Từ lâu, Tết Nguyên Đán đã trở thành mỹ tục mang đậm bản sắc con người Việt. Không chỉ là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ, năm mới, Tết còn gắn với nhiều ý nghĩa tâm linh và nhận thức về nguồn cội.
Diễn ra từ ngày mùng Một đến ngày mồng Ba tháng Giêng, Tết Nguyên Đán được biết đến như dịp lễ quan trọng nhất. Các phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc Tết, mừng tuổi, xông đất góp phần làm nên phong vị ngày Tết, mở đầu năm mới cát lành.
Khởi nguồn của Tết Nguyên Đán
Phổ biến ở Việt Nam nhưng nguồn gốc lịch sử của Tết Nguyên Đán vẫn tồn tại nhiều tranh cãi. Phần đông nhà sử học quốc tế cho rằng dịp lễ này bắt nguồn từ Trung Quốc và chỉ xuất hiện tại nước ta vào khoảng một ngàn năm trước.
Theo lịch sử Trung Hoa, Tết có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và được cách tân dựa trên quan niệm dân gian từng thời kỳ. Lúc bấy giờ, các vua chúa cho rằng giờ Tý có trời, giờ Sửu có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra những ngày Tết khác nhau.
Thời Đông Chu, Khổng Tử đã định ngày Tết vào tháng Giêng, đến đời nhà Tần lại đổi qua tháng Hợi. Vào thời nhà Hán, Hán Vũ Đế lại chọn tháng Giêng làm ngày Tết, cố định cho đến nay.
Tuy nhiên, dựa trên truyền thuyết bánh chưng – bánh giầy, người Việt đã bắt đầu ăn tết và gói hai loại bánh trên từ thời kỳ Hồng Bàng dựng nước, tức năm 2879 trước Công Nguyên.
“Người Giao Quận thường tập trung thành từng phường hội nhảy múa ca hát, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới. Không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia vào lễ hội này.” – Sách Giao Chỉ Chí
Theo sử sách, vào thế kỷ XIII người Việt thường đón Tết bằng tục xăm mình, uống rượu nếp, ăn trầu để đãi khách. Đến thời Lý, những nghi thức như dựng cây nêu, dựng vòm để mong cầu mưa thuận gió hoà trở thành đặc trưng trong dịp Tết này.
Từ năm 1442, thời vua Lê Thánh Tông, hàng trăm quan lại phải tề tựu về triều đình để cùng hoàng thất ăn mừng dịp lễ đặc biệt.
Lúc bấy giờ, cư dân Đại Việt cũng có nhiều phong tục mang dấu ấn văn hóa đặc sắc như tiễn ông Táo về trời, gói bánh tét ở miền Nam, bánh chưng ở miền Bắc, chuẩn bị mâm ngũ quả và dựng cây nêu đón Tết.
“Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều
Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều
Sân gạch tường vôi người quét lại
Vẽ cung trừ quỷ, trồng cây nêu.” – Nguyễn Bính
Ngày nay, người Việt đón Tết tuy không cầu kỳ nhưng vẫn duy trì nhiều nét đẹp văn hoá của dịp lễ truyền thống. Dù giữ nguyên các giá trị tinh túy, những phong tục xưa đã được biến đổi cho phù hợp với xu hướng đương thời.
Để tiết kiệm thời gian, nhiều gia đình đặt mua bánh chưng, bánh tét thay vì tự gói và đun bánh. Ngoài hai loại hoa đặc trưng đào, mai, những cây trái lạ như bưởi vàng, đào bonsai, sung cũng được chọn lựa để trang trí nhà cửa.
Tết Nguyên Đán – ngụ ý về năm mới tốt đẹp
Nổi tiếng với nền văn minh lúa nước lâu đời, người dân Việt phân chia một năm thành hai tư “tiết” khác nhau. Giữa mỗi tiết đều xen lẫn một khoảng thời gian chuyển giao, quan trọng nhất là tiết khởi đầu, tức “Tiết Nguyên Đán” sau chuyển thành Tết Nguyên Đán.
Tên gọi trên có nguồn gốc từ âm Hán – Việt của chữ “tiết” kết hợp cùng chữ “nguyên” với nghĩa sự khởi đầu và “đán” là buổi sáng sớm, Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa trọn vẹn là buổi sáng đầu tiên của năm mới.
Tết Cổ truyền của Việt Nam được tính bằng lịch theo chu kỳ mặt trăng nên muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật ba năm nhuận một tháng của lịch Âm, ngày đầu năm mới thường rơi vào giai đoạn cuối tháng một đến giữa tháng hai Dương lịch.
Hằng năm, Tết Nguyên Đán diễn ra từ 23 tháng Chạp đến ngày 7 tháng Giêng. Những ngày này, không khí ngày hội tràn về khắp nơi với nhiều hoạt động đặc sắc như tân trang nhà cửa, mua sắm quần áo mới, chuẩn bị cỗ Tết.
Những biểu tượng truyền thống làm nên Tết Nguyên Đán
Trong dịp Tết, người Việt có nhiều phong tục, tập quán độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Từ việc nấu nướng, dọn dẹp đến tảo mộ, thăm hỏi bạn bè và gia đình, tất cả đều làm nên phong vị ngày xuân đất Việt.
Dựa trên tập quán địa phương, mỗi vùng miền có những hình thức đón Tết khác nhau nhưng vẫn duy trì nét truyền thống như tân trang nhà cửa, đón giao thừa, tiễn ông táo, xông đất, mừng tuổi.
Tân trang nhà cửa và những điều cần lưu ý
Theo quan niệm xưa, may mắn sẽ đến với những ngôi nhà trang hoàng kỹ càng và dọn dẹp sạch sẽ dịp đầu năm. Vì vậy, các gia đình Việt đều “thay áo mới” cho ngôi nhà trước ngày 23 tháng Chạp, thời điểm ông Công – ông Táo về trời.
Các thành viên sẽ cùng nhau dọn dẹp và trang trí không gian nhà ở bằng việc sơn sửa phòng ốc hoặc thay đổi nội thất, cấu trúc căn nhà. Nhiều gia đình chọn sắm cây cảnh, mâm ngũ quả, tranh ảnh, đèn lồng, câu đối để mang đến bầu không khí tươi mới.
Không chỉ xoá bỏ “bụi bặm” của năm cũ, hành động này còn để chào đón điều tốt đẹp trong năm mới. Nếu nhà cửa được tân trang kỹ lưỡng thì các gia đình cũng tự tin hơn khi mời bạn bè đến thăm hỏi, đoàn viên dịp lễ Tết.
Đặc biệt, nơi thờ tự tổ tiên được lau dọn kỹ càng nhằm mời ông bà về ăn Tết và bày tỏ lòng biết ơn với nguồn cội.
Tiễn ông Táo – tâm điểm dịp lễ truyền thống
Lấy cảm hứng từ hình tượng Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhân dân ta Việt hóa thành sự tích ông Công ông Táo. Theo đó, Táo Quân là tên gọi chung của ba vị thần Đất, thần Nhà, thần Bếp, chức quan chịu trách nhiệm ngăn cản ma quỷ và chăm sóc mái ấm gia đình.
Vào hai ba tháng Chạp, các vị thần sẽ cưỡi cá chép về trời để bẩm báo về những sự việc diễn ra trong năm. Dựa trên tấu sớ, Ngọc Hoàng định đoạt hình thức khen thưởng, xử phạt gia chủ.
Để thể hiện lòng thành kính, mỗi gia đình thường chuẩn bị tiến hành lễ cúng trang trọng, chu đáo và thả cá tiễn đưa Táo quân. Bên cạnh nhang đèn, giấy tiền, bộ mũ áo, hoa tươi và mâm ngũ quả, nhiều nơi còn chuẩn bị mâm lễ mặn với xôi, gà, giò, nem, măng, miến.
Đáng chú ý nhất là bộ mũ áo, gồm hai mũ cánh chuồn cho ông và một mũ cho bà. Mũ được trang trí bằng các gương nhỏ hình tròn lấp lánh, điểm xuyết với dây kim tuyến rực rỡ.
Màu sắc của bộ mũ áo tuân theo quy luật Ngũ hành, chẳng hạn năm hành kim đi liền với áo mũ màu vàng, năm hành mộc dùng màu trắng, hành thuỷ lại đổi sang màu xanh. Sau lễ cúng, bộ mũ áo, giấy tiền được đốt cùng bài vị cũ và gia chủ sẽ lập bài vị mới cho Táo Quân.
Ngày nay, nhiều gia đình chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công kèm áo và đôi hia bằng giấy để giản tiện nghi lễ.
Ngoài bộ mũ áo, lễ vật quan trọng nhất là cá chép vàng. Không chỉ biểu hiện bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, phóng sinh cá chép còn ẩn chứa ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Chuyến đi của ông Táo kéo dài bảy ngày và kết thúc vào nửa đêm giao thừa. Các gia đình luôn chào đón ông Táo trở về bằng không gian sạch sẽ, bài vị trang hoàng kỹ lưỡng cùng tiếng pháo hoa.
Giao thừa – thời khắc chuyển giao thiêng liêng
Giao thừa là thời điểm kết thúc một năm đã qua và đánh dấu khởi đầu năm mới, tính từ nửa đêm ba mươi tháng Chạp. “Giao” mang nghĩa “cho”, “thừa” mang nghĩa “nhận”, kết hợp lại thành “cũ giao lại, mới tiếp lấy” hay “lúc năm cũ qua, năm mới đến”.
Theo tục lệ xưa, lễ cúng giao thừa được tổ chức nhằm tiễn đưa Thiên binh, vị quan được thiên giới cử xuống cai quản, theo dõi hoạt động trần gian. Dựa vào báo cáo của vị thần này, Ngọc Hoàng sẽ xem xét hành vi của mỗi cá nhân, tập thể để định công luận tội.
Mỗi năm thuộc quyền quản lý một vị quan cai, tượng trưng cho một con giáp. Vào khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vị quan cũ sẽ bàn giao công việc cho vị quan kế tiếp.
Mỗi gia đình do đó chuẩn bị mâm cúng chỉn chu để “tống cựu nghinh tân”, tiễn vị thần năm cũ và đón vị quan mới về nhậm chức. Lễ cúng thường đặt ngoài trời ở cửa chính mỗi nhà, bày trí với nhang đèn, thịt lợn hoặc gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước, giấy tiền.
Trên mâm cúng, hương thường được cắm vào ly đầy gạo hoặc vào chiếc lọ nhỏ. Một số gia đình lại đơn giản hơn, thắp hương ngay trên mâm lễ hoặc cắm vào khe nải chuối.
Không chỉ thể hiện tấm lòng gia chủ, lễ cúng giao thừa còn nhằm cầu mong may mắn và “khu trừ ma quỷ”, đêm giao thừa vì vậy có tên gọi khác là đêm Trừ Tịch.
Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, làm lễ cúng gia tiên, cùng xem pháo hoa và mong ước năm mới may mắn, bình an.
Xông đất và mong ước năm mới cát lành
Vào sớm mùng Một, người đầu tiên đến thăm nhà với lời chúc Tết được gọi là xông đất, xông nhà hay đạp đất. Đây là tục lệ lâu đời ở Việt Nam, dựa trên niềm tin về vị khách đầu tiên mà gia đình tiếp đón sẽ quyết định vận may cả năm tới.
Người xông đất được gia chủ lựa chọn cẩn thận, dựa trên nhiều tiêu chí. Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, người xông đất không những cần hợp tuổi với gia chủ và con giáp đại diện của năm đó mà còn phải khỏe mạnh, thành đạt, tốt bụng, có gia đình hòa thuận.
Khi đến thăm nhà, người xông đất thường mặc quần áo có màu sắc tươi tắn, đồng thời mừng tuổi gia chủ và gửi lời chúc nhằm cầu cho mọi việc trong năm suôn sẻ, thuận lợi.
Xông đất là phong tục truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt. Ngoài việc cầu mong may mắn, thịnh vượng, hành động này còn thắt chặt tình cảm giữa người thân, bạn bè và thúc đẩy tình làng nghĩa xóm.
Mừng tuổi – lời cầu chúc bình an
Tương truyền đến đêm giao thừa, các vị thần phải về trời để bàn giao công việc, ma quỷ lại có cơ hội “lộng hành”, tự do chọc phá trẻ em. Để ngăn chúng quấy rầy, tám vị tiên đi ngang qua hoá thành những đồng tiền vàng nằm cạnh đứa trẻ.
Khi ma quỷ đến gần, ánh vàng lóe lên khiến chúng sợ hãi bỏ chạy. Từ đó, phép lạ lan truyền trong dân gian và trở thành phong tục “mừng tuổi” như hiện nay.
“Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.” – Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính
Ở Việt Nam, sáng mùng Một Tết, những thành viên trong gia đình quây quần bên nhau để chúc Tết và mừng tuổi. Người lớn thường tặng cho trẻ con một khoản tiền bỏ trong phong bì đỏ in hoa văn rực rỡ, gọi là tiền lì xì.
Tục mừng tuổi đại diện cho lời chúc tốt đẹp về sức khỏe, tài lộc, bình an. Ngoài việc gửi gắm ước mong đến thế hệ trẻ, hành động này còn biểu hiện lòng biết ơn của con cháu đến ông bà, cha mẹ.
Đặc trưng vùng miền trong mâm cỗ ngày Tết
Vào dịp Tết Nguyên Đán, các gia đình Việt thường chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên để cầu mong năm mới thịnh vượng. Tùy theo tập quán địa phương, mỗi vùng sẽ có mâm cỗ ngày xuân với những món ăn riêng biệt.
Mâm cỗ miền Bắc là mâm cỗ truyền thống và lâu đời nhất. Bữa cơm Tết miền Bắc hoàn chỉnh gồm tám món chia làm bốn bát và bốn đĩa, tượng trưng cho tứ trụ năm, tháng, ngày, giờ sinh cùng bốn mùa, bốn phương.
Gia chủ bày biện từng món ăn trên mâm cỗ với mong ước tứ lộc quanh năm. Thông thường, các món ăn trong mâm cỗ gồm bánh chưng, gà luộc, nem rán, chè kho, dưa hành, xôi gấc, canh bóng thập cẩm và thịt đông.
Tựa sự hòa quyện giữa các nguyên liệu trong món ăn, thịt đông là hình ảnh tượng trưng cho sự gắn bó chặt chẽ của gia đình. Mặt khác, màu xôi gấc đỏ rực gửi gắm mong ước về may mắn, tài lộc.
Khác với miền Bắc, mâm cỗ miền Trung đơn giản, thể hiện tinh thần tiết kiệm và sẻ chia của người dân nơi đây. Các món ăn phổ biến gồm bánh tét, thịt heo ngâm nước mắm, dưa món, tré, măng khô non và chả bò.
Mang hương vị đậm đà và màu sắc hấp dẫn, mâm cỗ Tết miền Trung cũng ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa, đơn cử tré thể hiện tình cảm hoà thuận trong gia đình hay măng khô non đại diện cho sự ấm no.
Mâm cỗ miền Nam đặc trưng cho việc ứng dụng quy luật Ngũ Hành trong ẩm thực Việt Nam. Các món ăn gồm có bánh tét, củ kiệu tôm khô, khổ qua nhồi thịt, thịt kho nước dừa.
Mỗi món ăn đều có những ý nghĩa riêng như bánh tét với hi vọng mùa vụ mới tươi tốt, thịt kho nước dừa gửi gắm mong ước mọi chuyện vẹn toàn hay khổ qua nhồi thịt biểu trưng cho ước vọng xua đi muộn phiền trong cuộc sống.
Các món ăn trên mâm cỗ mang hương vị dân dã, màu sắc nhẹ nhàng nhưng góp phần tạo nên nét đẹp ngày Tết của người miền Nam.
Tết Nguyên Đán – mỹ tục mang đậm bản sắc con người Việt
Tết Nguyên Đán được biết đến như dịp lễ quan trọng trong văn hoá truyền thống Việt. Đây là khoảng thời gian để mỗi người tạm gác lại công việc, dành thời gian cho người thân và bồi dưỡng sức khỏe tinh thần.
Vào những ngày cuối năm, con cháu còn bày tỏ lòng biết ơn của mình với nguồn cội thông qua tập tục tảo mộ, chuẩn bị mâm cúng mời tổ tiên về ăn Tết. Hành động này thể hiện nét đẹp hiếu đạo của mỗi người con đất Việt.
Tết còn mang theo những hy vọng và ước muốn một năm bình an, sức khỏe và may mắn. Ông bà ta quan niệm rằng, Tết Nguyên Đán là thời khắc đánh dấu cho một khởi đầu mới của ước mơ và niềm tin, xóa đi những chuyện không thuận lợi để đón nhận điều tốt đẹp ở năm mới.
Phương Uyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất