O chuột được sáng tác năm 1937, là truyện ngắn đầu tiên viết về loài vật do Tô Hoài chắp bút. Với lối hành văn độc đáo và cách miêu tả sinh động, nhà văn nhanh chóng chiếm được cảm tình của độc giả và khẳng định vị trí trên văn đàn Việt Nam.
Tác phẩm lấy bối cảnh tại làng Nghĩa Đô, vào một buổi xế chiều yên bình, êm ả. Nhà văn đã khéo léo tái hiện lại toàn bộ quá trình chú mèo mướp rình bắt và vờn chuột. Đây không chỉ là câu chuyện thiếu nhi đơn thuần mà qua đó tác giả còn kín đáo ẩn ý nhiều giá trị quý giá về nhân sinh.
Đôi nét về Tô Hoài và truyện ngắn O chuột
Tô Hoài có tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại quê ngoại thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn văn chương và khởi nguồn cho sự trưởng thành của cây đại thụ vững chãi trong nền văn học Việt.
Vốn sinh ra trong một gia đình thợ thủ công nghèo khó nên suốt thuở thiếu thời, nhà văn đã trải qua cuộc sống đầy vất vả, lam lũ. Ông từng làm đủ mọi nghề từ dạy trẻ, bán hàng đến kế toán hiệu buôn để bươn chải mưu sinh.
Nhờ tài năng thiên bẩm, óc quan sát tinh tế và những trải nghiệm phong phú đã giúp Tô Hoài bộc lộ khả năng sáng tác một cách tự nhiên. Chỉ mới mười bảy tuổi, ông đã có sáng tác đầu tay được đăng lên các tạp chí như Tiểu thuyết thứ bảy hay Hà Nội tân văn.
Sau đó nhà văn tiếp tục khẳng định tên tuổi của mình với loạt tác phẩm xuất sắc, độc đáo như Quê người, O chuột, Giăng thề hay Nhà nghèo.
“Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được. Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngờ ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu.”
– Trần Đăng Khoa
Hầu hết các tác phẩm của nhà văn trước Cách mạng Tháng Tám đều hướng ngòi bút về những điều bình dị, đời thường và gắn bó chặt chẽ với quê hương.
Đằng sau mỗi trang văn mang tên Tô Hoài luôn gửi gắm nhiều ý tứ sâu sắc về xã hội và thời cuộc. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã từng nói:
“Vâng, tôi rất ấn tượng về đôi mắt của Tô Hoài – đôi mắt hẹp và dài, có đuôi. Tinh quái lắm! Tô Hoài, như đã nói, chỉ viết về đời thường, chuyện thường, vậy mà vẫn có sức hấp dẫn riêng, chính vì ông đã nhìn nhiều cái lạ trong những cái rất thường bằng đôi mắt ấy.”
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông gia nhập vào Hội Văn hóa cứu quốc, cùng bộ đội tham gia các chiến dịch lớn và hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực báo chí tại núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc.
Nhờ những năm tháng được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa vùng cao đã tạo điều kiện giúp Tô Hoài thu thập dữ liệu, từ đó viết nên nhiều áng văn xuất sắc như Vợ chồng A Phủ hay Mường Giơn, đưa ông trở thành một trong những đỉnh cao của văn học cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Đối với Tô Hoài, viết lách như một công việc lao động hàng ngày. Ông chưa một lần dừng tay ngơi nghỉ mà luôn miệt mài sáng tác trên mảnh đất văn chương. Đến những năm tháng cuối đời, nhà văn vẫn cho ra mắt hai tập hồi ký giá trị là Chiều chiều và Cát bụi chân ai.
Suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Tô Hoài đã để lại một kho tàng đồ sộ gồm hơn 200 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận hay kinh nghiệm sáng tác.
Ở mỗi thể loại, nhà văn đều để lại những dấu ấn riêng. Nếu như thể ký nhắc ta đến với một Tô Hoài đầy sâu sắc, suy tư về niềm vui, nỗi băn khoăn, trăn trở hay khát khao của các văn nghệ sĩ trong Cát bụi chân ai thì các truyện ngắn của ông lại đưa người đọc trở về vùng thôn quê rất đỗi bình dị.
Bên cạnh tác phẩm Vợ chồng A Phủ được đông đảo độc giả ngày nay quen thuộc vì được đưa vào giảng dạy tại chương trình THPT thì ít ai biết rằng, O chuột chính là truyện ngắn đầu tiên, mở màn cho loạt truyện xuất sắc viết về loài vật của Tô Hoài, được chắp bút vào giai đoạn trước năm 1945.
Thông qua truyện ngắn O chuột, tác giả đã thành công trong việc đem những điều bình dị, gần gũi nhất của thôn quê Việt Nam chạm đến trái tim với độc giả. Không những thế, câu chuyện chú mèo rình bắt chuột còn gửi gắm những giá trị sâu xa xứng đáng để chiêm nghiệm, suy ngẫm.
O chuột là làn gió ngọt lành của thôn quê
Ngay từ lúc mở đầu tác phẩm, Tô Hoài đã cho người đọc thấy rõ nét độc đáo, chất riêng trong văn chương của bản thân không thể lẫn lộn với bất kỳ nhà văn nào cùng thời.
Điều này được thể hiện bởi lối miêu tả gần gũi nhưng rất sống động, mỗi con vật dưới ngòi bút tác giả như hiện rõ trước mắt, âm thanh yên ả quen thuộc của thôn quê như đang ùa về.
Câu chuyện diễn ra vào một buổi chiều thu êm ả, gợn nắng vàng nhạt đọng trên những tàu cau rách rưới màu xanh om. Bên nhà ngang, tiếng guồng tơ quay đều đều còn trên đường cái, trẻ con đi học về, vừa chạy thi nhau vừa la, nghe vang động xa vời vợi. Ngoài giếng khơi, người ta kéo nước rào rào, cái gáo mo lạt sạt đụng vào thành giếng đá.
Khung cảnh thôn quê tuy được thêu dệt nên bằng một vài chất liệu giản đơn, nhỏ nhặt của cuộc sống nhưng lại dễ dàng khiến người đọc thả hồn vào bức tranh quê xưa cũ rất đỗi chân thực, bình yên.
Với sự rung động đặc biệt trước thiên nhiên và cách quan sát tỉ mỉ của nhà văn, câu chuyện về chú mèo mướp màu trắng tro rình bắt chuột nhắt trong xó bếp lại càng tô điểm thêm cho không gian tĩnh mịch của ngôi nhà ngói cổ kính, giữa một vườn cây rộng ở làng Nghĩa Ðô.
Lúc này bóng tối đã nhanh chóng bao trùm khắp cảnh vật, chỉ để lại một mảng sáng in mờ trước sân bếp. Trên nhà, có người đã quẹt diêm để châm đèn cho trẻ học. Tiếng những đứa trẻ ra ao rửa chân, vừa đi vừa khua guốc lóc cóc.
Chú mèo mướp ngồi lì bên bếp tro, vểnh tai lắng nghe nhất cử nhất động của bọn chuột xì xào trong đống củi khô và chờ đợi thời cơ tới. Chú khom hai chân trước xuống nhìn vào gầm củi và trông thấy một chiếc đuôi nhỏ, thon dài thò ra dưới một mẩu gỗ.
Mèo và chuột từ xưa đến nay đã không đội trời chung, mỗi lần đánh hơi được đám chuột nhà ăn vụng trong xó bếp, mèo ta nhất quyết phải bắt cho bằng được mới thôi.
Thoạt thấy bóng đôi chuột lúi húi ra khỏi đống củi, chú mèo mướp mừng khấp khởi. Nhưng rồi nó ngây ra vì chỉ thấy hai con chuột nhắt tép ranh nhỏ nhoi, chẳng bỏ công tốn sức mà rình nấp vô ích.
“Nhưng đã thế này thì cứ bắt chơi. Hầy! Ðùa một mảy vậy. Nghĩ vậy, mèo ta co lưng lại để lấy thế rồi vươn hai chân ra chộp cả hai bóng đen ngọ nguậy ở trước mặt. Có tiếng kêu “chí… i…”. Một con thoát được, còn một bị nắm lại. Mèo gầm gừ để thị uy và dọa dẫm.”
– O chuột
Dưới móng vuốt quyền uy của mèo mướp, chú chuột nhỏ tội nghiệp không thể nào thoát khỏi trò chơi tiêu khiển của kẻ thù. Nó khổ sở nằm co ro, khẽ thoi thóp thở. Chú mèo càng đắc chí, lấy một chân vờn vờn vào mặt chuột.
Lại có tiếng lao xao trong chạng bếp, chú mèo toan nhảy vào vồ cho chúng chết một mẻ, nhưng nó lại vướng con chuột tù binh ở dưới chân. Nhờ sự xao nhãng này, chú chuột nhắt đang nằm yên như chết bắt lấy thời cơ vụt chạy.
Mèo hoảng hốt thò dài chân ra, nắm lấy nó, nhưng chỉ nắm hụt được bóng cái lưng của chú chuột in thoáng trên nền đất dài đầy ánh trăng.
Toàn bộ câu chuyện rình rập, đuổi bắt rồi vờn chuột dưới ngòi bút của Tô Hoài hiện lên vô cùng chi tiết, sống động và rất đỗi chân thực.
Khép lại khung cảnh yên bình dưới mái nhà ngói ở làng Nghĩa Đô là hình ảnh chú mèo đang cố sục vào đống củi, những tiếng chít chít quái ác, khó chịu vẫn văng vẳng bên tai.
Với lối viết thông minh, hóm hỉnh và đầy tinh tế cùng việc nhân cách hóa các nhân vật quen thuộc thường ngày đã giúp Tô Hoài để lại ấn tượng khó phai và nhận được niềm yêu thích từ rất nhiều độc giả Việt Nam cũng như trên thế giới.
Hơn cả một câu chuyện viết về loài vật
Điều đặc biệt trong truyện ngắn O chuột của Tô Hoài không chỉ bởi lối hành văn khác biệt mà còn vì những nhận định về loài chuột của ông đã phá vỡ định kiến thông thường, đưa ra các quan niệm mới mẻ ít nhiều có thiện cảm về chúng. Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nhận định:
“Tô Hoài tỏ ra không giống một nhà văn nào mới nhập tịch làng văn như ông… Những con vật trong tập truyện ngắn này của Tô Hoài lại là những loài ở gần người nên những tập tục, những cảnh vui buồn của loài người đều ảnh hưởng ít nhiều đến chúng. Chính vì lẽ ấy mà với tập O chuột này ta nên đọc với con mắt riêng, không nên phân biệt người với vật, vì ở đó, vật cũng là người, và nếu có người, thì người cũng gần như vật.”
Thật vậy, ta không nên đọc O chuột như một câu chuyện ngụ ngôn thông thường mà phải thấu hiểu nó bằng con mắt riêng, không phân biệt người với vật vì ở đó vật cũng là người và nếu có người thì người cũng gần vật.
Với tấm lòng hiền từ, dễ cảm thương trước số phận khổ cực của con người cũng như giống loài yếu hèn, nhỏ bé, Tô Hoài có cái nhìn bao dung, trìu mến hơn đối với loài chuột được người đời xem là phá hoại, bẩn thỉu.
Sự trân trọng của nhà văn đã thể hiện qua nhiều chi tiết như thân chúng nhỏ nhắn, mõm chúng xinh xinh, về sự nhanh nhẹn, nhờ ở cái thân hình bé bỏng, chúng leo vun vút, chúng chạy nhoăn nhoắt như có phép biến hoá.
Ngoài O chuột, Tô Hoài cũng có một số bút ký và truyện ngắn nhắc đến loài vật này như Lại chuyện chuột hay Truyện gã chuột bạch. Các tác phẩm đều có điểm chung về góc nhìn trìu mến và bênh vực cho những tội trạng của chúng.
“Những con cầy, con cáo hay lùng bắt gà. Vì cầy, cáo cũng giống chuột cống, thành thử chuột cống bị tiếng oan, chứ cầy, cáo đâu có họ với chuột. Song quả tình những năm đói kém cũng đôi khi chuột cống mon men quanh chuồng rình quắp cổ gà. Đói ăn vụng, túng làm càn thì đến con người cũng thế”
– Lại chuyện chuột
Có thể thấy, Tô Hoài sử dụng loài chuột làm biểu tượng nghệ thuật vì ông nhìn thấy sự giống nhau giữa người dân nghèo khổ, thấp cổ bé họng với những chú chuột ẩn nấp trong xó bếp kia.
Chúng đều sợ hãi, rụt rè trước con mèo to lớn, đáng sợ, không bao giờ dám lên tiếng phản bác để rồi bị trêu đùa, giễu cợt. Loài chuột chỉ biết xì xào, bàn tán với nhau trong bóng tối, khi bị mèo cảnh cáo thì ngay lập tức im bặt.
Tô Hoài từng dãi bày rằng chuột là giống nhỏ bé, lành hiền, hay bị các loài vật khác ăn thịt. Bản thân nó cũng chẳng ăn thịt con vật nào bao giờ trong khi con người thường coi mình là trung tâm vũ trụ, chỉ suy xét bản chất loài vật theo lợi ích của bản thân.
Chỉ bằng dung lượng của một câu chuyện vô cùng ngắn gọn, đơn giản kể về quá trình chú mèo mướp từ lúc xế chiều lười biếng loanh quanh trong sân vườn đến khi rình bắt và vờn chuột, nhưng lại ẩn chứa nhiều ý vị sâu xa khiến người đọc không khỏi day dứt, suy ngẫm.
Truyện thiếu nhi của Tô Hoài không cố dạy cho trẻ con những bài học luân lý cứng nhắc, mà để cho chúng từng bước một khám phá ra các giá trị cuộc sống qua những câu chuyện giản dị, gần gũi với đời thường.
“Truyện thiếu nhi của Tô Hoài không rơi vào tình trạng dạy dỗ cho con trẻ những bài học luân lý cứng nhắc, không bắt chúng tập làm người lớn từ thuở còn bé thơ. Từng bước một, lũ trẻ sẽ hiểu dần được đời sống từ những bài học đường đời đầu tiên.”
– Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp
Tô hoài từng quan niệm mỗi nhà văn bước vào nghề thì phải có một lối đi của mình. Cùng một ý tưởng nhưng mỗi người một lối viết, lối cảm nghĩ và tâm hồn riêng. Có thể thấy qua mỗi trang văn của mình, ông đều chứng minh sự độc đáo duy nhất từ cốt truyện đến cách xây dựng nhân vật.
Ngay tiêu đề của truyện ngắn O chuột cũng đặc biệt khiến người ta không khỏi thắc mắc về ý nghĩa của cái tên. Nhiều người nhầm lẫn chữ o trong O chuột theo tiếng miền Trung là cô, thím tuy nhiên chữ o còn có nghĩa là rình vì vậy O chuột ở đây tức là rình nấp, đi quanh đi quẩn để tìm, để lùng bắt chuột.
Mỗi từ ngữ trong sáng tác của Tô Hoài đều là một hạt ngọc đẹp buông xuống trang giấy. Thông qua ngôn từ giàu cảm xúc, hình ảnh và cách miêu tả tinh tế, hóm hỉnh đã đem lại cho người đọc bức tranh làng quê yên bình, tự nhiên và chân thực nhất.
Khép lại truyện ngắn O chuột, Tô Hoài đã thành công để lại cho kho tàng văn học nước nhà một câu chuyện thiếu nhi viết về loài vật vừa thú vị lại sinh động, bên cạnh đó còn gửi gắm những giá trị sâu sắc về số phận con người. Không quá khi nói rằng Tô Hoài đã đem lại một diện mạo mới cho văn học Việt Nam.
Phan Quyên
Phan Quyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất