Tình mẫu tử thiêng liêng từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác nhiều nghệ sĩ. Với Lý Lan, nó là thứ cảm xúc trong ngần và đẹp đẽ, khẽ ôm ấp từng trang văn để rồi nuôi lớn tâm hồn bà cùng người đọc.
Bằng tất cả sự dịu dàng và tinh tế, Lý Lan cho ra đời tác phẩm Cổng trường mở ra như bản nhật ký mẹ dành cho đứa con bé thơ trước ngày đầu tiên đi học. Ngòi bút bà mộc mạc mà chân thành, chạm khẽ đến tầng sâu nhất trong trái tim người đọc.
Hành trình đến với văn học của Lý Lan và tác phẩm Cổng trường mở ra
Lý Lan sinh năm 1957 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trong một gia đình có mẹ là người Việt, cha gốc Trung Quốc. Sau khi mẹ qua đời, gia đình bà chuyển đến sống ở khu vực Chợ Lớn.
Ngay từ nhỏ, nhà văn đã là một người ham đọc sách cũng như sớm bộc lộ sự đam mê với văn chương. Lý Lan từng theo học ở Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, về sau là bậc cao học Anh Văn tại Đại học Wake Forest (Hoa Kỳ).
Tài năng đối với nghệ thuật sớm đơm hoa kết trái khi truyện ngắn đầu tay của bà mang tên Chàng Nghệ sĩ được độc giả yêu mến và đón nhận.
Tên tuổi Lý Lan dần trở nên quen thuộc hơn khi nữ nhà văn gặt hái nhiều thành tựu cao quý như giải thưởng văn học Thiếu Nhi, giải thưởng thơ của Hội Nhà Văn Việt Nam với tập truyện Ngôi nhà trong cỏ và tập thơ Là mình.
Đến với văn chương một cách tự nhiên nhưng Lý Lan luôn nhận được sự đánh giá cao từ giới phê bình. Bà sáng tác đều đặn với phong cách mộc mạc, chân phương nhưng vẫn rất hiện đại.
“Chị đã làm được cái việc rất khó trong viết lách là “làm mới mình”, làm được một “cuộc cách mạng nho nhỏ với chính mình.” – Nhà văn Phan Thị Vàng Anh nhận xét về nhà văn Lý Lan trong lời giới thiệu truyện ngắn Núi không
Lý Lan dành sự quan tâm sâu sắc đến trẻ em và giáo dục, vì thế không ít sáng tác của bà hướng về mầm non đất nước như Tự truyện một con heo, Ba người và ba con vật, Cổng trường mở ra.
Cổng trường mở ra được chấp bút khi tác giả chứng kiến sự chuẩn bị chỉn chu cùng nỗi lòng của em gái mình trước khi con vào lớp Một. Đối với bà, khoảnh khắc người mẹ dắt tay con đến trường là biểu tượng đẹp đẽ nhất trần gian.
“Đó là một bài văn tôi viết khoảng mười năm trước, lúc cháu tôi sắp vào lớp một. Tôi chứng kiến tất cả sự chuẩn bị và cảm thông nỗi lòng của em tôi. Chị em tôi mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ, các em tôi không hề có niềm hạnh phúc được mẹ cầm tay dẫn đến trường. Hình ảnh đó là nỗi khao khát mà khi làm mẹ em tôi mới thực hiện được. Mãi mãi hình ảnh mẹ đưa con đến trường là biểu tượng đẹp nhất trong xã hội loài người.” – Nhà văn Lý Lan tâm sự về hoàn cảnh ra đời tùy bút Cổng trường mở ra
Được in trên báo Yêu trẻ vào năm 2000, Cổng trường mở ra khiến ai cũng phải thổn thức bởi lối viết nhẹ nhàng mà thâm tình, cảm động trước lời tâm sự của người mẹ khi con sắp bước vào một thế giới mới.
Tâm trạng của hai mẹ con trong đêm trước ngày khai giảng
Bằng tài năng cùng sự quan sát nhạy bén, Lý Lan đã khắc họa một cách sâu sắc, toàn vẹn những mảnh cảm xúc lẫn lộn trong lòng hai mẹ con vào đêm trước ngày đầu tiên đến trường.
Không chỉ có người mang chức trách thiêng liêng là mẹ bồi hồi nôn nao, đứa con bé bỏng giờ đây đã biết lo lắng và mong đợi khoảnh khắc bước vào sân trường, khoác trên mình là bộ đồng phục tinh tươm.
Trăn trở của người mẹ trong bài Cổng trường mở ra
Ngay từ phần mở đầu văn bản, ngòi bút của Lý Lan đã diễn tả sự hồi hộp trong lòng mẹ một cách trực diện. Trong tình huống ấy, hẳn bậc làm mẹ nào cũng sẽ mang tâm trạng như thế, không thể chợp mắt vì mải nghĩ đến ngày mai.
Dù người mẹ đã tự nhủ với lòng phải đi ngủ sớm nhưng cứ trằn trọc mãi, không thể thôi mường tượng về giây phút con chính thức bước ra khỏi sự bảo bọc bao lâu nay. Cô còn suy nghĩ về ngày kia, ngày mà đứa trẻ có thể hiểu nỗi lòng mình.
“Một ngày kia, còn xa lắm, ngày đó con sẽ biết thế nào là không ngủ được.” – Người mẹ nghĩ về một tương lai xa khi con trưởng thành
Lối hành văn giản dị, không sử dụng cấu trúc phức tạp nhưng vẫn truyền tải được sự nâng niu mà người mẹ dành cho con. Đây cũng là sức hút của phong cách văn học Lý Lan, giúp bà có chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả.
Ở Cổng trường mở ra, nhân vật người mẹ còn hiện lên với sự ân cần, tỉ mỉ trong từng hành động. Ngoài việc chuẩn bị chỗ ngủ cho con, cô còn kiên nhẫn sắp xếp các món đồ chơi vào đúng chỗ.
Gánh trên vai trọng trách lớn lao nhưng người mẹ luôn đặt hạnh phúc con cái lên hàng đầu, chỉ bắt đầu làm những việc riêng khi con đã chìm vào giấc ngủ say.
“Mẹ thường nhân lúc con ngủ mà làm vài việc của riêng mình.” – Cổng trường mở ra
Thế nhưng trong đêm trước ngày con vào lớp Một, dù cố gắng thế nào thì người mẹ vẫn không tập trung được vào việc gì. Đó là bởi vì tâm trí cô luôn hướng về con, chỉ muốn mọi thứ diễn ra một cách trọn vẹn nhất.
“Nhưng hôm nay mẹ không tập trung được vào việc gì cả. Mẹ cũng không định làm những việc ấy tối nay. Nhìn con ngủ một lát, rồi mẹ xem đi xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con.” – Lý Lan diễn tả một cách chân thật sự bồi hồi trong lòng mẹ
Bản thân cũng là một người mẹ nên Lý Lan như đặt cả hồn mình vào từng câu chữ, diễn tả thật chính xác những biến chuyển tế vi trong nội tâm. Dẫu tin vào sự chuẩn bị nhưng trong lòng mỗi bậc phụ huynh đều mang nỗi thổn thức, bồi hồi khó yên.
Thế rồi, từ tình thương cùng sự lắng lo cho con, mẹ mơ màng và bâng khuâng nhớ về ngày đầu tiên bà ngoại đưa mình đến trường. Dường như văng vẳng bên tai còn tiếng đọc bài Tôi đi học trầm bổng, âm thanh gắn bó suốt một quãng tuổi thơ.
“Hằng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” – Tôi đi học
Vì ai cũng từng là đứa trẻ bé bỏng, từng nôn nao trước ngày đến trường rồi bắt đầu âu lo khi cổng trường đóng lại. Thế nên, người mẹ cũng muốn ấn tượng đẹp đẽ ấy được nhẹ nhàng khắc ghi vào tâm hồn con.
Bằng sự quan sát tinh tế cùng ngòi bút thấm đẫm chất trữ tình, Lý Lan biến những mảnh cảm xúc trong lòng mẹ thành chùm ánh sáng hy vọng thật đẹp. Khi phần lo lắng qua đi, chỉ còn trọn vẹn niềm tin đặt vào con và ngày mai tươi sáng.
“Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra.” – Cổng trường mở ra
Lời động viên ở đoạn cuối tác phẩm đã nói thay nỗi lòng của mọi đấng sinh thành. Họ mong con cái mình sẽ dũng cảm bước vào một chân trời mới, trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Nỗi lòng bé thơ trong bài Cổng trường mở ra
Trong Cổng trường mở ra, ngoài cảm nhận một cách chân thực từng đợt sóng ngầm trong tim người mẹ, độc giả còn nhìn thấy nỗi lòng của tâm hồn bé thơ khi mong đến ngày được khoác lên mình bộ đồng phục mới.
Hằn sâu trong trang viết là sự yêu mến cũng như nâng niu lứa tuổi thiếu nhi của Lý Lan, bà dùng những từ ngữ xinh đẹp và dịu dàng để miêu tả gương mặt thanh thoát ấy.
“Gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm, đôi môi hé mở và thỉnh thoảng chúm lại như đang mút kẹo.” – Cổng trường mở ra
Không phải ngẫu nhiên mà cách miêu tả nhân vật người con của tác giả lại đạt đến trình độ điêu luyện như thế. Xuyên suốt hành trình cầm bút, Lý Lan đã nhiều lần viết về trẻ thơ, vì thế bà thuần thục cách chọn lựa từ ngữ cùng góc nhìn.
Dưới ngòi bút tác giả, đứa trẻ ấy hiện lên với nội tâm đầy nhạy cảm. Cứ mỗi lần có dịp đi đâu đó chơi là lại bồn chồn, lo sợ thức dậy không kịp giờ và chỉ khi được mẹ dỗ dành thì mới có thể ngủ say.
“Nhưng cũng như trước một chuyến đi xa, trong lòng con không có mối bận tâm nào khác ngoài chuyện ngày mai thức dậy cho kịp giờ.” – Cổng trường mở ra
Với sự bao bọc và thương yêu, con sở hữu rất nhiều mô hình xe cộ hay động vật đồ chơi, chỉ một chi tiết ấy thôi cũng đủ thể hiện tuổi thơ hạnh phúc và đủ đầy của đứa bé.
Dường như sự dịu dàng của mẹ đã giúp con trưởng thành hơn rất nhiều, nét nghịch ngợm thường ngày giờ đây được thay thế bởi dáng vẻ trưởng thành, hăng hái và có trách nhiệm.
“Mẹ nói: ‘Ngày mai đi học, con là cậu học sinh lớp Một rồi’. Nghe vậy con hăng hái tranh với mẹ dọn dẹp đồ chơi.” – Cổng trường mở ra
Tuy tác giả Lý Lan không miêu tả quá nhiều về nhân vật người con nhưng độc giả vẫn có thể cảm nhận được những thay đổi trong nhận thức và hành động. Bất kỳ tâm hồn bé thơ nào cũng sẽ xao động trước một ngày mang ý nghĩa to lớn.
Cổng trường mở ra và tầm quan trọng của giáo dục
Cổng trường mở ra không chỉ khắc họa tình thương yêu vô bờ bến người mẹ dành cho con mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhà trường đối với quá trình phát triển ở trẻ.
Để rồi, người mẹ ấy lại nhớ đến câu chuyện về giáo dục ở Nhật khi họ xem đây là “ngày lễ của toàn xã hội”. Tài năng của nhà văn lúc này bộc lộ rất rõ khi cách thay đổi mạch văn bản vừa hợp lý lại mượt mà, tinh tế.
“Người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con đến trường, đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức nhà nước vào buổi sáng ngày khai trường đều chia nhau đến dự lễ khai giảng ở khắp các trường học lớn nhỏ.” – Lý Lan khẳng định tầm quan trọng của giáo dục tại Nhật Bản
Bởi vì ý thức được tầm quan trọng của ngày bắt đầu năm học, người dân Nhật Bản luôn cố gắng bên cạnh cũng như động viên con. Không có gì quan trọng hơn giáo dục, nó là công cụ để trẻ thơ khám phá thế giới và tìm được lý tưởng sống đích thực.
Nghĩ đến câu chuyện ở nước Nhật xa xôi, Lý Lan lại mượn lời nhân vật người mẹ để bộc lộ trăn trở trong mình. Giáo dục ảnh hưởng rất to lớn đến sự phát triển của con, vì thế chỉ một sai lầm nhỏ cũng sẽ khiến cả một thế hệ “đi chệch đường ray”.
“Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này.”
Để trẻ thơ phát triển và lớn khôn, chỉ tình yêu thương và sự che chở của bố mẹ thôi là chưa đủ. Chúng cần phải tiếp thu, kế thừa và phát triển những tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua môi trường giáo dục ở nhà trường.
Những nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm
Tình yêu trẻ thơ song hành cùng tài năng văn học đã đưa Cổng trường mở ra đi khắp mọi miền đất nước và lay động nhiều trái tim. Không chỉ thấu hiểu bức thông điệp mà Lý Lan gửi gắm, người đọc còn ấn tượng bởi bàn tay tài hoa với những thủ pháp nghệ thuật độc đáo.
Xuyên suốt tác phẩm, tác giả không dùng nhiều từ ngữ hay cấu trúc phức tạp. Thay vào đó, câu văn viết ra thấm đẫm sự chân thành, dung dị toát ra từ tình yêu và nỗi lo lắng cho con.
Vận dụng hình thức độc thoại nội tâm, Lý Lan đã rất thành công khi khắc họa nổi bật bức chân dung tâm trạng nhân vật người mẹ với từng cung bậc cảm xúc khác nhau, từ đó khơi dậy ở độc giả sự đồng cảm sâu sắc.
Trang sách khép lại nhưng dư âm mà nó mang lại vẫn mãi vang vọng, bồi đắp cho tâm hồn người đọc sự dịu dàng đến từ tình yêu thương con cùng ý nghĩa to lớn của môi trường giáo dục.
Khi cổng trường mở ra, cũng là lúc con bước chân vào một thế giới kỳ diệu đầy màu sắc. Vì thế, hãy dũng cảm và tự tin tiến về phía trước, khám phá tận cùng chân trời xa xôi ngoài kia.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất