Người ngựa ngựa người là một tác phẩm nổi bật của Nguyễn Công Hoan kể về số phận của những người lao động nghèo, thông qua câu chuyện đầy trớ trêu của anh phu xe, tác giả đã chỉ ra những mặt trái của xã hội thực dân nửa phong kiến đương thời.
Không chỉ vậy, câu chuyện còn thể hiện sự đồng cảm, xót thương của nhà văn trước những bất công mà người dân nghèo phải chịu, đồng thời ông cũng thẳng thắn phê phán sự tàn ác của một bộ phận quan lại, quý tộc lúc bấy giờ.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh vào tháng ba năm 1903 tại làng Xuân Cầu, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình Nho học thất thế.
Từ nhỏ ông đã được nghe rất nhiều câu thơ, câu đối có tính chất châm biếm, đả kích tầng lớp quý tộc, chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong cách sáng tác của ông sau này. Năm 1926, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, Nguyễn Công Hoan đã đi dạy học ở nhiều nơi cho đến trước Cách mạng tháng Tám.
Sau năm 1945, Nguyễn Công Hoan đã làm việc tại nhiều nơi và giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, biên tập viên báo Vệ Quốc quân, Giám đốc trường Văn hóa quân nhân hay Chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo.
Nhà văn bén duyên với sáng tác vào năm mười bảy tuổi và những tác phẩm của ông chủ yếu phản ánh hiện thực xã hội bằng lối hành văn trào phúng nhưng lại chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc.
Với thái độ nghiêm túc trong nghiệp cầm bút, Nguyễn Công Hoan đã để lại cho văn đàn Việt Nam hơn hai trăm truyện ngắn, gần ba mươi truyện dài và rất nhiều bài phê bình văn học, nổi bật trong đó phải kể đến Kép Tư Bền, Bước đường cùng hay Nông dân và địa chủ.
Với những cống hiến hết mình cho nghệ thuật, năm 1960 Nguyễn Công Hoan đã được nhắc đến trong Từ điển Bách khoa toàn thư của Liên Xô, không những thế ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 1996.
Đến với các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, độc giả sẽ cảm nhận được trọn vẹn sự chân thực từ bức tranh về những tháng ngày gian khó của dân tộc cũng như nỗi thống khổ mà đồng bào ta lúc bấy giờ phải gánh chịu.
Nguyễn Công Hoan cũng đã sống ở nông thôn trong nhiều năm, ông chịu khó quan sát nên có nhiều hiểu biết về nông thôn. Ông sáng tác nhiều truyện về đề tài này.
– Lê Thị Đức Hạnh
Không những thế, Nguyễn Công Hoan còn là một nhà văn của nông thôn khi đã thẳng thắn dùng ngòi bút của mình để phê phán bọn cường hào cũng như chế độ thực dân nửa phong kiến đã khiến dân ta chịu nhiều áp bức, bất công với giọng văn trào phúng và châm biếm.
Dù có trải qua bao nhiêu lớp bụi của thời gian thì Nguyễn Công Hoan cùng những trang văn của ông vẫn mãi là ngôi sao sáng trong lòng độc giả.
Phận đời trớ trêu của anh phu xe trong Người ngựa ngựa người
Nguyễn Công Hoan được đánh giá là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam đồng thời được xem như cây bút trào phúng bậc thầy, Người ngựa ngựa người là một trong những truyện ngắn đặc sắc do ông chắp bút vào năm 1931, giai đoạn nước ta đang chịu ách đô hộ của thực dân Pháp.
Thời điểm đó cuộc sống của những người lao động vô cùng cực khổ và họ phải chịu vô vàn bất công, thiệt thòi. Hiểu rõ tình cảnh khốn khó đó, Nguyễn Công Hoan đã mượn hình ảnh anh phu xe để khắc hoạ số phận của những người dân nghèo lúc bấy giờ.
Mở đầu truyện là hình ảnh lam lũ của anh phu xe vào đêm ba mươi Tết, khi tất cả mọi người đều đang quây quần bên gia đình thì anh vẫn phải vác xe đi tìm khách. Vì mới trải qua một trận ốm nặng, tiền của dành dụm bấy lâu đều mất hết, nên bây giờ anh phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để lo cho vợ con có cơm ăn, áo mặc.
Ấy, giá trong túi có nặng cái đồng tiền, thì chả phải bảo, anh ta cũng về nhà cho xong quách, việc gì còn phải vơ vẩn vẩn vơ như thế này! Khốn nhưng anh ấy vừa mới ốm dậy, ốm một trận tưởng mười mươi chết, thành ra không những mất một dịp kiếm tiền vào lúc cuối năm, mà bao nhiêu tiền dành dụm trong bấy lâu, sạch sành sanh cả.
– Người ngựa ngựa người
Dù đã cố vay vốn thuê xe để kéo ngày ba mươi nhưng may mắn lại không đến với anh, khi vất vả mời khách cả ngày cũng chỉ kiếm được có được hai hào. Chính vào lúc đang lúc tuyệt vọng thì anh phu xe nghe có người gọi. Vị khách của anh là một người phụ nữ ăn mặc khá sang trọng nhưng lại có phần bủn xỉn, sau một hồi kì kèo giá cả, phu xe quyết định chở bà khách này với giá hai hào.
Dù giá cuốc xe không cao nhưng trong hoàn cảnh túng quẫn, anh nghĩ chỉ cần có tiền mang về cho vợ con và khiến họ vui mừng là đủ. Suy nghĩ đó không chỉ tiếp thêm động lực mà còn giúp anh phu xe vơi đi phần nào nỗi vất vả từ chặng đường mưu sinh phía trước.
Sáng mai, kéo chuyến khách qua ga, xong rồi, ta đánh bát phở tái, rồi mua cho con cái bánh ga tô cho nó mừng. Vợ ta nghe thấy trong túi ta có tiền, thì chắc hớn hở, thấy ta làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cả nhà, tất là thương ta lắm. Nhưng ta sẽ làm ra dáng không mệt nhọc, để vợ chồng con cái ăn Tết với nhau cho hể hả.
– Người ngựa ngựa người
Những tưởng đã có thể về nhà cùng số tiền nhận được từ công sức của mình thì anh ngậm ngùi phát hiện vị khách kia chỉ là một cô gái bán hoa đang tìm khách, không có tiền trong túi.
Cô gái nói với anh rằng hãy kéo cô ấy đi tiếp, nếu tìm được khách thì sẽ trả tiền cho anh ngay. Một thoáng thất vọng hiện lên trong mắt anh nhưng vì đã lỡ giờ nên anh quyết định ôm tia hy vọng cuối cùng và kéo cô gái đó đến tận sáng.
Cái kết lấp lửng kèm theo tiếng pháo hoa cùng dáng đi lủi thủi của anh đã khiến độc giả ngậm ngùi và xót thương cho số phận của người phu xe nghèo.
Anh xe nghiến răng, cau mặt, lủi thủi ra hè, cầm cái đệm quật mạnh vào hòm đánh thình một cái! Anh móc túi lấy bao diêm đốt vía, rồi khoèo bàn chân, co cái càng lên, đưa tay ra đỡ, thủng thẳng dắt xe đi.
Tiếng pháo chào xuân nối đuôi nhau đùng đùng, toạch toạch…– Người ngựa ngựa người
Tình huống truyện được tác giả xây dựng tuy đơn giản nhưng vẫn chứa đựng tinh thần nhân văn và phong cách trào phúng đặc trưng của nhà văn. Qua đó, Nguyễn Công Hoan đã làm nổi bật lên thái độ phê phán xã hội bất công cùng sự xót thương cho những kiếp người nghèo khổ.
Bằng lối kể chuyện mộc mạc, giản dị cùng với sự kết hợp nhuần nhuyễn của nghệ thuật ngôn từ, Nguyễn Công Hoan đã thành công tái hiện bối cảnh hiện thực của Việt Nam dưới chế độ thực dân nửa phong kiến trước Cách mạng tháng Tám.
Người ngựa ngựa người là bức tranh đa chiều về số phận của con người trong xã hội
Lấy bối cảnh xã hội Việt Nam thời thuộc địa Pháp, Nguyễn Công Hoan đã vẽ ra sự đối lập xoay quanh anh phu xe và cô gái bán hoa.
Tuy đều sống dưới đáy xã hội nhưng cách mà cả hai mưu sinh lại không giống nhau, nếu anh phu xe đổi sức lao động của mình để có được những đồng tiền chân chính thì vị khách trên xe lại vô cùng lười biếng, không chịu lao động.
Thôi này, đừng cáu làm gì. Tôi bảo, cảnh tôi cũng như cảnh anh, cũng đi kiếm khách cả. Nhỡ phải một tối thế này, thì chịu vậy, chứ biết làm thế nào?
– Người ngựa ngựa người
Chính sự đối lập này đã cho thấy tài hoa của tác giả trong việc xây dựng cốt truyện, đồng thời mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn khác nhau về các mảnh đời trong xã hội đương thời. Ngay ở phần nhan đề Người ngựa ngựa người, Nguyễn Công Hoan đã thể hiện thái độ châm biếm, giễu cợt.
Bất đắc dĩ, con ngựa người lại phải kéo con người ngựa vậy.
– Người ngựa ngựa người
Nhìn chung thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan gồm nhiều loại người nhưng chủ yếu chỉ xoay quanh hai tầng lớp là quan lại, quý tộc và người nông dân nghèo, chính vì vậy nên các tác phẩm đã dễ dàng chạm đến những góc khuất của xã hội.
Dù được nhận định là một tác phẩm trào phúng nhưng Người ngựa ngựa người lại mang đến cho độc giả nhiều suy tư về số phận con người hơn là tiếng cười thoải mái.
Với ánh nhìn đầy chiêm nghiệm, Nguyễn Công Hoan đã thành công khắc hoạ lại cuộc đời của những con người lao động nghèo, cũng như làm sáng ngời ý chí kiên cường và bản tính lương thiện bên trong họ.
Người ngựa ngựa người và những dư âm đọng lại
Được mệnh danh là bậc thầy của truyện ngắn châm biếm, Nguyễn Công Hoan đã lên tiếng tố cáo những thế lực tàn ác chà đạp lên quyền sống của con người đồng thời bày tỏ niềm xót xa, thương cảm trước những số phận bất hạnh trong xã hội đương thời.
Văn học luôn gắn bó với đời sống, bởi sứ mệnh của nhà văn là thâm nhập và khắc hoạ hiện thực dưới ngòi bút tài hoa của mình. Dù chỉ là một truyện ngắn nhưng Người ngựa ngựa người đã bộc lộ được sự xuất sắc trong ngòi bút cùng trái tim nhiệt thành dành cho nghệ thuật của Nguyễn Công Hoan.
Có thể nói Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Nguyễn Công Hoan đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng, từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội.
Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót.
– Từ điển Bách khoa Việt Nam
Truyện ngắn không chỉ khắc hoạ sự vất vả mưu sinh từ những mảnh đời bất hạnh mà còn mang đến tiếng cười trào phúng qua cuộc gặp gỡ giữa anh phu xe và cô gái bán hoa. Chính giọng văn châm biếm nhưng vẫn chứa đựng tinh thần nhân đạo đã để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm về phận đời của những con người đáng thương ở xã hội thực dân nửa phong kiến.
Với nội dung đầy tính nhân văn cùng tầng ý nghĩa sâu sắc ẩn chứa trong cốt truyện, Người ngựa ngựa người đã nhiều lần được các đạo diễn chuyển thể và mang lên sân khấu lớn để phục vụ khán giả.
Tuy nhiên tác phẩm thành công nhất chính là vở kịch do đạo diễn Lê Hùng chuyển thể vào năm 2010 với sự góp mặt của nghệ sĩ hài Xuân Hinh, vở kịch đã gây được tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật lúc bấy giờ. Chính tiếng cười giòn giã đã giúp tác phẩm dễ dàng tiếp cận đồng thời trở nên gần gũi với khán giả hơn.
Người ngựa ngựa người đã cho thấy sự tài hoa cùng trái tim giàu lòng thấu cảm của Nguyễn Công Hoan. Tuy chỉ là một tác phẩm truyện ngắn nhưng tiếng cười đầy chua chát từ Người ngựa ngựa người vẫn mãi để lại ấn tượng khó phai trong lòng những người yêu văn chương.
Thiên Nhi
Thiên Nhi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất