Bức tranh là truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu, được rút trong tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, xuất bản năm 1983. 

Truyện ngắn Bức tranh đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp văn học Nguyễn Minh Châu khi ông chuyển hướng sáng tác sang kiểu nhân vật tư tưởng. Tác phẩm này có thể được coi như lời tự thú trong hành trình tự vấn lương tâm của người họa sĩ danh tiếng.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu cùng ngòi bút luôn hướng về con người và cuộc đời

Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh năm 1930 tại làng Văn Thai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm hai mươi tuổi, chàng thanh niên ấy quyết định lên đường nhập ngũ và cùng năm đó, ông chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu cùng ngòi bút luôn hướng về con người và cuộc đời

Năm 1962, tác giả chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông ra khỏi vùng kháng chiến, khi tâm hồn đã có sự hòa quyện giữa những áng văn lãng mạn cùng ý chí quật cường của người lính Trường Sơn.

“Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên trang giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý” – Nhà văn Tô Hoài

Kể từ đó, Nguyễn Minh Châu theo đuổi con đường văn chương cho tới những năm tháng cuối đời. Ông có sự nghiệp văn học cực kì nổi bật của Việt Nam, trong suốt chặng đường sáng tác, nhà văn ghi dấu ấn với độc giả và đồng nghiệp bằng lối tư duy nhiệt thành, luôn đắm mình vào thời cuộc.

Nguyễn Minh Châu đã để lại cho nền văn học Việt Nam nhiều hạt ngọc văn chương quý giá như Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Mảnh trăng cuối rừng, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cửa sông, Phiên chợ Giát, Dấu chân người lính

Cả cuộc đời, ông đã luôn trăn trở về việc dung hòa được mối quan hệ giữa ý thức công dân với sáng tạo nghệ thuật. Những năm đất nước trong cơn binh lửa, việc góp tiếng nói bằng văn chương vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc là lương tâm, trách nhiệm của mỗi cây bút và Nguyễn Minh Châu đã thực hiện điều đó một cách xuất sắc.

Truyện ngắn Bức tranh là hành trình tự vấn lương tâm của người họa sĩ tài ba

Nhà văn Nguyễn Minh Châu được đánh giá là “người mở đường tài ba và tinh anh” trong công cuộc đổi mới văn học Việt Nam. Tác phẩm của ông hầu hết hướng tới cuộc sống cùng con người thời hậu chiến, chứa đựng những tuyên ngôn, triết lý đáng suy ngẫm.

Truyện ngắn Bức tranh là hành trình tự vấn lương tâm của người họa sĩ tài ba

Từ năm 1980 trở đi, văn học đã đề cập đến những vấn đề không được nhắc tới trước năm 1975, nhìn thẳng vào tổn thất nặng nề, mất mát trong chiến tranh. Sau năm 1975, văn học Việt Nam vận động cuộc cách mạng hóa, đại chúng và dân chủ, từ khuynh hướng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư.

“Chiến tranh không bao giờ chỉ toàn một màu vinh quang, để chiến thắng có bao nhiêu máu và nước mắt… Chính vì thế, các sáng tác văn học về đề tài chiến tranh cách mạng hiện nay cũng dần đi theo khuynh hướng phản ánh hiện thực chân thật nhất của chiến tranh.” – Tác giả Văn Lê chia sẻ

Đặc điểm của văn học đương thời là khám phá con người trong sự phức tạp, đa chiều, nâng niu những vẻ đẹp nhân bản cùng phẩm chất cá nhân. Bên cạnh là nghệ thuật trần thuật từ nhiều điểm nhìn, ngôn ngữ đậm chất đời thường, giàu thông tin và tính triết luận.

Tác phẩm Bức tranh xoay quanh sự sóng đôi của hai bức họa, thứ nhất là bức tranh họa sĩ vẽ chân dung chiến sĩ thồ tranh giữa đường hành quân bom đạn ngập gầm trời và thứ hai là bức chân dung tự họa trong hành trình tự vấn lương tâm của chính người họa sĩ.

Hai bức tranh này xuất hiện trong diễn biến cốt truyện, soi vào nhau, chiếu rọi sự giằng xé trong thế giới tinh thần của nhân vật.

Nhân vật chính trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu là một họa sĩ giàu đam mê và có sự nghiệp thành công. Anh từng “công tác ở một chiến trường cực kỳ xa xôi, giáp biên giới miền Tây Nam Bộ”.

Vì biết ơn nên người họa sĩ đã nhận lời vẽ một bức tranh truyền thần cho anh chiến sĩ cùng đoàn và hứa sẽ đưa tận tay bức kí họa này tới người mẹ đáng thương nơi quê nhà của cậu ấy. Vì bị cuốn vào guồng quay công việc cùng chìm đắm trong sự thành công mà “bức tranh truyền thần” mang lại nên người họa sĩ dã không thực hiện được lời hứa năm xưa. 

Tám năm sau một cuộc gặp gỡ bất ngờ diễn ra giữa hai người và anh họa sĩ đã có cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội. Anh vô cùng hối hận vì sự vô tâm và ích kỉ của mình đã khiến người mẹ vốn già yếu nay lại thêm mù lòa vì khóc thương con.

“Tôi ra đến Hà Nội vào đầu tháng ba năm ấy. Nếu tôi là một người tử tế ra thì không khéo bà cụ không bị lòa, không những thế mà tôi còn có thể làm cho bà cụ khỏe ra! Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù lòa?” – Bức tranh

Dòng hồi tưởng, suy nghĩ của người họa sĩ là nội dung chủ đạo trong tác phẩm. Sự trăn trở cùng cuộc đấu tranh tâm lý giúp người đọc nhận ra được những hạn chế, khiếm khuyết của con người, phát hiện ra góc tối bên trong cái vẻ hào nhoáng, sáng bóng bên ngoài.

Xuất hiện song song với nhân vật họa sĩ là anh chiến sĩ có vẻ ngoài bình thản, trầm mặc cùng tấm lòng nhân hậu, vị tha. Anh chỉ “lẳng lặng đi xuống đồi” khi bị chàng họa sĩ từ chối vẽ giúp một bức tranh truyền thần để gửi về cho gia đình.

Thậm chí khi biết người họa sĩ không mang bức tranh về cho mẹ, đến nỗi người mẹ đáng thương ấy mù lòa cả đôi mắt vì nhớ thương con thì anh cũng không một lời trách móc, tận tụy với công việc và đối diện với vị họa sĩ danh tiếng kia bằng thái độ bình thản nhất.

“Giá lúc đó, sau khi cắt tóc xong, anh bảo tôi hãy ngồi lại để hỏi cái món nợ tám năm về trước, thì có thể sau đó tôi không trở lại cái quán cắt tóc ấy nữa, cũng nên. Thế nhưng anh vẫn làm như không hề bao giờ quen biết tôi. Khi tôi ra về, anh chào tôi một cách thân mật, nhã nhặn sau khi nhận tiền cắt tóc.” – Bức tranh

Ánh sáng lương tâm ấy của chiến sĩ ấy đã khiến người họa sĩ tự soi chiếu và tự vấn bản thân mình, nghiêm túc nhận thức những sai lầm và tìm cách khắc phục. 

Câu chuyện ngắn đã mang đến một ý nghĩa rằng sự hào nhoáng bên ngoài đôi khi không phản ánh được hết góc tối bên trong tâm hồn, cần đi sâu tìm hiểu bản chất bên trong để tránh bỏ lỡ giá trị đích thực tốt đẹp nhất.

Cuộc đấu tranh nội tâm mang đến những thông điệp sâu sắc

Ngay cả khi khói lửa chiến tranh đã nguội tắt thì không phải mọi thứ đều lắng dịu. Chiến tranh với những nỗi đau mà nó mang lại vẫn tồn tại và hiện diện trong cuộc sống ngày nay.

Cuộc đấu tranh nội tâm mang đến những thông điệp sâu sắc

Cuộc sống hối hả ngày nay tưởng như giúp người ta quên đi quá khứ nhưng đôi lúc lại bất chợt chạm phải nó, cái dĩ vãng mà không phải lúc nào cũng đẹp như mong muốn.

“Có những thứ đồ vật vô nghĩa. Có những thứ nhắc tới một chút kỷ niệm đẹp đẽ. Có những thứ gợi lên một câu chuyện chẳng hay ho gì, tưởng đã quên hẳn cái chuyện đó thì bây giờ cái đồ vật lại từ xó xỉnh, bụi bặm, từ trong xó tối từ từ bò ra, cái vật vô tri lại thủ thỉ nói chuyện với anh, khiển trách anh, lên án anh.” – Bức tranh

Người nghệ sĩ trong câu chuyện cũng rơi vào một tình huống bất ngờ tương tự. Trong lúc đi cắt tóc, anh vô tình gặp lại người chiến sĩ năm xưa từng thồ tranh giúp mình nơi chiến trường khốc liệt.

Thông điệp nhân văn mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm qua Bức tranh

Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ này là khởi đầu cho hành trình tự vấn lương tâm ở người họa sĩ. Ngòi bút tinh tế và đầy khéo léo của Nguyễn Minh Châu đã miêu tả một cách chân thực những nội tâm day dứt trăn trở ấy.

Cuộc đấu tranh nội tâm đang chênh vênh giữa hai bờ thiện và ác, cái cao đẹp sẽ chiến thắng hoặc cái xấu xa, thấp hèn sẽ cất tiếng cười ngạo nghễ. Người họa sĩ đứng chấp chới giữa ranh giới mong manh của sạch sẽ và bị vẩy bẩn nhưng cuối cùng anh đã giữ cho mình một lương tri trong sáng.

“Mấy lần tôi đã định ‘tẩu thoát’. Nhưng chính tôi lại bắt giữ tôi lại. Tôi lại kiên nhẫn tự thuyết phục mình một cách xử trí êm nhất: đừng bao giờ đặt chân đến trước mặt người thợ cắt tóc và bà mẹ anh ta nữa. Người ta đã dời cái quán đến một phố khác.” – Bức tranh

Bức tranh đầu tiên là kết quả của sự hối hận, tiếc nuối khi đã từ chối lời đề nghị chân thành của người chiến sĩ. Song chính giây phút “cầu ơ” ấy tạo nên một kiệt tác để đời trong suốt quãng thời gian làm nghề, thậm chí nó còn nổi tiếng hơn hẳn những bức tranh mà anh dồn hết tâm huyết sáng tạo.

Khác với bức tranh ký họa vội vàng nơi núi rừng ấy, bức chân dung tự họa thứ hai lại mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều khi giúp người họa sĩ tự nhìn thẳng vào chính lỗi lầm của bản thân mình trong quá khứ để tìm cách sửa chữa.

Thông điệp nhân văn mà Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm qua Bức tranh

Người họa sĩ tự nhận mình là kẻ giả dối và luôn tự dằn vặt “Tại sao tôi không giữ lời hứa?”. Chính ông đã nhẫn tâm quên đi người mẹ đang ngày ngày ngóng chờ tin đứa con trai duy nhất nơi chiến trường.

Nguyên nhân của lỗi lầm ấy đến từ sự ích kỷ, bắt buộc anh phải đưa ra lựa chọn là lảng tránh hay nên dũng cảm đối mặt.

Cuộc đấu tranh nội tâm được đẩy lên cao trào khi Nguyễn Minh Châu đưa ra cuộc trò chuyện giả tưởng giữa người họa sĩ và người lính năm xưa. Con người ấy khi nhìn rõ “khuôn mặt bên trong” của mình thì đã mạnh mẽ thừa nhận tất cả những lỗi lầm.

“Thế nhưng tôi cũng trở lại cắt ở đấy chỉ có một lần đó. Tôi quyết định phải trở lại cái quán kia. Tôi quyết định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh. Tôi không cho phép tôi chạy trốn. Tôi quyết định phải trở lại đấy vào buổi sáng, và đến thật sớm, lúc chỉ có tôi và anh.” – Bức tranh

Nhân vật được đặt trong tương quan với nhiều mối quan hệ khác nhau, trong đó có bản thân mình. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn cho truyện ngắn Bức tranh.

Một điểm cộng lớn cho tác phẩm này đó là ngòi bút khai thác tâm lý sắc sảo mà đầy mềm mại của Nguyễn Minh Châu đã giúp ông truyền tải trọn vẹn những thông điệp đầy ý nghĩa.

Ánh sáng của sự độ lượng tỏa ra từ lương tri người chiến sĩ cũng là điểm nhấn nhân đạo đắt giá cho truyện ngắn Bức tranh. Chính sự cố tình “không quen” của người chiến sĩ để người họa sĩ khỏi phải hổ thẹn lại chính là ánh sáng “khai tâm” giúp vị danh họa hiểu được về lẽ phải, về cái cao đẹp đang tồn tại một cách đích thực trong cuộc đời này.

“Văn học và cuộc sống là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện.”- Nhà văn Nguyễn Minh Châu

“Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về mình”, có thể nói thông điệp đầy giá trị nhân văn này của Nguyễn Minh Châu đã đưa truyện ngắn Bức tranh đến gần hơn với độc giả nhiều thế hệ.

Tiểu Mai