Được mệnh danh là tác phẩm nhiều người đón đọc nhất của nhà văn Jack London, Tiếng gọi nơi hoang dã và cuộc đời chú chó Buck dũng mãnh luôn mang đến cho độc giả nhiều cảm xúc khác nhau.
Nói về thành công của cuốn sách, chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt, toàn bộ ấn phẩm Tiếng gọi nơi hoang dã được bán sạch và đưa cái tên Jack London, một tác giả chỉ mới 27 tuổi vào hàng ngũ nhà văn có ảnh hưởng nhất thế giới.
Bên cạnh hình tượng Buck, câu chuyện cũng lan tỏa trong lòng độc giả cảm hứng về cuộc sống, tình yêu thương, cảm giác chinh phục thiên nhiên và nhen nhóm ý định về hành trình mới trong những trái tim đam mê xê dịch.
Tuổi thơ khốn cùng và niềm đam mê vô tận với sách của Jack London
Jack London được coi là một trong những nhà văn hiện thực Mỹ hàng đầu, ông sở hữu phong cách nổi bật là vốn sống thực tế cùng những bi kịch từ cuộc đời. Tới nay, Jack London vẫn nằm trong nhóm tác giả được bạn đọc khắp thế giới ưa thích nhất.
Tuy nhiên, ít ai biết tuổi thơ của Jack London lại trôi qua không hề êm đềm. Nghèo khó, cùng quẫn, ông từng sa vào thói ăn cắp và sớm dính líu vào thứ đồ uống độc hại mang tên “rượu”.
Một tuổi thơ không mấy trọn vẹn
Jack London, tên khai sinh là John Griffith Chaney sinh ra tại tiểu bang California, Hoa Kỳ trong một khu phố nghèo khổ của thành phố. Mẹ ông, Flora Wellman là giáo viên âm nhạc còn cha ông là William Chaney, một nhà chiêm tinh học.
Năm 1875, mẹ London thuật lại với báo chí rằng khi đang có mang, chồng bà yêu cầu phá thai nhưng bị cự tuyệt nên ông tuyên bố không chịu trách nhiệm về đứa con. Vắng bóng cha từ khi mới lọt lòng, tuổi thơ Jack ngập trong đói nghèo và sự khốn cùng.
London thú nhận năm lên bảy tuổi, do quá túng quẫn vì đói mà ông phải đi ăn cắp mẩu sandwich của một cô bé. Mãi tới năm chín tuổi, Jack mới có chiếc áo sơ mi đầu tiên, ông đã viết về những ngày tháng ấy như sau:
“Tôi phấn khởi biết nhường nào. Nhiều ngày liền tôi không cởi áo ra để cho mọi người biết mình cũng có sơ mi mặc như ai.” – Jack viết trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình
Trong một đoạn khác về ký ức tuổi thơ, Jack cho biết ông phải đi đưa báo từ khi bản thân mới mười tuổi. Thậm chí là dậy khi trời còn mờ tối để kịp xong công việc và đến trường, những món đồ chơi khi ấy cũng chỉ là điều xa xỉ không bao giờ có.
Cuối năm 1876, bà Flora kết hôn với John London, một chủ nông khánh kiệt và cậu bé John Griffith Chaney được đổi tên thành Jack London. Tình trạng kinh tế eo hẹp buộc chú bé Jack nhỏ tuổi phải bỏ học và đi kiếm việc làm.
Chàng văn sĩ nổi tiếng của tương lai từ đó thường giao du với các băng nhóm bụi đời và bị cảnh sát ghé thăm như cơm bữa. Rượu là thứ mà Jack london “nếm trải” ngay từ những ngày tháng thơ ấu ấy.
Một tấm gương sáng ngời về tinh thần ham học và bài học truyền cảm hứng
Năm 21 tuổi, lúc đang học đại học, khi đọc được bài báo kể về vụ tự sát của mẹ năm xưa và biết được tên thật cha đẻ của mình là William Chaney, London liền viết một lá thư gửi cho cha, người lúc này đang sống ở Chicago.
Phủ nhận quan hệ cha con, ông William khiến Jack đau khổ vô cùng, anh xé tan bức thư và ít tháng sau đó, chàng trai trẻ bỏ học và lên đường đi Klondike tham gia vào cơn sốt tìm vàng đang làm cả thiên hạ điên đảo.
Từ đây, Jack London bắt đầu cuộc đời phiêu bạt đầy đắng cay nhưng cũng hứa hẹn nhiều vinh quang. Sau nhiều tháng dốc sức lao động tìm kiếm mà không có kết quả, tuyệt vọng như bao người khác, Jack quyết định về lại San Francisco.
Anh trở về với cái túi rỗng, nhưng tích lũy được cho mình một vốn sống vô giá, trở thành “dấu ấn” trong sự nghiệp sáng tác sau này.
Lúc này chàng trai Jack mới chỉ ngoài hai mươi, bơ phờ vì quãng thời gian phiêu lưu vô định và làm những việc nặng nhọc với đồng lương ít ỏi vào ban ngày, ban đêm thì đắm mình vào những trang sách và trau dồi mọi thứ có thể, từ lịch sử, triết học đến kinh tế.
Tiếng gọi nơi hoang dã ra đời và nhanh chóng trở nên ăn khách
Những thử nghiệm văn học đầu tiên của Jack London hầu hết na ná nhau và không tạo được tiếng vang lớn. Mặc dù không hấp dẫn cho lắm, chúng vẫn mang tính hiện thực đặc trưng cho một người cầm bút thiên về cuộc sống thật đời thường.
Trong vòng vài tháng sau đó, ông bắt tay viết lên một loạt truyện ngắn, vì được bạn đọc ưa thích nên chàng văn sĩ trẻ sớm có “đồng ra đồng vào”. Ở thời gian này, khả năng tài chính của Jack cũng tăng lên đáng kể.
Năm 1900, nhà văn xuất bản tuyển tập đầu tay Son of the Wolf (Con trai của loài sói), tiếp đó là cuốn tiểu thuyết A Daughter of the Snows (Con gái của tuyết) ra mắt độc giả. Sự nghiệp văn chương của Jack London khi ấy rộng mở và đầy hứa hẹn.
Sau đó, chiến tranh ở Nam Phi bùng nổ, ông được một hãng thông tấn lớn cử sang làm phóng viên chiến trường. Sau khi trở về Mỹ, năm 1903, Jack London phát hành cuốn The Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã), tác phẩm quy tụ những kỷ niệm của ông về Alaska.
Tiếng gọi nơi hoang dã đánh dấu cột mốc quan trọng trong sự nghiệp văn chương của nhà văn nổi tiếng Jack London. Tên tuổi ông theo tác phẩm đã trở nên “nổi như cồn” và trở thành cái tên được đông đảo bạn đọc mến mộ.
Tiếng gọi nơi hoang dã và hành trình về với cội nguồn nguyên thủy
Tiếng gọi nơi hoang dã kể về hành trình trở về cội nguồn nguyên thủy, đánh thức bản năng hoang dã của chú chó Buck huyền thoại. Không dừng lại ở câu chuyện phiêu lưu thông thường, tác phẩm ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc được lồng ghép đầy khéo léo.
Thông qua hành trình của Buck, bức tranh về thiên nhiên và cuộc sống hiện lên trần trụi, khắc nghiệt nhưng cũng đầy những gam màu sáng tối đan xen. Với vốn kiến thức sâu rộng, Jack London đã đưa đến bạn đọc những triết lý nhân sinh sâu sắc, độc đáo trước hiện thực khốc liệt của đời sống hoang dã.
Cuộc phiêu lưu ngoài dự tính của chú chó Buck
Buck – nhân vật chính trong câu chuyện, là một chú chó cưng của gia đình vị thẩm phán Miller giàu có từ vùng thung lũng Kanta Clara ngập nắng. Những ngày tháng này đối với Buck là quãng thời gian sung túc nhất trong cuộc đời nó.
Tại đây, Buck tự cho mình là vua, là con vật toát ra cái khí nhất “vương giả” nhất trong trang trại của ngài thẩm phán. Những tưởng sự êm đềm sẽ kéo dài mãi mãi, chú chó Buck bất ngờ rơi vào biến cố lớn, thứ trực tiếp thay đổi cuộc đời nó về sau.
Chỉ vì quá tin người, Buck phải rời xa cuộc sống văn minh bên chủ và bước vào thế giới nguyên thủy, nơi mà “luật của dùi cui và răng nanh” ngự trị. Tên phụ vườn Manuel đã lén lừa Buck và rao bán chú cho những con người tàn nhẫn kia.
“Ôi khát vọng xưa đất trời rộng bước
Giận thói thường xích chặt tựa lao tù
Đêm đông lạnh từ giấc nồng mộng ước
Lại bừng sôi huyết thống của hoang vu!”
Trong truyện, chi tiết “Buck không hề đọc báo” được chính nhà văn nhắc lại tới hai lần trong chương đầu tiên. Điều này nói lên sự vô tư với thời cuộc từ một con vật đã quen sống trong nhung lụa, không có chút đề phòng với sự lọc lừa của trần đời.
Thế là từ đó, Buck bắt đầu một cuộc sống mới đầy khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Trên hành trình đó, nó đã gặp trở ngại ngay từ khi phải thích nghi với những luật lệ thô bạo và tàn nhẫn.
Bài học về bản lĩnh sinh tồn giữa cuộc đời
Tiếng gọi nơi hoang dã là tiếng gọi về miền nguyên thủy trong hành trình của con chó Buck, nó cũng là tiếng gọi đưa người đọc về miền đất mới, mang đến sự tự nhận thức về thiên nhiên và con người.
Buck là hiện thân cho một cuộc chiến sinh tồn, là khả năng thích ứng với thời cuộc để có thể sống sót, khi “luật của dùi cui và răng nanh” trở thành công cụ xác định quyền thế, tầng lớp, cấp bậc lẫn mạng sống.
Từ một chú chó được cưng chiều, Buck trở thành chó kéo xe cho nhiều mục đích khác nhau, khi thì đi giao thư giữa những quãng đường xa tít và ngập dày trong tuyết trắng lạnh giá, khi thì trở thành công cụ đắc lực cho những người có tham vọng đổi đời.
Với sự khắc nghiệt từ môi trường sống, kham khổ trong lao động hằng ngày và còn nằm trong tay những ông chủ tàn ác, Buck buộc phải thay đổi chính bản thân mình để có thể thích nghi với nghịch cảnh khắc nghiệt.
Để tồn tại trong hoàn cảnh ấy, Buck buộc phải trở thành chú chó mạnh nhất, thích ứng tốt nhất và kiên cường nhất. Để rồi ngày Buck cất lên tiếng hú của kẻ đầu đàn, nó đã đến gần hơn với sự hoang dã, ý thức rõ hơn việc sử dụng sức mạnh của mình.
Một thế giới hoang dã với muôn hình vạn trạng
Bên cạnh câu chuyện tuyệt vời về Buck, Jack London cũng đã đem vào trang sách của mình một thế giới loài vật với đủ mọi cung bậc cảm xúc, là tiếng gầm gừ như những kẻ sắp tranh đấu.
Thế giới hoang dã của chúng đem đến phương Bắc sự sinh động, nhộn nhịp khác thường với cuộc sống có phần tĩnh mịch, lạnh lẽo nơi đây. Một thế giới hoang dã gây ấn tượng mạnh mẽ, mở ra muôn hình vạn trạng điều kỳ thú.
Nó phản ánh cái bản chất khốc liệt của sự sinh tồn, ngay từ cái cách Buck vật lộn với cuộc sống, với dùi cui và răng nanh, giữa cái luật của cuộc đời cho đến lúc chỉ nghe được tiếng gọi nơi hoang dã, nơi vùng nguyên thủy xa xôi.
Hình ảnh Buck và thiên nhiên gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc. Thế nhưng, chính tư tưởng trong tác phẩm lại là điều làm nên giá trị cho Tiếng gọi nơi hoang dã, khiến nó sống mãi với thời gian.
Buck là một chú chó nhưng bản năng của nó cũng là bản năng của con người trước khó khăn cuộc đời. Đời người là chuỗi ngày đấu tranh và trong những “trận chiến sinh tồn” đó, bản năng của họ được đánh thức.
Không theo “nguyên lí tảng băng trôi” như Hemingway nhưng Jack London vẫn có khả năng thể hiện nhiều tầng lớp nghĩa của câu chuyện. Ngoài cuộc đời của Buck, mối xung đột giữa con người với thiên nhiên thì nhà văn còn phản ánh mặt tối của hiện thực khốc liệt xã hội Mỹ đương thời.
Cái giá trị nhân văn đó được miêu tả một cách đặc sắc và đầy tinh tế. Tư tưởng được viết dưới ngòi bút tài năng, bởi tấm lòng yêu thương và cả vốn kiến thức đầy trí tuệ, nó đi vào lòng độc giả một cách sâu sắc và chân thực nhất.
Tiếng gọi nơi hoang dã là câu chuyện cảm động về tình bạn giữa người và chó
Tiếng gọi nơi hoang dã không chỉ đơn thuần là cuộc đấu tranh sinh tồn và cũng không phải sự phô diễn sức mạnh cơ học. Ở đó có trái tim của Buck dành cho những người chủ tử tế dù bên trong nó, âm thanh từ chốn hoang vu vẫn thôi thúc mỗi đêm.
Nhà phê bình nổi tiếng H.L. Mencken nhận xét “Không có bất cứ nhà văn nào cùng thời với Jack London có thể viết hay hơn những gì mà ông đã viết trong Tiếng gọi nơi hoang dã”. Bản thân ông cũng dành từ “phi thường” cho trí tưởng tượng của Jack London.
Câu chuyện về Buck không dừng lại ở hành trình vào sâu trong lãnh địa nguyên thủy, đó còn là bức thông điệp về sức mạnh của tình yêu thương, thứ sở hữu khả năng cảm hóa người và vật.
Cuộc đời Buck phải nếm trải biết bao nhiêu lần đổi chủ. Mỗi người chủ với tính cách khác nhau với cấp độ tình cảm riêng biệt được Jack London khắc họa vô cùng rõ nét.
Trong đó, có người yêu quý Buck, chăm sóc và coi nó như người bạn đồng hành. Có kẻ lại lợi dụng sức lực yếu ớt của Buck để thực hiện mục đích tư lợi của mình. Đối với họ, Buck chỉ là một chú chó không hơn không kém.
Mỗi người một tình cảm nhưng có lẽ trong tiểu thuyết này, tình yêu thương của John Thornton mới khiến độc giả không khỏi xúc động. Tình cảm ông dành cho Buck có thể cảm hóa bản chất hoang dã của chú chó lai, là thứ với nó vốn xa lạ.
Chú chó Buck và những bài học trong cuộc đời
Vốn trước đó đã quen với cuộc sống với giàu sang và được cưng chiều nên khi rơi vào dòng xoáy phức tạp từ thế giới bên ngoài, Buck buộc phải tự lựa chọn hành trang để thích nghi, vượt qua sự khắc nghiệt của số phận và có cho mình những tháng ngày êm đềm.
Tuy xuất hiện nhiều yếu tố hành hạ động vật hay bạo lực máu me, xa hơn là đề cập đến những góc tối nơi sâu thẳm trong lòng xã hội theo một cách đen tối và đầy ám ảnh như việc tranh giành sức mạnh, ranh giới mỏng manh giữa sự sống, cái chết.
Thế nhưng, Jack London như đang gửi gắm đến người đọc những suy nghĩ trưởng thành và bản năng vươn lên vượt qua nghịch cảnh trong cuộc đời mỗi con người.
Dưới ngòi bút của ông, mối liên kết giữa con người với con vật, con người với thiên nhiên càng được thể hiện rõ hơn qua từng trang sách đầy tâm huyết.
Giá trị tư tưởng đậm sâu ẩn dấu dưới bức họa sinh động đã lên tiếng đề cao tình yêu thương con người, kèm theo là những bài học xương máu về sự thích nghi, thay đổi vốn có trong cuộc sống.
Thông qua câu chuyện của vật mà nói đến câu chuyện con người, chính điều ấy tạo nên nét riêng biệt của Tiếng gọi nơi hoang dã so với muôn vàn tiểu thuyết khác trên thế giới.
Hơn một trăm năm đã trôi qua, tác phẩm không mất đi sức hút vốn có mà ngày càng đón nhận sự yêu thích từ độc giả trên toàn thế giới. Jack London đã viết nên một áng văn tuyệt vời về chú chó Buck, hành trình của nó sẽ còn vang vọng theo thời gian.
Mân Côi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất