Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử là một thế giới thiên nhiên rất thực về cuộc đời trong tâm trí Hàn Mặc Tử, khi ông bị gạt ra ngoài guồng quay của nó và chỉ có thể đứng từ xa, hướng đến cuộc đời để ngưỡng vọng và khao khát.
Bởi vậy, bước vào Đây thôn Vĩ Dạ là độc giả như bước vào những câu hỏi đầy ám ảnh về tình đời, tình người. Không nhiều từ ngữ, bài thơ đã thành công chuyển tải linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn người thi sĩ tài năng nhưng bạc mệnh.
Hàn Mặc Tử là người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh với tâm hồn lãng mạn
Hàn Mặc Tử tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 ở làng Lệ Mỹ, tổng Vô Xá, huyện Phong Lộc, Tỉnh Đồng Hới (nay là tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên Chúa.
Do ông thân sinh là Nguyễn Văn Toản làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở nên Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ, Quy Nhơn, Bồng Sơn, Pellerin Huế.
Sớm thể hiện tài năng thơ ca, ông từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn từ chí sĩ này. Sau này, dù nhận được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên ông đành đình lại.
Vào khoảng đầu năm 1935, gia đình đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa không đáng kể chứ không ngờ đến căn bệnh nan y nguy hiểm.
Từ năm 1938 đến 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội nhưng trái với người ngoài, ông không bật lên tiếng rên rỉ than khóc mà chỉ gào thét trong thơ mà thôi. Sau đó, nhà thơ về Quy Nhơn chữa bệnh năm 1940 và qua đời tại trại phong Quy Hòa một thời gian ngắn sau đó.
Ngôi sao chổi rực rỡ vụt qua bầu trời Thơ Việt Nam
Dù cuộc đời bi thương nhưng Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mạnh mẽ nhất trong phong trào Thơ mới. Qua diện mạo phức tạp và đầy bí ẩn của thơ ông, độc giả vẫn thấy rõ tình yêu đau đớn khôn nguôi hướng về cuộc đời trần thế.
Thơ Hàn Mặc Tử luôn mang một gam màu tươi mới, đó là một tâm hồn yêu cuộc sống, thiên nhiên đến thiết tha và khát vọng sống mãnh liệt cuộn trào trong lồng ngực người nghệ sĩ.
Bên cạnh những vần thơ điên, thơ say, thơ siêu thực thường thấy là một giọng thơ trữ tình, đằm thắm, thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khao khát người tình đến cháy bỏng.
Chất trữ tình trong thơ Hàn Mặc Tử không truyền thẳng cảm xúc tới người đọc như các thi sĩ khác, nó gợi cảm, sâu xa và bí ẩn khiến độc giả phải tò mò.
“Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời thơ Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình” – Cố thi sĩ Chế Lan Viên
Dù ra đi khi tuổi đời còn trẻ nhưng sự nghiệp thơ ca ông để lại vô cùng đồ sộ. Ngay cả vào giai đoạn tăm tối nhất của cuộc đời là lúc mắc căn bệnh phong nan y, Hàn Mặc Tử vẫn sáng tác nhiều tuyệt phẩm cho trần thế.
Trái với thực tại đau khổ, từng vần thơ ông viết đưa ta bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Không có tiếng giằng xé nội tâm của người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà sáng ngời một niềm yêu thiên nhiên, con người thiết tha.
“Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.” – Nhà thơ Chế Lan Viên nhận định về Hàn Mặc Tử
Nửa đời người chưa qua hết nhưng Hàn Mặc Tử đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của mình, để lại cho nền văn học Việt Nam một đời thơ giá trị. Ngôi sao chổi ấy xẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp để lại vầng sáng lạ lùng và dữ dội.
Mối tình đơn phương với người con gái thôn Vĩ Dạ
Năm 1933, Hàn Mặc Tử vào làm việc tại sở Đạc Điền, tỉnh Quy Nhơn và quen Hoàng Tùng Ngâm, em họ Hoàng Cúc. Hoàng Tùng Ngâm sống cạnh nhà Hoàng Cúc, anh em bè bạn thường tụ tập chơi đùa, bình phẩm văn thơ.
Hoàng Cúc khi đó tập viết báo với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ nên thường qua lại và có quen biết Hàn Mặc Tử. Dần dần, ông đem lòng yêu cô thiếu nữ Hoàng Cúc với vẻ đẹp kín đáo, chân quê.
Tuy nhiên, do bản tính nhút nhát, rụt rè nên ông chỉ dám đứng từ xa nhìn cô gái và mối tình đơn phương đó dần phai nhạt khi Hoàng Cúc theo cha về thôn Vĩ Dạ tại Huế.
Năm 1939, khi đang điều trị bệnh phong tại Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử nhận được bức ảnh của Hoàng Cúc gửi tặng, trong đó in hình phong cảnh thiên nhiên Vĩ Dạ.
Chính từ bức ảnh và mối tình tha thiết với người con gái xứ Huế đã khơi gợi xúc cảm, trở thành nguồn cảm hứng để Hàn Mặc Tử viết lên bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ được in lần đầu trong tập Thơ Điên, sau đổi thành Đau thương.
Đây thôn Vĩ Dạ cùng lời thơ trong trẻo và hình ảnh người con gái xứ Huế thân thương mãi in sâu trong tâm trí người yêu văn chương, được đánh giá là một trong những thi phẩm xuất sắc của phong trào Thơ mới Việt Nam.
Vào thời khắc lâm ly bi kịch, tâm hồn người nghệ sĩ đã thăng hoa thành những vần thơ tuyệt diệu, chẳng những gợi lên niềm thương cảm mà còn đem đến những cảm xúc thẩm mĩ kỳ thú, niềm tự hào về sức sáng tạo của con người.
Thiên nhiên trong Đây thôn Vĩ Dạ tái hiện tươi đẹp trong hồi ức nhà thơ
Đây thôn Vĩ Dạ là một trong những bài thơ tình hay nhất của Hàn Mặc Tử. Một tình yêu thiết tha man mác, đượm buồn ẩn hiện giữa khung cảnh thiên nhiên hòa vào lòng người, thực – mộng hòa vào nhau.
Dưới ngòi bút Hàn Mặc Tử, cảnh vật thôn Vĩ Dạ hiện lên mộc mạc, giản dị mà sắc nét. Ở bài thơ, cái tình mặn nồng trong sáng đã hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp, mối tình riêng đã ở trong mối tình chung. Mở đầu là lời trách móc nhẹ nhàng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”
Câu hỏi cất lên vừa như một lời mời, lời hỏi lại như lời trách móc tâm tình và thở than. Đôi chút giận hờn cũng là nghệ thuật để tôn lên nét duyên người con gái.
Hoặc có chăng đây chính là lời tự vấn của tác giả, khi từ “anh” được dùng như đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất thể hiện sự nuối tiếc muốn giãi bày.
Độc giả thấy được niềm tha thiết, nỗi xúc động của người thi sĩ khi được trở về với mảnh đất nhiều kỉ niệm, dù chỉ trong tâm tưởng. Lời nói dịu dàng và chan chứa yêu thương ấy chính là những dòng chữ trong tấm bưu ảnh kia, nó trở thành giai điệu và phát ra tiếng nói.
Câu thơ chơi vơi trong sáu thanh bằng và vút lên ở thanh cuối gieo vào lòng người đọc những cảm xúc khó phai mờ. Là “không về” chứ không phải “chưa về”, là “về chơi” chứ không phải “về thăm”.
“Chưa về” nghĩa là sẽ còn về, “về thăm” nghe thật xa lạ biết bao. Câu thơ vừa có ý trách móc, vừa có ý tiếc nuối của cô gái với người yêu vì đã bỏ qua vẻ đẹp mặn mà, ấm áp tình quê của thôn Vĩ, một phương diện của cảnh Huế.
Đứng ở tâm thế một người con từng rất gắn bó với xứ Huế, Hàn Mặc Tử đã dùng chính tâm thức của mình để viết những câu thơ tiếp theo. Cảnh vườn thôn Vĩ hiện ra, ngời ngời sắc xanh và long lanh ánh sáng.
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc chen ngang mặt chữ điền.”
Nét đặc sắc của thôn Vĩ, quê hương người con gái gợi mở ở câu đầu đã được miêu tả rõ nét qua từng hình ảnh thơ cụ thể. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác rộng mở trước mắt người đọc.
Điệp ngữ “nắng” được lặp lại hai lần trong cùng một câu thơ khiến cả thôn Vĩ Dạ như được tắm mình trong màu nắng vàng ấm áp, nắng tưới lên trên ngọn cau tươi đẹp, tràn đầy sức sống.
Nắng mới là nắng sớm bắt đầu một ngày, những hàng cau cao vút vươn mình đón lấy những tia nắng sớm và tất cả tràn ngập ánh nắng của buổi bình minh. Cái nắng hàng cau mới lên gợi nỗi niềm nhung nhớ cảnh vật chốn quê nhà.
Nắng mới còn là nắng xuân, một năm khởi đầu bằng mùa xuân nên tia nắng cũng bừng lên rực rỡ nồng nàn. Đó là những ánh sáng đầu tiên rọi xuống làng quê, khiến những hạt sương đêm đọng lại như sáng lên, lấp lánh tựa những viên ngọc được đính vào chiếc áo choàng nhung xanh mịn.
Cái nhìn như chạm khẽ vào sắc màu của sự vật để rồi bật lên một sự ngạc nhiên đến thẫn thờ. Đến câu thơ này, độc giả như bắt gặp cái nhìn của thi nhân đã hạ xuống thấp hơn và bao quát ở chiều rộng.
Một khoảng xanh của vườn tược hiện ra, màu xanh mượt mà, mơn mởn của cây cối. Màu xanh được so sánh với màu ngọc như một phép nghệ thuật khéo léo, tôn lên vẻ trân quý của bức tranh thiên nhiên xứ mộng mơ.
Người đọc không chỉ cảm nhận ở đó màu xanh của vẻ đẹp mà còn tràn trề sức sống rực rỡ. Những tán lá cành cây được sương đêm gột rửa trở thành cành lá ngọc.
Không phải xanh mượt, cũng không xanh mỡ màng mà chỉ có xanh như ngọc mới diễn tả được vẻ đẹp ngồn ngộn sức sống của vườn tược thôn Vĩ. Một màu xanh lấp lánh, trắng trong làm vườn cây càng thêm sáng bóng.
Cả vườn cây tắm mình trong luồng không khí ban mai còn run rẩy tiết trinh bạch nguyên sơ, chưa hề nhuốm bụi. Lăng kính không khí ấy làm chân thực hơn từng đường nét sắc màu của cảnh vật mà mắt thường dễ bỏ qua.
Dù vậy, thiên nhiên đẹp đến đâu cũng trở nên vô hồn nếu thiếu đi bóng dáng con người. Do đó, câu thơ cuối đã làm sống dậy hồn của cả đoạn thơ khi vẻ đẹp con người được miêu tả hòa quyện cùng cảnh vật thiên nhiên.
Trong vườn thôn Vĩ Dạ, nhành lá trúc và khuôn mặt chữ điền có mối liên quan bất ngờ mà đẹp đẽ. Những chiếc lá thanh mảnh, thon thả che ngang gương mặt chữ điền một cách thấp thoáng, mơ màng, hư hư thực thực.
Sở dĩ nhà thơ miêu tả lá trúc mà không phải bất kì loại lá nào khác, vì trúc với dáng lá thanh mảnh là tượng trưng cho cái đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên.
Cảnh đẹp đêm trăng Vĩ Dạ thơ mộng đến đượm buồn
Khổ thơ đầu chính là bức tranh thiên nhiên với vẻ mộng mơ trữ tình của xứ Huế. Thôn Vĩ Dạ nằm cạnh bờ sông Hương êm đềm, vì thế từ cảnh làng quê, tác giả chuyển sang tả cảnh sông nước với niềm bâng khuâng, nỗi nhớ mong sầu muộn khắc khoải.
Tuy nhiên, độc giả có thể dễ dàng nhận ra sự chuyển đổi cảm xúc cùng cảnh vật từ sáng sang tối ở khổ thơ thứ hai, cũng như từ trạng thái vui vẻ, hy vọng sang hoang mang, lo lắng và buồn rầu của thi sĩ.
“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Hai câu thơ đầu khổ thơ vốn tả cảnh nhưng lại nặng trĩu tâm tình người nghệ sĩ khi Hàn Mặc Tử mượn hình ảnh gió và mây để cụ thể hóa tâm sự nơi cõi lòng mình.
Gió và mây dễ gợi buồn vì nó trôi nổi, lang thang. Gió với mây muôn đời vẫn quấn quýt bên nhau nhưng ở đây “gió theo lối gió” bỏ lại “mây đường mây”, mãi mãi không thể đồng hành, không thể gặp gỡ.
Đây là cảm xúc nhà thơ trong hoàn cảnh xa cách nhớ thương, là nỗi mặc cảm của người xưa trong cuộc sống. Nỗi buồn về sự chia ly, tiễn biệt đọng lại trong lòng người phảng phất u buồn và mang một nỗi niềm xao xác.
Dòng sông Hương hiện ra buồn thảm với những bông hoa bắp màu xám tẻ nhạt, ảm đạm như màu khói gợi cảm giác buồn lặng, quạnh quẽ. Hoa bắp cũng lay nhè nhẹ trong một nỗi buồn xa vắng.
Tình yêu cuộc sống ngời sáng trong thời khắc tuyệt vọng nhất
Sự thay đổi tâm trạng chính là thái độ của những người sống trong vòng đời tối tăm, bế tắc. Mặt nước sông Hương quá êm đềm gợi đến những bến bờ xa vắng, những mảnh bèo trôi dạt lênh đênh của số kiếp con người.
Vượt qua nỗi buồn lòng, nhà thơ chú ý đến ánh trăng để tìm lại tình yêu với con người và thiên nhiên xứ Huế. Ý thơ thật buồn, nối tiếp trong hai câu thơ nhưng với cách diễn đạt thật tuyệt diệu, đan xen lẫn lộn giữa thực và mộng:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Tất cả như tan loãng trong vầng trăng thân thuộc của Hàn Mặc Tử. Cảnh vật thiên nhiên tràn ngập ánh sáng, một ánh trăng vàng sáng loáng chiếu xuống dòng sông, làm cho nó và những bãi bồi lung linh, huyền ảo.
Dòng nước buồn thiu bỗng hóa sông trăng lung linh, con thuyền khách đã trở thành thuyền trăng. Tác giả gửi gắm một tình yêu khát khao, nỗi ngóng trông, mong nhớ vào con thuyền, vào cả dòng sông.
Đó là tấm lòng yêu thiên nhiên, khao khát vẻ đẹp thanh khiết, mong muốn hòa nhập với cuộc đời và nắm giữ hạnh phúc trong tình yêu. Dù ở thời khắc tuyệt vọng nhất, tình yêu cuộc sống của Hàn Mặc Tử vẫn ngời sáng lên niềm tin và hy vọng cao cả, thiêng liêng.
Tác giả đã viết nên những câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng nhưng hàm chứa tình yêu bao la, nồng cháy đến vô cùng. Vầng trăng ở đây là vầng trăng nguyên vẹn của thi nhân trước mảnh tình chưa bị phôi pha.
Hàn Mặc Tử rất yêu trăng nhưng vầng trăng thường thấy trong thơ ông luôn mang vẻ gắt gao, kì quái hoặc trở nên khêu gợi, lả lơi:
“Trăng nằm sõng soài trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi.”
Con thuyền mang vầng trăng hạnh phúc đã không kịp trở về cho người trên bến đợi. Hàn Mặc Tử hiểu rõ bệnh của mình nên mặc cảm về thời gian cuộc đời ngắn ngủi, vầng trăng không về kịp, ông cũng không đợi vầng trăng đó nữa.
Mối tình khắc khoải nhưng chan chứa hy vọng trong Đây thôn Vĩ Dạ
Qua hai bức tranh quê lúc bình minh và đêm trăng, độc giả thấy được những vẻ đẹp rất thơ mộng, trong trẻo của xứ Huế thân thương. Từ đó cũng nhận ra tấm lòng yêu thiên nhiên, khát khao tình yêu cuộc sống thiết tha của người thi sĩ bất hạnh.
Từ giọng thơ man mác, khắc khoải của khổ thơ thứ hai, Hàn Mặc Tử chuyển thành giọng gấp gáp ở khổ thơ cuối cùng. Trái tim người thi sĩ luôn khao khát yêu thương, ông đã gửi gắm nỗi niềm vào từng trang thơ cùng những nỗi đau kỉ niệm tình yêu ấy.
Để rồi, tất cả như trôi trong giấc mơ của ước ao, hi vọng. Dù bị cuộc đời tuyệt giao nhưng nhà thơ quyết không chịu tuyệt tình, càng bị bỏ rơi thì ông càng tha thiết níu giữ giấc mộng:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra”
Lời gọi “khách đường xa” lặp lại như tiếng nấc nghẹn ngào đầy hụt hẫng của tác giả. Ông chơi vơi khi nghĩ về người thương nơi quê nhà, để rồi mặc cảm trong sự chia ly, tưởng chừng dáng người hiện lên nhưng lại vội biến mất.
Hàn Mặc Tử đã để độc giả cùng ông chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhân vật trữ tình trong quan niệm thơ mới. Nếu sắc trắng ở văn học trung đại đại diện cho sự tang thương, mất mát thì trong văn học hiện đại, nhà thơ nhắc đến nó như màu sắc tượng trưng cho nét tươi mới, tinh khôi.
Quan niệm văn chương mới mẻ này đã tạo nên một vẻ đẹp “nhìn không ra”, đẹp đẽ vô ngàn nhưng xa vời chẳng thể nắm lấy. Đây vốn là cái đẹp đáng để tôn thờ nhưng bi kịch thay, lại như đang tuột khỏi tầm với.
Đúng lúc hình bóng giai nhân hiện về rõ nét nhất trong tâm tưởng, lung linh nhất thì lại tuyệt vọng nhất. Nhà thơ mượn giấc mơ nhưng lại nói về cái thực đang diễn ra trong tâm hồn con người.
Màu áo trắng cũng là màu nắng của Vĩ Dạ mà nhìn vào đó, tác giả choáng ngợp, ngây ngất trước sự trong trắng, thanh khiết của người yêu. Cuối cùng, nhà thơ buộc phải quay về với thực tại đầy “sương khói”.
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”
Câu thơ đã tả thực cảnh Huế – kinh thành sương khói. Trong màn sương khói đó, con người như nhòa đi và có thể tình người cũng nhòe đi. Nhà thơ không tả cảnh mà tả tâm trạng mình, gửi gắm biết bao tình cảm vào trong câu thơ ấy.
Lời thơ cuối như nhắc nhở, không phải bộc lộ sự tuyệt vọng hay hy vọng mà chỉ là thất vọng. Sự thất vọng của một trái tim khao khát yêu thương, mãi mãi không có tình yêu trọn vẹn.
Động từ phiếm chỉ “ai” vang lên khiến lòng người lắng đọng bởi cảm giác hụt hẫng của chính nhà thơ. Câu hỏi tu từ không có lời giải chứa đựng sự bất an đầy hoài nghi về tình cảm của người con gái xứ Huế, đó là chân tình hay chỉ là sự ảo tưởng từ bản thân nhà thơ.
Nhà thơ tự hỏi lòng mình, liệu rằng tình cảm người xưa có đổi thay với tình cảnh éo le như hiện tại. Nỗi bất an vốn thường xuyên xuất hiện trong những câu thơ của Hàn Mặc Tử:
“Cảnh xưa còn đó, lòng người đổi thay”
Câu thơ cuối đã khép lại bài thơ trong nỗi buồn mênh mang, khắc khoải và xót xa trong khát khao khôn nguôi về tình đời, tình người. Hàn Mặc Tử ước nguyện được yêu thương dẫu cô đơn, đớn đau tuyệt vọng.
Tuy nhiên, độc giả vẫn bắt gặp tình yêu, niềm gắn bó tha thiết với thiên nhiên, con người và sự sống. Giữa giây phút cận kề cái chết, Hàn Mặc Tử vẫn khát khao yêu đời cháy bỏng và đã để lại những vần thơ hoàn mỹ đến tuyệt bích.
Bức tranh tâm cảnh vương vấn mãi lòng ta trong Đây thôn Vĩ Dạ
Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ tình tuyệt tác khi cái màu xanh như ngọc của khu vườn, con thuyền đậu bến sông trăng, màu trắng của tà áo thướt tha như dẫn độc giả về miền sương khói một thời, tìm lại hình bóng xưa cũ chốn giai nhân.
Bức tranh thôn Vĩ Dạ đã khắc họa thành công rõ nét về cảnh và người xứ Huế, qua đó cho thấy tình yêu thiết tha, đằm thắm của tác giả với quê hương đất nước, với con người xứ Huế đoan trang, dịu dàng.
Sau bức tranh ấy là tâm trạng của thi nhân trong nỗi nhớ nhung da diết, niềm khao khát được về với Vĩ Dạ, khao khát được giao cảm với cuộc đời và cũng chứa đựng nỗi cô đơn sầu thảm khi ông bị ngăn trở bởi bệnh tật.
Dù vậy, độc giả vẫn có thể cảm nhận một hồn thơ rất đỗi tài hoa, một tình yêu đời da diết, một nguồn cảm hứng và đam mê cái đẹp bất tận của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Mân Côi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất