Trường An thuộc trong số ít những nhà văn mang đến cho người đọc một luồng gió mới với các cuốn tiểu thuyết về đề tài lịch sử, tuy là một cây bút trẻ nhưng cô vẫn chứng minh được tài năng của mình trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Đôi nét về Trường An và chặng đường văn học của cô
Trường An khá kín tiếng về đời sống cá nhân của mình, mọi người chỉ biết đến cô qua những tác phẩm được đăng trên blog cá nhân, vào năm 2017, lần đầu tiên độc giả có cơ hội gặp mặt nhà văn khi cô cho ra mắt bộ ba tiểu thuyết lịch sử Thiên hạ chi vương, Vũ Tịch và Hồ Dương.
Mục đích ban đầu khi tìm đến viết lách của Trường An là để giải tỏa tinh thần nhưng bạn đọc lại vô cùng yêu mến những tiểu thuyết được cô đăng tải lên diễn đàn nên giữa tác giả và văn chương đã có một sợi dây liên kết vô cùng khăng khít, từ đó Trường An quyết định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp.
“Có lẽ viết là cách giải tỏa tinh thần. Có những người không viết là không chịu được vậy. Một câu chuyện ở trong đầu mình, mình cần phải viết nó ra. Câu chuyện nào mà tôi đã bắt đầu thì phải viết. Nếu không viết có thể bứt rứt.”
– Trường An
Nhà văn bắt đầu viết lách khá sớm, từ khi còn học lớp năm cô đã có truyện ngắn được đăng lên báo Nhi Đồng, sau này Trường An tự tạo cho mình một blog riêng để chia sẻ những tác phẩm do bản thân chắp bút.
Trong thời gian đầu, thể loại mà cô theo đuổi là tiểu thuyết tình cảm và fanfiction, theo như Trường An chia sẻ thì việc mình chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử, thể loại mang đến cho cây bút trẻ nhiều thử thách lớn là do cơ duyên.
“Chọn tiểu thuyết lịch sử trước tiên là có duyên. Ban đầu tôi thích một nhân vật lịch sử có tên Lê Ngọc Bình (1785-1810, còn gọi Lê Đức Phi, là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành hoàng hậu nhà Tây Sơn, sau đó là phi tần của vua Gia Long). Sau đó tôi tìm hiểu về nhân vật và viết dần ra.”
Bởi một chủ đề nhạy cảm như lịch sử luôn đòi hỏi ở tác giả không chỉ là tài văn chương mà còn cả sự nhạy bén và tinh tế nên xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam, ít có nhà văn nào dám đặt bút viết về thể loại này. Ta có thể kể đến một vài cái tên nổi bật như Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Xuân Khánh.
Nữ nhà văn luôn đề cao việc nỗ lực tìm tòi lịch sử cũng như khả năng sáng tạo để biến hóa chúng vào trang văn của mình nên trong thế hệ các nhà văn trẻ hiện đại, Trường An thuộc vào số ít những gương mặt nổi bật khi viết về đề tài này.
Trường An đặt rất nhiều tâm huyết trong các tác phẩm, vì cô luôn tỉ mỉ xây dựng cuộc đời cho từng nhân vật nên những số phận nghiệt ngã ấy đã tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của nhà văn, cây bút trẻ từng chia sẻ rằng:
“Những câu chuyện tôi chọn toàn là bi kịch. Viết đến đoạn cuối tâm trạng thường rất nặng nề. Bởi vậy khi hoàn thành thì cảm thấy nhẹ nhàng, không biết có nên dùng từ nhẹ nhàng trong hoàn cảnh này không nữa. Bởi viết bi kịch xong, có khi tâm trạng mình cũng chìm luôn, có những tác phẩm viết xong mà cần đến nửa năm tôi mới hồi phục tinh thần lại.”
Dù các tác phẩm viết về đề tài lịch sử của Trường An chưa thực sự hoàn hảo nhưng sự chuyển mình trong việc lựa chọn thể loại đã tạo nên một dấu ấn đột phá trong sự nghiệp sáng tác cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Quan niệm của tác giả về việc đưa lịch sử vào trong tiểu thuyết
Trường An cho rằng, lịch sử được nhân loại ghi chép rất lạnh lùng, khô khan nhưng khi được đưa vào văn chương thì nó sẽ đến với người đọc một cách hấp dẫn và trọn vẹn nhất.
Không chỉ vậy, qua các tác phẩm của Trường An, độc giả sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về lịch sử đồng thời họ sẽ dễ dàng trong việc tiếp cận các nhân vật và sự kiện ở một góc độ hoàn toàn khác với trên sách vở.
Đây là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với các nhà văn, bởi khi viết tiểu thuyết lịch sử sẽ có rất nhiều yêu cầu được đặt ra, họ phải đổi mới tư duy cũng như làm thế nào để những tình tiết hư cấu nằm trong khuôn khổ cho phép. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng:
“Tôi nghĩ tính dễ nhạy cảm, dễ gây tranh cãi cũng là tính hấp dẫn của đề tài lịch sử. Nếu như có tranh cãi, có sự không đồng thuận cũng là lẽ thường và lành mạnh trong một nền văn học dân chủ tiến bộ. Nhà văn viết về đề tài lịch sử chúng tôi trước khi viết đã phải đánh giá lịch sử sao cho công bằng, khách quan khoa học, tránh chủ quan làm sai lệch vấn đề. Nhà văn chịu trách nhiệm về những trang viết của mình. Còn những nhà phê bình, nhà quản lý thì cũng nên bình tĩnh khách quan, tránh thành kiến, đao to búa lớn”.
Đối với Trường An, cô quan niệm khi cầm bút trước hết phải tôn trọng và viết sao cho đúng lịch sử, nhà văn luôn nỗ lực dùng ngôn từ của mình để thuyết phục người đọc về tính hợp lý của tuyến nhân vật cũng như những tình tiết truyện do bản thân tạo ra.
Vì mỗi người đều có cách nhìn và quan điểm về lịch sử khác nhau nên một nhà văn trẻ như Trường An phải luôn lắng nghe nhiều luồng dư luận đa chiều, từ đó bản thân cô có thể xây dựng một lập trường vững chãi cho những ý kiến của riêng mình.
Các nhà văn phải vượt qua rất nhiều rào cản nhằm tạo ra một tác phẩm hoàn hảo nhất mang đậm dấu ấn cá nhân và Trường An chính là như thế, cô đã góp phần vào việc giúp cho văn đàn Việt Nam trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.
Điểm qua một vài tác phẩm đặc sắc của Trường An
Lần đầu tiên khi đọc một cuốn sách về lịch sử, Trường An đã bị lôi cuốn bởi một nước Nam không chỉ có các cuộc trường chinh hay những triều đại kéo dài, cõi phương Nam mang trong mình cả những câu chuyện rất đẹp đẽ mà cũng rất đau thương.
Chính từ niềm yêu thích ấy, Trường An đã chắp bút để viết nên những tác phẩm từ góc nhìn của riêng mình. Cô chủ yếu xây dựng những nhân vật có số phận bi thương, trắc trở nhằm lột tả một cuộc sống không hề hào nhoáng của những người dòng dõi vương tộc.
“Khi có dịp đọc một vài cuốn sử liệu đầu tiên trong đời, tôi như vỡ ra về những điều mình đã được học, được nghe.Thì ra lịch sử mở cõi phương Nam lại dung chứa nhiều câu chuyện vừa đau đớn vừa đẹp đẽ đến thế.Tôi đã lao vào đọc, tìm hiểu, nghiên cứu tất cả những sử liệu có thể tìm được trong khả năng của mình và viết lại một câu chuyện như mình cảm nhận.Câu chuyện mà với nhận thức của tôi, nó gần nhất với sự thật.”
– Trường An
Khi viết cuốn Thiên hạ chi vương, Trường An đã rất táo bạo mang đến cho bạn đọc một hình ảnh vị vua Gia Long khác lạ so với sử sách ghi chép. Tác giả đã bóc tách những nỗi đau đớn chưa được nhắc đến của vị đế vương, người đang gánh vác một đất nước loạn lạc và dòng tộc cận diệt vong.
Nhà văn đã dồn hết bút lực của mình để lột tả chân thực nhất những bi ai mà vua Gia Long phải gánh vác trong một bàn cờ loạn, từ đó giúp cho độc có cái nhìn cảm thông sâu sắc hơn đối với vị hoàng đế này.
Trong một tác phẩm khác mang tên Hồ Dương, Trường An lại mở ra không gian và thời gian của triều đại Tây Sơn những ngày loạn lạc, tác giả đã nhen nhóm một mối tình đẹp nhưng đầy đau thương xuyên suốt hơn một ngàn trang giấy.
Ở chiều sâu của tác phẩm, điều mà tác giả muốn gửi gắm là sự khốc liệt của cuộc chiến tranh giữa quân đội Tây Sơn và nhà Nguyễn, bên cạnh đó cũng là sự ngợi ca những công lao to lớn của triều đại Tây Sơn trong việc nỗ lực khôi phục lại đất nước.
Bắt đầu với tiểu thuyết tình cảm nên lối hành văn của Trường An rất giàu hình ảnh và tính thơ, nó đem lại sự mượt mà cho những trang văn dã sử đồng thời cô cũng rất xuất sắc trong việc miêu tả tâm lý nhân vật để cuốn người đọc vào từng cảm xúc giằng xé, đau đớn.
Trong từng lời thoại luôn chất chứa sự bi ai của số kiếp các nhân vật, Trường An luôn cố gắng gửi gắm vào đó là góc nhìn đa chiều, mới lạ hơn của bản thân về lịch sử.
Trường An, một nhà văn trẻ đã đem lịch sử đến gần hơn với mọi người qua các tác phẩm của mình đồng thời tạo nên sự hứng thú và khơi gợi tình yêu của độc giả dành cho lịch sử Việt Nam.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất