Nhà thơ Guillaume Apollinaire từng nói rằng nếu không có thi nhân và nghệ sĩ, nhân loại sẽ trở nên chán chường vì sự đơn điệu của tự nhiên. Chính chất men nghệ thuật đã làm cho đời sống con người trở nên sống động phi thường, từ đó làm nên bản sắc riêng cho thành phố nơi họ cư ngụ.

Florence, thủ phủ vùng Tuscany nước Ý là một trong những nơi đầu tiên đã ủ nên loại men tinh thần cao quý ấy. Hơn thế nữa, dù chỉ là một thành phố nhỏ nhưng Florence mang trong mình cốt cách và phong vị riêng, thể hiện qua các lĩnh vực nghệ thuật, kiến trúc và thời trang.

Chiếc nôi của nghệ thuật Phục Hưng

Vào đầu thế kỉ XV, dưới sự bảo trợ của gia tộc Medici vốn đang thống trị Florence lúc bấy giờ, một phong trào nghệ thuật mới đã ra đời. Các nghệ sĩ thử nghiệm nhiều cách thức để vượt thoát chủ nghĩa Cổ điển trong tác phẩm của mình, từ đó đặt nền móng cho sự ra đời của nghệ thuật thời kì Phục Hưng.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là nghệ thuật Phục Hưng đã vượt thoát khỏi giới hạn không thời gian để trở thành linh hồn và dấu ấn của cả thành phố Florence, đồng thời tạo nên ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Thành phố Florence ở Châu Âu
Quang cảnh Florence trong buổi hoàng hôn

Được mệnh danh là “Kinh đô nghệ thuật”, Florence hiện đang lưu giữ khoảng ba mươi phần trăm tổng số tác phẩm nghệ thuật Phục Hưng toàn thế giới với những loại hình tiêu biểu là hội họa, điêu khắc và văn chương.

Hội họa là thành tố chủ đạo trong nghệ thuật Phục Hưng, tranh vẽ giai đoạn này mang tính hiện thực cao và vận dụng phép phối cảnh tuyến tính một cách điêu luyện. Mỗi nghệ sĩ đều phát triển cho mình những kỹ thuật riêng, họ được thôi thúc bởi khao khát làm mới các tiền đề thẩm mỹ và tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên lẫn con người.

Bức họa "Trường học Athen" ra đời vào thời Phục Hưng
Bức họa “Trường học Athen” ra đời vào thời Phục Hưng

Trong số đó, Leonardo da Vinci và Raffaello Sanzio là hai minh chứng rõ ràng nhất khi Leonardo nổi tiếng với việc áp dụng các nghiên cứu về mảng sáng tối và kiến thức giải phẫu người của mình vào tranh vẽ, Raffaello đột phá bằng cách từ bỏ lối vẽ cứng nhắc về đề tài tôn giáo, hình thành nên những cấu tứ mới lạ và độc đáo.

Bức họa "Truyền tin" của Leonardo da Vinci
Bức họa “Truyền tin” của Leonardo da Vinci

Bên cạnh đó, điêu khắc cũng là một dấu ấn của nghệ thuật Phục Hưng. Khởi đầu từ các họa tiết trang trí nhà thờ, điêu khắc Phục Hưng dần chuyển sang những bức tượng độc lập và chất liệu cũng thay đổi theo thời gian, từ đồng sang đá hoa cương và cẩm thạch.

Trong lĩnh vực này, Lorenzo Ghiberti được xem là người khởi đầu những cách tân rõ rệt so với phong cách Gothic cổ điển với những chạm khắc nhiều tầng lớp, có chiều sâu và hậu cảnh phong phú.

Bức phù điêu "Cổng thiên đàng" của Lorenzo Ghiberti
Bức phù điêu “Cổng thiên đàng” của Lorenzo Ghiberti

Tuy nhiên, điêu khắc Phục Hưng chỉ thực sự đạt đến đỉnh cao với Michelangelo. Dành hai thập kỉ cho việc nghiên cứu và sáng tạo, ông đã làm nên những kiệt tác miêu tả sống động về cơ thể và cảm xúc con người như David, Pietà (Đức Mẹ sầu bi) và Moses.

Bức tượng "Đức Mẹ sầu bi" của Michelangelo
Bức tượng “Đức Mẹ sầu bi” của Michelangelo

Ngoài ra, thời Phục Hưng cũng chứng kiến nhiều thay đổi trong thị hiếu khi ở nhà thờ, các bức tượng trang trí được chuyển từ sân vườn vào trong thánh đường. Đồng thời, tượng bán thân tại những quảng trường trong thành phố cũng dần trở nên phổ biến.

Kiến trúc Florence là sự giao hòa của những trường phái lớn

Tuy mang đậm những dấu ấn từ thời Phục Hưng nhưng trên thực tế, kiến trúc Florence còn được đóng góp những phong cách lớn khác như La Mã, Gothic và đương đại. Vốn từng nằm dưới sự cai trị của La Mã, Florence cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ đế quốc này trong lĩnh vực kiến trúc.

Đặc điểm của phong cách La Mã là mái vòm cong với loại chính là vòm cầu (dome), vòm hầm (vault) và vòm tròn (arch). Chất liệu chủ yếu là gạch, đá và đặc biệt là bê tông, một phát minh đột phá của người La Mã cổ.

Một số công trình được xây theo phong cách La Mã là tu viện Badia a Settimo, nhà thờ Sanmichele a San Salvi và nhà thờ San Remigio.

Tu viện Badia a Settimo ở Florence
Tu viện Badia a Settimo

Bên cạnh kiến trúc La Mã, Florence còn được điểm tô bởi phong cách Gothic lừng danh. Những nét nổi bật của phong cách này là mái vòm vuốt nhọn, các cột trụ lớn nhỏ xen kẽ nhau và cửa sổ thủy tinh nhiều màu với kích thước lớn, cho phép ánh sáng lọt vào.

Lối kiến trúc này được sử dụng nhiều nhất ở các thánh đường, tiêu biểu là các nhà thờ Milan, Sata Maria Novella và Santa Maria del Fiore.

Nhà thờ chính tòa Milan ở Florence
Nhà thờ chính tòa Milan

Là nơi khai sinh ra nền văn hóa Phục Hưng, Florence thể hiện rõ nét tinh hoa kiến trúc của giai đoạn này với những gương mặt tiêu biểu như Filippo Brunelleschi, Donato Bramant, Leone Battista Albertie và cả Michelangelo.

Bên cạnh việc kết hợp các kiểu mái vòm của phong cách La Mã, kiến trúc Phục Hưng tạo nên nét riêng cho mình bằng trật tự sắp xếp. Các kiến trúc sư chú trọng vào tính đối xứng, hài hòa và sự vận dụng tỉ lệ cơ thể người vào thiết kế công trình.

Bằng những tài hoa của mình, họ đã tạo nên một lối kiến trúc tinh tế với bố cục rõ ràng, khác biệt hẳn so với sự cầu kỳ và phức tạp của những phong cách trước kia như Gothic, vốn sở hữu nhiều chi tiết và yêu cầu sự tỉ mỉ.

Tòa nhà cổ Ospedale degli Innocenti ở Florence
Tòa nhà cổ Ospedale degli Innocenti

Những công trình mang dấu ấn của thời kỳ Phục Hưng bao gồm nhà thờ chính tòa Firenze, nhà thờ San Florento và tòa nhà cổ Ospedale degli Innocenti.

Nhà thờ chính tòa Firenze với lối kiến trúc Phục Hưng ở Florence
Nhà thờ chính tòa Firenze với lối kiến trúc Phục Hưng

Theo dòng chảy lịch sử, kiến trúc Florence cũng hội nhập với phong cách đương đại và tạo nên một nét mới cho những công trình trong thành phố. Lối kiến trúc này không có những khuôn mẫu nhất định mà là sự phối hợp của nhiều kiểu công trình khác nhau như Hậu hiện đại hay High-tech.

Ga xe lửa Santa Maria Novella với lối kiến trúc đương đại ở Florence
Ga xe lửa Santa Maria Novella với lối kiến trúc đương đại

Kiến trúc đương đại có thể được bắt gặp ở nhiều tòa nhà trong thành phố, nổi bật là Ga xe lửa Santa Maria Novella, trụ sở ngân hàng Banca Cassa hay Trung tâm Lưu trữ Florence.

Thời trang Florence mang hơi thở của thời đại mới

Nếu ví Florence như một người phụ nữ thỉ nghệ thuật và kiến trúc đã tạo nên ở cô sự từng trải và nét thâm trầm. Thế nhưng, thời trang lại chính là yếu tố mang đến cho Florence sức sống tươi trẻ và bất tận.

Được bình chọn là Kinh đô thời trang lớn thứ năm của thế giới sau New York, London, Milan và Paris, Florence là nơi hội tụ của những phong cách thời trang độc đáo, mới mẻ và lôi cuốn đến từ nhiều nhà thiết kế tài hoa.

Điểm nổi bật của thời trang Florence là sự đẳng cấp và sang trọng lấy cảm hứng từ những dấu ấn Phục Hưng, sự đa dạng và sống động như bầu không khí của chính thành phố này.

Bên cạnh đó, thời trang Florence không tách rời khỏi bản sắc văn hóa – nghệ thuật của thành phố mà được gìn giữ và phát huy như một thuộc tính tinh thần giá trị.

Tại Florence, các thiết kế thời trang được trưng bày như những hiện vật của thời đại mới trong các bảo tàng đúng nghĩa. Một số đại diện có thể kể đến là bộ sưu tập giày ở bảo tàng Savaltore Ferragamo hay bộ sưu tập các mẫu đầm của nhà thiết kế nổi tiếng Roberto Capucci ở Villa Bardini.

Một góc bộ sưu tập giày ở bảo tàng Savaltore Ferragamo
Một góc bộ sưu tập giày ở bảo tàng Savaltore Ferragamo

Ở Florence, thời trang có thể hiện hữu dưới nhiều dạng thức khác nhau, điều này được thể hiện rõ ở khu trưng bày Gucci Garden của thương hiệu danh tiếng Gucci.

Tòa nhà Gucci Garden ở Florence
Tòa nhà Gucci Garden

Tại đây, thời trang là ẩm thực với sự tích hợp của một nhà hàng được quản lý bởi đầu bếp người Ý Marissimo Bottura, phần thực đơn mang đậm phong vị Ý vô cùng đa dạng và phong phú.

Thời trang cũng là âm nhạc với sự hợp tác của Gucci và ca sĩ kiêm nhà viết nhạc nổi tiếng Icelandic alt-diva Björ. Cụ thể, có hai phòng trưng bày được dành riêng cho các sản phẩm cùng chủ đề với âm nhạc của Björ.

Một tác phẩm thể hiện phong cách âm nhạc của Björk ở Gucci Garden
Một tác phẩm thể hiện phong cách âm nhạc của Björk ở Gucci Garden

Song song đó, thời trang cũng là nghệ thuật và được trưng bày như những tác phẩm đúng nghĩa. Hai tầng đầu tiên của khu trưng bày là sự kết hợp giữa các sản phẩm của hãng cùng tranh tường và những tác phẩm nghệ thuật dưới dạng kĩ thuật số đến từ hai nghệ sĩ Jayde Fish và Coco Capitán.

Tranh tường của Jayde Fish trưng bày tại Gucci Garden ở Florence
Tranh tường của Jayde Fish trưng bày tại Gucci Garden

Không chỉ vậy, thời trang cũng là thiên nhiên với hình ảnh các loài động vật như hổ, rắn và chim chóc trên những chiếc áo khoác, túi xách và đồ trang sức. Đồng thời, những bông hoa cũng là cảm hứng cho họa tiết tinh xảo trên những sản phẩm của Gucci, mang đến cảm giác hòa mình với thiên nhiên rộng lớn.

Một mẫu khăn thêu của Gucci với họa tiết lấy cảm hứng từ các loài vật
Một mẫu khăn thêu của Gucci với họa tiết lấy cảm hứng từ các loài vật

Bên cạnh Gucci, Florence cũng là nơi khai sinh hàng loạt thương hiệu cao cấp khác như Emilio Pucci, Roberto CavalliErmanno Scervino và Savaltore Ferragamo.

Xuôi theo chiều dài lịch sử, Folerence đã tự tích lũy cho mình một trầm tích văn hóa sâu dày trong khi vẫn tích cực hòa nhập cùng những xu thế thời đại mới. Thành phố này không chỉ mang trong mình giá trị văn hóa và văn minh, mà chính bản thân nó đã trở thành hiện thân của văn hóa lẫn văn minh.

Nguyễn Quyền