Sở hữu một phong cách sáng tác vô cùng đặc biệt với hàng loạt tác phẩm gây chấn động trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Công Hoan trở thành một trong những cái tên có tầm ảnh hưởng lớn trong sự nghiệp văn học nước nhà.

Ông để lại một di sản lớn cho văn đàn Việt Nam với hơn hai trăm truyện ngắn, gần ba mươi truyện dài và nhiều bài tiểu luận văn học. Những bài phê bình, nghiên cứu lý luận được đánh giá rất cao vì có cái nhìn và cách tiếp cận sắc sảo về các tác giả. 

Nguyễn Công Hoan sinh ra đã định cho văn chương vì con người  

Nguyễn Công Hoan sinh vào tháng 3 năm 1903 tại Hưng Yên và mất ở Hà Nội tháng 6 năm 1977, là một nhà văn và nhà báo kiêm thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có xuất thân Nho học nhưng lại bị thất thế tại làng Xuân Cầu.

Năm 1926, Nguyễn Công Hoan đã dạy ở nhiều nơi sau khi có được tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, kết thúc khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ và thành công.

Sau đó, ông đã làm việc nhiều nơi và giữ vị trí cao như Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, biên tập viên báo Vệ Quốc quân, Giám đốc trường Văn hóa quân nhân, Chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo.

Chân dung nhà văn Nguyễn Công Hoan
Chân dung nhà văn Nguyễn Công Hoan

Nguyễn Công Hoan trở thành Đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công được ba năm và làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục vào năm 1951.

Tiếp đó đến 1954, Nguyễn Công Hoan quay lại nghề văn đồng thời nắm giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên, ông cũng là Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Với sự ảnh hưởng của gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã nghe và thuộc rất nhiều câu thơ và những giai thoại mang tính trào lộng, châm biếm, nó đã tác động mạnh mẽ và gần như chi phối phong cách văn chương của ông sau này.

Nguyễn Công Hoan chiếm một vị trí quan trọng không thể thay thế trong văn đàn dân tộc 

Ông bắt đầu sáng tác từ năm mười bảy tuổi, chủ yếu viết về đề tài phản ánh hiện thực xã hội với sở trường là bút pháp hiện thực trào phúng. Bàn tay tài năng Nguyễn Công Hoan đã hình thành nên một bức tranh sinh động về xã hội nửa thực dân nửa phong kiến tàn ác, đầy rẫy bất công và giả dối.

Ông đả kích mạnh mẽ bọn quan lại tham lam, bỉ ổi, ỷ vào quyền thế mà bóc lột tàn bạo người dân trong khi chúng chỉ là những tên tài sơ học thiển, địa chủ cường hào bẩn thỉu, ngu dốt lố lăng, đồi bại.

Đồng thời Nguyễn Công Hoan rất thương cảm, xót xa cho những người nghèo khổ, số phận bất hạnh và bênh vực họ.

Nguyễn Công Hoan có phong cách trào lộng, châm biếm
Nguyễn Công Hoan được chuyên viết tác phẩm mang tính châm biếm những thế lực tàn ác và yêu thương con người

Ông có được một di sản đồ sộ trong kho tàng văn học nước nhà với sự thành công trong nhiều thể loại, nhất là ở truyện ngắn.

Với một đời văn đầy tâm huyết, Nguyễn Công Hoan đã đóng góp vào Văn đàn Việt Nam hơn hai trăm truyện ngắn, gần ba mươi truyện dài và rất nhiều bài phê bình văn học. Các tác phẩm của ông luôn tái hiện cuộc sống dưới nhiều góc độ mới mẻ. 

Tác phẩm Nguyễn Công Hoan
Những tác phẩm kinh điển trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan 

Truyện ngắn của tác giả được đánh giá bởi rất nhiều bạn đọc rằng có sức hút mãnh liệt, lật từng trang sách dưới ngòi bút của ông như là nhìn thấy được bối cảnh xã hội đương thời.

Mỗi tác phẩm như là dòng phù sa, để lại ấn tượng khắc chạm trong trái tim độc giả về triết lý nhân sinh và cuộc đời, ông còn được biết đến với học thức uyên bác và sự am hiểu tinh tế trong nhiều lĩnh vực. 

Tác phẩm Kép Tư Bền
Nguyễn Công Hoan gây tiếng vang lớn khắp ba miền và được nhiều tờ báo khen ngợi sau khi Kép Tư Bền ra đời

Được mệnh danh là bậc thầy của truyện ngắn châm biếm trên Văn đàn Việt Nam, nhà văn luôn lên tiếng tố cáo những thế lực tàn ác, chà đạp con người và bày tỏ sự xót xa, đồng cảm cho những số phận bất hạnh, luôn phải chịu đủ mọi thiệt thòi, bất công. 

Truyện ngắn Bước đường cùng
Bước đường cùng là tiếng nói yêu thương, đồng cảm của Nguyễn Công Hoan về kiếp người cơ cực trong xã hội

Mỗi câu chữ của ông đều nhắm thẳng đến những tên quan lại thối nát, chỉ biết bóc lột sức lao động và tài sản của nhân dân để trục lợi cho chính mình, chúng là những kẻ vô tư hưởng thụ sung sướng trong sự lao động khổ cực của người khác.

Đến với truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, độc giả tìm thấy được một thời cơ cực của nước ta ngày trước, từng câu chữ trong tác phẩm của ông là những gam màu tối tái hiện lại bức tranh đau buồn trong quá khứ dân tộc vào những năm đói nghèo, khốn khổ.

Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có một nhà văn nói đến đời sống nông thôn vô cùng sâu sắc, vạch trần được mâu thuẫn cơ bản của xã hội nước ta dưới thời thuộc Pháp là sự đấu tranh giữa nông dân và địa chủ phong kiến khi chứng kiến suốt một khoảng thời gian dài.

“… Nguyễn Công Hoan cũng đã sống ở nông thôn trong nhiều năm, ông chịu khó quan sát nên có nhiều hiểu biết về nông thôn. Ông sáng tác nhiều truyện về đề tài này.”

– Lê Thị Đức Hạnh

Giọng điệu và tư tưởng của ông được đánh giá là vô cùng hài hước và trào phúng cũng như chất văn châm biếm khác lạ, không thể lẫn vào người khác. Ngay cả Trương Chính trong Dưới mắt tôi cũng từng công nhận Nguyễn Công Hoan là người sắc sảo, tài năng. 

“Nguyễn Công Hoan là một anh pha trò và một anh pha trò đậm. Anh pha trò ấy đã hiểu nghề, đã thành thạo lắm.”

Cứ như thế ông luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim bạn đọc và trong văn đàn Việt Nam. 

Những tác phẩm để lại cho đời nhiều giá trị sâu sắc 

Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan đã tái hiện một xã hội đầy rẫy những bất công và bày tỏ thái độ châm biếm thông qua nhiều mảnh đời khác nhau, giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về một thời tăm tối của đất nước trước đây. 

Truyện ngắn Lá ngọc cành vàng của Nguyễn Công Hoan
Một nét trần trụi đầy phũ phàng về tình yêu phân biệt giai cấp trong Lá ngọc cành vàng

Hoàn toàn khác xa với bi kịch người nghệ sĩ trong Kép Tư Bền hay sự nghèo khổ đói kém ở Bước đường cùng, Lá ngọc cành vàng mở ra một nội dung khác với câu chuyện đầy đau khổ của hai con người đến từ hai thế giới hoàn toàn đối lập nhau, một bên là trâm anh thế phiệt còn một bên là sĩ tử nghèo.

Nguyễn Công Hoan đã xuất sắc miêu tả tâm lý nhân vật, ngòi bút hài hước gây tiếng cười cùng nét trào lộng nhằm tố cáo một xã hội cổ hủ kìm hãm con người.

Từ đó cho thấy, ông là người vô cùng tinh tế để thấy được sự tàn bạo của bọn cường hào ác bá đương thời, đưa bạn đọc đến sự xót xa vô cùng. 

Truyện ngắn Người ngựa, ngựa người
Có những kiếp người sống như trâu ngựa cũng chẳng thể nào được trọn vẹn khi hiện thực là không một xu dính túi

Ánh mắt của Nguyễn Công Hoan vô cùng tinh vi để bắt gặp những điều nhỏ nhặt nhất rồi đưa vào tác phẩm của mình, thành công mang đến cho độc giả nhiều góc độ mới mẻ về cuộc sống bấy giờ và đến cuối cùng là luôn căm ghét những thế lực tàn ác và bày tỏ tình yêu thương con người.

Không dừng lại ở truyện ngắn châm biếm hiện hiện thực, ông còn viết tiểu thuyết lãng mạn như cuốn Tắt lửa lòng, câu chuyện tình đầy trắc trở của cặp đôi trẻ tuổi. Sau này, nó chính là nguyên tác văn học của vở cải lương huyền thoại trong nhiều thập kỷ của Việt Nam – Lan và Điệp

Cuốn sách Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan
Tác phẩm của Nguyễn Công Hoan còn là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho những môn nghệ thuật khác

Sự thật chứng minh rằng Nguyễn Công Hoan là một cây bút vô cùng tài năng, tác phẩm của ông còn được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp học.

Như một đoạn trích nhỏ của truyện ngắn Đồng hào có ma được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ Văn Trung học cơ sở để làm rõ bản chất của quan lại ngày xưa thông qua nhân vật Huyện Hinh. 

Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan
Tác phẩm của ông qua đánh giá và khảo sát luôn là sự lựa chọn hàng đầu để giáo dục con người

Nguyễn Công Hoan là cây bút tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực tiến bộ những năm đầu thế kỷ XX với phong cách nghệ thuật và tư tưởng không thể lẫn với ai khác được.

Những nhà phê bình văn học đầu ngành như Nguyễn Huệ Chi và Phong Lê đã đánh giá cao sự hài hước và xót xa trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan.

“Cái cười của Nguyễn Công Hoan là một phương tiện đả kích… có sức công phá thật mạnh mẽ. Đôi lúc ta còn bất chợt thấy trong cái cười hài hước của ông một chút ngậm ngùi, một tình thương có thể nói là kín đáo.”

Đọc truyện của ông, cười ra nước mắt cho giọng điệu hài hước nhưng châm biếm thế lực xấu xa chèn ép những con người thấp cổ bé họng.

Qua bao năm, Nguyễn Công Hoan vẫn trung thành theo đuổi tâm niệm viết vì con người của mình và có lẽ vì vậy, ông cứ như thế mà sinh ra và ở lại cuộc đời này. 

Bậc thầy của truyện ngắn châm biếm Việt Nam luôn sống mãi trong trái tim người đọc 

Chỉ tập trung sáng tác truyện ngắn, đã có rất nhiều người hỏi Nguyễn Công Hoan về vấn đề này và sau đó, ông đã giải đáp trong cuốn Đời viết văn của tôi chủ yếu là kể lại sự nghiệp cầm bút của mình. 

“Tôi đặt nhiều công phu vào việc viết truyện ngắn, chứ không phải vào việc viết truyện dài. Tôi chỉ viết truyện dài khi nào tôi lười đi tìm đề tài để viết truyện ngắn.”

Với một đời văn đầy tâm huyết và tận tụy, Nguyễn Công Hoan có được nhiều thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp sáng tác của mình, đầu tiên phải kể đến việc ông được nhắc đến trong Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô từ năm 1960.

Ngoài ra, tác giả còn được Từ điển Bách khoa Việt Nam đánh giá rất cao về vị trí của ông trong sự nghiệp văn học nước nhà. 

“Có thể nói Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam… Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng. Từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội.

Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót.”

Bên cạnh đó, nhà văn còn được độc giả nước ngoài biết đến thông qua lời giới thiệu đầy chân thành từ Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. 

“…Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một “bách khoa thư”, một “tấn trò đời” mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một “vũ khí của người mạnh” để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng…

Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với đặc điểm của nó đã nâng cao khả năng nhận thức và khám phá các hiện tượng xã hội phức tạp… Chúng ta có quyền tự hào về Nguyễn Công Hoan và coi ông là bậc thầy truyện ngắn… Nguyễn Công Hoan là nhà văn có công khai phá, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại…

Nguyễn Công Hoan đã đột phá vào những thành trì, khuôn khổ của giáo huấn và tiếp nhận, tuân theo một chủ nghĩa khách quan lịch sử khi miêu tả hiện thực. Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là “cổ điển” trong nền văn học hiện đại.”

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn học dân tộc ông được vinh hạnh truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 1996 cho những cống hiến của mình.

Cho đến hôm nay, lời nhận xét của Nguyễn Hoành Khung về tác giả đã được chứng minh là đúng. 

“Truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan là hiện tượng chưa có tới hai lần trong văn học Việt Nam.”

Có lẽ, sau này sẽ rất khó để có một nhà văn như thế trong sự nghiệp văn học nước nhà, Nguyễn Công Hoan tuy đã ra đi nhưng bạn đọc bao thế hệ vẫn biết đến khi tên của ông đặt cho một phố ở Hà Nội, đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh.

Tại quê nhà Hưng Yên, tên của Nguyễn Công Hoan còn được đặt cho một trường Trung học Phổ thông tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. 

Logo ngôi trường mang tên nhà văn
Nguyễn Công Hoan là nhà văn bất tử trong lòng bạn đọc Việt Nam

Một tài năng sinh ra đã định với sự nghiệp văn chương vì con người và với đôi mắt tinh tế, am hiểu sâu sắc về cuộc sống cùng nét riêng trong phong cách đã giúp tác phẩm của ông luôn được đón nhận nhiệt tình.

Nguyễn Công Hoan đã cống hiến cả đời cho văn học dân tộc và con người, ông xứng đáng là tác giả được yêu thích suốt nhiều thế hệ.

Thúy Trân