Trong khoảng một thập kỷ tính từ những năm 1920 thì trên thi đàn văn học Việt Nam, không có nhà thơ nào nhận được nhiều sự yêu mến như Tản Đà. Ngay cả khi phong trào thơ mới trở nên phổ biến, cái tên Tản Đà không còn nổi bật như trước thì cũng không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ông cho nền văn chương nước nhà.
Cuộc đời và sự nghiệp đầy thăng trầm của Tản Đà
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, ông sinh năm 1889 tại Sơn Tây, Hà Nội và mất năm 1939, khi tác giả mới năm mươi tuổi. Nhà thơ tạo nên bút danh của mình bằng cách ghép tên của ngọn núi Tản Viên cùng con sông Đà nổi tiếng ở quê hương ông.
Tản Đà dành phần lớn cuộc đời cho nghề cầm bút và ghi dấu tên tuổi của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau như thơ ca, văn xuôi, nhạc kịch cũng như báo chí. Dù cho ở thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp hay khi dần lùi vào quá khứ thì ông vẫn nhận được vô vàn sự kính trọng của thế hệ sau này.
Đôi nét về cuộc đời của Tản Đà
Tản Đà sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng bởi thế ông được tiếp cận với tri thức từ lúc còn nhỏ. Tác giả học Tam tư kinh, Ấu học ngũ ngôn thi, Dương tiết khi mới năm tuổi, một năm sau thì ông biết luận ngữ, kinh, truyện và chữ quốc ngữ.
Tản Đà thể hiện khả năng thiên phú của mình với văn chương khi ông có thể làm thơ, viết câu đối vào thời điểm bản thân mới chỉ mười tuổi. Khắp vùng Sơn Tây xôn xao về người thi sĩ này và người dân nơi đây coi ông là một thần đồng.
Tiếp nối truyền thống thi cử của gia đình, Tản Đà cũng từng ôn luyện và tham gia các cuộc thi, tuy nhiên hai lần ông đều không đỗ đạt. Với tính tình ngạo nghễ, nhà thơ không cho rằng mình trượt vì bản thân không có tài, trong một cuốn tự truyện ông giải thích:
“Bởi ông hay quá, ông không đỗ
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông.”
– Tự trào
Sau nhiều lần không thành danh trên con đường khoa bảng, Tản Đà chuyển hẳn sang nghề viết lách và kiếm kế sinh nhai từ chữ nghĩa của bản thân. Năm 1915, những bài tản văn đầu tiên của ông được đăng lên Đông dương tạp chí, đánh dấu cột mốc ban đầu trong sự nghiệp cầm bút của tác giả.
Những năm từ 1915 đến 1926 có thể coi là giai đoạn vinh quang nhất trong cuộc đời Tản Đà, khi mà cả sự nghiệp sáng tác thơ văn cũng như viết báo của ông đều đạt đến đỉnh cao.
Tuy nhiên thời điểm Thơ mới bùng nổ và phát triển mạnh mẽ, những tác phẩm của ông thất thế giữa thời cuộc thì đời sống nhà thơ gặp nhiều khó khăn. Ngày tháng gian nan ấy, Tản Đà đã có lần phải mượn ngòi bút để chút đi nỗi sầu.
“Mỗi một phen ra đời lại một phen thất bại, mỗi một phen thất bại, đầu tóc lại bạc thêm”
– Giấc mộng lớn
Tính cách của Tản Đà được kể lại qua ánh mặt của những người cùng thời, hầu hết bạn bè của nhà thơ đều cho rằng ông rất ngông nghênh, khó gần. Tản Đà trong văn chương và trong đời sống không có mấy khác biệt, khi tác giả mang hầu như cá tính của mình vào mỗi trang viết.
Trong cuộc đời Tản Đà, Ngô Tất Tố là người bạn thân thiết nhất với ông, người đã cùng tác giả gây dựng nên An Nam tạp chí lại cùng ông vào Nam để tiếp tục sự nghiệp. Thế nhưng người bạn này đã tuyệt giao với nhà thơ trong mười năm cuối cuộc đời. Ngô Tất Tố trách móc Tản Đà rằng:
“Cái tội nặng nhất của Tản Đà là không biết sửa sai, không biết nghe lời anh em khuyên bảo. Cái số anh em thành thực khuyên ông rất hiếm, còn cái số nâng ông lên, sợ cái tài ông mà không dám làm mích lòng ông thì cả đống. Vì có nhiều kẻ nịnh ông một cách mù quáng như thế, ông bị hại mà không biết, mỗi ngày mỗi tự phụ thêm lên.”
Đến những năm cuối của cuộc đời, Tản Đà vẫn sống lay lắt từng ngày nhờ vào nghề viết lách và ông tạ thế để lại vợ con trong cảnh túng quẫn, nghèo khổ. Cuộc đời người nghệ sĩ trải qua biết bao thăng trầm, với một cái tôi ngông nghênh cùng tâm lòng tận tụy với văn chương, tên tuổi ông đã ghi dấu sâu sắc trong lòng hậu thế sau này.
Sự nghiệp cầm bút nhiều biến động
Tản Đà là một trong những người đầu tiên coi văn chương là một nghề nghiệp, ông không chỉ xem làm thơ viết văn như một niềm vui mà còn sử dụng chữ nghĩa của mình kiếm kế sinh nhai. Tác giả gần như gắn cả cuộc đời với nghiệp viết lách, điều đó được minh chứng qua vô số ấn phẩm trên báo cùng những sáng tác được xuất bản thành sách.
Sau khi tác phẩm đầu tiên của ông được đăng trên Đông dương tạp chí, nó ngay lập tức gây được tiếng vang, lớn đến mức tờ tạp chí này phải tạo riêng một mục mang tên Tản Đà văn tập cho sáng tác của ông.
Cũng trong năm 1915, tập thơ Khối tình con I của tác giả được xuất bản, biến cái tên Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn lúc bấy giờ. Sau thành công vang dội này, ông cho ra mắt liên tiếp các tác phẩm vào những năm sau đó như Giấc mộng con I, Khối tình con II, Đài gương, Đàn bà Tầu, Thần tiền, Lên sáu, Lên tám, Còn chơi cùng một số sáng tác khác.
Tờ Nam phong tạp chí mặc dù hết lời khen tập thơ Khối tình con I của tác giả nhưng đến khi Giấc mộng con I được xuất bản họ lại chê bai cay nghiệt. Sự kiện này gây ra làn sóng dư luận mạnh mẽ khiến cái tên Tản Đà càng nhận được nhiều sự chú ý.
Tản Đà rất nghiêm túc đối với nghề viết báo của mình, bên cạnh việc viết bài cho các tờ báo thì ông cùng Ngô Tất Tố dành rất nhiều tâm huyết để gây dựng An Nam tạp chí vào năm 1926. Mặc cho nỗ lực của tác giả, An Nam tạp chí bị đình bản vĩnh viễn do thiếu hụt tài chính khi mới chỉ xuất bản được 48 số.
Có thể coi thơ là lĩnh vực quan trọng nhất trong sự nghiệp cầm bút của Tản Đà. Những sáng tác của ông đa dạng về chủ đề, phong phú về thể loại. Nhìn chung sáng tác của nhà thơ, mang nét đặc trưng phóng khoáng, ngông nghênh nhưng cũng không kém phần hào hoa, lãng mạn. Xuân Diệu từng ca ngợi vần thơ của Tản Đà rằng:
“Chính cái sầu trong thơ Tản Đà là đầu mối quỷ thuật chính yếu để dụ người ta.”
Nhiều người đánh giá, sáng tác của Tản Đà là dấu gạch nối giữa văn học trung đại và hiện đại, điều này là bởi ông sinh ra khi đất nước đang trong buổi chuyển giao. Văn chương của Tản Đà vẫn mang những nét cổ điển của Nho giáo thế nhưng nhà thơ cũng học hỏi cái mới, khiến tác phẩm của ông vượt ra khuôn mẫu cả về nội dung lẫn hình thức.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước diễn ra mạnh mẽ và bản thân nhà thơ cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bởi tinh thần này. Bài thơ Thề non nước là sáng tác tiêu biểu nhất cho tư tưởng yêu nước của Tản Đà.
“Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không”– Thề non nước
Thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp Tản Đà trôi qua, những năm 1930 khi phong trào Thơ mới chiếm ưu thế trên mọi diễn đàn thì những tác phẩm của ông mất chỗ đứng trên văn đàn lúc bấy giờ. Thậm chí tờ báo của Tự lực văn đoàn còn chê bai thi sĩ bằng lời lẽ mạt sát, tệ bạc.
Những năm cuối đời, Tản Đà sống im lặng trong sự nghèo túng và dành chút sức lực còn lại để dịch thuật các tác phẩm như Liêu Trai chí dị , Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Thời hiền thi tập.
Tưởng rằng cái tên lừng danh một thời đã mãi lui về một thời quá vãng nhưng sau này tên tuổi của ông được hồi sinh. Những nhà thơ mới ca ngợi đóng góp của Tản Đà cho nền văn chương nước nhà, thậm chí khi tác giả qua đời một loạt tên tuổi đã chắp bút những tác phẩm về ông như Tản Đà một kiếm khách của Nguyễn Tuân hay Lưu Trọng Lư với Khi nắp quan tài đậy.
Tản Đà cả đời cống hiến cho con chữ, dù cho trải qua nhiều thăng trầm, có khi ông bị lu mờ bởi những cái tên mới nhưng đến cuối cùng nhờ tài năng và tâm huyết của mình, ông đã một lần nữa khẳng định vị thế của bản thân trong dòng chảy miên viễn của văn học Việt Nam.
Người thi sĩ của hai thế kỷ
Tản Đà hòa mình vào dòng chảy văn học Việt Nam trong giai đoạn 1900 đến 1930, thời điểm này cùng với sự thay đổi của kinh tế, văn hóa, xã hội thì văn chương cũng chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ.
Sống trong bối cảnh xã hội như thế, sáng tác của Tản Đà chịu không ít tác động từ thời cuộc và nó đã hình thành nên cái giao thời trong thơ ca tác giả. Những tác phẩm của ông kết hợp giữa văn học truyền thống với hiện đại, điều này thể hiện ở cả mặt nội dung và hình thức.
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh đã từng cảm tạ trước công lao của Tản Đà, người đặt những viên gạch đầu tiên cho sự chuyển giao từ thơ ca trung đại sang hiện đại:
“Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa.”
– Thi nhân Việt Nam
Về đề tài sáng tác, thơ ca Tản Đà vẫn chủ yếu tập trung vào tình yêu nam nữ cùng lòng yêu nước thầm kín. Khi viết về quê hương, dù mang nỗi căm hờn giặc sâu sắc nhưng nhà thơ chưa dám thể hiện một cách quyết liệt, rõ nét.
Tuy nhiên, phải thừa nhận nỗ lực thay đổi của Tản Đà khi mang nhiều hơn cái tôi cá nhân vào các trang viết đồng thời loại bỏ dần tư tưởng yêu nước của nho giáo là trung quân, ái quốc. Không chỉ thế, thi sĩ còn đứng về phe nhân dân, những người yếu thế, dù cho chưa thực sự mạnh mẽ nhưng đã bộc lộ được chất cảm thương ưu ái trong thơ ông.
“Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan
Lại tiếng kêu giời ở Nghệ An
Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng
Mà tay Phan Tử lấy ba ngàn
Cũng phường dối nước quân ăn cắp
Cũng lũ tàn dân giống hại đàn
Lạnh lẽo hơi sương toà tạp chí
Lệ ai dàn dụa với giang san!”– Cảm đề
Tản Đà kế thừa và phát huy khá xuất sắc thơ ca truyền thống với các thể lục bát hay song thất lục bát, ông còn chắp bút các tác phẩm hát nói và xẩm. Ngôn ngữ trong sáng tác của nhà thơ bình dị, dễ tiếp cận, kết hợp với thể thơ dân tộc, ông biến chúng thành “ca dao dân ca hiện đại”.
Trong thời kỳ, văn học phương Tây có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nước ta với nhiều thể loại mới thì Tản Đà mạnh dạn thử sức viết tiểu thuyết. Ông không ngừng tìm hướng đi mới cho bản thân để cùng hòa vào thời cuộc, tuy nhiên do chịu ảnh hưởng lâu dài của nho giáo, sự thay đổi của tác giả chưa thực sự thành công, lối viết còn mang nhiều nét cổ điển.
Mặc dù những đổi mới của Tản Đà chưa hoàn thiện, còn vướng bận nhiều của văn học cũ nhưng phải khẳng định nỗ lực cũng như đóng góp của ông cho những thay đổi bước đầu.
Hai thời đại văn học cùng chảy trên những trang viết của Tản Đà là nguồn cảm hứng cho vô vàn thành công vang dội của thế hệ nhà thơ, nhà văn sau này. Đúng như những nhận xét của Hoài Thanh, ông xứng đáng là người thi sĩ của hai thế kỷ.
Cái ngông trong văn chương của Tản Đà
Tản Đà sống trong thời đất nước loạn lạc, cả dân tộc chứng kiến một chế độ phong kiến đang sụp đổ xong lại đang nằm dưới nòng súng của thực dân, bởi thế con người vô cùng khốn khổ và bất mãn.
Là một người thi sĩ căm thù ngoại xâm nhưng lại chưa sẵn sàng tham gia kháng chiến, Tản Đà vô định giữa thời cuộc. Không thể chống lại thực tại nên ông phải ngông, đây là thái độ của con người tài hoa bất mãn với cuộc đời nên tìm đến lối sống tự do và phóng túng.
Trước Tản Đà, ta cũng bắt gặp một nhà thơ ngông đó là Nguyễn Công Trứ nhưng họ khác nhau về thời thế nên cái ngông trong mỗi người cũng khác nhau và có thể nói nét tính cách này ở Tản Đà mạnh mẽ cũng như mới lạ hơn.
Cái tôi thoát ly vào cõi mộng
Trong thời thế rối ren, Tản Đà bất lực trước thực tại, ông không thể tìm thấy lối thoát cho bản thân nên nhà thơ quyết định thoát ly vào cõi mộng, tìm đến chị Hằng, chú Cuội để quên đi khốn khổ ở trần thế.
Trong tác phẩm Hầu Trời, người thi sĩ muốn lên tới tiên giới để đọc thơ cho chư tiên nghe và nhận lời khen từ những vì thánh thần. Qua đó, không chỉ thể hiện được cái ngông nghênh của Tản Đà mà còn bộc lộ sự cô đơn của ông trước hiện thực.
Ông đọc hết thơ rồi văn xuôi cho Trời một cách ung dung, tự tại không chỉ thế Tản Đà còn tự ca tụng tài năng của mình, nâng tầm vóc bản thân ngang hàng với trời xanh. Thoát ra khỏi trần gian, tác giả chỉ còn biết nương tựa vào thần tiên mà ngạo nghễ với cuộc đời.
“Đêm khuya khí thanh sao thưa vắng
Trăng tà đưa lối về non Đoài.
Non Đoài đã tới quê trần giới,
Trông lên chư tiên không còn ai.Tiếng gà xao xác, tiếng người dậy
Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi
Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đêm lên hầu Trời.”– Hầu trời
Tản Đà không chỉ tìm ông Trời mà trong Muốn làm thằng Cuội, thi nhân còn lên tới cung Trăng mong chị Hằng, chú Cuội có thể cùng ông bầu bạn. Một lần nữa sự cô đơn lại thấm vào từng câu chữ khi ở chốn trần gian, nhà thơ không có ai để trò chuyện, tâm sự, chia sẻ thú thơ ca.
Ông quay lưng với thực tại để ẩn mình nơi cung quế, mỗi đêm Rằm tháng Tám cùng chị Hằng, chú Cuội ghé xuống thế gian cười. Nụ cười ấy vừa mỉa mai cho trần gian loạn lạc lại vừa chua xót cho kiếp thi nhân phong tình nhưng bạc mệnh.
“Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.”– Muốn làm thằng Cuội
Người thi sĩ rối ren trước những đổi thay của xã hội xong lại là một người rất ưa mộng, ông trăn trở từ Giấc mộng con đến Giấc mộng lớn. Trốn khỏi thực tại bởi những bất mãn nhưng Tản Đà không hoàn toàn thoát ly mà đâu đó trong những sáng tác của mình, ta vẫn thấy ông đau đáu một nỗi niềm với dân tộc.
Tản Đà dùng bản lĩnh của mình để ngông và dùng cái ngông ấy để sáng tạo ra nghệ thuật chân chính. Ở thời đại văn chương rẻ mạt, nhà thơ chỉ còn cách hòa vào tiên cảnh để tỏ lòng mình cũng như thể hiện hết tài năng của bản thân. Cái tôi thoát ly hiện thực chính là biểu hiện rõ nét nhất tính cách ngông nghênh, ngạo mạn trong thơ ca Tản Đà.
Cái tôi muốn khẳng định bản thân của Tản Đà
Tản Đà là người nhận thức được rất rõ giá trị của bản thân và luôn khao khát muốn khẳng định mình. Dẫu có thi cử không đỗ đạt hay thất thế vì thời đại thì nhà thơ vẫn mang một tiếng nói cá nhân rất mạnh mẽ.
Sống giữa hai thời đại, Tản Đà dần tự mình phá bỏ những khuôn phép cũ để sống một cuộc đời tự do và phóng túng. Nhà thơ hưởng lạc thú vui trần thế bằng cách đắm say trong nồng nàn của men rượu cũng như thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên.
Ông mượn cái say sưa của rượu để quên đi sự đời đau khổ, không chỉ thế cái ngông còn lên đến đỉnh điểm khi Tản Đà cho rằng trời đất cũng giống như ông đang mê man trong chén rượu, vì vậy thi nhân không còn phải xấu hổ.
“Say sưa thì cũng thói hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười.”
– Lại say
Là một người thấm nhuần tư tưởng nho giáo, Tản Đà có quan điểm rõ ràng về chí làm trai cũng như vai trò của nam nhi khi được sinh ra. Ông cho rằng đã là nam nhân phải sống sao cho cuộc đời kiêng nể và ra sức gánh vác thiên hạ cho đáng mặt anh hào.
Không có tài năng và bản lĩnh thì không thể ngông và Tản Đà hiểu rõ điều đó nên ông luôn đắc ý với trời đất về khả năng văn chương thiên bẩm. Trong bài Hầu trời, tác giả khoe khoang với thần tiền về cái giỏi của mình, những lời khen Trời ban cho cũng là lời ông ca ngợi chính bản thân.
Trước Tản Đà, ít có nhà thơ nào có cái tôi cá nhân mạnh mẽ đến thế, ông ngạo nghễ sánh ngang mình với vũ trụ qua đó thấy được nhà thơ rất trân trọng giá trị của bản thân. Mặc dù sống trong thời đại mà văn chương không có chỗ đứng, ông vẫn cầm bút một cách nghiêm túc và cống hiến hết mình cho nó.
Tản Đà một người nghệ sĩ tài hoa và cốt cách, đã dùng cái ngông để phản kháng với cuộc đời, quay lưng với những mục nát của xã hội, ông không chấp nhận sự kìm kẹp của định kiến mà tìm đến một cuộc sống phóng túng, tự do khẳng định tài năng của bản thân.
“Chúng ta hiện nay có một tâm hồn khúc chiết, dù xu hướng về một lối thơ hợp với những tình cảm mới, chúng ta vẫn yêu và kính phục luôn luôn nhà thi sĩ thứ nhất đã cho chúng ta nghe những khúc giáo đầu đặc biệt tài hoa, những khúc giáo đầu của thơ hiện kim, của Thơ mới.”
– Công của thi sĩ Tản Đà
Tản Đà sinh ra trong buổi giao thời, ông mang một cái tôi đầy trăn trở, người thi sĩ không ngừng nỗ lực thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Mặc dù những suy suyển trong tư duy cũng như cách viết của ông chưa đủ để gọi là nhà thơ mới nhưng nó đã đặt nền móng cho thời kỳ hoàng kim của Văn học lãng mạn sau này.
Sự nghiệp và cuộc đời có thăng trầm nhưng Tản Đà vẫn xứng đáng với danh phong người thi sĩ của hai thế kỷ. Đóng góp lớn lao của ông cho nền văn học Việt Nam sẽ mãi được trân trọng và tôn vinh.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất