Từ kho tàng đồ sộ những câu ca dao tục ngữ xa xưa tới bao cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn hiện đại, làng quê Việt Nam luôn là đề tài quen thuộc được nhiều nhà văn đào sâu khai thác trong các tác phẩm của mình.
Hình tượng làng quê được khắc họa trên những trang văn không chỉ hiện lên như một đơn vị hành chính, địa lý mà còn là nơi quy tụ toàn bộ cuộc sống xã hội của người nông dân xưa.
“Cái làng đối với người nông dân – đặc biệt là ở vùng Bắc Bộ – có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của họ. Nó gắn bó thân thiết với họ hàng ngày và suốt cả cuộc đời, cả đến khi giã từ cuộc đời. Vì thế, từ bao lâu nay, lòng yêu làng quê đã trở thành một tình cảm tự nhiên, sâu nặng, hơn nữa đã thấm sâu vào tâm thức, tâm linh của người dân quê.” – Nguyễn Văn Long
Trong những năm ba mươi, làng với người nông dân là khái niệm về hai tiếng “quê hương” thân thương. Đặc biệt, khi đến với Làng của nhà văn Kim Lân, nó được tạo dựng như phông nền độc đáo làm nổi rõ hình tượng “người làng”.
Kim Lân là cây bút tiêu biểu của làng quê Việt Nam
Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông không chỉ được biết đến qua vai diễn Lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy mà còn gây ấn tượng bằng tài năng văn chương của mình.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà văn chỉ học hết bậc tiểu học rồi phải đi lao động nên ông sớm đã làm quen với cuộc sống lam lũ của những người nông dân trong xã hội cũ.
Bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941, các tác phẩm của nhà văn Kim Lân sớm nhận được nhiều chú ý từ nhiều độc giả khi đăng trên hai trang báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật.
Ông dành cả đời văn của mình để khám phá cuộc sống những người thôn quê nghèo khổ nhưng lại có lối sống thanh bạch, nhân nghĩa, thứ được xem như tinh chất được tích tụ và truyền lại từ ngàn đời.
“Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp một vẻ riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường và những điều tốt đẹp của họ – lòng yêu làng, yêu nước – được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp đẽ.” – Bích Ba
Đặc biệt với một số truyện ngắn như Vợ nhặt, Đứa con người vợ lẽ hay Cô Vịa, nhà văn đã khắc họa rõ nét không khí ảm đạm đến tiêu điều của nông thôn Việt Nam và cuộc sống lam lũ của người nông dân trong thời kỳ đó.
Tuy nhà văn Kim Lân không đi sâu vào phản ánh, khai thác chất hiện thực như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng nhưng nhiều độc giả khi đến với các sáng tác của ông vẫn có thể hình dung về bức tranh bối cảnh xã hội đương thời.
“Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí.. câu chữ của Kim Lân “gan lì” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc.” – Lê Thanh Nghị
Đến với tác phẩm Làng, tuy tác giả đã xây dựng thành công tình huống truyện kịch tính và sự xung đột trong chiều sâu nội tâm nhân vật nhưng thứ còn đọng mãi trong tâm trí độc giả là tấm lòng yêu nước sâu sắc.
Làng là tác phẩm mang đậm dấu ấn của nhà văn Kim Lân
Truyện ngắn Làng ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi đất nước đối mặt với nhiều điều khó khăn còn người nông dân buộc phải rời bỏ làng mình để đi tản cư.
Tác phẩm xây dựng nhân vật ông Hai, người làng Chợ Dầu nhưng buộc phải tản cư tới một nơi khác. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn luôn nhớ và tự hào về làng cũ cũng như tinh thần kháng chiến chống giặc của làng.
Tình huống truyện lên đến đỉnh điểm khi một người với tình yêu kháng chiến chống Pháp mãnh liệt phải nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây, sự xung đột trong nội tâm nhân vật được nhà văn Kim Lân khắc họa rõ nét.
Tuy nhiên, sự xung đột giữa tình yêu làng và tình yêu đất nước của ông Hai càng day dứt và trăn trở bao nhiêu thì vẻ đẹp trong tâm hồn lại càng được tô đậm mạnh mẽ.
“Truyện ngắn này không phải viết về đời sống nơi tản cư mà viết về tình cảm của con người với làng xóm, quê hương. Truyện viết về chính những người dân làng tôi. Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán, trên khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin dân làng tôi có thể đi theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn “Làng” như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan cho làng tôi.” – Nhà văn Kim Lân tâm sự khi nói về tác phẩm Làng
Qua việc khắc họa hình tượng nhân vật ông Hai, nhà văn đã thể hiện rõ sự ngợi ca và trân trọng dành cho những người nông dân “quê mùa” nhưng luôn hăng say cách mạng và tình yêu dân tộc nồng nàn.
“Tình cảm yêu làng, yêu nước là một tình cảm tự nhiên, nhưng trong truyện ngắn “Làng” thì tình cảm đó dường như đã trở thành một chuẩn mực đạo đức để đối nhân xử thế, có thể coi đây là sự trưởng thành về ý thức của người nông dân như ông Hai, bà chủ nhà, “người đàn bà cho con bú”,… Họ có thể ít chữ nghĩa nhưng lại có một sự mách bảo cực kỳ bén nhạy của tình cảm và lương tâm.” – Hoàng Dân
Đồng thời, tác giả bộc lộ rõ nét tài năng nghệ thuật của mình qua cách xây dựng tình huống truyện căng thẳng và thử thách ở nội tâm nhân vật, từ đó khiến độc giả hiểu rõ hơn đời sống tinh thần phong phú bên trong con người.
Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, đa thanh sắc và điểm nhìn trần thuật cũng được nhà văn Kim Lân vận dụng khéo léo trong tác phẩm Làng.
Sự hòa quyện giữa tình yêu làng và tấm lòng yêu nước tha thiết
Ông Hai là nhân vật chính trong Làng, một người nông dân làng Chợ Dầu với tình yêu làng, yêu nước thiết tha nhưng phải đi tản cư do kháng chiến chống Pháp bùng nổ.
Trong nội tâm nhân vật này, độc giả có thể cảm nhận sâu sắc tình yêu làng từ nồng nàn đến da diết của ông Hai khi ông luôn tự hào về làng Chợ Dầu, nơi sở hữu nhiều chiến tích cách mạng.
Bối cảnh sống của ông Hai khi tản cư xa làng
Ông luôn khoe khoang với mọi người về không khí cách mạng ở ngôi làng Chợ Dầu thân thương “Cả giới phụ lão có cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai”. Ông Hai cứ khoe để khỏa lấp đi nỗi nhớ làng đang khắc khoải trong lòng.
“Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em. Ồ, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Không biết cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc còn khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá.”
Những hình ảnh “đào đường đắp ụ, xẻ hào,..” được nhà văn Kim Lân miêu tả qua dòng suy nghĩ của nhân vật ông Hai là các hoạt động quen thuộc với cuộc sống của người nông dân trong quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những ký ức về hoạt động cách mạng là một phương tiện gián tiếp thể hiện rõ nét tình yêu làng tha thiết đến cháy bỏng của nhân vật ông Hai. Ông trực tiếp bộc lộ cảm xúc qua câu văn “Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”.
Ở ông Hai, độc giả không chỉ cảm nhận về tình cảm sâu nặng ông dành cho “cái làng” Chợ Dầu mà ẩn sâu trong tình yêu làng ấy là tấm lòng chân thành của một người nông dân dành cho kháng chiến và dân tộc.
“Ông Hai đi nghênh ngang giữa đường vắng, cái đầu cung cúc lao về phía trước. Hai tay vung vẩy, nhấp nhổm. Gặp ai quen ông lão cũng níu lại, cười cười:
– Nắng như này bỏ mẹ chúng nó!
Có người bỡ ngỡ hỏi lại “Chúng nó nào?” thì ông lão bật cười, giơ tay trỏ về phía tiếng súng:
– Tây ấy chứ còn chúng nó nào nữa. Ngồi trong vị trí giờ bằng ngồi tù.”
Tuy được khắc họa qua câu nói dân dã “Nắng như này bỏ mẹ chúng nó!” hay “Tây ấy chứ còn chúng nó nào nữa”, chính thứ ngôn ngữ ấy mới khắc họa chính xác nét đẹp bình dị và chất phác vốn có của người nông dân.
Trong tác phẩm Đôi mắt của tác giả Nam Cao, hình ảnh người nông dân với vẻ chân chất trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng được khắc họa rõ nét qua nhân vật Hoàng nhưng bằng thái độ mỉa mai và chế giễu.
“Nỗi khinh bỉ của anh phì cả ra ngoài theo cái bĩu môi dài thườn thượt. Mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối. Vợ chồng anh thi nhau kể tội người nhà quê đủ thứ. Toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả. Cha con, anh em ruột cũng chẳng tốt với nhau. Các ông thanh niên, các bà phụ nữ mới bây giờ lại càng lố lăng. Viết chữ quốc ngữ sai vần mà lại cứ hay nói chuyện chính trị rối rít cả lên. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả dân tân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ!”
Trái ngược với sự “đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiền” mà nhân vật Hoàng cảm nhận về những người nông dân như ông Hai, nhà văn Kim Lân đã trân trọng những vẻ đẹp đó của họ, một nét đẹp chất phác nhưng đẹp đẽ.
Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây
Trong giây phút vui sướng, “ruột gan ông lão cứ múa cả lên” khi nghe ngóng tin tức về thắng lợi của cách mạng, ông Hai lại nhận được tin dữ cả làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây.
Trong tâm trí ông Hai, tin dữ về làng Chợ Dầu không phải đến từ việc cái làng đẹp đẽ ấy bị đốt trụi, nhà cửa của ông ở làng không còn mà đó là tin ngôi làng khiến ông tự hào với nhiều chiến công cách mạng “Việt gian theo Tây” cả.
Ông bàng hoàng và sửng sốt đến chết lặng đi khi nghe được tin tức ấy. Một ngôi làng Chợ Dầu mà ông vẫn luôn tự hào đem đi khoe với mọi người vì thành tích kháng chiến vẻ vang đã trở thành làng Việt gian theo giặc.
Những thay đổi nhỏ nhặt trong cảm xúc và hành động của nhân vật này được nhà văn Kim Lân miêu tả rất tinh tế. Ông “nghẹn ắng lại”, cố giữ trấn tĩnh để hỏi lại một lần nữa với hy vọng mong manh rằng mình đã nghe nhầm.
“Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ, ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi:
– Liệu có thật không hở bác? Hay chỉ lại…”
Khi tin làng theo Tây được người đàn bà tản cư khẳng định, ông Hai đã quá bất ngờ để kịp phản ứng trước tin dữ đó. Sự bối rối và im lặng của ông đã thể hiện rõ nét nỗi bàng hoàng vẫn còn đọng lại trong tâm trí.
Niềm tin và tình yêu bấy lâu nay của ông về làng đều bị sụp đổ ngay trước mắt. Người đàn ông này chỉ có thể lảng tránh những lời bàn tán và “cúi gằm mặt xuống”, đi trong một tâm thế vừa thất vọng, sợ hãi và tủi nhục ê chề.
Về đến nhà, ông lão bắt đầu đau đớn, nằm vật ra giường với ai hàng nước mắt dàn dụa trên khuôn mặt già nua của mình. Bao nhiêu câu hỏi lần lượt dồn về, bủa vây tâm trí người nông dân.
Nhìn lũ con đang tuổi ngây thơ, ông Hai thương xót việc chúng phải mang tiếng là trẻ con làng Việt gian bán nước, không thể sống một cuộc sống bình thường và bị mọi người hắt hủi.
“Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhai ra đầu nhà chơi sậm chơi sụi với nhau.
Nhìn lũ con, ông tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên:
– Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.”
Đây là tình huống khiến nhân vật này phải dùng lý trí để suy nghĩ về cái làng Chợ Dầu, về thứ tình cảm mà ông đã dành cho ngôi làng. Làng bây giờ đã trở thành danh dự và lẽ làm người.
Ông lão kiểm lại từng gương mặt làng mình, lòng giấy lên niềm hy vọng mong manh “họ toàn những người có tinh thần cả mà. Họ đã ở lại làng, quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy”.
Tuy nhiên, lời của người đàn bà tản cư quá chắc chắn, ông Hai đi từ trạng thái bàng hoàng, bất ngờ tới bán tín bán nghi và đến phút giây cuối cùng, ông tin lời đồn ấy là thật với thái độ nhục nhã ê chề.
“Chao ôi! Cục nhục chưa, cả làng Việt gian! Rồi đây biết làm gì mà ăn, buôn bán ra sao? Ai người ta chứa. Ai người ta buôn bán mấy. Suốt cả nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước…”
Những biến chuyển về mặt cảm xúc và suy nghĩ của ông Hai được nhà văn Kim Lân khắc họa một cách chặt chẽ qua ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tài tình.
Những ngày tiếp theo, ông Hai không dám bước ra khỏi nhà và cũng không dám nói chuyện với ai. Ông chỉ quanh quẩn trong nhà, nín thin như bị ám ảnh bởi sự việc vừa diễn ra.
Trong ngôi nhà tản cư, không khí nặng nề bao trùm lên toàn bộ không gian và tâm trạng con người. Ông Hai “trằn trọc không ngủ được”, chỉ biết khẽ thở dài còn bà Hai lại lo âu, “nét mặt bà lặng đi, chịu đựng và nhẫn nhục”.
Đó là tháng ngày vô cùng thẳng với ông lão, ngoài việc nghe ngóng người ta đi bàn tán về “cái chuyện ấy” của làng Chợ Dầu, ông Hai còn nơm nớp lo sợ tiếng của bà chủ nhà ngỏ lời đuổi gia đình ông đi tới nơi khác.
“Thật là tuyệt đường sinh sống! Mà không một gì cái đất Thắng này. Ở Đài, ở Nhã Nam, ở Bố Hạ, ở Cao Thượng… đâu đâu người ta chẳng đuổi đi nữa, mình cũng chẳng còn mặt mũi nào mà đi đến đâu.”
Những ngày ấy, mâu thuẫn nội tâm xuất hiện trong tâm trí người nông dân yêu nước diễn ra ngày một quyết liệt. Ông Hai buộc phải đứng giữa hai lựa chọn khó khăn, làng và nước.
Chớm đầu, ông Hai nghĩ tới việc quay về làng nhưng ý kiến đó đã sớm bị tình yêu đất nước nồng nàn của ông gạt bỏ. Với người nông dân ấy, về làng “là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”, “là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”.
So với Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao, nhiều độc giả nhận thấy rõ ràng nhân vật này đã có những tiến bộ trong nhận thức và tư tưởng chính trị.
Tuy Lão Hạc và ông Hai đều là những người nông dân lương thiện chất phác nơi làng quê Việt Nam ở giai đoạn trước cách mạng tháng Tám nhưng tận sâu tâm hồn, họ vẫn tồn tại hai cá thể hoàn toàn khác nhau.
Nếu nhân vật Lão Hạc được nhà văn Nam Cao khắc họa là người nông dân luôn ám ảnh và dằn vặt vì những mâu thuẫn tinh thần đến từ sự đói nghèo thì ông Hai của tác giả Kim Lân lại tạo ấn tượng bởi tình yêu đất nước tha thiết.
Khi đứng trước sự lựa chọn khó khăn, làng và đất nước, ông không ngại ngần mà ủng hộ cách mạng, ủng hộ Cụ Hồ. Sự quyết tâm “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù” của ông Hai khiến nhiều độc giả phải trân trọng.
Thế nhưng, dù đã lựa chọn con đường cách mạng, tình yêu làng trong ông vẫn không bao giờ có thể nguôi ngoai. Trong hoàn cảnh ấy, ông Hai chỉ biết trút nỗi lòng mình qua cuộc trò chuyện với đứa con nhỏ ngây thơ.
“Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lại ông lại hỏi:
– À, thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai?
Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rảnh rọt:
– Ủng hộ Cụ Hồ Chí mInh muôn năm!
Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
– Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.”
Ông Hai tâm sự với con nhưng thực chất ông đang tự giãi bày gánh nặng trong lòng mình. Làng Chợ Dầu là nhà, là quê hương nhưng làng đã theo Tây, “về làng là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”.
Nghĩ như vậy mà ông Hai cũng trút đi phần nào nỗi muộn phiền trong sâu thẳm tâm hồn. Suy nghĩ “chết thì thì chết có bao giờ dám đơn sai” của ông thật đáng khâm phục.
Qua cuộc trò chuyện với đứa con, hiện lên trước mắt người đọc là một người nông dân mang một tình yêu làng tha thiết cùng tấm lòng thủy chung với cách mạng, kháng chiến.
Sự vui sướng của ông Hai khi nghe tin được cải chính
Những vướng mắc trong lòng ông Hai cuối cùng cũng được giải quyết khi nghe tin làng Chợ Dầu theo Tây được cải chính. Sự vui sướng và hạnh phúc của ông như vỡ òa.
“Chưa đến bực cửa, ông lão đã bô bô:
– Bác Thứ đâu rồi? Bác Thứ làm gì đấy? Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chín, ông ấy cho biết… cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng tôi bỏ đi Việt gian ấy mà. Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.”
Nhà bị đốt nhưng người nông dân ấy như nghe được mừng. Ông không còn quan tâm tới ngôi nhà của mình bởi việc bị đốt nhà đồng nghĩa với việc làng được minh oan, cả ông Hai và gia đình không phải là dân Việt gian bán nước.
Cái tính hay khoe của người đàn ông này một lần nữa xuất hiện nhưng giờ đây không ai cảm thấy khó chịu vì nó mà “ai ai cũng mừng cho ông lão”. Ngay cả bà chủ nhà, một người tưởng chừng thật đáng ghét cũng tỏ vẻ rất vui sướng.
Ông Hai dưới ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế đã trở thành một nhân vật điển hình cho tầng lớp nông dân vùng Bắc Bộ trước cách mạng tháng Tám với tấm lòng yêu làng và cách mạng tha thiết.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất