Nhà văn Bảo Ninh được mệnh danh là “Người dệt nỗi buồn từ những con chữ”. Cây bút tiêu biểu ấy sở hữu hàng loạt áng văn viết về đất nước và con người thời hậu chiến dưới góc nhìn chân thực, thấm đẫm sự tàn khốc.
Truyện ngắn Mây trắng còn bay của ông ra đời trong thời kỳ đất nước hoà bình và bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện. Tác phẩm này như một nén tâm nhang thành kính biết ơn hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã dâng trọn cuộc đời cho cuộc sống hôm nay.
Tác giả Bảo Ninh là nhà văn của những nỗi buồn chiến tranh
Nhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Âu Phương, sinh năm 1952 tại xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Gia đình ông có truyền thống sư phạm, cha là giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, người đã đặt nền móng cho sự phát triển ngành Ngôn ngữ học Việt Nam trong các trường Đại học ngay khi hòa bình vừa lập lại.
Nhà văn nhập ngũ năm 1969, chiến đấu trên mặt trận B-3 Tây Nguyên, tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10. Đến năm 1975 thì ông xuất ngũ, theo học Đại học ở Hà Nội và làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam ngay sau khi tốt nghiệp.
Bảo Ninh thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bắt đầu sự nghiệp cầm bút ở tuổi 32. Ông từng là sinh viên khóa II trường viết văn Nguyễn Du, sau khi ra trường thì công tác tại báo Văn nghệ trẻ, trở thành thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam kể từ năm 1997.
Nhà văn Bảo Ninh giản dị và khá kín tiếng, sống nội tâm, chẳng mấy khi chia sẻ. Ông từng tâm sự rằng bạn hữu của mình hầu hết đều là cựu chiến binh đã cùng qua chiến trận, họ phần nhiều xuất thân nông dân, ít quan tâm tới văn học.
Các tác phẩm của ông chủ yếu là truyện ngắn với phong cách viết cô đọng, tạo nên những khúc vĩ thanh đầy cuốn hút. Bảo Ninh đã có nhiều đóng góp to lớn cho diện mạo văn học Việt Nam đương đại.
“Bảo Ninh là một trong những nhà văn có duyên với truyện ngắn.” – Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận định trong cuốn Văn học Việt Nam thế kỉ XX
Là một người đã trải qua những năm tháng khốc liệt nơi chiến trường, mỗi trang viết của nhà văn đều đầy ắp chất liệu hiện thực, gắn với mọi nỗi niềm đau thương bởi bom đạn cào xé.
Ẩn trong từng trang viết là nỗi niềm ưu tư, day dứt của cây bút “dệt nỗi buồn từ những con chữ”, luôn đau đáu với mỗi cuộc đời, mỗi phận người và những ám ảnh chiến tranh.
Ngoài hai tác phẩm nổi bật là Trại bảy chú lùn và Thân phận tình yêu, về sau đổi tên thành Nỗi buồn chiến tranh, người đọc còn biết đến Bảo Ninh qua các truyện ngắn Bí ẩn của làn nước, Bội phản, Cái búng, Giang, Hà Nội lúc 0 giờ, Mây trắng còn bay, rửa tay gác kiếm, Gió dại.
Mây trắng còn bay cùng những nỗi niềm khắc khoải thời hậu chiến
Chiến tranh đã gieo rắc đau thương khắp nơi, tràn qua mọi miền đất nước và cướp đi sinh mạng hàng triệu con người. Những mất mát mà cuộc chiến để lại được phác họa một cách chân thực, đau đớn trong truyện ngắn Mây trắng còn bay.
Tác phẩm này ra đời trong thời kỳ hòa bình đã lập lại trên đất nước ta và chuẩn bị bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện. Về nhan đề, nhà văn Bảo Ninh lựa chọn “Mây trắng còn bay” với ý niệm tượng trưng cho sự chảy trôi của cuộc đời, gợi cảm giác thanh thản, bình yên, nhẹ nhõm.
Mây trắng còn bay có dung lượng ngắn, cốt truyện giản dị khi xoay quanh một chuyến bay vào hôm thời tiết xấu. Trong khi hầu hết mọi người lộ rõ vẻ hoang mang, lo lắng thì một bà cụ già chung khoang với nhân vật “tôi” lại trầm trồ, ngạc nhiên khi nhìn những đám mây ngoài cửa sổ.
Có lẽ đây là lần đầu tiên đi máy bay nên bà cu còn bỡ ngỡ và lạ lẫm với mọi thứ, không biết đồ ăn cô tiếp viên mang đến đã được thanh toán với tiền vé nên “bà chẳng ăn chút gì, chỉ xin một cốc nước lọc, tất cả các thứ hộp gói trên khay cụ dồn vào chiếc làn mây”.
“Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền.” – Mây trắng còn bay
Bà ngỏ ý với cô tiếp viên rằng khi nào máy bay đi qua sông Bến Hải thì mở giúp bà cái cửa vòm. Bất ngờ hơn là nhân vật ấy còn lập hẳn một ban thờ nho nhỏ có đầy đủ “đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thuỷ tinh đựng gạo”.
Điều đó khiến “tay vận complet” tỏ ra khó chịu còn nhân vật “tôi” cùng cô tiếp viên hàng không lặng người đi trước di ảnh nhỏ trên ban thờ con con ấy.
Câu chuyện đơn giản nhưng dư âm thì còn mãi, từng câu chữ như in sâu vào tâm trí, gợi nhắc đến hình ảnh những người mẹ đáng kính và đáng thương, có con cái hy sinh trong cuộc chiến trên dải đất Việt Nam thân yêu này.
“Có người lính
Mùa thu ấy
Ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy
Ra đi từ đó không về.” – Màu hoa đỏ (nhạc sĩ Thuận Yến)
Hình ảnh bà cụ bé nhỏ, tội nghiệp, “teo tóp như chìm lấp vào thân ghế” lấy đi biết bao nước mắt độc giả. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng khắc khổ, một đời vất vả, lam lũ ngoài đồng ruộng, nay được đi máy bay lần đầu nhưng lại là tới nơi mà con mình đã nằm xuống trong chiến trận.
Chiến tranh qua đi, hòa bình trở về sau những năm bom đạn nhưng thương đau mà nó để lại thì vẫn còn mãi. Trong tác phẩm, ẩn sau vẻ ngoài khắc khổ, nhà quê, người mẹ ấy ôm trọn vào mình nỗi mất mát tột cùng.
“Van bác, Bác ơi, van bác… chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất.” – Mây trắng còn bay
Mấy chục năm đau đáu mong ước thắp cho con nén hương thơm, chỉ vậy thôi là bà cụ đã thỏa nguyện rồi. Từng dòng chữ da diết, đẫm nước mắt làm ngời sáng tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả, để lại trong tâm trí độc giả nhiều suy tư về cuộc sống con người những năm tháng sau kháng chiến.
“Bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay” có lẽ là kỷ vật duy nhất của người con đã khuất. Chi tiết “người phi công còn rất trẻ” mang tới nhiều suy ngẫm, chiến tranh đã lấy đi những năm tháng tuổi thanh xuân cùng sự sống của con người, để lại vết thương còn rỉ máu về sau.
“Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.” – Mây trắng còn bay
“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” thật đúng với nhà văn Bảo Ninh. Bức ảnh con con ấy đã mở ra trường suy nghĩ vô tận với biết bao chiều sâu cảm xúc về thân phận con người trong cuộc sống.
Truyện ngắn phản ánh sự vô tâm của một số người thời hiện đại
Đọc Mây trắng còn bay, độc giả thương cảm cho nỗi lòng của bà cụ già bao nhiêu thì lại khó chịu với “tay vận complet” hách dịch bấy nhiêu.
Cái vẻ “quàu quạu” trên khuôn mặt khó đăm đăm thật khiến người đọc không thể có thiện cảm. Trước phản ứng trầm trồ của bà lão quê mùa về những đám mây trắng đang trôi bên ngoài, gã chỉ “khẽ nhấc mi mắt lên”, lộ rõ sự coi thường và khó chịu.
“Tay vận complet nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu.
– Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?
Tay nọ làm thinh.” – Mây trắng còn bay
Bề ngoài là một người đàn ông chỉn chu với complet lịch sự nhưng bản chất thì lại thô lỗ và đầy vẻ ngạo mạn. Tiếng nạt khẽ, chứa đựng sự cục cằn khi bà cụ thắp hương cho con trên máy bay.
Chi tiết “bước xéo lên đùi” nhân vật “tôi” cùng bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt” khiến người ta cảm thấy xót xa về thực trạng lối sống vô cảm, dửng dưng của một số người ở thời đại mới.
“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác.” – Khuyết danh
Bên cạnh đó, độc giả thấy ấm lòng trước hành động của nhân vật “tôi” cùng cô tiếp viên. Chứng kiến ban thờ nhỏ mà người mẹ già lập ra, họ chỉ sững sờ và dần xúc động nhưng không hề kêu ca, phàn nàn dù điều đó có thể làm ảnh hưởng đến chuyến bay.
Nhà văn Bảo Ninh đã khéo léo chọn góc nhìn trần thuật là ngôi thứ nhất, điều đó giúp xây dựng một câu chuyện khách quan từ điểm nhìn xa lạ của người ngoài cuộc lại vừa đồng cảm với nhân vật, thấy được suy tư, trăn trở của người kể chuyện.
Cốt truyện Mây trắng còn bay giản dị nhưng gợi nhiều ám ảnh, suy tư về chiến tranh cùng những vết thương vẫn âm thầm rỉ máu. Tác phẩm là thanh âm nhẹ nhàng mà thống thiết, vừa chứa đựng chất thơ của người chiến sĩ cầm bút, vừa thấm thía nỗi đau sâu sắc mà hiện thực mang lại.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất