Nhà văn Phan Tứ là một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học cách mạng giai đoạn từ năm 1964 đến sau 1975. Cùng với Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu và Anh Đức, ông đã tái hiện một cách sống động cuộc kháng chiến chống Mỹ đau thương nhưng huy hoàng của cả dân tộc.
Vài nét khái quát về nhà văn Phan Tứ
Phan Tứ tên thật là Lê Khâm, ông sinh ngày hai mươi tháng mười hai năm 1930 tại thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Thế nhưng, nhà văn lại dành thời niên thiếu sống ở tỉnh Quảng Nam quê cha.
Cụ thân sinh của ông là nhà giáo Lê Ấm, người đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp giáo dục nước nhà với vai trò đốc học và hiệu trưởng. Ông ngoại là cụ Phan Châu Trinh, nhà hoạt động chính trị có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam.
Xuất thân từ một dòng họ kiệt xuất như thế, Phan Tứ đã sớm bộc lộ sự thông minh hơn người đối với việc học ngôn ngữ. Khi chỉ mới mười lăm tuổi, ông đã gia nhập đội tuyên truyền xung phong của tỉnh Quảng Nam rồi sau đó, tham gia cướp chính quyền địa phương trong Cách mạng tháng Tám.
Cả đời nhà văn đã rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí ông còn đi xa đến vùng biên giới Việt-Lào. Những trải nghiệm trên từng chặng đường ấy in dấu đậm nét trong các tác phẩm của ông.
Năm 1950, Phan Tứ nhập ngũ và theo học tại trường lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Trung Bộ. Một năm sau, ông tốt nghiệp và theo đội quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu ở chiến trường Hạ Lào.
Những năm tháng hoạt động cách mạng trên vùng đất Triệu Voi đã mang đến nguồn cảm hứng lớn để nhà văn sáng tác nên nhiều thiên tiểu thuyết đặc sắc.
Năm 1954, Phan Tứ theo đơn vị tập kết ra bắc và bốn năm sau thì trở thành sinh viên khoa Ngữ Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính tại đây, tài năng văn chương của ông được hun đúc và nở rộ khi các tác phẩm đầu tay như Bên kia biên giới và Trước giờ nổ súng lần lượt ra đời.
Cả hai tác phẩm đều viết về cuộc chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam ở vùng Hạ Lào và thể hiện rõ hành trình hai dân tộc vượt qua sự chia rẽ để cùng đoàn kết giành lại nền hòa bình độc lập cho toàn cõi Đông Dương.
Cụ Lê Ấm từng là thầy giáo của nhiều nhà văn nổi tiếng như Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hà Huy Giáp. Vì thế, ông rất nghiêm khắc trước tài năng văn chương của con trai mình.
Ông hiếm khi nào khen ngợi tác phẩm của Phan Tứ mà luôn đưa ra những lời nhận xét sắc sảo về điểm hay và chưa hay. Sự dạy dỗ ấy đã hình thành nên một nhà văn tỉ mỉ trong từng con chữ, từ chối mọi sự cưng chiều.
Sau khi tốt nghiệp đại học, nhà văn về công tác tại chiến trường miền Nam, ông đảm nhiệm nhiều vai trò, từ phái viên tuyên truyền khu ủy Liên khu Năm đến ủy viên đảng đoàn Văn nghệ. Đây cũng là thời điểm ông tập trung vào việc sáng tác dưới bút danh Phan Tứ và dần được biết đến rộng rãi hơn.
Sau quãng thời gian hoạt động cách mạng sôi nổi, sức khỏe nhà văn yếu dần bởi ảnh hưởng của chất động hóa học trên chiến trường và đến năm 1966 ông phải ra Bắc để chữa bệnh. Dù đã rút về hậu phương nhưng Phan Tứ vẫn tiếp tục viết lách hăng say, ông công tác tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, sau đó giữ chức Tổng biên tập Nhà xuất bản Giải phóng.
Những năm tháng cuối đời, nhà văn trở về sống và làm việc tại quê hương Quảng Nam, ông cho ra đời nhiều tác phẩm đặc sắc như Mẫn và tôi, Trong mưa núi hay Người cùng quê. Với nhiều cống hiến cho cách mạng và nghệ thuật, Phan Tứ đã được Nhà nước trao tặng hơn mười huân chương lao động cũng như giải thưởng văn học.
Nét đặc sắc trong các sáng tác của nhà văn Phan Tứ
Suốt sự nghiệp cầm bút của mình, Phan Tứ sáng tác đa dạng thể loại, từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến bút ký, thi thoảng còn dịch và làm thơ. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến là Mẫn và tôi, Trước giờ nổ súng, Bên kia biên giới hay Người cùng quê.
Cũng như những nhà văn cách mạng cùng thời, Phan Tứ đứng trong dòng chảy của lịch sử để tái hiện không khí kháng chiến chống Mỹ lên trang sách. Nếu Chu Lai hay viết về chiến trường Đồng Khởi Bến Tre, thì Phan Tứ thường mang thiên nhiên và bộ đội miền Trung vào tác phẩm.
“Gió trở chiều từ lúc nào, lùa qua đèo tạt xuống sông Xê Ban. Chung quanh hai người bạn, những tiếng trầm thanh của thác, rừng, voi, chim cùng hòa thành một điệu nhạc xô bồ, dữ dội, ngùn ngụt tỏa lên rung trời. Sông núi Lào đang hát khúc anh hùng ca đời đời không tắt.”
– Trước giờ nổ súng
Những người chiến sĩ của ông không chỉ đối diện với mưa bom bão đạn mà còn đứng trước cảnh lũ lụt và sạt lở đất giữa rừng núi. Dù khó khăn chồng chất, họ vẫn sống và chiến đấu can trường vì sự nghiệp giải phóng nước nhà.
Bên cạnh lực lượng tiền tuyến, hình ảnh những người phụ nữ hậu phương cũng là nguồn cảm hứng lớn để Phan Tứ cho ra đời những áng văn xuôi đặc sắc. Trong tiểu thuyết Gia đình má Bảy, cuộc chiến được nhìn qua đôi mắt của người mẹ già đã lặng lẽ nuôi giấu bộ đội suốt bao năm tháng.
Nửa thế kỷ cuộc đời má sống giữa các cuộc càn quét của kẻ thù và đồng hành cùng người anh hùng của dân tộc trên bước đường đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Giữa trang văn Phan Tứ, tất cả những con người ấy hiện lên thành tượng đài đẹp nhất cho thế hệ cha ông ta.
“Má Bảy thở nhẹ một cái, bồn chồn và thoáng mừng. Rồi má cúi xuống cạy nốt những hạt dầu lai đã đập nứt vỏ. Dưới mũi dao xoi, lớp nhân màu ngà rã vụn, rơi xuống đĩa. Một cột mưa khác kéo qua, má lại nhìn, và những cảm giác đã mòn lại đến rồi đi.”
– Gia đình má Bảy
Cùng với yếu tố nội dung, cách nhà văn huy động vốn từ cũng có nhiều nét độc đáo. Các sáng tác của Phan Tứ đạt đến sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ toàn dân và lối nói của người bản địa. Nếu không có quãng thời gian gắn bó với nhân dân Lào, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới thì nhà văn chẳng thể nào vận dụng từ ngữ linh hoạt được như vậy.
Bên cạnh đó, Phan Tứ đôi khi còn xen câu hò, bài thơ vào giữa những đoạn đối thoại, khiến tác phẩm thoát ra khỏi khuôn khổ của áng văn xuôi thông thường và thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn.
Câu chuyện đằng sau tác phẩm Mẫn và tôi
Mẫn và tôi là thiên tiểu thuyết kể về mối tình giữa trung đội phó Thiêm và cô Mẫn, nữ chỉ huy mười hai đơn vị du kích của vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam. Đây là câu chuyện tình yêu lý tưởng, đã trở thành tượng đài trong lòng thế hệ thanh niên yêu nước ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước năm 1975.
Nhân vật Mẫn trong tác phẩm được xây dựng dựa trên nguyên mẫu có thật ngoài đời, vào thời kỳ Phan Tứ về hoạt động cách mạng tại tỉnh Quảng Nam, ông đã gặp gỡ bà Phận, một nữ giao liên của địa phương.
Gia đình bà đã nuôi giấu người bộ đội tên Bốn Gương (biệt danh của Phan Tứ ở đơn vị) trong khoảng thời gian ông về xã đứng lớp đào tạo cán bộ. Vào những lúc địch lùng ráo riết, một tay Út Phận đưa cơm nước quần áo vào hầm ẩn náu cho ông.
Cùng gắn bó hoạt động cách mạng, tình cảm đã chớm nở giữa hai người cán bộ trẻ và tài năng. Họ có với nhau một người con trai vào năm 1963 nhưng kể từ khi Phan Tứ chuyển công tác và ra Bắc chữa bệnh, hai người đã không còn gặp lại.
“Phải không em, Mẫn, dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau; có phải lúc này em đang quấn quít bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt nên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng?”
– Mẫn và tôi
Sau này khi tác phẩm Mẫn và tôi được công chúng biết đến rộng rãi, người ta mới nhận ra cô Mẫn đó chính là bà Út Phận. Đến tận lúc cuối đời, nhà văn Phan Tứ vẫn chưa một lần nói về câu chuyện đằng sau tác phẩm này. Người đời chỉ thấy một cô Út Phận, dù đã bao năm tháng trôi đi vẫn treo ảnh Phan Tứ trên xà nhà và luôn hoài niệm về mối tình xưa.
Chuyện tình đẹp như tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ và vợ
Nhà văn Phan Tứ và vợ là bà Đinh Thị Phương Thảo quen biết nhau từ những ngày cả hai còn học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội qua sự mai mối của một người bạn. Nếu như ông đỗ đầu ngành văn của khóa thì bà cũng là sinh viên ưu tú của khoa lịch sử.
Nhờ hoạt động gặt lúa giúp dân giữa hai lớp mà nhà văn và Thảo đã có nhiều dịp gặp gỡ. Sức khỏe của bà vốn yếu, làm đồng áng chẳng bằng các bạn học nên hồi ấy, Phan Tứ luôn cố ý hoàn thành sớm phần việc của mình để qua đỡ đần cho người thương.
Vào những lúc Thảo bị bệnh tật hành hạ, ông thường xuyên tới lui thăm hỏi và mang theo quà bánh. Tình yêu thương cùng sự chăm sóc ân cần của Phan Tứ đã khiến bà cảm động và từ đó một mối tình nên thơ chớm nở.
Trải qua thời gian dài bầu bạn, cả hai quyết định sẽ tiến đến hôn nhân sau khi tốt nghiệp đại học nhưng do Phan Tứ nhận lệnh vào chiến trường miền Nam công tác nên cặp đôi đành gác lại dự tính riêng vì sự nghiệp lớn của dân tộc.
Trong năm tháng hoạt động cách mạng ở Liên khu Năm, thứ duy nhất làm cầu nối cho Phan Tứ và Phương Thảo là những lá thư tay chứa đựng lời bày tỏ và động viên đượm ân tình.
“Anh tự hào vì em, vì có một người yêu đã hiểu được ý nghĩa cao đẹp của những hy sinh tạm thời, vì người bạn đời của anh yêu ra yêu và sống ra sống… Chúng ta yêu nhau nồng nàn và trinh bạch nhưng không ích kỷ, chúng ta biết sống những ngày đầy căng lao động sáng tạo, biết tạm gác hạnh phúc riêng và ngày mai hạnh phúc lại đến với chúng ta thắm đẹp hơn bội phần. Em muôn ngàn thương yêu, em giữ hạnh phúc của anh trong tay em đó… Em đã viết cho anh những lời hứa hẹn nồng nàn, quyết chung thuỷ với anh trọn đời. Cám ơn em đã chia sẻ với anh những thử thách mới, dành riêng cho anh những năm tuổi trẻ đáng lẽ được hưởng hạnh phúc lứa đôi.”
– Thư Phan Tứ gửi Thảo năm 1963
Tháng 11 năm 1966, sau khi nhà văn Phan Tứ trở về Hà Nội, họ đã có một đám cưới đầm ấm bên người thân và một năm sau thì chào đón đứa con trai đầu lòng. Từ đó trở đi, Phan Tứ luôn có vợ đồng hành trên hành trình vừa tiếp tục sáng tác vừa chống lại bệnh tật từ chất độc màu da cam.
Trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam, Phan Tứ hiện lên như một viên ngọc sáng với nhiều nét độc đáo trong việc lựa chọn đề tài cũng như xây dựng hình thức tác phẩm. Dù ông đã đi xa nhưng những áng văn xuôi đặc sắc mà ông đã miệt mài sáng tác sẽ sống mãi trong lòng tất cả người yêu văn chương.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất