Đã hơn chín mươi năm trôi qua, dấu ấn phong trào Thơ Mới để lại cho văn chương Việt Nam vẫn không phai nhạt. Vì vậy, có nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật ra đời nhằm bàn luận sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng thi pháp lẫn tư tưởng, tình cảm này.
Một thời đại trong thi ca do nhà phê bình văn học Hoài Thanh chấp bút là một trong số đó. Văn bản ở vị trí phần đầu của cuốn tiểu luận nổi tiếng mang tên Thi nhân Việt Nam, ra mắt công chúng lần đầu năm 1942.
Tác giả Hoài Thanh là biểu tượng của lĩnh vực phê bình văn học Việt Nam
Tên khai sinh của Hoài Thanh là Nguyễn Đức Nguyên, sinh năm 1909 trong một gia đình nhà nho nghèo giàu truyền thống Cách mạng ở tỉnh Nghệ An. Ông có người em trai Nguyễn Đức Phiên hay còn được biết đến với bút danh Hoài Chân.
Hoài Thanh được tiếp xúc với chữ Hán xen lẫn Quốc ngữ, từng theo học ở trường Quốc học Vinh, Pháp Việt. Từ thời niên thiếu, ông đã sớm tham gia các hoạt động Cách mạng, tiêu biểu là phong trào yêu nước của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.
Được nuôi dưỡng trong một gia đình gia giáo và có đam mê mãnh liệt với văn chương, ông đã quyết định đi theo nghề viết. Tác giả của cuốn Thi nhân Việt Nam từng sáng tác văn, làm báo và dạy học.
Trước năm 1945, ông cũng là người đứng đầu trường phái phê bình văn học Nghệ thuật vị nghệ thuật. Đối với tác giả, khi đã cầm bút thì phải mang đến trong trang văn cái đẹp của cuộc sống và con người.
“Văn chương muốn gì thì trước hết cũng phải là văn chương đã… trong khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ.” – Hoài Thanh nói về văn chương chân chính
Không chỉ vậy, Hoài Thanh còn khẳng định tầm quan trọng của việc thành thực trong sự nghiệp văn chương. Bất cứ tài năng sáng tạo nào cũng phải lấy hiện thực, tính chân thật làm gốc để phát triển và bay xa.
Chính bởi các quan điểm mới mẻ cùng ý thức nghiêm túc với chữ nghĩa nên những bài phê bình văn học của văn sĩ đều được đánh giá cao. Một số tác phẩm tiêu biểu phải kể đến là Văn chương và hành động, Thơ mới, Tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, Thi nhân Việt Nam hay Nhân văn Việt Nam, Nói chuyện thơ kháng chiến.
Trong số đó, Thi nhân Việt Nam được Hoài Thanh cùng em trai Hoài Chân viết vào lúc trào lưu Thơ Mới đang ở thời kỳ đỉnh cao với sự bùng nổ của các cây bút nổi tiếng như Thế Lữ, Xuân Diệu hay Lưu Trọng Lư.
Bài viết là bản tổng kết phong trào Thơ Mới với sự lý giải nguồn gốc, tiến trình phát triển, đặc trưng nổi bật cũng như xướng danh các ngôi sao sáng trong lĩnh vực thơ Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đặc biệt, chuyên luận Một thời đại trong thi ca thuộc phần đầu tác phẩm đã mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc, cụ thể về tinh thần của cuộc cách mạng thi ca độc đáo. Đây không chỉ là một sự đổi mới mạnh mẽ trong cảm hứng mà còn cả ngôn từ cũng như giọng điệu.
Một thời đại trong thi ca và hành trình xác định tinh thần Thơ Mới
Mỗi giai đoạn văn học đi qua đều để lại trong tâm hồn tinh nhạy các nghệ sĩ những ấn tượng riêng biệt, Thơ Mới cũng không ngoại lệ. Là đứa con được sinh ra bằng sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, việc xác định giá trị cốt lõi của nó chưa bao giờ dễ dàng.
Tác giả đã khẳng định ngòi bút tài hoa cùng cách lập luận vô cùng hợp lý, chặt chẽ. Ông mang vào tác phẩm những câu thơ tiêu biểu của hai thi sĩ thuộc phong trào cũng như triều đại khác nhau là Xuân Diệu và Bà Huyện Thanh Quan.
Theo cảm nhận Hoài Thanh, cả thơ cũ lẫn thơ mới đều có những điểm nổi bật nhưng cũng xuất hiện mặt hạn chế. Đây là cái nhìn vô cùng tiến bộ trong cách phê bình văn học của nhà văn, ông nhìn nhận hiện tượng một cách khách quan và toàn diện.
“Khốn nỗi, cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải của riêng một thời nào, và muốn hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy.” – Một thời đại trong thi ca
Nếu như kẻ làm công việc phê bình chỉ để tâm đến phần nổi trội của tác phẩm, ngoảnh mặt làm ngơ trước những thiếu sót thì câu chữ trên trang giấy sẽ vô cùng sáo rỗng. Vì vậy, họ phải phóng tầm mắt cùng ngòi bút ra xa, quan sát một cách thấu đáo.
Bằng việc gợi nhắc những câu thơ tiêu biểu thuộc hai triều đại khác nhau, Hoài Thanh đã chỉ ra sự thật ở ranh giới giữa thơ ca truyền thống và hiện đại vô cùng mờ nhạt, mong manh. Do đó, giá trị mới mẻ nào cũng có thể được hình thành, phát triển dựa trên nền tảng cũ.
“Hôm nay đã phôi thai từ hôm qua và trong cái mới vẫn còn rớt lại ít nhiều cái cũ.” – Một thời đại trong thi ca
Vì vậy, hành trình xác định linh hồn của Thơ Mới không hề dễ dàng mà vô cùng phức tạp, quanh co. Nếu như không hướng vào mối quan hệ tổng quan sẽ bị lạc đường, từ đó có cái nhìn vụn vặt và phiến diện.
Xen lẫn lối hành văn chặt chẽ, mạch lạc là giọng điệu hết sức thân mật, gần gũi. Dường như bức tường vô hình ngăn cách tác giả và người đọc đã được xóa nhòa, chỉ còn sự đồng điệu đi tìm tinh thần cốt lõi của trào lưu sáng tác thơ hiện đại.
Cái tôi cá nhân chính là sắc màu mới mẻ của Thơ Mới
Từ khi xuất hiện trên văn đàn, Thơ Mới đã ngay lập tức trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều cây bút giàu kinh nghiệm. Ai cũng băn khoăn và đi tìm tinh thần chủ đạo quán xuyến dòng thi ca mới này.
“Các nhà thơ Mới đã đồng loạt cất lên bản hòa tấu tuyệt đẹp với những âm thanh mới lạ, tân kỳ chưa từng có trước đó.” – Giáo sư Hồ Thế Hà nói về cuộc cách mạng mang tên Thơ Mới
Bằng vốn hiểu biết cùng tài quan sát khéo léo, Hoài Thanh đã khẳng định điểm khác biệt giữa hai dòng thơ nằm ở chữ tôi. Nếu thi ca truyền thống đề cao tinh thần tập thể và cộng đồng thì Thơ Mới lại chính là sự bùng nổ của cái tôi cá nhân.
“Ngày trước là thời chữ ta, bây giờ là thời chữ tôi.” – Một thời đại trong thi ca
Đối với tác giả, cái tôi và ta vẫn có điểm tương đồng bởi bất kỳ cá nhân nào cũng đều thuộc một cộng đồng hay dân tộc nhất định. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn chương, đặc biệt là thể loại thơ mang nhiều cảm xúc thì sự khác biệt sẽ được bộc lộ rõ ràng hơn.
Lịch sử thơ ca dân tộc nhiều lần chứng kiến sự xuất hiện của dấu ấn cá nhân như Hồ Xuân Hương với bài Mời trầu hay Nguyễn Công Trứ cùng thi phẩm Bài ca ngất ngưởng. Thế nhưng rất ít nhà thơ trung đại làm được điều này, họ chỉ dám nép sau cái ta chung, không dám trực tiếp thổ lộ cõi lòng mình.
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.” – Mời trầu
Điều này được văn sĩ lý giải dựa trên bối cảnh xã hội đất nước Việt Nam ngày trước. Chính cách lập luận ấy đã thể hiện phần nào vốn hiểu biết cùng tài năng văn học của Hoài Thanh, ông nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và các khía cạnh khác nhau.
“Xã hội Việt Nam từ xưa không có cá nhân. Chỉ có đoàn thể: lớn thì quốc gia, nhỏ thì gia đình. Còn cá nhân, cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như giọt nước trong biển cả.” – Thi nhân Việt Nam
Những yếu tố nội sinh cùng quãng thời gian dài tiếp xúc với văn học phương Tây đã đánh dấu cho hành trình nở rộ của cái tôi cá nhân trong Thơ Mới. Bản ngã ấy được ấp ủ hàng ngàn năm dưới dòng chảy thơ ca trung đại, để đến đầu thế kỷ XX mới thực sự bùng nổ.
Vì thế, khi màu sắc cá nhân xuất hiện với ý nghĩa tuyệt đối đã tạo nên cú đại địa chấn, làm thay đổi ít nhiều quan điểm và tư duy của giới văn nghệ sĩ. Trong khi trước đó, họ chỉ biết bấu víu vào cộng đồng chung để không cảm thấy lạc lõng, cô đơn.
“Các cụ ta ưa những màu đỏ chót, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì những tiếng trùng đêm khuya, ta lại nao nao vì tiếng gà gáy đúng Ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì cho là mát mẻ như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ chỉ là sự hôn nhân, nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình giây phút, cái tình nghìn thu.” – Nhà thơ Lưu Trọng Lư nói về sự khác biệt giữa cái ta và cái tôi
Chính bởi chủ thể trong Thơ Mới là con người cá nhân, đối lập hoàn toàn với các khuôn phép trong thể thơ truyền thống nên đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà thơ đương thời. Họ mang tâm tư phơi trải lên từng câu chữ, khẳng định màu sắc riêng biệt của mình thông qua thi ca.
Bi kịch của cả một thế hệ ở tác phẩm Một thời đại trong thơ ca
Thơ Mới đã làm nên một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực thi ca, từ nghệ thuật cho đến nội dung lẫn tư tưởng. Vì thế khi mới xuất hiện, nó vấp phải không ít sự nghi ngờ, thậm chí là phản đối của các nhà Nho truyền thống.
Với tư cách là một người nghệ sĩ, Hoài Thanh đã nhạy bén nhìn thấu khởi đầu gian nan và chật vật của dòng thơ mới mẻ này. Trải qua thử thách khắc nghiệt mang tên thời gian, Thơ Mới dần được chấp nhận, thậm chí mang lại nhiều cảm tình cho giới văn chương.
“Nhưng, ngày một ngày hai, nó mất dần cái vẻ bỡ ngỡ. Nó được vô số người quen. Người ta lại còn thấy nó đáng thương. Mà thật nó tội nghiệp quá!” – Một thời đại trong thi ca
Đó là vì người nghệ sĩ có thể bộc lộ thế giới nội tâm phong phú của mình với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Họ không còn bị giam giữ bởi tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức hay các khuôn khổ, quy tắc đậm chất phong kiến.
Đối với Thơ Mới, thể hiện bản ngã chính là con đường đưa thơ trở về với ý nghĩa nguyên bản. Cái tôi không còn nhỏ bé và bị kìm hãm dưới sức mạnh cộng đồng mà nó trở thành chủ thể sáng tạo cũng như đối tượng phản ánh của thi ca.
“Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà đẹt mất thì cần một lối thơ khác, do lề lối nguyên tắc rộng rãi hơn. Thơ này khác lối xưa nên gọi là Thơ mới.” – Nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm nói về Thơ Mới
Cũng trong giai đoạn này, Thơ Mới đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cây bút nổi tiếng như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu hay Huy Cận. Tuy mang các phong cách độc đáo và cái tôi khác nhau nhưng thơ họ viết ra đều có một điểm chung, ấy là phảng phất nỗi buồn trước thời đại.
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
Không có chi bè bạn nối cùng ta.” – Xuân Diệu khẳng định cái tôi riêng trong bài thơ Hy Mã Lạp Sơn
Hoài Thanh đã một lần nữa khẳng định tài năng văn học của mình qua việc nhắc đến các tên tuổi tiêu biểu trong làng Thơ Mới, tác giả khiến tác phẩm Một thời đại trong thi ca trở nên sinh động và giàu tính thuyết phục hơn.
Thế giới thi ca còn mang một nỗi sầu mênh mông và dàn trải, được bộc lộ qua từng lời thơ, con chữ. Nó xuất phát từ bản chất đa sầu đa cảm người nghệ sĩ, cũng là kết quả tất yếu của sự tác động ngoại cảnh.
Dường như trước một xã hội suy vi vì sự ảnh hưởng của nền văn hóa đậm chất phương Tây, cái bản ngã dồn nén bao lâu nay được vỡ òa. Họ muốn đứng lên và dùng lý tưởng lớn lao để thay đổi thời cuộc nhưng lại bất lực, đành phải ký thác bao tâm tình vào thơ ca.
“Cái buồn của Thơ Mới không phải là cái buồn ủy mị, bạc nhược mà là cái buồn của những người có tâm huyết, đau buồn vì bị bế tắc chưa tìm thấy lối ra.” – Hoài Chân viết về cái sầu của Thơ Mới trong tác phẩm Về cái buồn trong Thơ Mới
Cùng với sự nở rộ cái tôi cá nhân, Thơ Mới đã phản ánh phần nào bi kịch chung của cả thế hệ xưa cũ. Lớp người ấy chìm đắm trong nỗi cô đơn và lạc lõng, không thể tìm được tiếng nói chung ở xã hội đương thời.
Sự trân trọng và nâng niu ngôn ngữ dân tộc trong tác phẩm
Ở Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh cho rằng điệu sầu miên man của Thơ Mới được các thi sĩ cẩn thận gói ghém bằng ngôn ngữ dân tộc quý báu. Họ yêu tha thiết Tiếng Việt, thứ tiếng đã gắn bó và trải qua bao thăng trầm lịch sử.
“Bi kịch ấy họ gửi cả vào Tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông.” – Một thời đại trong thi ca
Con đường kiếm tìm, khẳng định bản sắc cá nhân trong Thơ Mới đã khiến các nghệ sĩ tạo ra lớp ngôn từ đa dạng và phong phú, giàu tính nhạc nhưng cũng rất mực hàm súc. Họ dồn tất cả tài năng cũng như tâm huyết để nâng Tiếng Việt lên một tầm cao mới.
“Trải qua cả chục thế kỷ nhưng chưa bao giờ, ngôn từ thơ lại phong phú, hấp dẫn và ngồn ngộn sức sống đến vậy. Cái tôi thi nhân Thơ mới đã tạo ra những bước đi liên tục của ngôn ngữ thơ, đưa ngôn ngữ thơ từ điệu ngâm sang điệu nói, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện.” – Giáo sư Trần Đình Sử nói về đặc trưng ngôn ngữ của Thơ Mới
Dường như các nhà thơ mới đã gửi gắm vào trong con chữ kia tình yêu quê hương tha thiết cũng như lòng tự tôn dân tộc sâu sắc. Chỉ khi sáng tạo trên trang giấy trắng, nỗi lòng và sự ưu tư trước thời đại mới được tuôn trào một cách mãnh liệt, sâu sắc.
Trong trang viết của Hoài Thanh, chưa bao giờ các cây bút ấy thấm nhuần câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” như lúc này. Đây cũng là lý do những nghệ sĩ chân chính luôn nỗ lực bảo tồn và làm phong phú tiếng mẹ đẻ qua các vần thơ.
Tâm hồn cao đẹp của tác giả Hoài Thanh trong Một thời đại trong thi ca
Không chỉ nổi bật bởi giá trị nội dung, Một thời đại trong thi ca còn để lại ấn tượng đẹp đẽ trong lòng người đọc vì tâm hồn cao đẹp của Hoài Thanh. Ông viết nên tác phẩm bằng tấm lòng trân trọng và nâng niu, sự nể phục đối với cuộc cách mạng thi ca này.
Tác giả đã đặt mình vào hoàn cảnh các thi sĩ Thơ Mới để thấu cảm cho nỗi lòng của họ trước một xã hội đầy rẫy biến động và bất công. Vì thế mà ông trân quý bản ngã riêng từng nhà thơ, thấu cảm đối với nỗi buồn thời đại hằn sâu trong nhiều thi phẩm đương thời.
Không chỉ vậy, giữa vô vàn tác phẩm trong trào lưu Thơ Mới, Hoài Thanh còn kỹ lưỡng xem xét từng bài cùng các cây bút tiêu biểu để mang nó vào Thi nhân Việt Nam nói chung cũng như Một thời đại trong thơ ca nói riêng, từ đó giúp người đọc cảm nhận được rõ ràng tinh thần cốt lõi của trào lưu thơ này.
“Thơ Mới khi ra đời như kỳ hoa dị thảo mọc lên một cách hoang hóa từ khắp rừng núi, đồng bằng, đô thị Việt Nam. Hoài Thanh và Hoài Chân đã mất nhiều công sức tìm ra những tinh hoa, thâu tóm những loài hoa cỏ kỳ lạ điển hình nhất của rừng hoang Thơ Mới, trồng vào khu rừng riêng có chọn lọc, rồi rào vườn bách thảo thi ca lại đặng coi sóc, gìn giữ lưu lại cho hậu thế được thỏa sức ngắm nhìn.” – Nhà thơ kiêm nhà báo Trần Mạnh Hảo nói về Thi nhân Việt Nam
Dường như thấp thoáng trong từng lời văn, câu chữ là những tâm tư mà văn sĩ gửi gắm. Ông bày tỏ tình cảm lẫn thái độ đối với Thơ Mới một cách tế nhị, kín đáo nhưng vẫn có thể khiến tác phẩm lay động những tâm hồn đồng điệu, mong muốn khám phá về thi ca độc đáo này.
Một thời đại trong thi ca là sự kết hợp hài hòa giữa tính khoa học và nghệ thuật
Văn bản Một thời đại trong thi ca có sự kết hợp vô cùng hài hòa, nhuẫn nhuyễn giữa tính khoa học và nghệ thuật. Tuy là công trình khảo cứu văn chương nhưng nó không hề khô khan mà ngược lại, tràn đầy cảm xúc như nhạc điệu.
Tác giả Hoài Thanh đã sử dụng hệ thống luận điểm chuẩn xác và phong phú, giàu tính chọn lọc cao. Ông có cái nhìn xuyên suốt lịch sử, trải dài từ quá khứ đến hiện tại với cách sắp xếp mạch lạc, hợp lý.
Văn sĩ còn vận dụng một cách tinh tế nhiều biện pháp đối chiếu, so sánh để làm nổi bật điểm khác biệt của tinh thần Thơ Mới so với thi ca trung đại. Ông đánh giá vấn đề ở chiều sâu và đa diện, đặt nó vào bối cảnh xã hội đương thời.
Không chỉ vậy, để tăng thêm sự hấp dẫn và khơi dậy xúc cảm nơi độc giả, Hoài Thanh đã sử dụng nhiều câu văn mềm mại, đầy chất thơ. Giọng điệu nhà văn thay đổi vô cùng linh hoạt, lúc thì trầm ngâm lặng lẽ khi lại thiết tha, bay bổng.
“Với Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh quả là có một hồn thơ trong lĩnh vực phê bình, hay nói một cách khác, ông là một nhà thơ đặc biệt làm thơ bằng những trang bình thơ vậy.” – Nhà thơ Ngô Văn Phú nhận xét điểm đặc sắc của tác phẩm
Dòng thời gian đang miệt mài chảy trôi nhưng tên tuổi nhà phê bình văn học Hoài Thanh cùng Một thời đại trong thi ca vẫn mãi đọng lại nơi tâm hồn người thưởng thức. Độc giả rồi sẽ lại tìm đọc thi phẩm để thêm hiểu và có cái nhìn sâu sắc về một thời kỳ huy hoàng của thi ca nước nhà.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất