Kép Tư Bền là tác phẩm được viết dưới ngòi bút hiện thực phê phán của Nguyễn Công Hoan, cuốn sách đã thành công trong việc truyền tải những tư tưởng về sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ đến với độc giả. Chính vì thế nên Kép Tư Bền đã chứng minh được sức sống bền bỉ của mình cùng với những ý nghĩa sâu sắc mà nhà văn đã để lại.

Nguyễn Công Hoan và những nỗi trăn trở về cuộc đời

Là nhà văn luôn tâm huyết với nghề nghiệp nên Nguyễn Công Hoan đã để lại cho đời rất nhiều tuyệt tác, ông xây dựng những nhân vật trong tác phẩm của mình một cách công phu nhất để từ đó tác giả gửi gắm đến bạn đọc nhiều thông điệp ý nghĩa mà cuộc sống mang lại.

Sự nghiệp sáng tác đồ sộ của nhà văn lên đến hàng trăm truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan rất thành công khi lên tiếng châm biếm xã hội đương thời. Chính vì như vậy mà nhắc đến ông, các giáo sư đầu ngành đều kính nể gọi là bậc thầy. 

Nhà văn Nguyễn Công Hoan
Chân dung nhà văn Nguyễn Công Hoan

Tác phẩm của ông bao giờ cũng tỏ thái độ phản ánh chế độ xã hội cũ thối nát và lên tiếng bênh vực con người, bảo vệ những số phận lầm than cơ cực. Nếu Bước đường cùng kể về số phận bất hạnh của nông dân thì Kép Tư Bền nói đến cuộc đời hi sinh của người nghệ sĩ.

Cuốn sách mang đậm nét nghệ thuật và nhiều ý nghĩa nhân văn nên ngay sau khi ra đời, Kép Tư Bền đã gây được tiếng vang lớn cùng vô số lời khen ngợi. Điều đó đã giúp cho Nguyễn Công Hoan khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn Việt Nam.

Kép Tư Bền tái hiện Việt Nam trong xã hội cũ

Tác phẩm được viết vào năm 1933, đó là giai đoạn nước ta chịu ách đô hộ của thực dân Pháp nên đã có sự du nhập của nền văn hoá phương Tây và nổi bật nhất trong số đó có nghề hát bội, diễn kịch đã trở nên phát triển nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của con người.

Lấy chất liệu từ bối cảnh đó, Nguyễn Công Hoan đã sáng tác Kép Tư Bền để truyền tải tư tưởng của mình về nghệ thuật và tác phẩm đã rất thành công với những khung cảnh vô cùng chân thực.

Bìa sách Kép Tư Bền
Bìa sách Kép Tư Bền do Nhà xuất bản Văn học phát hành

Nhân vật chính trong truyện lấy cảm hứng từ Phạm Quỳnh, ông là một nghệ sĩ có cuộc đời vô cùng bi thương.

“Tôi nhìn thấy cảnh bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm này thì sực nghĩ đến Phạm Quỳnh… Một người yêu nước như Phạm Quỳnh, sở dĩ phải có mặt trên sân khấu chính trị chẳng qua chỉ là làm một việc miễn cưỡng, trái với ý muốn, để khuyến khích bạn đồng nghiệp làm việc cho tốt hơn, chứ thực lòng, là một người dân mất nước, ai không đau đớn, ai không khóc thầm. Thế là tôi nghĩ được ra truyện Kép Tư Bền…”

– Trích Đời viết văn của tôi

Cuốn sách xoay quanh kép Tư Bền, đó là một nghệ sĩ hát bội kiêm diễn viên hài nổi tiếng của sân khấu nước ta ngày trước, vì anh có khả năng khôi hài thiên phú nên được đông đảo khán giả yêu thích, mong chờ. 

“Các ngài thích xem hát bội, hẳn chẳng ai là không biết tên kép Tư Bền. Ấy anh ta chỉ nổi tiếng về cái tài bông lơn, lắm lúc ra sân khấu, chẳng cần nói một câu khôi hài nào, nhưng chỉ nhìn một cái điệu bộ cỏn con của anh ta, các khán quan cũng đủ phải ôm bụng mà cười, vỗ tay đôm đốp.”

Vì kép Tư Bền vốn là người thích tự do nên anh không muốn làm riêng ở đâu cả, khi người ta xem chương trình hay đọc báo thấy tên kép Tư Bền thì họ đều nô nức kéo nhau đi xem. Chính vì thế mà rạp nào có anh biểu diễn cũng đều đông khách.

Một khoảng thời gian sau, người ta không thấy anh đi diễn ở đâu cả vì phải ở nhà chăm cha ốm. 

“Ðã hơn một tháng nay, lúc nào trong cái gác tối om ở gian nhà ngay đầu ngõ Sầm Công, cái tiếng rên rỉ của ông cụ cũng hoà lẫn với tiếng rầu rỉ của siêu thuốc mà làm anh Tư Bền phải rầu gan nát ruột, chẳng thiết đến sự làm ăn.”

Mặc dù cha anh được chăm sóc chu đáo nhưng do tuổi già sức yếu nên bệnh tình ngày một nặng thêm. Trước tình cảnh đó, kép Tư Bền phải chạy chữa thuốc thang ở khắp nơi và khi mà số tiền anh tích góp ngày càng ít đi thì kép Tư Bền đành phải vay trước các ông chủ rạp hát để chữa bệnh cho cha.

Không bao lâu sau thì anh bị đòi nợ dù bệnh tình của cha vẫn chưa thuyên giảm, điều đó khiến cho cuộc sống lâm vào tình trạng khó khăn và bế tắc cùng cực.

Các chủ rạp hát buộc kép Tư Bền phải trả tiền cho họ nếu không anh sẽ bị đưa ra tòa, trước tình cảnh đó, kép Tư Bền đành ngậm ngùi nhờ người khác chăm sóc cha mình để quay lại công việc biểu diễn kiếm tiền trả nợ.

Trang đầu của Kép Tư Bền
Không chỉ là nghệ sĩ tài năng mà Kép Tư Bền còn là đứa con hiếu thảo

Cốt truyện của tác phẩm tuy ngắn gọn nhưng lại có nhiều chiều sâu, Nguyễn Công Hoan đã thành công trong việc khắc họa nên bối cảnh hiện thực Việt Nam đương thời dưới chế độ thực dân và phong kiến trước cách mạng tháng Tám.

Tưởng chừng những phương thức giải trí như hài kịch khi du nhập vào xã hội sẽ giúp cho bộ mặt đời sống thay đổi nhưng phía sau việc đổi mới ấy lại là bi kịch của những kiếp người bị cái nghèo đeo bám, không ai cảm thông, giúp đỡ và họ luôn đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu.

Mấy ai biết được những bi kịch sau vầng hào quang sân khấu

Khi Kép Tư Bền đi làm trở lại thì có rất nhiều ô tô chạy rong quảng cáo và vải căng giới thiệu đầy hết các ngã tư, bà con nghe tin mà nô nức đi xem buổi biểu diễn đặc biệt ấy.

“Tối đến, cửa rạp Kịch trường đèn thắp sáng trưng như ban ngày, chiếu rõ cái cảnh người đứng lơ nhơ như luống hoa trăm bông ngàn tía, bướm ong chờn vờn. Trên thềm, dưới chậc, giữa đường, nom nghìn thiếu niên nam nữ túm tụm lại, tìm chỗ để đứng ngắm nhau cho đỡ nóng ruột chờ đợi. Tiếng nhạc hoà trong rạp, du dương trầm bổng, chứa chan biết bao tình ái ân, như câu, như kéo, làm cho người ta quên hẳn, mà bất giác moi túi lấy tiền mua vé.”

Tối hôm đó khán giả được thưởng thức màn trình diễn mãn nhãn, ai nấy cũng đều lăn ra cười nghiêng ngả trước mỗi một động tác của anh.

Trái ngược với sự phấn khích của người xem phía dưới, trong lòng kép Tư Bền luôn nôn nóng vì lo cho người cha trong tình trạng nguy cấp ở nhà. Anh phải cố gắng diễn nốt vở kịch để làm hài lòng chủ rạp và đáp ứng tiếng reo hò.

Bìa của cuốn sách Kép Tư Bền
Kép Tư Bền là giọt nước mắt sau vầng hào quang sân khấu

Nếu muốn trả hết nợ thì kép Tư Bền buộc phải lên sân khấu, tuy được xem là một vai diễn có sự cống hiến trọn vẹn nhưng sâu bên trong lại chất chứa nỗi đau khổ tột cùng.

“Cái cảnh cuối cùng mà anh cho là lâu tới, thì khán giả cho là chóng qua! Cho nên khi sắp hạ màn, anh cúi chào, thì cả rạp vỗ tay đôm đốp. Rồi anh tưởng phen này hết nợ, quyết được về cạnh giường bệnh của cha mà nhìn thấy mặt cha một lượt sau cùng trước khi tắt nghỉ, thì ở chỗ ghế hạng nhất, người ta kêu ầm: Bis! bis!”

Tuy đã hoàn thành xong buổi biểu diễn của mình và trả hết nợ nhưng anh vẫn không kịp trở về nhà để nhìn cha lần cuối trước khi ông trút hơi thở cuối cùng, kép Tư Bền vô cùng đau khổ.

Tác phẩm khép lại đã giúp cho bạn đọc mở ra nhiều suy ngẫm về sứ mệnh của người nghệ sĩ trong xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, họ phải hi sinh bản thân để cống hiến những màn trình diễn trọn vẹn.

Ảnh bìa tác phẩm
Người nghệ sĩ phải gạt đi cảm xúc để hoàn thành tác phẩm của mình

Kép Tư Bền đã cho thấy những bi kịch sau vầng hào quang sân khấu mà ít ai hiểu được, tác phẩm khiến độc giả phải dừng lại để suy nghĩ, từ đó giúp chúng ta biết cách lắng nghe và trân trọng người nghệ sĩ nhiều hơn.

Đời nghệ sĩ như Kép Tư Bền

Cuốn sách có sức lan tỏa vô cùng lớn, tác phẩm không chỉ đến với bạn đọc mà còn giúp cho người nghệ sĩ tìm thấy sự đồng cảm. Năm 2015, Lê Dương Bảo Lâm đã đóng vai kép Tư Bền trong chương trình Cười xuyên Việt tại vòng chung kết để thể hiện nỗi niềm của những con người làm nghệ thuật.

Đêm chung kết Thách thức danh hài 2015
Vai diễn Kép Tư Bền đã giúp Lê Dương Bảo Lâm trở thành quán quân Cười xuyên Việt mùa đầu tiên

Trong làng giải trí Việt đã từng có nhiều nghệ sĩ ví mình như Kép Tư Bền bởi những cay đắng mà họ đã trải qua. Trong một bài phỏng vấn trên truyền hình, nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu từng chia sẻ: 

“Tôi có lẽ còn bi đát hơn cả Kép Tư Bền vì hai lần trước khi lên sân khấu đều nhận tin người nhà chết bất đắc kỳ tử. Lần thứ nhất xảy ra vào năm cuối đời sinh viên. Trước khi lên sân khấu diễn kịch thử nghiệm cho các sinh viên nước bạn xem, tôi nhận được tin báo ba tôi bị đánh chết. Lần thứ hai là sau khi hỏa thiêu Hữu Lộc buổi trưa, buổi tối tôi có suất diễn ra mắt một vở kịch của sân khấu Idecaf. Lần thứ nhất tôi giấu chuyện và cố diễn cho tròn vai.

Lần thứ hai, bi kịch hơn khi tôi cứ phải tưng bừng vui nhộn trên sân khấu vì đó là vở dành cho thiếu nhi. Mọi người đứng trong cánh gà sợ tôi quên, cố làm những động tác nhắc thoại, nhưng vai diễn vẫn thành công. Nói thực, lúc đó ngoài cái máu sân khấu chảy trong người, tôi phải vận dụng hết lý trí để nhập vai. Diễn xong, vào cánh gà tôi chỉ muốn đổ gục xuống vì bao nhiêu năng lượng trong người dường như bị rút sạch.”

Là một diễn viên gạo cội của làng hài Việt Nam, Hoài Linh từng tâm sự với cánh báo chí rằng: 

“Nỗi buồn của người diễn hài thấm càng lâu, càng sâu. Nhiều khi tôi ví mình như Kép Tư Bền, ngoài đời cười hỉ hả, tươi vui, nhưng trong lòng lại khóc. Đấy cũng là cái khổ của người diễn hài dễ mủi lòng, cảm động. Vì thế khi vui nước mắt tôi chảy ra ngoài, còn khi buồn cùng cực thì phải nuốt nước mắt vào trong.”

Nguyễn Công Hoan viết Kép Tư Bền không chỉ là cảm tác về cuộc đời cụ Phạm Quỳnh mà còn thể hiện được tư tưởng của ông về nghệ thuật, những giọt nước mắt sau ánh đèn sân khấu ấy đã giúp cho chúng ta có cái nhìn thấu hiểu và trân trọng hơn đối với người nghệ sĩ.

Tác phẩm được liệt vào danh sách Việt Nam danh tác
Đời nghệ sĩ như Kép Tư Bền

Tác phẩm đã sống với nhiều thế hệ độc giả bởi ý nghĩa nhân văn mà nó mang lại, cuốn sách không chỉ miêu tả những mánh khóe bốc lột vô cùng tinh vi của tên chủ gánh hát, hình ảnh đại diện cho thế lực cầm quyền của xã hội phong kiến, mà còn là sự mâu thuẫn đắng cay cuộc đời.

Trái ngược với sự vui nhộn bên ngoài là cái bi kịch ẩn sâu bên trong, Kép Tư Bền là sự hi sinh cao cả của người nghệ sĩ vì họ mất đi nhiều thứ để cống hiến những tác phẩm trọn vẹn cho độc giả và cho cuộc đời.

Thúy Trân