Tướng về hưu là một trong những truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, được đăng trên báo lần đầu tiên vào tháng sáu năm 1987. Tác phẩm là bức tranh hiện thực được khắc họa chi tiết về lối sống cùng tâm lý con người trong xã hội Việt Nam giai đoạn sau năm 1975.
Vài nét khái quát về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày hai mươi chín tháng tư năm 1950 tại Thái Nguyên nhưng khi được mười tuổi thì nhà văn đã chuyển về quê ở Hà Nội để sinh sống rồi sau đó gắn bó với thủ đô đến tận những giây phút cuối đời.
Từ thuở nhỏ, ông đã theo gia đình lưu lạc khắp các miền đồng bằng nông thôn Bắc Bộ. Những ký ức ngày thơ bé ấy đã hằn sâu trong trí nhớ của nhà văn và sau này, chúng trở thành những chất liệu hiện thực đắt giá để ông sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội và từng có thời gian dài tham gia dạy học ở vùng rừng núi Tây Bắc.
Đó là lý do vì sao ta bắt gặp rất nhiều các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn được lấy cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử, tiểu biểu như là bộ ba Kiểm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết với sự xuất hiện của vua Gia Long hay Nguyễn Thị Lộ, Mưa Nhã Nam và Chút thoáng Xuân Hương.
Bên cạnh đó, những năm tháng sinh sống và làm việc giữa đất trời Tây Bắc cũng đã cho ông nhiều linh cảm để sáng tác nên những áng văn gây ấn tượng mạnh như Muối của rừng hay Những ngọn gió Hua Tát.
Ngòi bút truyện ngắn đậm chất Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn bộc lộ sức sáng tạo dồi dào của mình ở nhiều lĩnh vực từ viết văn xuôi đến sáng tạo kịch bản và thậm chí là ra mắt tiểu luận văn chương. Thế nhưng thể loại văn học mà Nguyễn Huy Thiệp để lại dấu ấn cá nhân đậm nét nhất chính là truyện ngắn.
Nguyễn Huy Thiệp không né tránh mà nhìn thẳng vào mặt trái của hiện thực và phơi bày tất cả ung nhọt của xã hội, sự mai một của những giá trị tinh thần bằng những câu văn ngắn, tốc độ nhanh và ngữ pháp đơn giản.
Các câu văn trong truyện ngắn của ông đa số là câu đơn, tạo nên nhiều khoảng trắng và biến thiên truyện thành những mảnh vụn vỡ tưởng chừng như rời rạc nhưng thực chất sau những khoảng trắng ấy là nhiều ẩn dụ đầy ám ảnh.
Người trao quyền phán xét cho độc giả
Nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là một giọng văn cô đọng, khách quan và có phần sắc lạnh. Nhà văn thường viết những cái kết mở và thậm chí ở một số truyện ngắn, ông còn xây dựng nhiều kết cục khác nhau cho một nhân vật.
Bằng lối trần thuật ấy, thế giới nhân vật và nội dung câu chuyện luôn hiện ra một cách trung thực trước mắt người đọc, độc giả không bị chi phối bởi thiên kiến của người sáng tác mà được tự do nhìn nhận tác phẩm từ góc độ của mình.
Mở ra với muôn vàn khả năng và sự biến thiên lạ kỳ, các tác phẩm của ông luôn khiến ta phải suy tư về các nhân vật, trăn trở trước những mặt tối của đời sống và thậm chí là trở ngược vào bên trong mà tự vấn chính mình.
Sự kết hợp độc đáo giữa thơ và văn xuôi
Các vần thơ được Nguyễn Huy Thiệp vận dụng đến từ nhiều nguồn khác nhau, có khi đó là thơ mượn của các nhà thơ khác như Nguyễn Gia Thiều, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du, có khi là thơ ca dân gian được tác giả sáng tạo lại và thậm chí nhiều bài còn do chính nhà văn sáng tác.
Việc đưa thơ vào văn xuôi không phải là một ý tưởng hoàn toàn mới mẻ, ta nhớ đến Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà của mình đã mang những vần thơ đậm chất trữ tình lên làm lời đề từ cho trang văn.
Thế nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp, ta mới thấy việc sử dụng thơ song hành với văn xuôi trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ đậm nét và hình thành một phong cách nghệ thuật đặc trưng.
Những vần thơ được nhà văn chêm vào không chỉ dừng lại ở việc làm đề từ mà còn góp phần thể hiện dòng suy nghĩ của nhân vật, tăng tính trữ tình cho thể loại tự sự và giúp tác giả có điều kiện khắc họa sự đa diện, nhiều chiều của cuộc sống trong các tác phẩm của mình.
Tướng về hưu là hiện thực cuộc sống thời hậu chiến
Tướng về hưu được viết dưới dạng thức những dòng nhật ký của nhân vật Thuần, người con trai của một vị tướng cả đời phục vụ cách mạng và chiến đấu cho độc lập tự do về những ngày tháng cha mình chấm dứt bao vất vả đời lính để an hưởng tuổi già giữa xã hội hòa bình.
Suốt thời thơ ấu của Thuần, bóng dáng cha chỉ nhạt nhòa hiện hữu qua đôi dòng thư từ ngắt quãng thế nên với lần về hưu này của vị tướng Thuấn, ta mong chờ đây sẽ là dịp để hai người hàn gắn mối quan hệ và bù đắp những mất mát trong quá khứ.
Ấy vậy mà Nguyễn Huy Thiệp đã đưa người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sự trở về của cha Thuần không mang lại tình cảm ấm áp bị đánh cắp bao năm thay vào đó nó lại khiến anh thấy rõ sự trống rỗng và mai một nơi từng người thân trong gia đình mình và thậm chí là nơi mỗi con người trong cả xã hội đương thời.
Mỗi chương truyện qua đi là sự nối tiếp của những nứt vỡ để bộc lộ dáng hình cô đơn của con người, tô đậm sự lạc lõng và mất kết nối cũng như làm nổi lên niềm trăn trở về khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình.
Cuộc đời đa diện, lòng người đa đoan trong Tướng về hưu
Đã có một thời đại, văn chương mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, từng câu văn nặng về ca ngợi những phẩm chất cao cả của những con người thuộc về cộng đồng nhân dân ta và dân tộc ta.
Ở mỗi tác phẩm đều tồn tại một lằn ranh phân tuyến “địch-ta” với lăng kính đánh giá cuộc đời vô cùng giản đơn rằng thế giới của địch thì luôn xấu xa, tiêu cực còn cộng đồng người của ta thì phổ biến với nhiều mặt tốt đẹp, lạc quan, hy vọng và lòng quyết tâm sắt đá giành lại độc lập tự do.
Nói cách khác, khi ấy văn học trở thành công cụ để minh họa cho lý tưởng Đảng, niềm tin dân tộc và cổ vũ không khí chiến đấu.
Thế rồi, chiến tranh kết thúc, phe địch, tượng trưng cho cái xấu đã bị diệt trừ, phe chính nghĩa là quân ta toàn thắng, nhân dân mang niềm háo hức và vui sướng bước vào nền hòa bình trong cõi lòng ngập tràn hy vọng về những ngày tháng mới tươi sáng.
Hòa theo không khí chiến thắng, nền văn học nước nhà tiếp tục phát triển theo quán tính của sự minh họa được nhắc đến ở trên nhưng trong lúc đó, có những nhà văn đã tỉnh dậy khỏi hào quang của cuộc chiến để trở về với đời sống hiện thực và nhận ra những thay đổi thầm lặng nhưng đáng cảnh báo đang dần làm mai một nhân cách con người trong xã hội đương thời.
Nguyễn Minh Châu là “một trong những người mở đường tinh anh và tài năng” cho việc thay đổi tư duy khác thác hiện thực này và Nguyễn Huy Thiệp đã tiếp bước con đường mà nhà văn của Bức tranh hay Chiếc thuyền ngoài xa chỉ ra.
Trong thế giới của Tướng về hưu, các nhân vật không hiện lên với sự tươi sáng giản đơn, ta chẳng thể nào phân biệt một cách rạch ròi ai mới thực sự là người tốt và đâu là kẻ xấu. Thay vào đó, nhà văn đã dùng ngòi bút cô đọng và sắc lạnh để đẽo gọt tỉ mỉ từng dáng vẻ phức tạp cùng trăm mối mâu thuẫn ngổn ngang trong từng nhân vật.
Cô Thủy là mẫu người của lối sống thực dụng đầy sa đọa, cô xem đồng tiền là cứu cánh và sẵn sàng vụ lợi trên mọi phương diện. Thế nhưng ta cũng không thể nào phủ nhận Thủy là một nàng dâu sắc sảo, nết na, hiểu thấu nhân tình thế thái và biết cách quán xuyến chu đáo mọi việc trong nhà.
“Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn.”
– Tướng về hưu
Ông Bổng, em trai cùng cha khác mẹ với vị tướng về hưu Thuấn, luôn khiến người đọc phản cảm với sự tham lam, trơ trẽn và giảo hoạt của mình. Thế nhưng vào thời khắc ông bật khóc vì được gọi “là người”, ta bỗng nhiên chỉ có thể câm nín và thở dài trong bất lực.
Tướng về hưu mang ý nghĩa cảnh tỉnh sâu xa
Thiên tiểu thuyết đã cho ta thấy được khoảng cách giữa đời sống hòa bình hậu chiến và sự văn minh, phát triển thực sự của một quốc gia.
Bi kịch lạc loài của vị tướng Thuấn cùng niềm cô đơn của nhân vật Thuần trong một xã hội chạy theo lối sống vật chất, thực dụng mà bấy giờ người người cho là tiến bộ đã khiến ta nhận ra một sự thật.
Thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mấy chục năm qua chỉ mới là tiền đề cho sự phát triển chứ không phải là điều kiện chín muồi để cải tạo xã hội cũ và xây dựng cuộc sống mới.
“Cái Vi bảo: “Đấy có phải là ngậm miệng ăn tiền không bố?” Tôi khóc: “Các con không hiểu đâu. Bố cũng không hiểu, đấy là mê tín.” Cái Vi bảo: “Con hiểu đấy. Đời người cần không biết bao nhiêu là tiền. Chết cũng cần.” Tôi thấy cô đơn quá. Các con tôi cũng cô đơn. Cả đám đánh bạc, cả cha tôi nữa.”
– Tướng về hưu
Để hoàn thành được mộng lớn của dân tộc, ta còn phải bắt tay vào giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều, từ việc vứt bỏ cái lạc hậu trong quá khứ, loại trừ mầm mống của sự tha hóa mới nảy sinh đến đưa ra những giải pháp thiết thực để đảm bảo an sinh xã hội và giúp đất nước đi lên một cách bền vững.
Đó là một hành trình rất dài và sẽ luôn tiếp diễn, nó đòi hỏi sự chung tay góp sức không những của những thế hệ cha ông xưa mà còn là của lớp người trẻ ngày nay và mãi sau này nữa.
Tướng về hưu đã tạo nên làn sóng bàn luận sôi nổi trên văn đàn
Hiếm có nhà văn nào mà ngay từ khi ra mắt với độc giả và giới văn nghệ đã nhận được sự quan tâm lớn như Nguyễn Huy Thiệp. Với Tướng về hưu, ông đã tạo nên đời sống văn học sôi nổi kéo dài cả mấy năm trời và còn nóng bỏng đến tận bây giờ.
Có rất nhiều bài phê bình, đánh giá, bàn luận và phát biểu cảm nghĩ hướng về tác phẩm, từ bao lời khen cho sự độc đáo trong nội dung và cách viết ấn tượng của nhà văn đến những tranh cãi vây quanh giọng văn sắc lạnh khi Nguyễn Huy Thiệp đề cập đến những mặt trái của thời kỳ quá độ.
Dù nhà văn đã phải hứng chịu bao ánh mắt xem xét và thăm dò, đến cuối cùng độc giả cùng giới phê bình đều đồng lòng công nhận tài năng văn chương xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp.
Ngòi bút của ông có thể thẳng thắn vạch trần cái xấu, cái ác bằng một giọng văn dửng dưng và tàn nhẫn nhưng trái tim nhà văn chưa bao giờ thôi đau đớn trước những điều trông thấy. Tác giả của Tướng về hưu đã đi đến tận cùng trong việc phơi bày sự đốn mạt của con người để thức tỉnh lương tâm xã hội.
Từ văn học đến điện ảnh
Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cùng tên được chấp bút bởi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, phim Tướng về hưu là một trong những tác phẩm xuất sắc của điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới.
Dưới sự chỉ đạo diễn xuất tài tình của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi và sự góp mặt của hàng loạt những nghệ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ như NSND Hoàng Cúc hay NSƯT Đoàn Anh Thắng, bộ phim đã phần nào chuyển tải được tinh thần của nguyên tác và thành công mang về Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1990.
Tháng ba năm 2021 giới văn nghệ và các thế hệ độc giả bao năm gắn bó với Nguyễn Huy Thiệp đã trải qua một mất mát lớn trước sự ra đi của nhà văn.
Thế nhưng với những đóng góp to lớn mà ông đã để lại cho nền văn học nước nhà, ta tin chắc rằng tâm hồn và cốt cách Nguyễn Huy Thiệp sẽ mãi kết nối với bạn đọc thông qua các hình tượng nhân vật sống động của mình.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất