Mùa xuân từ lâu đã đi vào văn thơ đất Việt, trở thành nguồn cảm hứng dào dạt nuôi dưỡng sáng tác của nhiều người nghệ sĩ yêu mến thiên nhiên. Nó đánh dấu một sự khởi đầu mới, mở ra bao hy vọng và nguyện ước tốt đẹp cho con người.
Về chủ đề này, không thể không nhắc đến tên tuổi của nhà văn Vũ Bằng với văn bản Mùa xuân của tôi. Tác phẩm đã tái hiện khung cảnh mùa xuân Hà Nội với những nét đặc trưng riêng biệt, đồng thời bộc lộ nỗi nhớ cùng tình yêu quê hương sâu sắc.
Bóng hình đất nước trong trang văn Vũ Bằng và Mùa xuân của tôi
Vũ Bằng có tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 trong một gia đình mang truyền thống Nho học ở tỉnh Hải Dương. Tuy vậy, hầu hết trang văn của ông đều thấp thoáng bóng hình Hà Nội vì mảnh đất này đã gắn bó từ thời tấm bé.
Sinh ra trong gia đình gia giáo, tiếp xúc sách báo từ nhỏ nên sự nhiệt huyết đối với văn chương của Vũ Bằng đã sớm nảy nở. Năm mười sáu, ông có tập truyện đầu tiên được đăng báo, sau đó dấn thân vào nghề viết bằng tất cả lòng say mê.
Không chỉ được biết đến như một nhà văn, Vũ Bằng còn tham gia viết báo với cương vị thư ký tòa sạn Trung Bắc Chủ Nhật. Sở trường của văn sĩ là ở thể loại truyện ngắn, tùy bút và kí.
Tuy được tiếp cận nền giáo dục hiện đại nhưng ngòi bút Vũ Bằng vẫn hướng về bản sắc văn hóa dân tộc với những nét đặc trưng phong tục, tập quán vùng miền. Vì thế, văn chương ông luôn mang một dư vị man mác, dịu nhẹ khiến độc giả say đắm.
“Văn hồi ký của ông là loại trữ tình, giàu chất thơ, hướng vào biểu hiện nội tâm, hướng về phong cảnh thiên nhiên bốn mùa xứ sở. Các câu văn tràn đầy cảm xúc, cảm giác tinh tế.” – Nhà văn Triệu Xuân nhận xét về phong cách văn học của Vũ Bằng
Câu văn Vũ Bằng viết ra tuy dung dị nhưng vẫn sâu sắc, khơi dậy được hình bóng quê hương. Một số tác phẩm tiêu biểu cho lối sáng tác này là Miếng ngon Hà Nội, Miếng lạ miền Nam, Thương nhớ mười hai hay Hà Nội trong cơn lốc.
Trong đó, tập tùy bút Thương nhớ mười hai gây được nhiều tiếng vang lớn, mang tên tuổi Vũ Bằng đi xa. Đứa con tinh thần này tái hiện một cách chân thực những cảnh vật, ẩm thực, phong tục tập quán ở thủ đô thân yêu.
Văn bản Mùa xuân của tôi được trích từ chương Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt của thiên tùy bút trên. Không chỉ khắc họa bức tranh thiên nhiên Hà Nội, nó còn thể hiện nỗi nhớ nhung quê nhà da diết trong trái tim nhà văn.
Mùa xuân của tôi và hoàn cảnh ra đời đặc biệt
Thưởng thức trang văn của Vũ Bằng, độc giả dường như đang men theo con chữ để hòa mình vào không khí mùa xuân ở thủ đô mến thương. Văn sĩ tựa người họa sĩ tài hoa, miêu tả chân thực đến từng đường nét và màu sắc.
Vì thế, nhiều người cho rằng Vũ Bằng đã thai nghén nên tác phẩm dựa trên sự quan sát kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Chỉ có vậy, nhà văn mới gợi dậy được cái hồn của đất trời cùng thiên nhiên.
Thế nhưng, sự thật hoàn toàn khác xa khi văn sĩ đã dệt nên bức họa mùa xuân Hà Nội trong nỗi cô đơn và nhung nhớ đến kiệt quệ. Lúc này, nước nhà đang bị chia cắt, ông phải sống một mình ở vùng kiểm soát của Mỹ.
Tuy xa cách quê hương nhưng tâm hồn tác giả luôn hướng về mảnh đất gắn bó suốt tuổi ấu thơ. Trong giây phút cảm hứng trào dâng, Vũ Bằng đã chấp bút tác phẩm để thỏa lòng nhớ thương, gửi gắm hy vọng ngày hòa bình lập lại.
Thứ cảm xúc trong trẻo của con người đối với mùa xuân
Trong tiềm thức của người dân đất Việt cũng như các nước Á Đông, mùa xuân luôn mang điều gì đó thiêng liêng và đẹp đẽ. Nó là thời điểm bắt đầu một hành trình mới, chứa chan niềm tin về tương lai tốt đẹp.
Bất cứ ai cũng yêu mến, mong đợi đến ngày nàng tiên mùa Xuân ghé sang, mang theo cả bầu không khí dịu nhẹ và ấm áp. Vũ Bằng đã khẳng định sức hấp dẫn khó lòng khước từ này bằng loạt động từ “ai cấm được”.
“Ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.” – Mùa xuân của tôi
Mượn các quy luật mang tính hiển nhiên, văn sĩ đã nhấn mạnh lòng say mê của con người đối với mùa trăm hoa đua nở. Khác với mưa đông rét mướt hay tiết trời oi bức những ngày hạ, mùa xuân tựa như nàng thiếu nữ, dịu dàng và chan hòa.
Cảnh sắc mùa xuân đậm chất thủ đô trong tác phẩm
Nếu như ở đầu văn bản, tác giả mượn nỗi lòng chung của mọi người để thể hiện sự chào đón, mong ngóng đến mùa xuân thì giờ đây, Vũ Bằng bộc lộ trực tiếp tấm lòng thiết tha đối với mùa vạn vật sinh sôi.
Văn sĩ si mê mùa xuân bởi nó in đậm những nét đặc trưng của phố phường Hà Nội mà tác giả không thể tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác. Đó là cơn mưa phùn, làn gió lạnh cùng tiếng chim, trống chèo vọng về khắp vùng.
Không chỉ thể, mỗi dịp Tết đến xuân về, tác giả còn nghe được giọng ca ngọt ngào và truyền cảm của các cô thiếu nữ tuổi đôi mươi. Đó là khúc ca đón chào mùa xuân, mở màn cho một năm yên bình với hy vọng thống nhất đất nước.
Tài năng nghệ thuật cùng những trải nghiệm sống phong phú đã giúp Vũ Bằng lột tả sức sống căng tràn mà mùa xuân đem lại bằng một chi tiết vô cùng thú vị. Ông ví đất trời như men say, khiến người yêu cảnh đắm đuối dù chẳng đụng tới hơi rượu.
“Người yêu cảnh, vào những lúc trời đất mang mang như vậy, khoác một cái áo lông, ngậm một ống điếu mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống.” – Mùa xuân của tôi
Trong trang văn Vũ Bằng, sức sống của mùa xuân vô cùng mãnh liệt, nó khiến con người phải đứng lên nhảy nhót, quên đi hết bao phiền muộn thường ngày. Tác giả đã vận dụng một cách khéo léo nghệ thuật so sánh, lấy cái hữu hình tả cái vô hình.
“Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được.” – Mùa xuân của tôi
Mùa xuân mang đến bao tia nắng ấm áp, hương hoa thơm ngào ngạt cùng bầu trời quang đãng đầy tiếng chim ca. Dường như đứng trước khung cảnh tươi đẹp ấy, con người được trở về tuổi xuân rực rỡ, lấy lại sự trẻ trung phơi phới.
Nàng tiên mùa xuân còn gieo rắc vào tâm hồn mỗi người một ngọn lửa khát khao yêu thương. Dù hoàn cảnh sống có khắc nghiệt và tàn nhẫn như thế nào thì cũng không thể xóa nhòa đi ước muốn tốt đẹp ấy.
Không chỉ con người, muông thú xung quanh cũng có các biến chuyển khi mùa xuân ghé chơi. Những con vật trước đây cuộn tròn tránh gió đông giờ đây bò ra khỏi hang để kiếm ăn, phơi mình dưới cái nắng ấm áp.
Thế nhưng, khung cảnh sắc xuân xứ Bắc sẽ chẳng thể nào trọn vẹn nếu thiếu đi bầu không khí đoàn tụ gia đình êm đềm với hương nhang trầm, ánh đèn nến quen thuộc. Sự uy nghiêm của bàn thờ tổ tiên cũng làm cái mùa đầu tiên này trở nên thiêng liêng lạ lùng.
Có lẽ, đây chính là điều mà văn sỹ nhớ nhất khi phải rời xa mảnh đất từng chứng kiến bao mùa xuân của gia đình. Ông quyến luyến hương thơm nhang trầm khó quên cùng mâm cỗ đầy thịnh soạn.
Mùa xuân của tôi và cảnh sắc thiên nhiên sau rằm tháng Giêng
Mùa xuân mang sắc màu tươi mới và căng tràn sức sống nhưng với Vũ Bằng, thời điểm đẹp đẽ nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng. Lúc này Tết vừa đi qua tuy nhiên dư vị vẫn còn ở lại, khiến lòng người cũng luyến lưu.
Quan điểm này của nhà văn có phần khác biệt so với phần đông mọi người. Sở dĩ như vậy là vì ông bà ta vẫn thường cho rằng ba ngày Tết, bảy ngày xuân mới là khoảng thời gian hoàn hảo nhất.
Tuy nhiên, văn sĩ bằng những lời lẽ sắc sảo cùng lập luận chặt chẽ đã mang lại cho độc giả góc nhìn mới về mùa xuân. Sau rằm tháng Giêng, đất trời dường như khoác lên một diện mạo đẹp đến nao lòng với hương thơm thoang thoảng của hoa đào, cỏ cây.
Cũng ở thời điểm này, trạng thái ẩm ướt của thời tiết đã không còn, thay vào đó là những giọt mưa xuân long lanh đọng trên chiếc lá cây mơn mởn. Bầu trời dường như trong xanh hơn, đám mây đen giờ diện cho mình sắc áo trắng tinh khôi.
Ngòi bút người nghệ sĩ sắc son với quê hương vừa giàu sức gợi hình lại thấm đẫm chất thơ. Ông ví thứ ánh sáng màu hồng của Mặt Trời như cánh ve mới lột, một liên tưởng độc đáo nhưng cũng rất thi vị.
“Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.” – Mùa xuân của tôi
Thế rồi Vũ Bằng hướng tầm nhìn ra xa hơn, chú ý đến nhịp sống của mọi người sau Tết. Lúc này không còn bắt gặp hình ảnh thịt mỡ dưa hành mà thay vào đó là những bữa cơm giản dị với cà om hay canh trứng.
Bên cạnh khắc họa cảnh sắc quê hương, nhà văn còn là bậc thầy trong việc miêu tả nền ẩm thực Việt Nam với đầy đủ các món ngon, từ dân dã đến cầu kỳ. Tài năng ấy đã được tác giả bộc lộ ở Mùa xuân của tôi với một loạt món ăn quê nhà.
“Người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng.” – Mùa xuân của tôi
Viết về miếng ăn, ngòi bút Vũ Bằng vẫn giữ được chất thơ vốn có, khơi dậy hồn cốt quê hương ẩn giấu trong ẩm thực. Ông am hiểu tường tận nề nếp ăn uống của nhân dân, cả cách chế biến hệt như người đầu bếp thực thụ.
Khi nàng tiên Xuân đi xa và trả lại nhịp sống bình thường, cánh diều treo phấp phới cùng các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc theo. Mọi người trở về guồng quay thường nhật, bận bịu để chuẩn bị tươm tất cho một mùa xuân tiếp theo.
Mùa xuân tuy chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng cũng đủ sưởi ấm và làm tan chảy bao trái tim giá lạnh. Nó mang đến cho mỗi người sự hy vọng về ngày đất nước thống nhất, niềm hạnh phúc ngập tràn muôn nơi.
Mùa xuân của tôi là áng văn đầy thi vị
Tuy ra đời trong hoàn cảnh đầy nước chia cắt nhưng lời văn Vũ Bằng viết ra không nhuốm sắc màu ảm đạm mà ngược lại, vẫn ngập tràn chất thơ chảy từ cuộc đời. Người nghệ sĩ ấy luôn làm chủ được ngòi bút cùng xúc cảm lòng mình.
Cái thi vị trong Mùa xuân của tôi, trước hết ở cách khai thác đề tài của tác giả. Ông say mê và hướng ngòi bút vào thiên nhiên, nhìn thấy vẻ đẹp đậm nét phong tục tập quán vĩnh viễn không thể xóa mờ dù là hoàn cảnh nào.
Nhà văn còn kiếm tìm cái thi vị đó ở sự hiện diện của mọi vật xung quanh, từ sông xanh, núi tím cho đến tiếng nhạn kêu giữa đêm trăng huyền ảo. Với ông, mỗi sự vật đều có nét đẹp riêng và người nghệ sĩ phải bóc tách từng lớp vỏ, mang nó lên trang giấy.
Sở hữu tài năng thiên bẩm cùng vốn ngôn từ phong phú, Vũ Bằng đã khoác cho áng văn của mình một lớp ngôn ngữ êm ái, mượt mà hệt như dải lụa và khiến bao trái tim thổn thức. Câu văn viết vừa giàu nhịp điệu lại bay bổng, trữ tình.
Tấm lòng sắc son đối với quê hương của tác giả
Văn chương Vũ Bằng là thứ văn được chưng cất từ tình yêu đối với đất nước. Hình ảnh quê nhà luôn thấp thoáng trong hàng loạt sáng tác của ông mà Mùa xuân của tôi cũng không phải ngoại lệ.
Hằn sâu trong lời văn miêu tả khung cảnh mùa xuân Hà Nội là nỗi nhung nhớ quê nhà da diết. Chưa phút giây nào nhà văn thôi nghĩ về đoạn ký ức ở đất Hà thành, những tháng ngày quây quần bên gia đình chẳng chút lo âu.
Dù sống trong cảnh chia xa, giọng điệu của tác giả vẫn tràn ngập sự lạc quan cũng như tin tưởng vào ngày được đoàn tụ với xứ Bắc thương yêu. Chính vì vậy mà khi thưởng thức áng văn Mùa xuân của tôi, độc giả không hề bắt gặp chút lo lắng hay sợ hãi nào.
Đây cũng chính là cái phách điệu luyến thương níu hồn người đọc của văn chương Vũ Bằng. Ông biến tình yêu quê nhà thành cảm hứng và nỗi nhung nhớ đến đau đớn kia thành gia vị.
Bàn tay tài hoa của Vũ Bằng trong Mùa xuân của tôi
Đoạn trích Mùa xuân của tôi cũng như tùy bút Thương nhớ mười hai để lại dấu ấn sâu sắc không chỉ vì bức tranh mùa xuân cùng tâm hồn trong sáng của tác giả mà còn bởi bàn tay tài hoa với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc.
Khi sử dụng ngôi kể thứ nhất, Vũ Bằng đã bộc bạch một cách tinh tế niềm yêu mến của mình với mùa xuân Hà Nội nói riêng cũng như thiên nhiên đất nước nói chung. Mạch cảm xúc cũng vì thế mà trở nên tự nhiên, chân thực.
Không chỉ vậy, văn sĩ còn vô cùng chắt lọc và trau chuốt ngôn ngữ để chọn ra từ ngữ đẹp đẽ nhất, mang đến cho độc giả những ấn tượng mạnh mẽ về bức tranh mùa xuân tươi sáng, căng tràn sức sống.
Vũ Bằng còn vận dụng biện pháp nghệ thuật liên tưởng, khiến khung cảnh xuân kia như hiện ra vằng vặc trước mắt người đọc. Điều này là thành quả sau nhiều năm nỗ lực đổi mới hình thức, cách tân văn xuôi truyền thống của nhà văn.
Giữa bầu không khí ảm đạm và đau đáu nỗi bi thương do nước nhà bị chia cắt, áng văn mềm mại, mượt mà ấy đã xoa dịu tâm hồn con người. Rồi một mùa xuân nữa sẽ lại đến, hòa cùng niềm vui vào ngày đất nước yên bình.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất