Tinh thần thể dục là một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, tác phẩm được in báo lần đầu vào năm 1939. Truyện ngắn mang đến cho người đọc những tiếng cười dí dỏm, hài hước nhưng ẩn trong từng câu chữ lại là nét trào phúng, đả kích sâu cay chế độ thực dân phong kiến mục nát.
Tinh thần thể dục có dung lượng truyện không quá dài nhưng bằng ngòi bút hiện thực đặc sắc của mình, Nguyễn Công Hoan đã khắc họa rõ nét xã hội đương thời đầy những bất công, đè nén dành cho người nông dân.
Vài nét về nhà văn Nguyễn Công Hoan
Nguyễn Công Hoan sinh vào tháng ba năm 1903, trong một gia đình nhà Nho thất thế tại Hưng Yên. Vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được tiếp xúc với văn chương, thơ phú, đặc biệt là những câu thơ, đối mang tính chất châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại đương thời.
Chính những ảnh hưởng từ thuở thiếu thời ấy đã góp phần không nhỏ xây dựng nên phong cách sáng tác của nhà văn, để ông cho ra đời những tác phẩm hiện thực phê phán xuất sắc mang đậm dấu ấn của bản thân.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Hoan bắt đầu từ rất sớm, khi ông viết truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan vào năm mười bảy tuổi. Từ đó, tên tuổi Nguyễn Công Hoan bước vào văn đàn Việt Nam và ông trở thành một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học nước nhà.
Nhà văn được coi là một trong những tác giả đặt nền móng cho chủ nghĩa văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 cùng với những gương mặt nổi bật khác như Nam Cao hay Ngô Tất Tố.
Trong suốt đời văn chương của mình, Nguyễn Công Hoan chưa bao giờ đi vào lối mòn trong phong cách sáng tác mà ngược lại, ông luôn không ngừng kiến tạo, xây dựng nên một phong cách nghệ thuật mang đậm dấu ấn của bản thân.
Đọc Nguyễn Công Hoan, độc giả như được bước chân vào một miền cảm xúc mới lạ, nơi hội tụ đầy đủ sự hài hước, duyên dáng nhưng cũng không kém phần sâu cay, chua xót. Trong từng trang viết, nhà văn đã khắc họa tỉ mỉ bức tranh về một xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy những bất công, thể hiện trọn vẹn nỗi khổ của nhân dân qua giọng văn đầy châm biếm.
“Cái cười của Nguyễn Công Hoan là một phương tiện đả kích… có sức công phá thật mạnh mẽ. Đôi lúc ta còn bất chợt thấy trong cái cười hài hước của ông một chút ngậm ngùi, một tình thương có thể nói là kín đáo.”
– Nguyễn Huệ Chi, Phong Lê
Đằng sau những truyện ngắn mang đậm tính trào phúng ấy là một tấm lòng người nghệ sĩ luôn khắc khoải vì lẽ đời, một tiếng thở dài của người trí thức trước nỗi khổ của đồng bào và sự lộng hành của thế lực cầm quyền.
Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, với sự cống hiến không ngừng nghỉ, Nguyễn Công Hoan đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức về văn học ở Việt Nam. Ông từng làm việc trong ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách lịch sử.
Trong suốt gần năm thập kỉ sáng tác, Nguyễn Công Hoan để lại một di sản văn học đồ sộ với hơn hai trăm truyện ngắn, ba mươi truyện dài cùng nhiều thể loại khác. Một số tác phẩm nổi bật của ông phải kể đến như: Người ngựa ngựa người, Bước đường cùng hay Kép tư bền.
Năm 1996, Nguyễn Công Hoan được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật bởi những cống hiến của ông cho nền văn học nước nhà.
Là một trong những bậc thầy về truyện ngắn, Nguyễn Công Hoan đã viết không ít những tác phẩm xuất sắc, trong đó có Tinh thần thể dục, truyện ngắn được in báo vào năm 1939.
Sở hữu một tiêu đề mang tính chất khuyến khích, cổ động mạnh mẽ nhưng Tinh thần thể dục thực chất là một màn kịch lố bịch của bè lũ cầm quyền cùng sự thống khổ, bất lực của những người nông dân thấp cổ bé họng.
Giọng điệu trào phúng sâu sắc trong Tinh thần thể dục
Tinh thần thể dục là một truyện ngắn mang cấu trúc đặc biệt, có phần rời rạc khi tác phẩm mở đầu bằng một tờ trát giống một lời quảng cáo về trận bóng đá sắp được tổ chức.
“Quan tri huyện huyện X.X.
Sức hương lý xã Ngũ Vọng tuân cử.
Nay thừa lệnh Tỉnh đường, ngày 19 Mars này, tức 29 tháng Giêng An Nam, tại sân vận động huyện có cuộc đá bóng thi, nhiều chiến tướng đá rất hay, mọi nhẽ.
Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện.
Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn.
Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách.
Làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng.
Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu.
Nay sức
Lê Thăng.”
– Tinh thần thể dục
Phàm là một cuộc vui giúp nâng cao tinh thần thể dục thể thao thế nhưng bức thông cáo được soạn lại như một lời ép buộc đi phu, đi lính dành cho người dân. Từ đó, Nguyễn Công Hoan vẽ ra một loạt những màn kịch trớ trêu, dở khóc dở cười gắn liền với số phận của từng con người.
Cảnh ngộ đầu tiên hiện lên trong trí tưởng độc giả in đậm bóng dáng người nông dân nghèo qua nhân vật anh Mịch. Vì miếng ăn mà rơi vào cảnh nợ nần, anh phải làm việc quần quật để trừ nợ, để vợ con có đủ cái ăn.
Tuy nhiên, sự kiện thể dục thể thao sắp được tổ chức không những không giúp vui vẻ, khỏe mạnh thêm mà ngược lại còn đẩy anh ta vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.
“Anh Mịch nhăn nhó, nói:
– Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết.
Ông lý cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to bằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:
– Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh, thì lần này đến lượt mày rồi
– Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con đi thì ông Nghị ghét con, cả nhà con khổ.
– Thì mày hẹn làm ngày khác với ông ấy, không được à?
– Đối với ông Nghị, con là chỗ đầy tớ, con sợ lắm. Con không dám nói sai lời, vì là chỗ con nhờ vả quanh năm. Nếu không, vợ con con chết đói.
– Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm, đứa nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù.
– Lạy ông, ông thương phận nào con nhờ phận ấy.”
– Tinh thần thể dục
Trong đoạn hội thoại, độc giả thấy đâu đó hình bóng anh Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, chỉ khác là anh Dậu bị bắt vì không có tiền đóng thuế còn anh Mịch của Nguyễn Công Hoan lại phải van vỉ, cầu xin khi bị bắt đi xem bóng đá.
Qua tình huống trớ trêu mang màu sắc hài hước ấy, Nguyễn Công Hoan đã khắc họa chân thực bức tranh về một xã hội mục nát cũng như không ngần ngại phê phán chế độ cầm quyền. Bên cạnh đó, nhà văn cũng thẳng thắn nhìn vào những thói hư, tật xấu mà bọn thực dân dưới lá cờ phong trào thể dục thể thao, văn minh bình đẳng đã gieo vào lòng nhân dân ta.
Độc giả thấy được trong tác phẩm thói quan liêu, giả tạo của bọn hương lý, chúng thừa cơ bòn rút, bóc lột người nghèo chỉ để xun xoe, nịnh bợ lũ thực dân và bỏ vào túi riêng.
Ta cũng thấy hình ảnh bao người dân bị áp bức, từ đó trở nên túng quẫn, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích thông qua tình huống bà cụ phó Bính đút lót quan trên để hắn nhắm mắt làm ngơ rồi cử người đi xem bóng đá thay cho con trai.
“Bà cụ phó Bính, mắt kèm nhèm, vừa nói, vừa cười rất vô duyên:
– Thì lòng thành, ông lý cứ nhận đi cho cháu. Cháu hôm ấy không bận đi ăn cưới thì cháu cũng xin vâng. Cháu đã thuê thằng Sang đi thay cho cháu cũng thế. Ông ngơ đi là được.
– Thế ngộ quan biết, có chết tôi không!
– Quan đếm đủ đầu người là xong, chứ ai xem thẻ mà ông sợ.
– Tôi nhận lễ của con bà mà tôi lo lắm. Việc quan nào phải việc chơi.
– Thì cũng như ông làm phúc ấy mà lị.
– Nhưng thằng Sang có khăn áo tử tế, hay lại ăn mặc như thằng ăn mày ấy
– Ông không phải lo việc ấy. Nó đã dạm mượn được đủ cả rồi. Cháu mặc cả và đã khoán đủ với nó như thế.
Ông lý nhăn mặt, nhặt ba hào, bỏ túi:
– Làm việc mà cứ gặp phải những người như con bà, thì tôi đến chết mất.”
– Tinh thần thể dục
Qua những tình huống truyện chứa đựng nhiều mâu thuẫn trào phúng, Nguyễn Công Hoan đã thành công trong việc miêu tả bức tranh hiện thực xã hội đương thời mục nát rối ren. Chính cuộc sống khốn cùng ấy đã đẩy người dân nghèo vào bước đường cùng, hủy hoại tinh thần của mọi người.
Mặt khác, nhà văn cũng bày tỏ tấm lòng cảm thương sâu sắc, chân thành dành cho những kiếp sống nhỏ bé, bình thường trong xã hội cũ. Sự lố bịch, mâu thuẫn trong tác phẩm vừa bộc lộ ngòi bút trào phúng tài hoa của Nguyễn Công Hoan, vừa thể hiện sự thương xót dành cho những con người bị đẩy vào bước đường cùng.
Tinh thần thể dục mang giá trị nhân đạo sâu sắc
Không chỉ lên án, vạch trần bộ mặt xấu xa của chính quyền thực dân phong kiến, Tinh thần thể dục còn là một cái nhìn đầy thương cảm của Nguyễn Công Hoan dành cho người dân. Những mảnh đời bất hạnh, khốn cùng hiện lên trong tác phẩm dù chỉ qua vài chi tiết nhỏ cũng đủ khiến độc giả xót thương, tội nghiệp.
“Hai người tuần, một người cầm đuốc, một người cầm tay thước, đạp cửa vào nhà thằng Cò. Sau khi tìm sục khắp gian ngoài, buồng trong, không thấy một ai, họ xuống bếp, chọc tay thước vào cót gio và bồ trấu. Rồi họ lùng ra mé sau nhà. Cũng vô hiệu.
Nhưng bỗng có tiếng trẻ khóc thét lên, thì hai anh tuần mới khám phá ra chỗ người trốn: Thằng Cò nằm ẹp với con ở cạnh đống rơm, phủ lên mình đầy rơm.
Nó bị lôi ra ngoài. Nó van lạy:
– Lạy các bác, các bác cho tôi ở nhà làm ăn.
– Sao anh đã hẹn với ông lý, lại không đi, để ông ấy chửi địa lên kia kìa.
– Tôi đi thì tôi mất cả ngày, mà mất buổi làm thì tôi với cháu nhịn đói.
– Tôi không biết!
– Mấy lị tôi không mượn đâu được quần áo.
– Không biết! Anh ra đình mà kêu với ông lý.
Thằng bé con nhắm nghiền mắt, ôm chặt lấy bố. Nó sợ quá, không khóc được nữa. Thằng Cò chưa kịp trả lời, đã bị lôi xềnh xệch đi.”
– Tinh thần thể dục
Thằng Cò, anh Mịch và nhiều người khác chính là nạn nhân của một xã hội đầy rất những bất công, ngang trái. Họ không có được phép làm trái lệnh quan trên, càng không được phép lên tiếng bảo vệ cuộc sống của mình và gia đình.
Cái gọi là phong trào thể dục thể thao, sức khỏe giống nòi thực chất chỉ như một trò bịp bợm man rợ của bè lũ thực dân nhằm làm suy giảm tinh thần, ý chỉ của nhân dân ta.
Có biết bao mảnh đời đã phải mục ruỗng trong những cuộc vui, những ngày hội lố bịch mà bọn thực dân cầm quyền bày ra ấy? Tinh thần thể dục được lấy từ đâu, khi những người dân nghèo thậm chí còn không được ăn no, mặc ấm.
Dưới ngòi bút trào phúng, châm biếm sắc sảo của mình, Nguyễn Công Hoan đã chia sẻ với người dân nỗi thống khổ, cảm thương cho những kiếp sống bất hạnh phải chịu sự kìm kẹp, khổ sai.
Hiện thực mà nhà văn bày ra càng chân thực bao nhiêu, độc giả càng thấm thía bấy nhiêu nỗi khổ cực của con người trong xã hội cũ. Tinh thần thể dục là một tác phẩm vừa không khó để cảm thụ, vừa gây được sự xúc động mạnh mẽ cũng như đem đến cái nhìn đầy tính nhân văn cho độc giả.
Tinh thần thể dục đã cho thấy tài năng và tấm lòng chân thành nơi ngòi bút của Nguyễn Công Hoan. Chính vì lẽ đó mà truyện ngắn đã in dấu trong lòng nhiều thế hệ những ấn tượng không thể phai, góp phần củng cố tên tuổi Nguyễn Công Hoan trên văn đàn Việt Nam.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất