Mảnh trăng cuối rừng là một trong những truyện ngắn hay nhất, mang nét đặc trưng tiêu biểu trong phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu thời kì kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm được một nhà nghiên cứu người Nga giới thiệu trong bài báo Cuộc chiến tranh giải phóng và truyện ngắn Việt Nam hiện đại đăng trên tạp chí các dân tộc Á Phi vào tháng 4 năm 1973.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng

Nhà văn Nguyễn Minh Châu sinh vào tháng 10 năm 1930 tại làng Văn Thai, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những cây bút xuất sắc chuyên về đề tài truyện ngắn của nền văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Năm mười lăm tuổi, Nguyễn Minh Châu tốt nghiệp trường kỹ nghệ Huế với bằng Thành Chung. Năm năm sau ông học chuyên khoa tại trường Huỳnh Thúc Kháng và sau đó gia nhập quân đội, học ở trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.

Nguyễn Minh Châu
Chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu

Nhà văn có một thời gian công tác tại Ban tham mưu các tiểu đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Sau đó ông là trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320.

Về sau, Nguyễn Minh Châu về công tác tại phòng văn nghệ quân đội và tạp chí văn học quân đội. Ông trở thành thành viên chính thức của Hội nhà văn Việt Nam kể từ năm 1972.

Trước năm 1975, là một nhà văn mặc áo lính, Nguyễn Minh Châu ý thức được tầm quan trọng của người cầm bút trong giai đoạn chiến đấu ác liệt này vì vậy ngòi bút của ông hướng đến khai thác chủ đề chiến tranh và tinh thần yêu nước.

Bên cạnh đó Nguyễn Minh Châu quan niệm, người nghệ sĩ mang trong mình nhiều sứ mệnh thiêng liêng mà một trong số đó là tìm tòi, nâng đỡ và ca ngợi những giá trị sống cao đẹp của con người.

Nhà văn là người cố gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.

– Nguyễn Minh Châu

Vì vậy, sau khi cuộc kháng chiến kết thúc, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu lúc này khai thác những giá trị nhân văn xoay quanh cuộc sống của con người trong thời kỳ xây dựng cuộc sống mới.

Nhà văn hướng ngòi bút của mình tới những góc khuất mà ánh sáng Cách mạng chưa soi rọi đến hoặc xoay quanh cuộc sống đói nghèo của người dân.

Quan niệm sáng tác của Nguyễn Minh Châu
Quan niệm sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình lãng mạn với chất triết lý cuộc đời.

Tác giả khẳng định văn phong bằng cách đặt nhân vật trong những mối quan hệ đa chiều, phức tạp nhưng lại có một tổng thể hài hòa, thống nhất, qua đó đề cao và tôn vinh những giá trị sống cao đẹp của các nhân vật. Chính điều này đã làm nên sức hấp dẫn riêng biệt trong các tác phẩm của ông.

Một trong những tác phẩm điển hình cho phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu thời kỳ này có thể kể đến chính là Chiếc thuyền ngoài xa, đây là một tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp mười hai.

Ngoài ra tác giả Nguyễn Minh Châu còn có những tác phẩm đặc sắc khác bao gồm Cửa sông, Những vùng trời khác nhau, Dấu chân người lính, Miền cháy, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Phiên chợ Giát và Cỏ lau.

Tuyển tập Nguyễn Minh Châu
Tuyển tập các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu

Nhờ những đóng góp của mình cho nền văn học nước nhà, Nguyễn Minh Châu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu được đưa vào tập truyện Những vùng trời khác nhau với tên ban đầu là Mảnh trăng. Tác phẩm kể về những người thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bên cạnh việc khắc họa hình ảnh những người thanh niên xung phong trẻ trung, dũng cảm, tác phẩm còn làm sáng lên tình yêu đôi lứa lãng mạn nảy nở giữa cuộc chiến gian khổ, đầy khốc liệt 

Tình yêu là ánh trăng thanh mát tỏa sáng xuống mảnh đất chiến tranh khô cằn

Câu chuyện mở ra bằng hình ảnh những người lính luân phiên lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, trong một đêm nghỉ ngơi đã kể cho nhau nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Đến lượt Lãm, anh chàng nằm trong góc tối, đã kể cho mọi người về cuộc gặp tình cờ giữa anh và Nguyệt.

Nguyệt là một cô gái làm chung với chị ruột Lãm ở cầu Đá Xanh, vì thấy cô ngoan ngoãn, tích cực nên chị anh đã có ý ngắm cho cậu em trai mình. 

Mấy năm sau, qua nhiều chuyện xảy ra, Lãm dường như đã quên mất những bức thư của chị gái cùng người con gái tên Nguyệt năm nào. Ấy vậy mà trong một lần biên thư cho Lãm nói về chuyện địch bắn phá cầu Đá Xanh, chị Tính còn kể thêm rằng Nguyệt vẫn nhớ và đang chờ anh dù cho hai người chưa từng gặp mặt.

Hình ảnh minh họa tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng
Những người lính lái xe trên nẻo đường Trường Sơn trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng

Thật khó có thể tin được là Nguyệt lại hết lòng chung thủy với một chàng trai chỉ qua lời kể của chị Tính, không chỉ vậy cô còn ôm ấp mối tình ấy mấy năm trời.

Lãm rất cảm động trước tình cảm của Nguyệt, vì vậy trong một lần lái xe qua khu vực chị gái làm việc, anh định bụng dùng một ngày nghỉ phép của mình để ghé qua thăm chị và tiện thể gặp Nguyệt.

Anh còn tưởng tượng khi gặp mình Nguyệt sẽ ngại ngùng ít nói, còn những cô bạn thì tha hồ trêu chọc anh và Nguyệt.

Tôi đặt nhẹ mấy ngón tay trên vòng lái, mắt nhìn phóng về phía trước, và hình dung trước lúc tôi đến giữa đám các cô gái nghịch như quỷ sứ. Gặp tôi, Nguyệt sẽ nói rất ít, còn các cô bạn thì sẽ làm loạn lên. Nhưng chẳng hề gì, họ đều là những người bạn của anh em lái xe, đều là những người con dũng cảm, chân thực và mến khách.

Một trong những điểm đặc sắc của tác phẩm chính là việc xây dựng tình huống truyện bất ngờ và kịch tính. Bước ngoặt thực sự cho tình yêu của họ diễn ra khi một anh phụ lái tự ý cho một cô gái lên xe đi nhờ và đó lại chính là Nguyệt.

Qua làn ánh đèn tù mù của đoàn xe xích lao đi ầm ầm bên cạnh, tôi kịp nhận thấy vẻ xinh đẹp của cô gái, một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi tỏa ra từ nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ.

Đây chính là cơ hội cho Lãm có thể nói chuyện cùng Nguyệt với tư cách một người xa lạ, để cô có thể thoải mái bộc lộ cá tính của mình.

Tuyển tập Nguyễn Minh Châu
Tuyển tập các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu

Tình yêu thời chiến khó khăn đến vậy, họ chỉ gặp nhau qua những phút giây ngắn ngủi thậm chí còn chưa biết đến ngày mai nhưng họ vẫn luôn tràn đầy niềm tin, nhiệt huyết vào cuộc sống. 

Tình cảm của Lãm và Nguyệt thậm chí còn mỏng manh hơn, hai người còn chưa thực sự gặp mặt nhưng cô vẫn thủy chung chờ đợi anh qua thời gian và bom đạn không phai nhạt.

Hình ảnh người chiến sĩ dũng cảm trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng

Đối với những cô gái thanh niên xung phong hoạt động trên chiến trường thì vẻ đẹp của họ không chỉ là dáng vẻ bề ngoài mà nó còn gắn liền với sự dũng cảm, tinh thần chiến đấu mạnh mẽ và sự nhiệt huyết, hăng hái khi làm nhiệm vụ.

Thông qua đêm đi nhờ xe cùng Lãm, Nguyệt đã thể hiện được sự tự tin, lòng nhiệt thành khi luôn động viên anh lính lái xe về khả năng thông thạo địa hình của mình qua cả lời nói và hành động. 

Vốn dĩ chỉ định đi nhờ Lãm đến ngã ba nhưng cuối cùng bằng tấm lòng biết ơn sự nghĩa khí, cô đã nhiệt tình cùng anh qua sông để chỉ cho anh những chỗ nguy hiểm.

Những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn
Hình minh họa những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn

Khi hai người đang cố gắng vượt qua khúc sông thì máy bay của của địch ập tới. Sử dụng những kinh nghiệm lâu năm khi làm việc tại ngầm, Nguyệt đã nhanh chóng phát hiện ra tiếng máy bay trinh sát đồng thời nhắc nhở cho Lãm về việc tắt đèn xe tránh bị địch phát giác.

Giữa lúc nguy hiểm cận kề, Nguyệt mạnh mẽ liều lĩnh ra sức chỉ đường cho Lãm một cách rành rọt trong đêm tối vì cô biết rằng mình đang bảo vệ một điều gì đó quan trọng không chỉ là chuyến hàng mà còn là kháng chiến, là tương lai của đất nước.

Địch quây tròn trên đầu như xay lúa, rất thấp, thả pháo sáng và bắn hai mươi ly. Mặc, tôi cứ chạy, và Nguyệt cứ nói rành rọt như người đếm bên cạnh:

– “Anh ngoặt sang trái… Trước mặt có hố bom đấy… Chuẩn bị, sắp lên một cái dốc có “cua”…”

Qua một quãng khó đi và tối quá, Nguyệt nhảy xuống đi dò trước. Tôi cứ nhằm cái bóng trắng nhờ nhờ của Nguyệt trước mặt mà lái theo.

– Mảnh trăng cuối rừng

Sau khi an toàn, Lãm mới nhận ra Nguyệt bị thương, máu chảy ướt cả một bên vai, thế nhưng cô đã cố nén chịu đau không hề nhăn nhó, than thở để theo anh một quãng đường dài.  Đối mặt với sự áy náy của anh, cô hồn nhiên nói:

“Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ xước ngoài da thôi. Từ giờ tới sáng em có thể lên đến tận trời được”

– Mảnh trăng cuối rừng

Chính điều này đã chứng minh cho sự kiên cường, ý chí mạnh mẽ trong trái tim của Nguyệt, khiến Lãm càng cảm động và có thêm cảm tình với cô. Cuộc gặp gỡ được tác giả đưa vào đầy bất ngờ để qua đoạn đường đó, tình cảm của họ được tạo nên hết sức tự nhiên từ sự rung động giữa hai trái tim.

Ý nghĩa nghệ thuật của hình ảnh Mảnh trăng cuối rừng

Trong nhiều tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật là phương tiện để các nhà văn, nhà thơ phản ánh hiện thực khách quan bằng lăng kính của mình qua đó lồng ghép những quan niệm nhân sinh sâu sắc về một vấn đề hay chủ thể nào đó.

Trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng, trăng là hình tượng đặc sắc giàu sức gợi hình, gợi cảm. Đầu tiên là lớp nghĩa tả thực về ánh trăng xuất hiện mở ảo nơi núi rừng Trường Sơn, gợi lên những vẻ đẹp thiên nhiên đậm chất trữ tình bên những năm tháng hủy diệt tàn khốc của bom đạn kẻ thù.

Hình tượng mảnh trăng còn là chi tiết nghệ thuật đặc sắc ẩn dụ cho vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt, cô gái ngời sáng với những phẩm chất của người thanh niên xung phong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Hình ảnh minh họa mảnh trăng cuối rừng
Hình ảnh mảnh trăng cuối rừng mang nhiều ý nghĩa biểu tượng

Trong tác phẩm, hình ảnh Nguyệt và trăng luôn sóng đôi, song hành, soi chiếu và tô đậm thêm vẻ đẹp của nhau. Nguyệt là trăng và trăng là nguyệt, một cô gái tươi mát với thân hình mảnh mai, gót chân hồng và mái tóc dày tưởng chừng như mỏng manh lại vô cùng can trường dũng cảm.

Đặt hoàn cảnh gặp gỡ của hai người vào đêm trăng càng khiến cho ấn tượng của Lãm về Nguyệt trở nên đậm nét.

Cũng giống như mảnh trăng cuối rừng, dù ánh sáng dịu nhẹ nhưng vẫn đủ sức soi sáng đem lại cảm giác thoải mái dễ chịu. Bằng lớp ngôn từ thấm đượm phong vị trữ tình, tác giả đã phát hiện và miêu tả thành công những phẩm chất ẩn sâu trong tâm hồn nhân vật.

Hơn thế nữa, mảnh trăng còn là biểu tượng cho tình yêu chớm nở trong lần gặp đầu tiên của Nguyệt và Lãm, đồng thời hứa hẹn câu chuyện tròn đầy viên mãn trong lòng người đọc.

Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có một nguồn cảm hứng lớn, đó là cảm hứng lãng mạn được toát lên từ hy vọng sống, chiến đấu và yêu thương từ chính những người chiến sĩ tham gia vào mặt trận giải phóng dân tộc.

Mảnh trăng cuối rừng chính là sự kết tinh từ nguồn cảm hứng đó, tác phẩm đẹp như một bài thơ bằng văn xuôi với phong vị lãng mạn thấm đượm vào từng chi tiết nhỏ nhất. 

Nhật Hằng