Thân phận người phụ nữ thường được nhắc đến nhiều trong các truyện ngắn của Nam Cao, có thể kể đến như Nghèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Ở hiền cùng nhiều tác phẩm khác. Dì Hảo là một trong số đó và đại diện cho những người phụ nữ thuộc tầng lớp hạ lưu bị chèn ép bởi xã hội nghiệt ngã tới mức họ chọn cách cam chịu cho mọi oan ức, bất hạnh.
Được lấy cảm hứng từ một nhân vật có thật từng xuất hiện trong cuộc đời của Nam Cao, Dì Hảo hiện lên trên từng trang sách bằng tất cả những gì chân thực nhất và gợi tả được sự nghiệt ngã, bất công mà phụ nữ phải gánh chịu thời đại lúc bấy giờ.
Nam Cao là nhà văn đại diện cho tiếng nói khốn khổ và cùng quẫn của nhân dân
Với quan điểm nghệ thuật rõ ràng, Nam Cao không lẩn trốn vào câu chữ để thoát khỏi cuộc sống thực tại hay triền miên vào những vùng đất hư ảo. Ông dùng chất liệu văn từ chính những gì chân thực nhất từ đời sống hàng ngày để đặt bút.
Bởi vậy khi đọc văn của Nam Cao người đọc tưởng chừng có thể nhìn thấy một cuộc sống đầy bế tắc của nhân dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám, nơi mà con người ta bị đẩy vào bần cùng hóa và thậm chí lưu manh hóa như Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên hay Binh Tư trong Lão Hạc.
Trong cái xã hội ấy, miếng ăn bỗng trở nên xa xỉ và là nguồn cơn của mọi vấn đề. Người ta có thể đánh chém nhau, bán cả niềm tin, lòng thương và giằng xé nhau chỉ vì vấn đề gạo tiền, chưa bao giờ hình ảnh miếng ăn lại trở nên lem luốc và tủi nhục tới thế.
Gần như mỗi nhân vật xuất hiện trong cuộc sống của Nam Cao đều có thật và từng xuất hiện trong cuộc đời ông. Dưới ngòi bút tinh tế, chân thực các nhân vật dần hiện lên và phản ánh một cách rõ nét thực trạng xã hội lúc bấy giờ.
Thân phận người phụ nữ với kiếp sống lay lắt, xác xơ đã phải trầy trật vì miếng cơm manh áo còn bị những người xung quanh ức hiếp, chà đạp cũng được tái hiện lại trong truyện ngắn của Nam Cao.
Dì Hảo là một truyện ngắn gần như không có cốt truyện mà chỉ tập trung xoay quanh những bất hạnh và tủi nhục của người phụ nữ khốn khổ, thấp cổ bé họng trong xã hội lúc bấy giờ.
Dì Hảo và số phận hẩm hiu, lênh đênh tệ bạc
Ở cái thời đại mà nghèo túng quá rồi, người ta sẽ tìm cách càng bớt miệng ăn đi càng tốt và những đứa trẻ mới ngót nghét vài tuổi bỗng trở thành vật đem trao bán đi để làm con ở, người hầu cho nhà giàu.
Dì Hảo là con gái bà xã Vận, một người làm bánh đúc ngon có tiếng của làng Vũ Đại, bánh đúc là một thứ quà quê xuất hiện nhiều trong các truyện ngắn của Nam Cao thường được bày bán trên các mẹt ven chợ và xúm xít bởi các bà các mẹ mặc váy bạc phếch.
Trong câu chuyện này, bánh đúc của bà xã Vận dưới ngòi bút của tác giả trở nên vô cùng sinh động:
“Tấm bánh chẳng lấy gì làm to, so với bánh người khác có phần hơi đắt. Nhưng mà ngon hơn. Cái bột xay rất nhuyễn, vôi bỏ vừa, mịn chắc đấy, nhưng không nồng một tí nào, bẻ ra ăn với cá bống kho ráo nước cho đến cong lên, dầm vào một tí tương cua thì thật tuyệt!”
– Dì Hảo.
Bà xã Vận là một người phụ nữ góa chồng, chồng bà chết cũng không có nổi một cỗ áo quan tử tế. Mặc dù việc buôn bán của bà thường suôn sẻ nhưng trách nhiệm phải nuôi thêm hai đứa con nheo nhóc cùng đống nợ chồng chất ngày trước khiến cuộc sống của bà càng trở nên chật vật.
Dì Hảo lớn một chút, bà xã Vận dẫn cô tới nhà bà ngoại nhân vật tôi làm con nuôi. Dù may mắn hơn những đứa trẻ bị bóc lột sức lao động và đối xử tệ bạc khác, dì Hảo được cho theo đạo và được ăn mặc tử tế nhưng tiếng khóc của dì những ngày đầu cũng khiến người đọc thấy nao lên trong lòng:
“Mới đầu, dì Hảo khóc lóc đến mười hôm: dù có được ăn no, mặc lành đi nữa, người ta cũng không thể phút chốc mà quên cái lều hôi hám là nơi mình đã đói rách, khổ sở với em và mẹ.”
– Dì Hảo.
Dẫu vậy dì Hảo nhanh chóng thích nghi được với cuộc sống mới, với việc theo đạo, những bài kinh thánh và trở thành một đứa con ngoan đạo.
Cô bắt đầu thấy sợ địa ngục và tin những lời răn dạy và có lẽ bi kịch đầu tiên của dì Hảo chính là ghê sợ chính người mẹ của mình, những xung đột giữa hai mẹ con khiến mối quan hệ quan trọng này dần tan vỡ.
“Chao ôi! Nào có cứ gì phải là những người tư tưởng! Ngay ở những người không tư tưởng cũng đã có sự chia rẽ tư tưởng rồi!”
– Dì Hảo.
Dì Hảo thương nhân vật tôi hơn tất cả mọi thứ trên đời và sẵn sàng làm mọi thứ vì cậu ấy, dì mến cả người mẹ nuôi của mình và dường như dì Hảo đã trở thành một phần của gia đình nhỏ này. May mắn thay cho một con người lênh đênh, nghèo khổ đã tạm có nơi dừng chân của mình.
Dì Hảo và những giọt nước mắt nấc lên trong tuyệt vọng
Trong các tác phẩm của Nam Cao nếu hình ảnh miếng ăn thường xuất hiện trong sự đói khổ khốn cùng để thể hiện cho sự giằng xé, tranh giành lẫn nhau tới tủi nhục thì chi tiết giọt nước mắt rơi vì bất hạnh cùng cực bao giờ cũng để lại nhiều ám ảnh và ngẫm nghĩ cho độc giả.
Ở Nghèo, chị đĩ Chuột kêu khóc và van lạy bà Huyện khất nợ, người phụ nữ trong Trẻ con không được ăn thịt chó òa khóc vì người chồng rượu chè bỏ đói vợ con thì dì Hảo khóc nấc lên vì người chồng vũ phu, tệ bạc.
Bi kịch lớn nhất gắn liền với cuộc đời dì Hảo là phải cưới và chung sống với một người chồng tàn nhẫn, mê sắc và cơm rượu. Hắn là một kẻ tục tằn, thô bỉ và không yêu thương hay tôn trọng dì Hảo chút nào, hắn khinh cô là đứa con nuôi rơi rớt rồi bỏ mặc cô những lúc đớn đau.
Ấy vậy dì Hảo vẫn cho rằng dì phải làm mà nuôi nó, cứ tưởng không có được tình yêu thì chí ít còn sức khỏe nhưng sau lần sinh đứa con bất thành dì Hảo trở nên kiệt quệ. Bi kịch này nối tiếp bi kịch khác khiến người đàn bà vốn đã yếu đuối nay càng đáng thương và thảm hại hơn.
“Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt.”
– Dì Hảo.
Nhưng rồi dì Hảo cũng trầy trật gắng vượt qua quãng thời gian bế tắc ấy mà tìm cách sống tiếp trên mảnh đất cằn cỗi này, người phụ nữ nghèo khổ ấy lại muốn người chồng đã bỏ đi kia quay lại để nuôi hắn cơm rượu nhưng hắn đã trở về với những thứ còn tồi tệ hơn cả ngày trước rồi lại bỏ đi.
“Dì Hảo cắn chặt răng để cho khỏi khóc. Nhưng cứ khóc. Hôm sau hắn ra đi không biết đi đâu. Dì Hảo ngạc nhiên. Rồi tức tối. Sau cùng thì dì nhẫn nại. Phải, nhẫn nại là hơn: nếu hắn cứ ở nhà thì cũng thế.”
– Dì Hảo.
Chai sạn với tổn thương và sự bế tắc khi đối diện thực tại đã đẩy dì Hảo vào trạng thái cam chịu, bỏ qua tất cả mọi thứ.
Đó chính là lựa chọn của những người phụ nữ bị chèn ép trước Cách mạng, họ luẩn quẩn trong bế tắc và nhẫn nhịn mọi ấm ức thay vì vùng lên chiến đấu giành lại tôn nghiêm cho chính mình.
Đây cũng là phong cách chung của các nhà văn giai đoạn trước năm 1945 bởi họ cũng đang loay hoay trong chính hoàn cảnh của mình và không tìm ra lối thoát cho thực tại, để rồi đành phải gửi nỗi niềm ấy vào từng trang văn.
Đâu đó vẫn còn tình người giữa dòng đời nghiệt ngã
Trong câu chuyện bất hạnh của dì Hảo còn thấp thoáng bóng dáng của một người phụ nữ đầy nhân hậu, đó là bà ngoại của nhân vật tôi.
Bà xuất hiện từ những dòng đầu với tư cách là một người chủ nợ nhưng thay vì chua ngoa và đay nghiến con nợ của mình, bà còn nhận nuôi dì Hảo và trả công nhỉnh hơn một chút để trừ vào nợ của bà xã Vận.
“Bà tôi còn nhân đức, giả đăn đắt để trừ nợ dăm sáu đồng. Thành ra bà xã chỉ còn được lấy có bảy đồng bạc thôi. Nhưng hơn chục đồng còn nợ lại, từ đấy bà cứ lần khân mãi, có gặp bà tôi, cũng chỉ van lạy khất, chứ không chịu trả. Bà tôi có bực mình cũng chỉ mắng té tát mấy câu, chứ không chửi bới tàn tệ hay bắt bớ. Ấy cũng bởi bà tôi là một người đi vay.”
– Dì Hảo.
Nếm trải qua những ngày tháng cùng cực vì phải gánh nợ cho người chồng cờ bạc nên người bà phần nào thấu hiểu cho những con nợ cũng túng quẫn như mình ngày trước. Thậm chí cho tới tận sau này khi đã khánh kiệt và dì Hảo đã lấy chồng, bà vẫn lặng lẽ qua thăm:
“Người đã già, đã ốm yếu, và khổ cực thay! Đã nghèo như lúc mới hăm hai. Cái cơ nghiệp của người gây dựng thầy tôi buôn bán thua lỗ, chúng tôi học hành tổn phí nhiều, đã tan tác đi theo gió bốn phương. Người chỉ có thể đem đến cho dì Hảo ốm đau mỗi ngày một xu quà, và rất nhiều nước mắt. Và rất nhiều lời than thở.”
– Dì Hảo.
Nếu dì Hảo là đại diện cho những người phụ nữ khốn cùng, chật vật với cuộc đời nghiệt ngã và lựa chọn cách nhẫn nại, cam chịu trước đắng cay thì bà ngoại của nhân vật tôi dù chỉ thoáng qua nhưng đại diện cho những điều tốt đẹp và lòng nhân từ còn sót lại giữa một xã hội đầy áp bức, bi kịch và bế tắc.
Họ cũng khổ, cũng lay lắt với kiếp sống của chính mình nhưng vẫn dang tay cưu mang và thương cho những số phận như mình, sống một cuộc đời dai dẳng trong đói nghèo không biết tới bao giờ mới chấm dứt.
Đây gần như đối lập với nhân vật người vợ của ông giáo trong tác phẩm Lão Hạc khi ông giáo nói rằng:
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất.”
– Lão Hạc.
Dưới ngòi bút tinh tế, giọng văn chân thực cùng nhiều câu chuyện trong làng Vũ Đại ta có thể tưởng tượng ra một xã hội đã mục nát từ bên trong và đủ cả các tầng lớp xã hội.
Nơi ấy có cả những kẻ bần cùng hóa, lưu manh hóa như Binh Tư, Chí Phèo hay những người trí thức mà bất lực, nghèo đói như ông giáo trong Lão Hạc, Thứ trong Sống mòn và cả những kiếp người phụ nữ lênh đênh như dì Hảo.
Dì Hảo không chỉ là câu chuyện về một người phụ nữ nhẫn nại, cam chịu trước bất hạnh của cuộc sống mà còn nói lên tiếng lòng của người phụ nữ, họ chỉ biết ê chề và tủi nhục cho những ngày tháng đã qua.
Câu chuyện khép lại bằng hình ảnh dì Hảo cố cắn chặt răng để không khóc và suy nghĩ dù có chồng về hay không cũng thế sẽ để lại một nỗi ám ảnh day dứt trong lòng người đọc khiến mỗi độc giả phải ngừng lại một chút để suy tư về một thời đại từng bế tắc như thế.
Thùy Lam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất