ban đầu mình đến đây, say sưa tận hưởng những niềm vui giản dị trong cuộc sống.
Ông cụ mất vào một buổi chiều cuối tháng năm, sự ra đi đột ngột và không báo trước, những đứa trẻ sau những ngày hè oi ả đã tìm được câu trả lời cho những thắc mắc của bản thân nhưng điều đó không khiến chúng vui vẻ hay thỏa mãn mà đổi lại là nỗi buồn và sự trống rỗng.
“Bọn trẻ đã hiểu thế nào là cái chết, điều mà chúng đã cố tìm hiểu trước đây, đồng thời lần đầu tiên cả đám thấm thía nỗi buồn khi mất đi người thân, mùa hè của chúng đã kết thúc khi nắp của cái tiểu đựng xương bằng gốm của ông cụ được đóng lại.”
– Khu vườn mùa hạ
Kết thúc tác phẩm, nỗi buồn vẫn còn vương vấn khi mong muốn cùng ông ngắm nhìn vườn hoa cúc cánh bướm bên hiên nhà mà ba đứa trẻ gieo trồng trong những ngày nắng chưa kịp trổ bông thì đã bị những người đến viếng thăm dập tắt tuy nhiên, qua mùa hè ấy chúng đã vô tình nhận được nhiều hơn mong đợi và trở nên trưởng thành trong cả hành động và suy nghĩ.
Đối với mỗi người quan niệm về cái chết đều khác nhau và có phải chăng chết là hết tuy nhiên trong Mùa thu của cây dương, Kazumi Yumoto đã đem đến cho độc giả một cách hiểu khác sự ra đi của con người.
Cô bé Chiaki sáu tuổi cùng mẹ chuyển đến căn hộ Cây dương sau khi người bố qua đời, ở đây có một bà lão có vẻ khó tính, nấu ăn cũng không ngon nhưng lại là người giúp Chiaki vượt qua những nỗi buồn và tìm lại được niềm vui trong cuộc sống.
Sau cái chết của người cha, cả Chiaki và mẹ đều chìm sâu vào nỗi đau của chính mình, cô con gái nhỏ luôn cảm thấy bất an và sợ hãi còn người mẹ thì gồng mình cố gắng để giấu đi một sự thật đau thương tuy nhiên sau cuộc trò chuyện với bà chủ nhà, cô bé đã nhận ra rằng.
“Khi ta mở lòng chuyện trò cùng thế giới bên ngoài, hẳn sẽ có biết bao điều từ thế giới ấy chảy vào ta.”
– Mùa thu của cây dương
Hai mươi năm sau, Chiaki trở về căn hộ Cây dương sau khi nghe tin bà chủ nhà đã qua đời thì dòng kí ức những năm tháng trước ùa về khiến cô tìm ra được tất cả các sự thật về mẹ, về bà chủ và về chính bản thân mình. Người đã mất đi tuy vẫn ở đó theo cách của riêng họ để giúp Chiaki giải đáp thắc mắc của cuộc đời và một mùa thu nữa lại trải vàng lên căn hộ Cây dương.
Kazumi Yumoto nhắc đến tình người sau những trang viết về cái chết
Hầu hết các tác phẩm của Kazumi Yumoto đều là câu chuyện về cái chết, đặc biệt trong hai tác phẩm Khu vườn mùa hạ và Mùa thu của cây dương đều có kết thúc là cảnh của các đám tang tuy nhiên người đọc lại không có cảm giác ghê sợ hay ám ảnh mà lắng đọng lại đó là vẻ đẹp của tình yêu thương con người.
Ba cậu bé trong Khu vườn mùa hạ đã trưởng thành từ sự quan tâm và yêu thương của ông cụ, chúng học được những điều nhỏ nhặt nhất như bổ lê hay quét dọn nhà cửa nhưng hơn hết điều mà những đứa trẻ ấy hiểu được là nỗi buồn khi mất đi một người.
“Chết có lẽ không phải việc quá kì lạ đâu. Vì ai rồi cũng sẽ chết mà”
– Khu vườn mùa hạ
Ở Mùa thu của cây dương, bà cụ ưa sạch sẽ, lại hay hù dọa trẻ con chính là người dành nhiều tình yêu thương cho mọi người nhất.
Bà đã xoa dịu trái tim của cô bé Chiaki sau khi mất bố, mẹ Chiaki sau nỗi đau mất chồng và cả ông lão Yamane sau khi con trai chết. Bằng trái tim chân thành và sự quan tâm, bà chủ nhà khó tính kia đã cứu rỗi tâm hồn rất nhiều người và chữa lành những vết xước trong tim họ.
Những câu chuyện của Kazumi Yumoto tuy không có nhiều cao trào, kịch tính nhưng lại để lại trong lòng độc giả nhiều suy ngẫm về cuộc đời. Lối hành văn nhẹ nhàng, bình dị kết hợp cùng cốt truyện giàu tính nhân văn, tác phẩm của cô luôn được ưa chuộng không chỉ đối với các bạn nhỏ mà cả những người trưởng thành.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất